Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 08/01/2016
Ngày cập nhật:
9/1/2016
Những năm gần đây, nhiều người trồng hoa tại Đà Lạt đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để làm ra sản phẩm hoa chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và góp phần đưa thương hiệu hoa Đà Lạt vươn ra thế giới.
Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao
Làng nghề hoa truyền thống Thái Phiên (TP Đà Lạt) có 950 hộ sản xuất hoa, diện tích trồng 350ha, phần lớn trong số đó được trồng trong nhà kính và ứng dụng công nghệ cao. Gia đình ông Bùi Văn Hội (tổ Thái Phước, phường 12) được biết tới là một trong những người tiên phong đưa công nghệ vào sản xuất tại làng hoa này. Ông Hội kể: Trên diện tích đất gia đình để lại, tôi bắt đầu nghề trồng hoa từ năm 1974, hơn 20 năm canh tác hoa theo kiểu “trèo đồi gánh nước” thủ công, hoa trồng ra phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên hiệu quả không cao. Năm 1998, học được cách trồng hoa trong nhà kính, tôi dùng hết số tiền tiết kiệm 17 triệu đồng (hơn 8 cây vàng thời bấy giờ) đầu tư vào làm 1.000m² nhà kính để trồng hoa cúc, mọi người trong làng khi ấy chưa ai dám thử vì số vốn quá lớn mà chưa ai dám chắc mô hình này sẽ đem lại hiệu quả. Thế rồi chỉ sau 3 tháng, vụ hoa đầu tiên đem về cho gia đình ông Hội 19 triệu đồng và ngay trong năm đó, vườn cúc tiếp tục cho lợi nhuận. Nay, với 1ha chuyên canh hoa cúc, mỗi năm gia đình ông Hội cung cấp ra thị trường hơn 1,8 triệu cành, thu về 1,5 tỷ đồng. Thấy mô hình trồng hoa trong nhà kính của gia đình ông đem lại giá trị kinh tế cao, nhiều người dân trong làng tới học tập kinh nghiệm.
Ông Bùi Văn Hội chăm sóc vườn hoa cúc
Với nhà nông Trương Văn Thành (làng hoa Vạn Thành, TP Đà Lạt), ông đến với nghề trồng hoa là bởi sự đam mê. Năm 1991, khi đang là cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, ông xin nghỉ, về làm vườn trồng các loại rau củ. Tuy nhiên, những loại cây trồng này không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tới năm 2000 thì ông chuyển hẳn qua trồng hoa. Từ đây, kinh tế gia đình có những chuyển biến rõ rệt. Trên diện tích 5.000m², gia đình ông trồng hoa salem, cẩm chướng, đồng tiền. “Diện tích trồng hoa của gia đình tôi không nhiều, nhưng nhờ áp dụng công nghệ nhà kính, hệ thống bón phân, tưới phun tự động ngay từ đầu nên chất lượng hoa luôn đảm bảo và tiêu thụ ổn định với giá cao. Mỗi năm, chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 800.000 cành hoa các loại, thu về trung bình 1,2 tỷ đồng (giá trị sản xuất 2,4 tỷ đồng/ha)”, ông Thành tâm sự.
Đưa hoa Đà Lạt vươn xa
Từ khi còn là sinh viên Khoa Nông lâm Trường Đại học Đà Lạt, anh Phan Thanh Sang (đường Hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt) đã nhận thấy thế mạnh của địa phương là vùng sản xuất hoa nổi tiếng cả nước gắn với du lịch, nên đã vừa học vừa trồng hoa để lấy kinh nghiệm. “Với vốn kiến thức qua thời gian học tập nghiên cứu ở trường, năm 2007, khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi mạnh dạn dùng tiền thu được từ việc kinh doanh hoa từ trước đó, vay mượn thêm từ bạn bè, người thân để đầu tư phòng thí nghiệm 200 triệu đồng, với đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ việc nghiên cứu và lai tạo giống. Sau đó, lần lượt nhiều giống lan hoàn toàn mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa của Đà Lạt được lai tạo, như lan hài, lan hoàng thảo (Dendrobium), lan vũ nữ (Mitoniopsis), lan hồ điệp và một số giống phong lan rừng Việt Nam”, anh Sang chia sẻ.
Khi chất lượng hoa lan đã được thị trường ghi nhận và đánh giá cao, anh Phan Thanh Sang đã xây dựng thương hiệu Sang Còi (sau đổi thành YSA Orchid). Anh Sang cho biết: “Quá trình kinh doanh, tôi dành nhiều thời gian trao đổi cùng bạn hàng, sưu tầm những giống lan trong và ngoài nước, từ đó lai tạo, ươm giống để cho ra đời những rọ lan hoàn toàn mới, phù hợp thổ nhưỡng Đà Lạt, phục vụ công tác bảo tồn, lưu trữ các giống lan”. Sau gần 10 năm, hiện nay thương hiệu hoa lan Đà Lạt YSA Orchid đã có hơn 30 cửa hàng phân phối trên toàn quốc, riêng diện tích trồng lan công nghệ cao của gia đình anh Sang tại Đà Lạt và Đơn Dương hiện là 2,3ha, sản lượng hàng năm đạt 100.000 chậu, đem lại thu nhập bình quân 800 triệu đồng/ha.
Anh Phan Thanh Sang giới thiệu với du khách các loại hoa lan trong vườn của gia đình
Cũng tâm huyết với nghề trồng hoa, muốn đưa sản phẩm hoa Đà Lạt ra thị trường quốc tế, ông Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) tự bỏ kinh phí sang nhiều nước để tìm hiểu thị trường hoa, sau đó mới đầu tư xây dựng hệ thống nhà lồng, nhà kính trồng hoa lan công nghệ cao. Ban đầu, diện tích không đủ lớn, nguồn cung không đều nên hoa lan gia đình ông Sơn trồng ra chỉ xuất bán thị trường nội địa.
Qua làm việc với các đối tác Nhật Bản, họ yêu cầu phải là nhà cung cấp ổn định, số lượng diện tích lớn, chất lượng hoa sau cắt cành phải đảm bảo thì mới đứng ra nhập hoa, bù lại giá cả sẽ cao hơn từ 5 đến 7 lần so với thị trường trong nước. Từ đó, ông Sơn đứng ra tổ chức liên kết với hơn 40 hộ nông dân (diện tích 27ha), mời chuyên gia từ Đài Loan, Nhật Bản sang chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy mô, sản xuất hoa, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý hoa sau khi thu hoạch một cách bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế. Riêng hoa của các hộ liên kết được đánh mã số riêng và chịu trách nhiệm cho tới tay người tiêu dùng. Bằng việc gắn trách nhiệm tới từng thành viên, trong năm 2015, tổ liên kết này đã xuất khẩu được gần 1 triệu cành lan vũ nữ sang thị trường Nhật Bản và Úc, mở ra hướng đi cho nhiều địa phương chuyên trồng hoa tại Lâm Đồng.
Đà Lạt thêm một làng nghề hoa truyền thống
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa trao bằng công nhận làng hoa Xuân Thành (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Đây là làng hoa thứ tư tại Lâm Đồng đạt danh hiệu này (sau Thái Phiên, Vạn Thành và Hà Đông).
Làng Xuân Thành có diện tích canh tác hoa là 149ha, trong đó có 117ha hoa trồng trong nhà kính, 20ha được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Xuân Thành có 248 hộ tham gia sản xuất, với các loài hoa chủ lực như: lyly, layơn, cát tường, cẩm chướng, salem, bibi, đồng tiền… Hàng năm, hoa Xuân Thành đưa ra thị trường hơn 100 triệu cành, cung cấp chủ yếu cho thị trường TPHCM, Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên (chiếm gần 90%), thu nhập bình quân trên 700 triệu đồng/ha/năm, tổng doanh thu của làng năm 2015 đạt hơn 200 tỷ đồng.
ĐOÀN KIÊN - SƠN CƯỜNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.