• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Săn cá xanh giữa đại ngàn

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 17/04/2016
Ngày cập nhật: 18/4/2016

Những tốp thợ “sơn tràng” chuyên lên miền thượng du Nam Đông (Thừa Thiên Huế) săn tìm loài cá xanh (dân địa phương gọi là cá mát), cứ bảo rằng, loài đặc sản riêng có của vùng miền núi với đặc tính thịt thơm ngon, đang dần mất hút giữa đại ngàn…

Mưu sinh nơi thượng nguồn

Sinh ra gần vùng sông nước Khe Tre (thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông), ông Lê Văn Sáu (64 tuổi), được biết đến như những người thợ “sơn tràng” đầu tiên lên với vùng đất này để tìm vận may của núi rừng. Ở thanh niên, trong ký ức của ông là những tháng ngày “ăn rừng ngủ rú” theo đuôi cá xanh.

Truy tìm sâu đá để câu cá xanh

Thời xây dựng kinh tế mới, ông Sáu “gác kiếm”, bỏ lại sau lưng tiếng xì xào tiếc rẻ của đám bạn rừng để chuyên nghề đánh bắt cá xanh. Loài cá với kích thước vừa phải, chỉ bằng 3 đến 4 ngón tay người vốn là thức ăn quen thuộc của đồng bào. Cá sống ở thượng nguồn con thác nên rất sạch. Chỉ khi những quán ăn, nhà hàng của người Kinh mọc lên, khách thập phương kéo về cũng là lúc loài cá xanh có giá hơn bao giờ hết.

Những chuyến săn tìm của ông Sáu cùng con rể Phan Văn Vy thường bắt đầu từ sáng sớm tinh sương hay chiều tối. Họ đi ngược lên vùng thượng nguồn suối Khe Tre, Cha Mon, La Ma, Mù Nú, sử dụng nhiều phương thức đánh bắt. Cuốc bộ từ sáng lên tới thượng nguồn thủy điện Thượng Lộ, người mệt lả, ông Sáu cùng con rể chèo thuyền men theo con nước lên với thượng nguồn. Tháng 4 trong cái nắng hanh hao của núi rừng cũng là lúc mùa cá xanh bắt đầu sinh sản.

Trước đây, cá xanh nhiều vô kể, chỉ cần đi dọc khe suối đến vùng thác nước chảy là có. Giờ người bắt ngày một đông, môi trường ô nhiễm nên loài cá này ngày một khan hiếm. Ông Sáu bảo rằng, có lẽ do loài cá thịt thơm ngon, nó “ý thức được giá trị” của nó nên càng tinh khôn, khó bắt.

Săn cá xanh dựa vào hai thời điểm, lúc 5 đến 6 giờ sáng và 19 đến 20 giờ tối. Buổi sáng, loài cá này bơi ngược lên thác nước chảy mạnh, náu mình trong thác ghềnh để tìm loài sâu đá (tức con mòi). Loài vật này kích thước bằng hai hạt gạo, có đuôi dài, thường sống “ký gửi” nơi đá suối chìm sâu dưới nước. Bởi thế, buổi sáng thợ bắt cá thường đi sớm, canh đúng thời điểm cá ngược dòng lên thác tìm sâu. Tốp thợ lật từng hốc đá, bắt loài sâu này móc vào cần với lưỡi câu cực nhỏ. Thác sâu bao nhiêu, thả cước dài bấy nhiêu. Thợ bắt cá sẽ đứng trên ghềnh đá, thọc lưỡi câu liên tục, cá tưởng động mồi nên tìm đến ăn. Vào buổi chiều tối, cá nằm ở hốc đá phía hạ nguồn con suối, thợ săn bắt có thể đánh cá bằng lưới hoặc “thuốc cay” từ rễ, lá cây tự chế. Họ lấy rễ cây rau răm trời (dạng như cây rau răm nhà) hoặc thân cây gai, mang giã nhuyễn, tìm đến những điểm cá trú ẩn phả vào nước, cá xanh cùng các loại khác nằm trong hốc đá không chịu nổi mùi cay đành trồi lên khỏi mặt nước.

Mỗi chuyến “săn rừng” của ông Sáu với con rể thường đi vài ngày. Ngoài cơm đùm gạo bới, họ dùng nước suối và đá tuyết mang theo đựng trong thùng xốp để giữ cá tươi lâu. Mỗi chuyến, hai bố con ông Sáu đánh chừng 3 - 4kg cá xanh. Với giá 350 nghìn đồng/kg “bán tươi” cho các nhà hàng lớn ở Nam Đông, hai “thợ săn” cũng rủng rỉnh ít tiền đắp đổi cuộc sống. “Thời điểm tết, cá xanh có giá 800 nghìn/kg tươi và 1,2 triệu đồng/kg khô nhưng không có mà bán. Con cá giờ “bỏ chạy” xa lên phía thượng nguồn rồi”, ông Sáu vừa nói, tay chỉ lên phía núi rừng xa mờ.

Tìm cá, gặp… trăn

Mỗi chuyến đi rừng ngày một cực nhọc hơn do tuổi tác, nhưng chưa bao giờ ông Sáu thấy loài cá xanh khan hiếm như thời điểm hiện nay. Ông bảo từ khi thủy điện Thượng Lộ chặn dòng xây dựng, đường cao tốc La Sơn-Túy Loan thi công, những thác nước không con chảy mạnh, dòng suối bị ô nhiễm là nguyên nhân loài cá đặc sản này ngày một tuyệt diệt. Theo kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề của ông Sáu, cứ sau tầm tháng 9 - 10 (DL), khe suối qua cơn lũ rừng, loài cá xanh xuất hiện nhiều. Giờ đã qua mấy mùa lũ mà cá cũng bỏ người đi!

Cá xanh hấp hành

“Mấy năm trước, mỗi đêm tui kiếm được cả chục ký, giờ bắt hai ngày mà chỉ bán vừa đủ chi phí, đủ tiền mua gạo”, ông Sáu nói như trách móc núi rừng. Với những thợ săn cá chuyên nghiệp như ông Sáu, băng rừng cả đêm lẫn ngày, do đi dọc khe suối nên nguy hiểm nhất với họ không phải rắn rít, thú dữ mà là loài trăn. Những chuyến gặp trăn “khủng”, chiến đấu để giành sự sống đã cho ông Sáu những kinh nghiệm… nhớ đời.

Ông Sáu kể: “Mấy chục năm trước, đi dọc khe La Ma qua Mù Nú, ban đêm mình giẫm phải loài trăn vốn thích nơi ẩm ướt. Trong phút chốc chúng cuốn chặt mình đến nghẹt thở. Dù có cây rựa trên tay nhưng khi trăn quật trong đêm tối, rựa rơi không tìm thấy. Rứa là tui nhanh tay chụp được đuôi trăn đưa vào miệng cắn. Chỉ có cắn vào đuôi nó mình mới thoát được”.

Rồi có lần ông Sáu đi cùng tốp 14 người cắt lá nón nơi thượng nguồn suối Reo. Con trăn lớn quấn một người trong đoàn, dù tốp thợ sơn tràng đã dùng rựa chặt 3 nhát vào thân loài trăn dữ nhưng vẫn không kịp cứu người bạn khi cả trăn và người lao xuống vực thác. Cũng tại thượng nguồn suối Reo này, có lần trong chuyến đi rừng bắt cá, ông Sáu cùng người con rể “hồn bay phách lạc” khi thấy con trăn ước chừng 10m, nặng 70kg, đang nuốt chửng một con nai nhỏ. Không dám động đến “ngài”, hai cha con liền chọn hướng khác đi. “Đi rừng gặp trăn là chuyện thường, trăn lớn thì rất thiêng, mình không đụng nó thì nó chừa đường sống cho mình. Dân đi rừng ai cũng hiểu điều đó”, ông Sáu nói.

Theo đồng bào miền núi, cá xanh (còn gọi là cá mát) sống thành đàn ở các vùng khe suối, thượng nguồn các con sông và chúng thường làm tổ trong các hang đá. Cuối mùa xuân, đầu mùa hạ là mùa sinh sản của loài cá này. Cá xanh thường được chế biến thành các món như hấp hành, nướng, xào rau rớn với đặc tính thịt chắc, thơm ngon. Lòng cá xanh có nhiều chất dinh dưỡng, thường được nấu cháo cho trẻ nhỏ.

NGUYỄN KHÁNH

Các tin mới

[31/12/2016]

[31/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang