• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Cuộc chiến” mặn – ngọt: Bài 3: Hòa giải cách nào?

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 05/10/2016
Ngày cập nhật: 6/10/2016

Xuất phát từ việc chạy theo phong trào, cùng lợi ích trước mắt mà nhiều hộ dân ở xã vùng ven Lương Nghĩa (Hậu Giang) đã và chuẩn bị phát triển mạnh mô hình nuôi tôm sú đang được xem là một trong những vấn đề “nóng” của tỉnh. Nếu ngành chức năng Hậu Giang không sớm đưa ra giải pháp xử lý phù hợp thì rất dễ đối mặt với nhiều thách thức, có khi phải trả giá đắt về sau.

Cơ quan chuyên môn kiểm tra nguồn nước tại vùng nuôi tôm xã Lương Nghĩa để có định hướng về việc nên hay không nên phát triển mô hình.

Vấn đề đặt ra lúc này là rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc định hướng cho người dân. Trước hết là tìm cách hòa giải cuộc tranh chấp giữa 2 vùng sinh thái mặn và ngọt của người nuôi tôm với người trồng lúa một cách kịp thời khi nó mới vừa nhen nhóm, tránh để sự việc bùng phát sang các địa bàn lân cận sẽ khiến tình hình phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Ngành chuyên môn đã chính thức vào cuộc

Rõ ràng, với việc phát triển ồ ạt diện tích thả nuôi tôm sú, trong khi đây là mô hình không nằm trong quy hoạch của tỉnh nên càng khiến cho chính quyền địa phương “đau đầu”. Ông Huỳnh Hoàng Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, thừa nhận: Việc một số hộ dân tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm là rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến hơn 2.000ha đất canh tác lúa trong khu vực đê bao của xã, do nước mặn xâm nhập tràn lan, khó kiểm soát. Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời thì tới đây, địa phương khó tránh khỏi việc giải quyết tranh chấp vấn đề “lợi anh thiệt tôi” giữa người nuôi tôm với người trồng lúa.

Hiện nay, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành liên quan đã tiến hành kiểm tra thực tế tại vùng nuôi tôm trong và ngoài tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, đoạn đi qua địa bàn xã Lương Nghĩa để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt, cũng như lâu dài. Nhất là sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh về việc xem xét nên hay không xây dựng mô hình luân canh lúa - tôm ở xã Lương Nghĩa, từ đó đề ra định hướng quy hoạch, hỗ trợ phát triển trong thời gian tới, ngành chuyên môn Hậu Giang đã chính thức vào cuộc quyết liệt hơn.

Cụ thể vào giữa tháng 8 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh, cùng chính quyền địa phương và các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ đến khảo sát thực tế vùng nuôi tôm ở xã vùng ven Lương Nghĩa để có cơ sở đánh giá bước đầu. Thông qua chuyến khảo sát thực tế này, đoàn đã tiến hành kiểm tra với kết quả đo nồng độ mặn là 2,2‰; độ pH trong nước là 7,5 và độ kiềm đạt ngưỡng 50 mg/lít, đồng thời thu thập một số thông tin về quy trình, cách nuôi, nguồn thức ăn,… cụ thể từ phía những hộ dân trực tiếp thả nuôi tôm nơi đây.

PGS-TS Trần Ngọc Hải, Phó Trưởng Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, thông tin: Từ kết quả trên thì môi trường nơi đây không ảnh hưởng lớn đến quá trình nuôi tôm của người dân. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định mô hình nuôi tôm có phù hợp với vùng đất ở Lương Nghĩa hay không. Bởi thời điểm khảo sát chẳng phải là lúc xâm nhập mặn, trong khi vùng đất này thường chịu ảnh hưởng gay gắt bởi xâm nhập mặn, với nồng độ mặn có khi đạt trên 10‰ vào lúc cao điểm. Vì vậy, sau khi thu thập các thông tin, số liệu có liên quan, các thành viên của khoa thủy sản sẽ tiến hành nghiên cứu và sớm có văn bản trả lời cho lãnh đạo tỉnh xem xét trước khi đưa ra hướng chỉ đạo phù hợp.

Xin thử nghiệm vùng nuôi tôm nước lợ

Mặc dù các nhà khoa học chưa đưa ra kết luận cuối cùng về việc nên hay không nên phát triển mô hình nuôi tôm tại xã Lương Nghĩa, nhưng theo quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương thì chỉ tạo điều kiện cho mô hình này phát triển ở vùng ngoài đê bao, còn trong đê bao là vùng quy hoạch sản xuất lúa. Vì nếu không cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho nước mặn vào thì không khéo sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và quá trình sản xuất lúa sau này.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết: Địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu những quy định của pháp luật, kiên quyết không để phát sinh thêm số hộ, cũng như diện tích nuôi tôm trong tuyến đê bao ngăn mặn. Riêng những hộ nằm trong đê bao đã tự ý cho nước mặn vào ruộng để nuôi tôm, lãnh đạo địa phương sẽ tăng cường nhắc nhở và buộc phải làm bờ bao xung quanh vuông nuôi cho chắc chắn, đồng thời thường xuyên giám sát việc thả nuôi để không làm ảnh hưởng đất canh tác lúa xung quanh.

Mặt khác, để tránh tình trạng người dân tìm cách đưa nước mặn vào trong đê bao thả nuôi tôm, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả công trình đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh đi qua địa bàn, ông Việt cho rằng tới đây, các ngành chức năng của huyện, xã sẽ tăng cường công tác quản lý hệ thống cống; kể cả chủ động xây dựng kế hoạch đắp đập thời vụ và đóng các cống dọc theo tuyến đê bao chiến lược này khi mặn mới xuất hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nước mặn xâm nhập vào nội đồng, người dân bơm lên đất ruộng nuôi tôm.

Do mô hình chuyển đổi lúa - tôm bước đầu mang lại hiệu quả tích cực và đây được xem là cách làm có nhiều triển vọng trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, cho nên ngoài triển khai các giải pháp bảo vệ vùng ngọt hóa ở trong tuyến đê bao ngăn mặn thì ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ còn đề xuất các ngành liên quan của tỉnh xem xét quy hoạch vùng canh tác lúa - tôm khoảng 2.000ha nhằm tạo mô hình đột phá, cải thiện thu nhập cho bà con nằm ngoài tuyến đê bao trên địa bàn các xã, như: Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Xà Phiên, Thuận Hòa.

Về vấn đề trên, ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Sau khi có những nhận định ban đầu của các nhà khoa học làm cơ sở, đơn vị cùng các ngành liên quan của tỉnh có văn bản trình UBND tỉnh về chủ trương định hướng quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung. Trong đó, xem xét xin ý kiến của Bộ NN&PTNT quy hoạch thử nghiệm vùng nuôi tôm nước lợ ở những diện tích nằm ngoài tuyến đê bao trên địa bàn huyện Long Mỹ nhằm thích ứng trước tình hình biến đổi khí hậu theo đề xuất của địa phương. Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh sẽ xúc tiến công tác tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật để giúp người dân tránh thất thoát, giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi…

Tuy việc tranh chấp giữa 2 vùng sinh thái mặn - ngọt chỉ mới nhen nhóm ở vụ tôm vừa qua, nhưng việc ngành chức năng lo lắng thực trạng này sẽ còn diễn ra gay gắt trong đợt xâm nhập mặn vào những tháng mùa khô tới đây là hoàn toàn có cơ sở. Khi mà nhu cầu nuôi tôm của người dân ngày một tăng vì đa phần họ không còn kham sống chung với cây lúa nữa.

Tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh được các cơ quan chuyên môn đánh giá là rất quan trọng. Bên cạnh tạo điều kiện tháo chua, rửa phèn cho hàng chục ngàn héc-ta đất canh tác nông nghiệp của người dân thì tuyến đê bao này còn hình thành một hành lang giao thông liên hoàn để chống lại xâm nhập mặn và các hiện tượng biến đổi khí hậu khác ở các địa bàn vùng ven của tỉnh, nhất là những xã vùng ven sông Cái Lớn, như: Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A của huyện Long Mỹ; Hỏa Lựu, Hỏa Tiến của thành phố Vị Thanh; Vĩnh Thuận Tây của huyện Vị Thủy.

HỮU PHƯỚC

Các tin mới

[31/12/2016]

[31/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang