• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chình đen mùa nước bạc

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 04/12/2016
Ngày cập nhật: 5/12/2016

Mùa mưa, nước lớn từ thượng nguồn theo sông đổ ra vùng đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) cũng là lúc cư dân vùng cửa sông vào vụ đánh bắt cá chình đen, loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, “bồi đắp” sinh kế cho cư dân vùng hạ du…

“Sát thủ” chình đen

Tháng 11, mưa tầm tã từ thượng nguồn. Các con sông đổ ra đầm phá bắt đầu mang màu nước nặng phù sa. Khác với các nơi, dòng nước bạc về đây không còn “đỏng đảnh” trên ruộng đồng mà cuốn nhanh qua miền trung du. Cá chình đen cùng nhiều thủy sản nước ngọt cũng theo con nước về xuôi.

Nò sáo của ngư dân Nguyễn Trãi “bày binh bố trận” trên vùng đầm phá Tam Giang

Người dân xóm Sáo (thôn 8, xã Điền Hải, huyện Phong Điền) “tri ân” dòng sông Ô Lâu hơn cả. Hơn 60 cây số từ thượng nguồn xã Phong Mỹ, dòng Ô Lâu trải qua bao nhiêu ghềnh đá, chắt chiu hạt phù sa để mỗi mùa nước lớn, mang bao thức ăn phù du cho nhiều loài cá, tôm. Và, khi con nước ngọt bắt đầu hòa vào đầm phá, dòng nước mát lành cũng làm cho các loài cá, tôm sinh sôi.

Xóm Sáo những ngày này thật nhộn nhịp. Thương lái từ các nơi đổ về mua cá chình đen. Anh bạn giáo viên người Điền Hòa tếu táo: “Mùa cá chình năm nay ngư dân trúng lớn. Mi về chơi, không ngon không… lấy tiền”. Xóm Sáo chừng 50 hộ dân, nhưng “biết tiếng” bắt cá chình giỏi thì không ai qua được ông Nguyễn Trãi (46 tuổi). Thuộc thế hệ “hậu bối” của làng chài, nhưng nhờ kinh nghiệm sông nước được truyền từ gia đình, ông có cách đánh bắt cá chình đen hiệu quả hơn cả. Ông Trãi bảo, cá chình đen bắt đầu xuất hiện trên đầm phá vào tháng 10-12 dương lịch. Thời gian đánh bắt non hai tháng là hết mùa. Với giá bán 550-600 nghìn đồng/kg đúng “thương hiệu” chình núi, mỗi đêm cư dân vùng đầm phá kiếm được cả triệu đồng.

Ngư dân Nguyễn Trãi cất nò sáo bắt cá chình

Theo ông Trãi, một chuyến ra cất nò trên vùng đầm phá, mới thấy kinh nghiệm đánh bắt truyền đời của ngư dân vẫn chưa bao giờ cũ. Từ con lạch của xóm Sáo dẫn ra phá Tam Giang chừng 2km chi chít những cọc tre, lưới cùng nò sáo được ngư dân được “bày binh bố trận” san sát, giăng ngang mặt nước. Ông Trãi giải thích: “Trọn bộ nò sáo gồm khung tre hình chữ V, cạnh dài 300m, được gắn lưới bố trí chéo theo nguồn nước. Tiếp đến, bộ đùng dài 200m, nguyên liệu cũng được làm từ tre và lưới đặt nối tiếp nhau. Cuối cùng là 5-6 nò của ngư dân đặt ở cửa ra của cái đùng. Tất cả đùng, nò sáo được đặt ở độ sâu hơn mực nước phá tính từ đáy lên. Cá chình đen cùng nhiều loại thủy sản khác theo con nước thượng nguồn đẩy về đây, lọt vào khung lưới hình chữ V, tiếp tục đi qua lưới đùng và không thể trở ra được. Đường ra duy nhất của các loài thủy sản là… vào trong nò”.

Đặt nò bắt cá chình đen không cần mồi. Mỗi người đều tìm cho mình một cách đánh bắt hiệu quả. Mỗi đêm, bình quân ngư dân kiếm được từ 1-2kg cá chình. Với ông Trãi, có hôm được 5-7kg. “Mùa này muốn đánh được nhiều cá chình đen thì phải coi con nước”. Vào mỗi mùa nước chảy rặt, lò khác nhau. Nước bạc mùa này bao giờ con chình cũng đi ngược với hướng gió. Cá chình ban đêm có thể nổi lờ đờ trên phá, nghe động là lặn xuống. Dựa vào đó mà bố trí cách đặt đùng, nò cho phù hợp. Nói đoạn, ông Trãi cười: “Mà tui giải thích sơ sơ rứa thôi. Chớ nói kỹ e… mất nghề!”.

Những mùa chình xa ngái

Trong ký ức của lão ngư Trần Văn Nề (79 tuổi, xóm Sáo), “những mùa chình xa ngái” là từ những năm 80-90 thế kỷ trước. Thời gian đó, chưa hề có cá chình đen nuôi trong bể, loài thủy sản miệt núi rừng này như thứ độc quyền của vùng nước lợ mỗi mùa lũ lớn! Ông Nề bảo: “Cũng mặt nước đầm phá nớ, ngư lưới cụ còn thô sơ hơn bây chừ mà có đêm tui bắt được cả tạ cá chình đen, mang vào trong làng đổi gạo với bà con làm ruộng, còn lại nuôi con ăn học đàng hoàng. Chừ trên nguồn họ chặn dòng đủ kiểu rồi, cá chình mỗi mùa nước bạc cũng bỏ ngư dân mà đi”.

Chình núi với giá trị kinh tế cao, 600 nghìn đồng/kg

Bây giờ, cư dân xóm Sáo mỗi mùa nước lớn cứ 2-3 ngày phải ra con nước “vệ sinh” nò sáo một lần. “Nước nguồn ô nhiễm, rều rác theo con lũ cứ cuốn về làm hư lưới cụ. Đủ thấy dòng sông xưa và nay đã khác lắm rồi”, ông Nề nói như một chút tiếc nuối với nghề.

Với ngư dân vùng đầm phá, bắt được chình “mệ” xem như quá may mắn bởi giá trị kinh tế cao, bằng lao động cật lực cả tháng trời. Bắt đầu từ năm 2000-2001, cá chình đen vào mùa nước bạc cứ ít dần đi. Đến nay, dù vẫn mang lại sinh kế trong gần 2 tháng cho bà con nhưng xem ra việc đánh bắt không còn nhộn nhịp như trước. “Hồi trước, đến mùa đánh bắt cá chình nước bạc, cả xóm vui như hội. Cứ buổi ngày đặt nò sáo, đến sáng hôm sau ra cất, có khi kiếm vài chục cân/buổi”, ông Nề hồi tưởng.

Cũng lâu lắm rồi ông Nề mới chứng kiến được một con chình “mệ” đến 8kg do ngư dân Phan Hoài cùng xóm đánh được, vừa bán cho một thương lái ở Quảng Trị với giá 4,8 triệu đồng. Số là, đặt nò từ hôm trước, kinh nghiệm trong nghề, sáng ra ông Hoài bảo vợ: “Sáng ni bà đi với tui. Thế nào cũng trúng”. Tưởng chồng nói vui, ai dè, cất nò lên, “trúng” con cá chình 8kg cùng nhiều cá, tôm khác. “Lâu lắm rồi cư dân vùng đầm phá ni mới trúng một con chình “mệ” lớn như thế”, ông Hoài nói như giải thích.

Bà Đặng Thị Bẹ (chủ cơ sở thu mua hải sản ở thôn Tân An, thị trấn Thuận An) cho biết: “Cá chình bây giờ bà con nuôi nhiều, với giá trên dưới 400 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay thực khách vẫn ưa chuộng chình đen từ thượng nguồn, giá có khi lên 600 nghìn đồng/kg”.

"Cá chình hoa (trên thân có đốm như hoa) là động vật quý hiếm (thuộc nhóm IB, nằm trong Sách Đỏ VN), cần được bảo vệ và cấm săn bắt, buôn bán. Đơn vị cũng đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, bảo vệ các loại động vật hoang dã, trong đó có loài chình hoa. Loài chình đen là loài thủy sản thông thường, ngư dân được phép khai thác, đánh bắt và tiêu thụ". - Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh

HÀ NGUYÊN

Các tin mới

[31/12/2016]

[31/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang