• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Rau xanh tăng giá

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng, 20/12/2016
Ngày cập nhật: 21/12/2016

Mưa lũ xảy ra trên diện rộng ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam khiến giá cả nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là rau xanh, tăng gấp 5-10 lần bình thường.

Nguồn rau, củ về các chợ không dồi dào như trước.

Đắt gấp 10 lần cũng không có bán

Hằng ngày, thị trường Đà Nẵng phải nhập 80-90% rau, củ, quả các loại từ hai miền Nam - Bắc và Trung Quốc. Do đó, trước mỗi lần biến động về tình hình thiên tai, thời tiết ở các nơi, giá cả các mặt hàng này ở Đà Nẵng đều tăng nhanh chóng.

Khảo sát tại chợ Đầu mối Hòa Cường, chúng tôi thấy hầu hết các mặt hàng rau, củ đều tăng giá; có loại giá tăng gấp 2-3 lần, có loại tăng 5-7 lần. Nếu trong tháng 11-2016, giá một số rau, củ đã tăng khoảng 15-25% so với tháng 10-2016 như ớt đỏ trái 40.000 đồng/kg; cà chua 25.000 - 28.000 đồng/kg; khổ qua 27.000 - 30.000 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt 25.000 đồng/kg; khoai tây 17.000 đồng/kg; rau cải cay, rau muống, rau mồng tơi giá 7.000 đồng/kg thì đến giữa tháng 12 này, những mặt hàng tương tự tăng lên vùn vụt.

Bà Lê, người buôn chợ đầu mối cho biết: “Những ngày qua, tôi phải trực tiếp đi Gia Lai, Lâm Đồng để giành với tiểu thương các tỉnh khác mới có hàng về bán. Thời gian đi tàu, xe gấp gáp nên đâu có kịp lựa loại 1, loại 2, hàng bị ngập nước ở vựa, rau củ về tới Đà Nẵng đã thối rữa phải lọc lại nên trọng lượng mất một nửa, sao không đắt được”.

Từ chợ đầu mối về các chợ bán lẻ giá rau cải cay tăng lên 15.000 đồng/bó, rau muống 10.000 đồng/bó, mồng tơi 15.000 đồng/bó, dưa leo 25.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 30.000 đồng/kg, đậu cô ve 25.000 đồng/kg, rau ngót 15.000 đồng/bó, rau lang 10.000 đồng/bó.

Cá biệt, một số loại rau, trái gia vị như rau răm 150.000 đồng/kg (bình thường chỉ 15.000 đồng/kg, tăng gấp 10 lần), ớt đỏ nhỏ 130.000 đồng/kg, khổ qua 40.000 đồng/kg, rau quế 60.000 đồng/kg, rau húng 100.000 đồng/kg, xà lách cuộn 5.000 đồng/búp... Đã thế, chất lượng thấp vì dập nát, vàng úa.

Chị Bùi Thị Mua, tiểu thương chợ công nhân, sinh viên tại khu công nghiệp Hòa Khánh bày tỏ: “Hàng mắc lắm mà cũng không có nhiều để mua, chứ đừng nói lựa tới lựa lui. Thiệt không ai ngờ mấy bữa rau răm giá rẻ như cho, chừ tăng gấp 10 lần cũng không có mà bán. Ớt, chanh, hành, ngò, ngổ điếc bình thường chỉ tặng kèm khách mua cá, thịt, trứng, giờ bị hư hết, không cho thêm mà bán 5.000 đồng cũng chỉ vài cọng...”.

Nguồn rau địa phương Hòa Vang, Hội An mất trắng. Rau, củ các vùng trong nước về Đà Nẵng cũng giảm khoảng 40-50%, các chợ phải tăng cường thêm hàng của Trung Quốc vốn không được ưa chuộng, nhưng sức tiêu thụ gần đây tăng rõ rệt. So với giá rau, củ trong nước, hàng Trung Quốc thấp hơn 5.000 - 10.000 đồng/mỗi loại, chủ yếu là bí đao, bí đỏ, khoai tây, cà rốt, bắp su...

Thực đơn thiếu bóng rau xanh

Tại chợ Hòa Khánh, thấy khách ngắm nghía bó rau ngót nhỏ xíu, ngắn củn bám đầy bùn đất, giá 12.000 đồng, chị bán rau có vẻ bất cần: “Chê hả, xí nữa quay lại không có mà mua mô. Mưa lũ kiểu ni, có rau mà ăn là tốt lắm rồi chứ đừng có mà chê đắt rẻ”. Là công chức Nhà nước nên chị Hồng (quận Liên Chiểu) đến 11 giờ trưa tan tầm mới ghé chợ mua thực phẩm.

Chị Hồng than phiền: “Trước đây, gia đình tôi chỉ ăn một số loại rau như rau muống, rau ngót, mồng tơi, nhưng hiện tại đi chợ trễ là hết rau ngon. Giờ đành phải có gì mua nấy dù các con không thích bắp cải, bí đỏ hay củ dền, củ cải. Đã vậy, bình thường chỉ 10.000 - 15.000 đồng là đủ hai bữa rau, nay phải 20.000 - 30.000 đồng mới đủ bữa cơm rau kha khá”.

Tại một số siêu thị như Co.opmart, BigC, số lượng rau trên quầy, kệ ít và không đa dạng như ở chợ. Hình thức rau không đẹp, dù được đóng gói trong các túi nylon cẩn thận nhưng vẫn không che được vẻ bầm dập, cằn cỗi...; giá có loại còn cao hơn chợ như diếp cá, tần ô, rau thơm...

Trong khi đó, dịch vụ quán cơm bình dân quanh các trường đại học, cao đẳng, những món rau luộc, xào không có trong suất ăn. Chúng tôi ghé ăn trưa ở quán cơm trên đường Ngô Sĩ Liên, sát Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), chị Quỳnh chủ quán giải thích về suất cơm không có rau: “Chừ rau mắc còn hơn cá đồng, thịt heo. Mấy bữa tiền rau chỉ chiếm 10% tổng giá trị món ăn, còn chừ giá rau mất 50% tiền đi chợ rồi, bán răng lời được. Thôi ráng ít bữa rau nhiều ăn bù nghe!”.

Trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố cũng chung cảnh ngộ thiếu rau. Anh Nguyễn Văn Thanh, đầu bếp một nhà hàng ở quận Sơn Trà than thở: “Thực đơn của nhà hàng mấy bữa rất đa dạng với khoảng 20 món rau xanh để chiên, xào, luộc, nhưng gần đây nguồn rau tươi không nhiều nên quản lý đã cho điều chỉnh giảm lại một nửa.

Khách ăn quen ở đây thích rau của nhà hàng chế biến, nhưng nhà bếp phải xin lỗi vì lý do thời tiết”. Trước tình hình đó, để giữ chân thực khách, không ít quán phải tìm đến các công ty chuyên cung cấp rau sạch VietGAP từ các nơi để ổn định nguồn thực phẩm chế biến.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng:

"Giá thực phẩm, rau xanh gần đây tăng cao do sự biến động chung của cung - cầu thị trường chứ không phải do tiểu thương găm hàng đẩy giá. Tuy nhiên, phía Sở Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tại các chợ để xử lý việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, tránh tình trạng “tát nước theo mưa” sau khi hết mưa, lũ. Đồng thời, sở cũng tạo mọi điều kiện để hàng hóa lưu thông về các chợ nhanh hơn.

Thông thường sẽ phải mất 15 ngày sau thị trường rau xanh mới phần nào ổn định lại giá. Hiện nay, sở thường xuyên giữ mối liên hệ với các vùng rau cung cấp cho thị trường Đà Nẵng như Đà Lạt, các tỉnh phía nam, các nhà cung cấp cam kết đưa thực phẩm an toàn về thành phố trong thời gian tới"

DUYÊN ANH

Các tin mới:

31/12/2016
31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
30/12/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245 246

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang