• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Không chỉ là thú chơi tao nhã

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 30/09/2016
Ngày cập nhật: 1/10/2016

Những năm gần đây, sinh vật cảnh (SVC) đã trở thành thú chơi tao nhã của người dân Thái Bình. Công việc này không chỉ giúp cho nhiều người có điều kiện phát triển kinh tế gia đình mà còn thỏa mãn niềm đam mê, được thư giãn trong cuộc sống và được sống gần hơn với thiên nhiên.

Mô hình trồng đào ở xã Minh Tân (Đông Hưng).

Thú chơi tao nhã

Trước đây, SVC chỉ là thú chơi tao nhã, niềm đam mê của số ít người có điều kiện kinh tế, giới văn nghệ sĩ hay của những trí thức về hưu. Nhưng mấy năm trở lại đây, khi kinh tế phát triển, thú chơi này đã được nhân rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Anh Nguyễn Huy Trưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội SVC tỉnh, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật SVC tỉnh chia sẻ: Từ bao đời nay, SVC luôn cuốn hút con người bởi nó không chỉ làm đẹp cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái mà còn giáo dục cốt cách gia phong, tạo sức sống mãnh liệt để con người vượt lên mọi khó khăn thử thách, đem lại niềm vui, hạnh phúc, bồi đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, hướng con người đến giá trị "chân - thiện - mỹ". Với những ai đam mê SVC thì đây thú chơi dân dã, đầy những trải nghiệm hứng thú và ngày càng có nhiều nấc thang nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải kỳ công chinh phục. Không phải cứ bỏ ra bạc triệu đi sắm một cái cây, một con cá đẹp thì đã trở thành người sành chơi SVC, mà phải bỏ công, thậm chí bỏ ăn, bỏ ngủ để chăm bẵm và thương yêu chúng như con cái, thì mới đúng là "dân chơi" thực thụ. Ông Bùi Minh Thiện, khu 2, thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) cho rằng: Người chơi SVC phải có niềm đam mê, óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, sự kiên nhẫn, nhiệt tình, tâm huyết cộng với tấm lòng nhân ái. Hơn 20 năm qua, tôi đã đắm mình và thỏa trí sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật theo ý muốn. Thú chơi này đã giúp tôi thêm yêu đời, yêu cuộc sống hơn.

Trong các loại hình SVC ở Thái Bình hiện nay, nghệ thuật trồng cây cảnh Bonsai được nhiều người ưa chuộng nhất. Những tác phẩm Bonsai chính là hình ảnh thu nhỏ của những cây đại thụ nghìn năm tuổi nhưng vẫn đầy sức sống trường sinh. Chậu cảnh loại này thường có các dáng phổ biến như: thế long, hoành, huyền, phu thê, song thụ, huynh đệ, ngũ phúc, tam đa… Bên cạnh thú chơi những loại cây cảnh trung thế và đại thế, hiện nay nhiều người tìm chơi các loại cây cảnh mini bởi nó phù hợp với thu nhập của nhiều người dân và không gian sống của mỗi hộ gia đình trước tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay. Ở đô thị, nhiều gia đình cho dù nhà cửa chật chội nhưng vẫn dành một khoảnh sân nhỏ để đặt chậu cảnh, một góc hành lang ban công trồng hoa, dây leo đã tạo cảm giác thư thái khi có màu xanh ở xung quanh. Rõ ràng, thú chơi SVC đã trở thành niềm cảm hứng vô tận cho những người yêu thích thiên nhiên với những nét thẩm mỹ của những tác phẩm làm xiêu hồn người. Anh Bùi Minh Thanh, tổ 17, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Chỉ với 15m2 trên mái nhà tôi đã tạo được không gian riêng cho mình. Đi đến đâu, tôi cũng sưu tầm cây cảnh và giờ đã có trong tay một bộ sưu tập với hàng chục loại cây, đủ các dáng thế khác nhau. Tôi đã đem cây đi dự nhiều cuộc triển lãm, giao lưu, festival và vinh dự đạt hai huy chương bạc, một huy chương đồng và một giải khuyến khích. Chung sở thích giống như anh Thanh, ông Lại Quang Miên, Chánh Văn phòng Hội SVC tỉnh chia sẻ: Nếu có một vườn cây, bể cá ngay trong căn nhà của mình thì không gì tuyệt vời hơn, không chỉ giúp điều hòa không khí, tạo môi trường trong lành mà còn giúp con người quên đi mọi mệt nhọc, buồn phiền, được nghỉ ngơi, thư giãn sau mỗi ngày lao động. Tôi có thể bỏ cả tiếng đồng hồ để trồng cây, ngắm cá, rồi cũng hồi hộp, đợi chờ cây ra lộc, ra hoa.

Góp phần làm giàu, xây dựng nông thôn mới

Ở tỉnh ta, SVC không chỉ là thú chơi tao nhã mà còn góp phần phát triển kinh tế gia đình, xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng nông thôn mới. Nhiều đời nay, các thế hệ người dân xã Bách Thuận (Vũ Thư) đã gắn bó với SVC như một định mệnh. Nghề làm SVC nơi đây không chỉ là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương mà còn tạo ra một vùng kinh tế sinh thái giàu tiềm năng với đủ các loại cây: sanh, lộc vừng, tùng, trắc bách diệp, ngâu, tường vi, mắt ngọc, vạn tuế, hoa lan, hoa cúc, thược dược, lá cây màu… Điều đặc biệt là SVC ở Bách Thuận đã kết hợp hài hòa giữa yếu tố nghệ thuật truyền thống với hiện đại nên đã đáp ứng đa dạng thị hiếu của người tiêu dùng. Đến nay, cây cảnh và cây bóng mát của các nhà vườn nơi đây đã làm đẹp cảnh quan cho gần 100 xã trong và ngoài tỉnh, tôn tạo cảnh quan cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, các công trình giao thông… ở khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Hàng trăm gia đình có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng nhờ làm SVC. Đồng chí Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết: SVC đã góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chỉ riêng xây dựng 31km đường làng, ngõ xóm và 4 trường học, nhân dân không có một sào cấy lúa, nếu không làm SVC thì chúng tôi lấy đâu tiền đối ứng để xây dựng nông thôn mới.

Cũng giống như Bách Thuận, những năm qua nhiều người dân xã Minh Tân (Đông Hưng) cũng giàu lên nhờ làm SVC. Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch Hội SVC huyện Đông Hưng, Chủ tịch Hội SVC xã Minh Tân cho biết: Trong những lúc khó khăn nhất của nghề SVC, Hội đã hướng dẫn cán bộ, hội viên phát triển kinh tế SVC theo hướng vừa phải tạo dựng, duy trì những tác phẩm mang giá trị truyền thống vừa phải bám sát nhu cầu của đời sống dân sinh. Người làm SVC nơi đây đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra những tác phẩm đa dạng về kiểu dáng, chất liệu, phù hợp với phong cách, lối chơi của các vùng miền để tạo ra nhiều tác phẩm lạ, đẹp đưa ra thị trường. Hiện các loại cây cảnh như đào, quất, hoa, sản phẩm từ cây phát lộc của địa phương cung ứng đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, được khách hàng rất ưa chuộng. Nhiều gia đình ở Minh Tân cũng giàu lên nhờ trồng hoa và cây cảnh. Ông Nguyễn Đăng Khoát, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân (Đông Hưng) cho biết: Mỗi người làm SVC có một niềm đam mê, hướng đi khác nhau nhưng đều có một điểm chung là được làm đẹp cho đời. Gia đình tôi hiện trồng hơn 100 gốc đào, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi 120 triệu đồng.

Cũng trồng đào như ông Khoát nhưng nhiều năm nay ông Vũ Ngọc Cảnh ở tổ 31, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) lại đưa nghệ thuật Bonsai vào để trồng đào thế cho giá trị kinh tế cao hơn, tạo cảnh quan môi trường sinh thái trong lành trong gia đình và khu dân cư. Ông chia sẻ: Để có được những cây đào thế đúng như lời cổ nhân "nghề chơi cũng lắm công phu" đòi hỏi người tạo ra cây phải có cả khối óc và bàn tay đáp ứng yêu cầu về tạo hình nghệ thuật và thỏa mãn nhu cầu tồn tại của cây. Hàng năm, tôi cẩn thận lựa chọn từng gốc đào rừng mang về ghép mắt bảo đảm đúng kỹ thuật, chăm sóc, điều chỉnh thời gian để hoa đào nở vào đúng dịp tết. Với 140 gốc đào, mỗi năm đã mang lại nguồn thu cho gia đình 150 - 200 triệu đồng và quan trọng hơn là mình được góp một phần để làm đẹp cho đời, mang không khí ngày xuân đến với mọi người.

Có thể nhận thấy, SVC và hoạt động phong trào của Hội SVC tỉnh Thái Bình thời gian qua đã và đang tạo sức hấp dẫn đến nhiều đối tượng trong xã hội và có sức lan tỏa nhanh, rộng khắp, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và gắn kết, tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư.

Mạnh Hùng

Các tin mới:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
24/12/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang