• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (Kỳ 1)

Nguồn tin: Nhân Dân, 09/06/2016
Ngày cập nhật: 10/6/2016

Người dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chăm sóc tôm, vượt qua thời tiết khắc nghiệt.

Các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 600 nghìn héc-ta nuôi tôm, chiếm hơn 80% diện tích nuôi tôm của cả nước. Hiện, người nuôi tôm đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đợt hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài vừa qua. Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững trước tình trạng hạn, mặn theo dự báo còn khốc liệt, kéo dài, cần có chiến lược phát triển bài bản, căn cơ.

Bài 1: Con tôm trong hạn, mặn

Đến đầu tháng 6-2016, vùng ĐBSCL có hơn 80 nghìn héc-ta nuôi tôm bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, tập trung ở vùng ngọt hóa và nuôi theo hình thức quảng canh kết hợp trồng rừng ở Cà Mau. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số địa phương, doanh nghiệp nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm thích ứng với hạn, mặn vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tôm chết vì “đại hạn”

Cà Mau là địa phương có diện tích nuôi tôm thiệt hại lớn nhất với hơn 52.460 ha, chiếm gần 20% tổng diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh, chủ yếu ở các mô hình nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến. Trong đó, hơn 17.620ha có tỷ lệ tôm chết từ 70% trở lên, còn lại từ 30 đến 70%. Nông dân Lê Tấn Hòa, ngụ ấp Cái Sắn Vàm (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) cho biết: “Vụ lúa - tôm vừa rồi, gia đình tôi coi như “trắng tay”. Nắng nứt mặt ruộng, lúa chết héo. Tưởng gỡ gạc lại được vụ tôm, ai dè mới thả nuôi được chừng hai tháng, tôm lủi đầu vô mé chết gần hết”.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Thới Bình là huyện bị ảnh hưởng nặng nhất khi có hơn 14.200 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Là vùng quy hoạch ngọt hóa, nhưng do thủy lợi chưa khép kín, cho nên khá nhiều đồng ruộng ở Thới Bình bị xâm mặn. Người dân địa phương tự phát nuôi tôm kết hợp trồng một vụ lúa vào mùa mưa, gặp thời tiết cực đoan, bất lợi, nên thất thu cả tôm và lúa. Cá biệt, có những vùng, tôm chết gần như 100% diện tích thả nuôi.

Dày dặn kinh nghiệm trong nuôi tôm, nhưng tại vùng chuyên nuôi trồng thủy sản như huyện Phú Tân, chỉ vài tháng trong đợt khô hạn, toàn huyện đã có hơn 10.600ha tôm nuôi bị chết, con số thiệt hại cao nhất trong 5 năm gần đây tại địa phương. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Phú Tân Nguyễn Văn Den, nắng nóng khiến độ mặn dưới sông và nhiều kênh rạch tăng mạnh, từ 36 đến 42‰. Còn trong ao, đầm nuôi tôm, độ mặn dao động từ 40 đến 55‰, có nơi lên đến 60‰. “Tôi nếm thử nước trong vuông tôm, cảm giác như ngậm muối. Mặn cỡ đó thì tôm, cá nào sống được, có sống cũng không lớn được” - ông Den nói.

Nhiều hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng cho biết, năm nay nuôi tôm khó khăn trăm bề. Nắng nóng, độ mặn tăng cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày với đêm lên đến 10ºC, bà con không dám thả nuôi. Tuy nhiên vẫn có nhiều hộ bỏ qua khuyến cáo của ngành nông nghiệp, “nhắm mắt” làm liều, thả nuôi trong khi thời tiết diễn biến phức tạp và chưa chuẩn bị kỹ về cấp, thoát nước, ao nuôi, ao lắng. Đáng nói hơn, nhiều hộ nuôi tôm sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, thả nuôi trong khi không sên vét bùn đáy ao, không diệt tạp, không có ao lắng… dẫn đến dịch bệnh hoành hành, tôm chết hàng loạt không kịp trở tay, bao nhiêu vốn liếng “đổ sông đổ biển”. Có gần một phần hai số vuông tôm bị thiệt hại là do bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng, số còn lại thiệt hại do môi trường. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, sáu tháng đầu năm nay, người dân trong tỉnh thả nuôi chỉ đạt khoảng 9.000ha (đạt 21% kế hoạch năm), nhưng diện tích thiệt hại đã lên đến hơn 1.600ha.

Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng.

Tôm khỏe nhờ “mô hình”

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hạn, mặn, một số địa phương, doanh nghiệp phát triển các mô hình nuôi tôm thích ứng với hạn, mặn vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Những giống lúa kháng mặn, kháng phèn đã được nông dân huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng trồng trên hơn 10 nghìn ha đất nuôi tôm. Ông Mai Văn Chánh ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Con tôm giúp cải tạo nguồn nước cho cây lúa phát triển, cây lúa cũng giúp dọn dẹp ao tôm. Khâu quan trọng nhất của mô hình này là sau khi thu hoạch xong vụ tôm, phải cho nước ra vào thường xuyên, rửa mặn thật kỹ thì mới bắt tay vào làm vụ lúa. Làm theo kiểu luân canh này, mỗi một héc-ta đất canh tác cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Đây là mô hình làm ăn bền vững, theo hướng an toàn sinh học”. Mô hình luân canh một vụ tôm, một vụ lúa này đã cải tạo tốt nhất cho môi trường ao nuôi, đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp hàng nghìn hộ vươn lên khá, giàu. Sóc Trăng đang nhân rộng mô hình làm ăn hiệu quả này, tiếp tục quy hoạch lại các vùng, tiểu vùng nuôi tôm, đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm...

Bạc Liêu có hơn 12.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại trong đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài vừa qua, tập trung ở các huyện Giá Rai, Đông Hải, Hồng Dân. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính tại tỉnh phát triển hơn 5 năm, đã chứng minh rõ năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, mô hình siêu thâm canh này rất ít xảy ra dịch bệnh làm chết hàng loạt như thả nuôi theo cách cũ mà đa số người nuôi tôm ở Bạc Liêu và vùng ĐBSCL vẫn quen áp dụng.

Đi đầu trong nuôi tôm trong nhà kính là Công ty TNHH một thành viên Hải Nguyên (Công ty Hải Nguyên), đóng tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu. Giám đốc Công ty Hải Nguyên Đinh Vũ Hải cho biết: "Mô hình nuôi tôm trong nhà kính chi phí đầu tư ban đầu rất cao, khoảng tám đến 10 tỷ đồng/ha, bao gồm: xây nhà bao phủ các vuông tôm, xây tường chung quanh ao nuôi, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống quạt, ô-xy đáy, hệ thống dây chuyền cho tôm ăn... Tuy nhiên, việc thả tôm nuôi trong nhà kính đạt mật độ cao, từ 200 đến 400 con/m2. Tôm nuôi 65 ngày đạt 50 con/kg, 80 ngày đạt 40 con/kg và 105 ngày đạt 30 đến 33 con/kg. Năng suất tôm thẻ đạt hơn 80 tấn/ha/vụ, ước tính khoảng 240 tấn/ba vụ/năm. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính có thể nuôi liên tục, từ ba đến bốn vụ/năm. Nhờ nuôi trong nhà kính, người nuôi dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh, tôm sinh trưởng và phát triển nhanh...".

Ngoài Công ty Hải Nguyên, từ năm 2015 đến nay, tại vùng ven biển Bạc Liêu còn có hai đơn vị áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, đó là Tập đoàn Việt - Úc (trụ sở tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu); Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu).

Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc Lương Thanh Vân cho biết: Từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị chính thức triển khai Chương trình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh trong nhà kính với tổng diện tích 50 ha, bao gồm 414 ao nuôi, mỗi ao 500 m2, mật độ thả giống từ 200 đến 500 con/m2 tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), dự án có số vốn đầu tư ban đầu hơn 180 tỷ đồng. Thông qua chương trình sẽ cung cấp sản lượng tôm ổn định cho ngành tôm Việt Nam; đồng thời, giá trị con tôm được nâng lên bởi truy xuất được nguồn gốc, hạn chế đến mức thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một trong các yếu tố làm gia tăng giá trị con tôm đối với các thị trường khó tính. Ngoài ra, chương trình cũng mở ra cơ hội chuyển giao phương pháp siêu thâm canh trong nhà kính đến bà con nông dân với quy mô nhỏ hơn, góp phần phát triển ngành tôm tỉnh Bạc Liêu nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung.

NHÓM PHÓNG VIÊN ĐBSCL

Các tin mới

[31/12/2016]

[31/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang