• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Cuộc chiến” mặn – ngọt: Bài 2: Đối mặt nhiều thách thức

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 04/10/2016
Ngày cập nhật: 5/10/2016

Ngành chức năng lẫn chính quyền địa phương đang lo lắng trước thực trạng bà con ở xã vùng ven Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nên đã tự ý “xé rào” cho nước mặn vào đồng thả nuôi tôm. Cách làm này được xem là thiếu bền vững, còn nhiều thách thức, không khéo sẽ đi theo vết xe đổ của nhiều địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Việc nuôi tôm tự phát, thiếu kỹ thuật rất dễ phát sinh nhiều hệ lụy, nhất là ô nhiễm nguồn nước, từ đó gây nhiều thiệt hại cho bà con.

Có thể nói, mỗi đoạn nằm trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh sau khi được đầu tư hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng đã giúp cho người dân nằm trong vùng có dự án đi qua cảm thấy an tâm sản xuất hơn vì hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt bước đầu. Tuy nhiên, những năm qua, đặc biệt là thời điểm mùa khô năm 2016 vừa qua, có không ít hộ nằm trong tuyến đê bao này, đoạn thuộc địa bàn xã Lương Nghĩa bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương về việc không được tự ý đưa nước mặn lên ruộng thả nuôi tôm.

Lo lãng phí công trình

Qua thống kê, trong tổng số gần 68ha nuôi tôm sú tại xã Lương Nghĩa thì hiện có đến 12 hộ, với 23ha nằm trong tuyến đê bao. Ông Trần Văn Dũng là 1 trong số 12 hộ đang thả nuôi tôm bên trong tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, địa điểm gần đầu cống Hóc Pó của kênh Nông Trường, bộc bạch: “Tôi nuôi tôm ở đây được 5 năm rồi, với diện tích hiện tại là 5ha. Khu vực này ban đầu chỉ có mình vuông tôm của tôi, đến năm 2015 mở rộng thêm được vài hộ lân cận. Nhất là mùa khô vừa qua do mặn về sớm, việc đóng cống của ngành chức năng chậm nên nước mặn với nồng độ cao từ 6-7‰ lấn sâu vào nội đồng. Từ đó nâng số hộ nuôi và diện tích lên đáng kể”.

Theo ông Dũng, những mùa vụ trước, tuy địa phương đều đóng cống nhưng cũng nhờ nằm gần miệng cống nên nước mặn vẫn rò rỉ vào vuông tôm, với nồng độ hơn 2‰. Từ đó giúp ông tiếp tục bám trụ với nghề. Thậm chí ông Dũng còn dự tính rằng trong vụ tới đây, không chỉ nuôi tôm sú mà còn thả thêm tôm thẻ chân trắng và càng xanh để nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình. Thế nhưng, theo ý kiến các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ sau khi khảo sát thực địa tại vùng nuôi Lương Nghĩa thì con tôm sú thường thích nghi với độ mặn từ 5-6‰. Do đó, để nuôi được tôm thì buộc lòng bà con trong đê bao sẽ có những hành động gì đó để đưa nước mặn vào !?

Còn theo ngành chức năng thì không loại trừ chuyện sau khi cửa cống đóng lại, bà con trong đê cố tình nâng cửa cống lên để hở chân dưới mặt đất nhằm cho nước mặn chảy vào nên mới có chuyện nồng độ mặn trong đê cao hơn 2‰ khi cống đã đóng. “Tình trạng người dân tự ý đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa để nuôi tôm có khả năng sẽ tiếp diễn trong mùa xâm nhập mặn tới đây. Bởi số hộ dự định nuôi tôm, nhất là phía trong đê bao ngày một tăng do sức hút từ khoản lợi nhuận hấp dẫn, trong khi địa phương khó cấm cản”, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa Huỳnh Hoàng Đệ lo lắng.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho rằng: Thực tế là đã có không ít hộ nuôi tôm kiếm được đồng lời kha khá nên việc khuyên họ từ bỏ trong lúc này không phải là chuyện đơn giản. Nhất là sự tự tin của người dân về mô hình sản xuất mới của mình có lúc lên đến cao độ, chính quyền khuyên họ không nghe, rồi tìm mọi cách đưa nước mặn vào dự án phục vụ cho vùng ngọt hóa đang được Nhà nước đầu tư để nuôi tôm. Từ đó biến công trình đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh trở nên vô nghĩa. Đây thực sự là vấn đề đang được lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan đặc biệt quan tâm và tìm hướng giải quyết.

Không ít rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh nỗi trăn trở về sự lãng phí công trình, việc người dân nuôi tôm tự phát, không theo quy hoạch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù tôm là đối tượng có giá trị kinh tế cao nhưng tương đối khó nuôi. Trong khi đó, đa phần các hộ nuôi tôm tại xã Lương Nghĩa đều tự học hỏi kinh nghiệm của người đi trước truyền lại cho người đi sau là chính, bởi chưa ai được tham gia bất cứ lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm nào. Đây là một hạn chế lớn khi xuất hiện tình trạng tôm bị bệnh chết hàng loạt thì rất khó xử lý.

Bà Nguyễn Thị Nga, người trực tiếp nuôi tôm tại xã Lương Nghĩa, chia sẻ: “Do không có kỹ thuật nuôi bài bản nên gia đình chỉ áp dụng kinh nghiệm có sẵn rồi nuôi. Thông thường năm nào nước mặn đổ về với nồng độ cao thì tôm trúng mùa, bán có lời; nếu không thì bị thất bát và thua lỗ. Trường hợp trong quá trình nuôi xảy ra dịch bệnh thì đành nhìn tôm chết chứ chẳng biết cách chữa trị kịp thời. Tuy phải canh bạc với con tôm nhưng bà con nơi đây đành chịu chứ không lẽ bỏ đất hoang”.

Ngoài việc người dân thiếu kiến thức về kỹ thuật thì điều kiện nguồn nước, thổ nhưỡng nơi đây có thích nghi với con tôm hay không vẫn còn là vấn đề cần phải bàn. Theo PGS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Trưởng khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ sau khi khảo sát thực tế tại vùng tôm Lương Nghĩa cho rằng vùng đất nơi đây vẫn còn nhiễm phèn và độ kiềm tương đối cao. Chưa kể trong quá trình nuôi bà con còn làm cho nguồn nước bị ô nhiễm do chưa biết cách xử lý. Đó là những nguyên nhân có thể làm cho tôm dễ bị nhiễm bệnh, gây nhiều tổn thất.

“Ngoài nuôi tôm sú, vùng này còn xuất hiện tình trạng bà con thả nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức quảng canh. Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi tôm thẻ chân trắng chỉ thích hợp với hình thức nuôi công nghiệp. Cách làm này vừa không mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo ra những áp lực lên nhu cầu tôm giống, sự phát sinh và lây lan dịch bệnh”, ông Hải chia sẻ thêm.

Trên thực tế, tình trạng người dân phá đập đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm đã diễn ra trước đó ở một số địa phương của tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau,… Điển hình là tại vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau, từ đó khiến cho nhiều công trình được đầu tư tiền tỉ nơi đây trở nên lãng phí. Cho nên, ngành chức năng của tỉnh cần xem xét để không khéo sẽ đi theo vết xe đổ này.

Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20.000ha đất nông nghiệp ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ Biển Tây vào, với nồng độ từ 2‰ đến trên 10‰. Để giảm gánh nặng và thiệt hại mỗi khi mùa xâm nhập mặn về, tỉnh đã được Trung ương quan tâm đầu tư kinh phí triển khai xây dựng tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh vào năm 2009. Theo đó, dự án có chiều dài 72km, với tổng nguồn kinh phí đầu tư 688 tỉ đồng. Đến nay, dự án được Trung ương bố trí 425 tỉ đồng, khối lượng đã hoàn thành 40km, còn lại 30km đang đề nghị Trung ương xem xét bố trí vốn để tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện.

HỮU PHƯỚC

Các tin mới

[31/12/2016]

[31/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang