• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuân về trên bến cảng

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông, 18/01/2016
Ngày cập nhật: 19/1/2016

Nụ cười rạng rỡ của ngư phủ trúng đậm cá, mực

Dáng xuân len qua từng ngõ nhỏ ở các làng chài ven biển miền Trung. Trên bến cảng, tàu tàu cùng người người tấp nập vào ra, hành trình “theo đàn cá lội”. Ở mỗi chuyến ra khơi vào tháng chạp, trong trái tim ngư phủ lại rạng ngời những niềm tin...

Bến cảng ngày về

Những ngày này, cảng cá Thuận Phước và âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) luôn nhộn nhịp tàu cá ra vào. Trên bến cảng, đủ loại hải sản đang được những người “thợ” phân loại, chỗ này là cá cơm, chỗ kia là ghẹ, nơi khác là các loại mực... Những người “thợ” này (chủ yếu là phụ nữ), làm việc hầu như không ngơi tay, bởi những bịch, cần xé đựng cá, mực, tôm, cua, ghẹ lớn nhỏ liên tục được móc lên từ trong những hầm chứa trên các khoang tàu rồi nhanh chóng chuyển xuống sân bến cảng.

Ống cao, ống thấp quần vội xắn, tôi bước lên tàu ĐNa 90189 của “Anh hùng bão Chan chu” Phạm Văn Xinh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vừa cập cảng. Gặp lại các ngư phủ trên thân tàu, tiếng cười vỡ òa, cùng cái bắt tay, liếc mắt nhìn những khoang tàu chở đầy ắp cá, mực. “Vui quá anh ơi! Tàu về, mang theo 2 tấn mực cùng 1 tấn cá ngừ, có tiền xài tết rồi...” - anh vui vẻ nói.

Đứng bên mạn tàu với dáng người đậm, thuyền trưởng tàu QNG 98308 TS Văn Đức Trai không giấu được niềm vui: “Tàu tui về cảng Thuận Phước sáng nay với 6 tấn cá ngừ, 20 năm lênh đênh nghề biển với hơn chục lần ăn tết giữa đại dương nhưng niềm vui những ngày tháng chạp thì không có hồi nào như lúc này. Với chuyến ra khơi này, cho phép 10 anh em trên tàu chia nhau số tiền lời gần 150 triệu đồng về quê ăn tết cùng người thân, qua tết lại tiếp tục ra khơi”. Bên cạnh, tàu QNg 98159 TS đã bắt đầu thu xếp ngư cụ để nghỉ ngơi, chờ tiếp dầu lại ra khơi. Chủ tàu Ngô Đức Chín nói: “Với 5 tấn cá ngừ và một vài tấn tôm, mực, 14 thành viên trên tàu, ai cũng mang tiền triệu về quê. Tết... dù ngoài khơi hay trong cạn thì anh em bạn thuyền cũng vui”.

Tại âu thuyền Thọ Quang, hàng chục tàu công suất lớn của ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng tấp nập vào bờ giao cá cho chủ hàng. Ngư dân Nguyễn Bình (quê Quảng Nam), vừa được chủ tàu chia 7 triệu đồng, chuẩn bị ra bến xe về quê, mừng rỡ: “Năm nào anh em tôi cũng đón giao thừa ngoài biển, năm nay trúng được chuyến cận tết thế này, về nhà với người thân vui đêm giao thừa rồi lại ra khơi đầu năm”.

Ngoài bến cảng, nhiều tàu đánh bắt “no” cá, mực vào giao hàng nhưng cũng nhiều tàu công suất lớn đang làm lễ cúng bái để ra khơi. Với ngư dân, những ngày cận tết là ngày đẹp để ra khơi cho tàu no cá.

Cảng cá Thuận Phước nhộn nhịp, tưng bừng ngày về đầy cá

Tiếp sức ngư phủ ra khơi

Đà Nẵng hiện có hơn 1.700 tàu cá và hơn 650 thúng máy đánh bắt hải sản. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, Đà Nẵng vốn có đội tàu đánh bắt xa bờ gồm hơn 200 chiếc có công suất từ 60 - 500 CV. Trước khó khăn của ngư dân, Đà Nẵng đã nhanh chóng có những quyết sách giúp ngư dân tháo gỡ như việc đóng mới tàu đánh bắt xa bờ từ 400 - 600 CV được hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng, từ 600 - 800 CV được vay 800 triệu đồng từ ngân sách thành phố hoặc bằng nguồn vốn khác.

Năm qua, Đà Nẵng đã hạ thủy tàu hậu cần nghề cá đầu tiên cho ngư dân, với hai con tàu mang số hiệu ĐNa 90603 có công suất 1.150 CV, trị giá 4,5 tỷ đồng và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ĐNa 98001, cũng có công suất 1.150 CV, trị giá 5,3 tỷ đồng. Ðà Nẵng cũng cho lắp đặt thử nghiệm máy dò cá ngang trên ba tàu đánh bắt xa bờ, trị giá mỗi máy 295 triệu đồng, trong đó thành phố hỗ trợ một nửa.

Trong khuôn khổ dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh” từ nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Cộng hòa Pháp, cuối năm 2012, Ðà Nẵng lắp thiết bị kết nối vệ tinh VMS cho 51 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên. Đây là thiết bị hoàn toàn tự động, có khả năng chống va đập cao, thích ứng tốt với điều kiện môi trường biển và nhiệt độ cao, giúp tàu cá nắm thông tin kịp thời về thời tiết trên biển từ các đài thông tin trong đất liền, có thể gửi đi các tín hiệu yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp trong vòng 15 giây khi tàu gặp sự cố, qua đó sẽ xác định chính xác vùng biển để đưa ra các biện pháp xử lý, ứng cứu kịp thời.

Tin vui đã đến với bà con ngư dân, đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014, về “Một số chính sách phát triển thủy sản”, đã thực sự là “bà đỡ”, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân; với mục đích hỗ trợ các hoạt động đầu tư nâng cấp, đóng mới các phương tiện đánh bắt cũng như đội ngũ tàu hậu cần nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ hiệu quả. Tiếp đó, Bộ NN&PTNT cũng đã trình lên Chính phủ chính sách hỗ trợ “Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển”, cho 3.000 tổ đoàn kết với 15.000 tàu (có công suất 90 CV trở lên) và 150.000 thuyền viên, với mức hỗ trợ dự kiến là 636,6 tỷ đồng...

Sự hỗ trợ, tiếp sức cho ngư dân còn thể hiện tính nhân văn cao cả, bằng chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam dành cho những ngư dân không may gặp nạn. Đến nay đã tiếp nhận được hơn 38 tỷ đồng ủng hộ và đã chi 8,7 tỷ đồng giúp 72 ngư dân đóng mới tàu thuyền, mua ngư lưới cụ; hỗ trợ trang thiết bị liên lạc, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu cho ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Hướng về ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi phối hợp với doanh nghiệp tổ chức chương trình “Lý Sơn - Trái tim Tổ quốc” và đã vận động trên 500 triệu đồng ủng hộ ngư dân trên đảo.

Ra khơi ngày cận tết, trong lòng ngư phủ lại rạng rỡ một niềm tin...

Niềm vui dường như vỡ òa giữa những ngày tháng chạp này trên huyện đảo Lý Sơn, khi dự án cấp điện từ hệ thống điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho huyện đảo Lý Sơn đi vào hoạt động. Dự án đã giúp xóa cảnh đèn dầu và cung cấp nguồn năng lượng cho đông đảo ngư dân sửa chữa tàu, bảo quản, chế biến hải sản...

Biển cả luôn ồn ào và giận dữ, nhưng nó cũng rất hào phóng ban tặng cho con người nhiều nguồn lợi, nhưng con người phải biết yêu thương và gần gũi với biển nhiều hơn. Đời ngư phủ phải đối mặt với nhiều bất trắc, hiểm nguy... song với họ, biển cả là Tổ quốc, là chủ quyền thiêng liêng. Xuân mới lại tràn về, ngoài kia biển như bừng sáng lên, ngư dân vùng biển đang kỳ vọng một mùa làm ăn phát đạt...

XUÂN ANH

Các tin mới

[31/12/2016]

[31/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang