• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hệ lụy từ cá chết

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 23/04/2016
Ngày cập nhật: 25/4/2016

Suốt hơn một tuần nay liên tiếp các địa phương ven biển miền Trung từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ. Theo nhận định của các ngành chức năng đây là hiện tượng bất thường cần phải được nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc để sớm tìm ra nguyên nhân. Trong khi chờ đợi kết luận chính thức từ các ngành chức năng thì hàng chục nghìn hộ ngư dân ở vùng biển đang gánh chịu những hệ lụy từ cá chết.

Ngư dân bỏ nghề biển

Chuyến đi biển dự kiến kéo dài 2 ngày của ông Nguyễn Sáu ở thôn Nam Sơn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh) buộc phải tạm ngừng vì một lý do thật chua xót là cá đánh bắt được từ biển khơi không có người mua. Gặp chúng tôi, ông Sáu buồn bã nói: “Hôm qua, tôi đánh được con cá cờ hơn 10 cân nếu bán cũng được cả triệu đồng nhưng giờ chẳng ai thèm mua nên đem đi chôn. Tiếc thật! nhưng biết răng bây chừ?”.

Ngư dân thôn Nam Sơn (xã Trung Giang) thu dọn lưới cất vào nhà, ngừng đi biển

Chúng tôi đi dọc theo bờ biển từ thị trấn Cửa Việt ra đến Cửa Tùng và nhận thấy biển vắng hoe tựa mùa biển động. Hàng trăm thuyền thúng nằm hiu hắt trên bờ. Ở vùng cửa lạch Cửa Tùng, tàu, thuyền đậu san sát bởi ngư dân không còn “mặn mà” với nghề biển. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giang Dương Thị Xuân cho biết: “Trung Giang là xã vùng biển bãi ngang có 1.040 hộ với 4.300 nhân khẩu, trong đó có hơn 600 hộ làm nghề biển. Hiện nay, từ các thôn báo cáo lên trong mấy ngày qua dọc bờ biển trên địa bàn xã xuất hiện nhiều loại cá chết dạt vào bờ. Ban đầu ngư dân đi vớt được khoảng vài tấn cá về làm thức ăn cho gia súc nhưng sau đó nhận được khuyến cáo từ các ngành chức năng về mức độ nguy hiểm của cá chết thối rữa dễ lây lan bệnh tật nên người dân không vớt cá nữa”.

Dẫn chúng tôi đi dọc bờ biển từ Trung Giang ra Cửa Tùng, chị Xuân dùng bao tay nhặt từng con cá chết trong nỗi xót xa. “Đây là các loài cá đắt tiền như cá mú, cá hồng... Thường ngày ngư dân bãi ngang chúng tôi khó khăn lắm mới đánh bắt được nhưng bây giờ thì chết nổi đầy bờ mà chẳng ai thèm ngó ngàng tới. Quả đúng là hiểm họa khôn lường”. Nách mớ cá gần chục cân, ngư dân Võ Văn Trung ở xã Trung Giang buồn bã nói: “Thường ngày, tôi đánh bắt được từng ni cá là vợ tôi mừng rơn rồi nhanh chân đem ra chợ bán được số tiền không nhỏ nhưng nay không ai mua nên mang về”. Chị vợ anh vừa dựng chiếc xe máy cà tàng, vội vàng cởi chiếc áo khoác rồi góp chuyện: “Bên chợ Do, sáng ni thịt heo đắt hơn tôm tươi, còn cá thì chẳng ai ngó ngàng. Nài nỉ gần cả buổi sáng, không ai mua, đổ đi thì tiếc bởi công lao chồng nhưng mang về cũng không dám ăn, chắc phải đem chôn chứ để thối gây ô nhiễm môi trường”. Gặp chủ thu mua cá ở Trung Giang là ông Phạm Thành Trung hỏi xem tình hình bán buôn mấy ngày qua, ông lắc đầu chán chường: “Buôn cá nhưng không ai thèm mua thì đành ở nhà thôi”.

Hậu quả nhãn tiền từ cá chết đó là hàng trăm ngư dân vùng biển không muốn ra khơi nữa. Trưởng thôn Nam Sơn (Trung Giang) Hoàng Văn Phương bức xúc: “Ngư dân không đi biển thì lấy tiền mô mua gạo, nếu tình trạng này kéo dài khoảng nửa tháng là dân chúng tôi sẽ thiếu đói. Đó là chưa kể đến việc thanh niên trai tráng không đi biển rảnh rỗi ở nhà sinh ra rượu chè, gây mất an ninh trật tự ở địa phương”.

Dịch vụ du lịch biển “điêu đứng”

Chỉ mới đây thôi vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng tôi về biển Cửa Việt, bãi biển nêm chật kín người. Chủ quán nhà hàng Sóng Biển từ chối đón nhiều đoàn khách vì không có chỗ ngồi. Vậy nhưng hôm nay, tôi trở lại, cũng tiết trời nắng nóng hanh khô nhưng quán xá vắng tanh. Ngoài kia, sóng biển uể oải xô dạt vào bờ mang theo hàng trăm con cá chết. Bãi biển không một bóng người, thả bộ dọc bờ biển chúng tôi không chỉ tìm thấy hàng trăm con cá phơi bụng thối rữa mà còn bốc mùi nồng nặc. Theo báo cáo của UBND xã Gio Hải thì hiện nay trên địa bàn xã có hơn 50 hộ kinh doanh dịch vụ bãi tắm thu hút khoảng 300 lao động. Còn thị trấn Cửa Việt có gần 100 hộ kinh doanh dịch vụ với gần 500 lao động. Mấy năm trở lại đây, dịch vụ du lịch biển ở vùng biển của huyện Gio Linh đang trên đà phát triển nhờ vào những ưu điểm đặc thù về tự nhiên. Trước hết là bãi biển còn hoang sơ, bãi tắm đẹp, thuận lợi và đặc biệt là nguồn nước trong lành. Chính vì vậy, hàng năm khu du lịch Cửa Việt đón hơn 100.000 lượt khách. Doanh thu từ dịch vụ du lịch biển chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu nhập của người dân vùng biển.

Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, do hiện tượng cá chết bất thường trôi dạt vào bờ, khiến bãi biển bị ô nhiễm nên du khách không tìm về biển. Chúng tôi gặp anh Lê Thanh Tú ở huyện Cam Lộ đi cùng hai người bạn tại quán Sóng Biển nằm ở chân cầu Cửa Tùng, anh Tú cho biết: “Em có mấy người bạn từ miền Nam ra chơi nên đưa bạn về biển trước là để tắm biển, sau đó chiêu đãi bạn mấy món hải sản nhưng hôm nay quá thất vọng. Biển ô nhiễm không tắm được, thức ăn ở quán không có gì. Về biển mà ăn thịt gà mới trái khoáy chứ, mà thịt gà ở đây làm răng ngon bằng gà Cùa quê em. Thôi đã về đây cũng ráng chịu”.

Chủ quán Sóng Biển là Hòa Cần rỗi việc nên ra hóng chuyện với khách. “Cá chết ngư dân không đi biển là nguy cơ thiếu đói nhưng bán quán như tôi cũng mất luôn nguồn thu nhập. Cho dù chưa biết nguyên nhân nhưng tôi dứt khoát từ chối không nhập cá để bán nữa. Trong tủ lạnh còn mấy con cá hồng nhưng rồi cũng đem chôn chứ lương tâm mô mà bán cho khách”. Không riêng gì Hòa Cần mà dọc chiều dài gần 20km bờ biển này có đến hàng trăm hộ kinh doanh đang lâm vào cảnh điêu đứng, bởi đây là thời điểm bước vào mùa khai thác du lịch biển, nhiều hộ đã bỏ ra vài chục triệu đồng để tu sửa lán trại, mua sắm bàn ghế phục vụ du khách nhưng với tình trạng này thì còn lâu biển mới thu hút khách trở lại. Một khi dịp lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần nhưng du khách ngại về biển. Âu lo này đang trĩu nặng trên gương mặt của nhiều hộ kinh doanh mà chúng tôi gặp.

Mong sớm tìm ra nguyên nhân cá chết

Gần một tuần ngư dân thu gom được 30 tấn cá chết. Đó là số liệu ước tính sơ bộ của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị về số lượng cá chết dạt vào bờ biển từ xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh), Trung Giang, Gio Hải, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) và Triệu An (huyện Triệu Phong)… trong mấy ngày vừa qua. Sau hiện tượng cá chết là một loạt hệ lụy đi kèm đối với ngư dân vùng biển. Không đi biển là mất nguồn thu nhập và nguy cơ thiếu đói rất dễ xảy ra nếu tình trạng này kéo dài. Do vậy, ngư dân vùng biển hiện rất mong các ngành chức năng sớm có kết luận chính thức về nguyên nhân, tránh tình trạng hoang mang, lo lắng như hiện tại. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giang Dương Thị Xuân kiến nghị: “Trước hiện tượng này, chính quyền địa phương một mặt động viên ngư dân bình tĩnh và không hoang mang dao động. Trước mắt, nếu không đi biển thì tìm kiếm một công việc tạm thời để bù đắp thu nhập ổn định phần nào đời sống gia đình. Mặt khác, chúng tôi kiến nghị đến các ngành chức năng nhanh chóng đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết để biết đường lo liệu”.

Nhằm kịp thời đối phó với tình trạng cá chết gây tổn hại đến đời sống của bà con ngư dân, đồng thời có giải pháp xử lý trước mắt, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đầu đoàn công tác của các sở, ngành liên quan về tận các địa phương có cá chết để chỉ đạo khắc phục. Trước hết là giao Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu cá, mẫu nước đưa đi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân cá chết và mức độ ô nhiễm từ nguồn nước; giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung khoanh vùng cá biển chết, tổ chức tiêu độc, khử trùng cá chết trước khi đem chôn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo bà con ngư dân không hoang mang, không thu mua, không chế biến cá chết khi chưa xác định rõ nguyên nhân.

HỒ NGUYÊN KHA

Các tin mới

[31/12/2016]

[31/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang