• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lan rừng núi Cấm

Nguồn tin: Báo An Giang, 23/09/2016
Ngày cập nhật: 27/9/2016

Với lợi thế độ cao 710m (so với mặt nước biển), núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) không chỉ hội đủ các yếu tố về thời tiết và khí hậu vùng Bảy Núi, mà nơi đây còn có 25 loài thực vật ký sinh và phụ sinh (chiếm 3% số loài hiện có) trong rừng tự nhiên, cư dân gọi nôm na là lan rừng.

Phát hiện trong dân gian

So với núi Cô Tô, núi Dài lớn và núi Dài nhỏ, núi Cấm có rất đa dạng loài dược liệu và thông thường gắn với lan rừng. Ông Đinh Văn Tươi (vồ Thiên Tuế) cho hay, hồi mới lên đây định cư, người đi rừng phát hiện nhiều loài lan và thấy ngộ quá mới đem về trồng chơi, khi trổ bông có mùi thơm phức, nhưng chẳng biết tên gì. “Mấy người có chút chữ nghĩa mới coi sách, thấy giống hệt rồi đặt tên, chứ ban đầu là không tên” – ông Tươi nói. Chẳng hạn, thạch hộc là phổ biến, với 2 loài lá tím và lá xanh, ở vồ nào cũng có, dễ chăm sóc.

Ngọc điểm rừng núi Cấm

Đối với thạch hộc, cư dân núi Cấm gọi là là trúc lan (thân thẳng đứng), có người còn bảo lan con cò (bông y như cò trắng). Theo ông Tươi, loài này thường bám trên cây giống loài chùm gửi, nhất là trên cây ăn trái và cây rừng. Còn ông Nguyễn Văn Cao (vồ Bồ Hong) cho hay, ngọc điểm và hồ điệp mới quý. “Hễ đi rừng, chú ý ngó lên cây cổ thụ, coi mấy chỗ thân cây mục là có. Nhiều vô số, mần gì cho hết” – ông Cao kể. Ngày xưa, dân núi Cấm cất nhà cây lá, đi rừng phát hiện lan, họ lấy về gắn trên cây hoặc treo lủng lẳng trước nhà, coi cho vui mắt.

Nhiều cư dân cho biết, lan rừng núi Cấm hầu hết đều trổ bông vào đầu mùa mưa hoặc cuối mùa mưa. Ông Nguyễn Văn Ngàn (vồ Thiên Tuế) nói vui: “Lan rừng phần nhiều màu sắc không sặc sỡ, có mùi thơm phức. Thấy vậy, chứ bông mau tàn, thời điểm trổ bông thường là mùa khô, ít ai để ý”. Duy nhất, chỉ có loài ngọc điểm là trổ bông ngay dịp Tết, người thành thị lên núi thưởng ngoạn thấy là thích liền. Có người còn bảo, rặt ngọc điểm rừng là bông trắng, họng phớt vàng, hương thơm phảng phất rất quyến rũ. Loài này thường bám trên cây rất cao, xuất hiện những đồi từ 500m trở lên.

Mất dần theo năm tháng

Trên núi Cấm có 5 vồ nằm trong danh sách “năm non”, là vồ Bồ Hong (710m), vồ Đầu (584 m), vồ Bà (579m), vồ Thiên Tuế (541m) và vồ Ông Bướm (480m). Ngoài ra, còn có vồ Chư Thần, vồ Mồ Côi, vồ Đá Dựng, vồ Bạch Tượng… ở độ cao khoảng 500m. Ông Nguyễn Văn Ngàn (vồ Thiên Tuế) cho biết, ngày xưa, những vồ này đều xuất hiện lan rừng, có những loài cho tới bây giờ cũng chưa rõ tên. “Lấy về trồng chơi thì ít, mà bán cho người đồng bằng lại nhiều. Vì miếng cơm manh áo, mạnh ai nấy lấy bán riết rồi hết” – ông Trần Văn Sơn (vồ Đá Dựng) chia sẻ.

Lan kim tuyến mới phát hiện

Theo ông Phạm Văn Trác (vồ Ông Bướm), cả chục năm nay, không nghe người đi rừng núi Cấm nói phát hiện lan quý, chỉ thấy mấy đứa nhỏ đem về vài loài phổ biến, như: Thạch hộc trúc (phong lan), thạch hộc chuối (còn có tên lan bầu rượu thuộc địa lan), huyết nhung (vàng và đỏ) và vài loài thạch hộc thông thường khác. “Đặc biệt, ngọc điểm và hồ điệp gần như biến mất, người nuôi trồng cũng không nghe nhắc tới” – ông Trác cho hay. Riêng thạch hộc chuối mới quay trở lại, du khách và người hành hương rất ưa chuộng, bởi bông, sắc độ tươi và lâu tàn, giá bán cũng phải chăng.

Tuy nguồn lan rừng núi Cấm bị cạn kiệt, nhưng cũng có cư dân thích, cất công sưu tầm và bảo tồn dạng gia đình, chẳng hạn như ông Tôn Văn Hùng (vồ Thiên Tuế). Cách đây hơn 5 năm, cư dân núi Cô Tô phát hiện lan kim tuyến (còn có tên lan gấm), loài cực kỳ quý hiếm được phát hiện lần đầu tiên ở Bảy Núi. Bây giờ, ông Hùng sở hữu trên 300 chậu kim tuyến, là người duy nhất có số lượng lớn trên núi Cấm. “Gầy giống để coi chơi thôi, chưa có ý định buôn bán gì hết” – ông Hùng nói. Được vậy, là nhờ ông tháp tùng em út đi rừng núi Cấm, thấy mới lấy về nuôi dưỡng.

Đầu mùa mưa năm nay, anh Lam Sơn (vồ Thiên Tuế) đi rừng đã phát hiện nhánh ngọc điểm già và có cả cây con dính chùm (tổng cộng khoảng 5kg). Đó là tín hiệu vui đối rừng phòng hộ núi Cấm, khi môi trường sinh thái rừng được phục hồi ổn định, chắc chắn nhiều cánh rừng sẽ xuất hiện lan quý trở lại.

TRỌNG ÂN

Các tin mới:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
24/12/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang