• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Đói" nguyên liệu, ngành chế biến thủy sản gặp khó

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 13/10/2016
Ngày cập nhật: 16/10/2016

Cá đánh bắt đưa vào bờ tại cảng Bến Đá, phường 5, TP. Vũng Tàu, chủ yếu vẫn là cá tạp.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản đánh bắt của ngư dân giảm, khiến các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Để giải quyết bài toán về nguyên liệu, các DN phải nhập khẩu từ nước ngoài và chuyển sang làm hàng thủy sản tinh chế.

Cả sản lượng lẫn chất lượng hải sản đánh bắt đều giảm mạnh

Bà Trần Thị Bút, chủ 2 cặp tàu đánh bắt hải sản bằng nghề lưới kéo, đồng thời là chủ vựa thu mua mực khô tại cảng Bến Đá (phường 5, TP.Vũng Tàu) cho biết, hoạt động đánh bắt hải sản năm nay gặp nhiều khó khăn, sản lượng cũng như chất lượng giảm, ít hàng đủ điều kiện để xuất khẩu nên hiệu quả thấp. Sản lượng hải sản đánh bắt được chỉ bằng 60%-70% năm ngoái, lượng cá tạp lại nhiều nên giá bán không cao. Mỗi chuyến biển đánh bắt được 80 tấn thủy sản thì lượng cá tạp (dùng làm bột cá) đã chiếm từ 50-60 tấn nên doanh thu cũng giảm từ 40-50%. Hướng tay chỉ về góc nhà chuyên để mực khô, bà Bút nói: “Những năm trước, từ tháng 8 trở đi, mỗi ngày tôi thu mua của ngư dân hàng tấn mực khô, thế nhưng hiện nay, mỗi ngày chỉ thu mua được từ vài chục đến vài trăm ký mực là cùng”.

Là một trong những người chuyên thu mua hải sản tại Bến Đá, ông Đỗ Văn Minh (phường 5, TP.Vũng Tàu) cho biết thêm: “Mọi năm, thời điểm này đánh được lắm, thế nhưng năm nay, thời tiết mưa nắng thất thường nên năng suất giảm rất nhiều, sản lượng hải sản đánh bắt được giảm 30%-40%. May nhờ giá dầu ở mức thấp nên ngư dân huề vốn hoặc lời không đáng kể”.

Anh Nguyễn Hoàng Minh Hiếu, chủ cơ sở chế biến thủy sản Tâm Thuận (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), chuyên thu mua cá bò tại cảng Incomap (phường 5, TP.Vũng Tàu) cũng than: “Trước đây, mỗi tháng cơ sở chế biến nhà tôi thu mua cả trăm tấn cá bò để sơ chế xuất khẩu thì nay mỗi tháng cũng chỉ mua được 40 tấn cá. Có tàu lưới kéo vào cả trăm tấn cá, nhưng số cá kém chất lượng lên đến 80%”.

Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, ước 9 tháng năm 2016, tổng sản lượng khai thác trên địa bàn tỉnh đạt 247.535 tấn, trong đó sản lượng tôm, ghẹ, mực đạt 49.126 tấn, chỉ đạt 83% so với kế hoạch.

Sản xuất, chế biến thủy sản cầm chừng

Do thiếu nguyên liệu, các nhà máy chế biến thủy sản buộc phải tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng. “Hiện nay, tại khu vực Phước Cơ, phường 12, TP.Vũng Tàu, hơn chục nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động cầm chừng (khoảng 30% công suất) để giữ chân công nhân hoặc cho công nhân nghỉ chờ nguyên liệu để sản xuất và trả 70% lương. Việc thiếu nguyên liệu gây rất nhiều khó khăn cho các DN chế biến thủy sản”, ông Trần Tấn Toàn, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Hải Long (phường 12, TP.Vũng Tàu) cho biết.

Trong khi đó, các DN có quy mô lớn phải xoay xở mọi cách để có nguyên liệu sản xuất bảo đảm đơn hàng xuất khẩu. Phản ánh của các DN chế biến hải sản xuất khẩu cho biết, họ phải chạy vạy tìm nguồn nguyên liệu từ các tỉnh, thành khác như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang..., thậm chí phải nhập khẩu từ nước ngoài với mức giá cao hơn 5-10% so với trong nước. Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) kiêm Giám đốc XN Chế biến Thủy sản Xuất khẩu I cho biết, tình trạng thiếu nguyên liệu trong chế biến hải sản đã xảy ra nhiều năm nay. Đặc biệt trong năm 2016, tình hình thiếu nguyên liệu để sản xuất của các DN chế biến thủy sản là ở mức báo động. Nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của DN. Đứng trước tình hình đó, các DN phải tìm giải pháp để cứu mình, đó là nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Riêng đối với Baseafood, dự báo trước tình hình và để chủ động sản xuất, đơn vị đã nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, Pakistan, Nam Mỹ (lượng nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 60%), với lượng cá saba, bạch tuộc, cá ngừ nhập khẩu là 2.800 tấn/năm.

Nhiều DN chế biến xuất khẩu thủy sản cũng đã chủ động chuyển sang sản xuất các sản phẩm tinh chế như: tẩm bột, nướng, chiên… để giảm nguyên liệu đầu vào. “Sản xuất hàng giá trị gia tăng thì sử dụng nguyên liệu ít, nếu làm sơ chế thì mỗi ngày Xí nghiệp I của Baseafood phải sử dụng 20 tấn nguyên liệu, nhưng nếu làm tinh chế thì sử dụng 10 tấn nguyên liệu. Mặc dù sử dụng nguyên liệu ít hơn nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn do giá bán cao hơn nhiều lần so với xuất khẩu sản phẩm sơ chế. Hiện nay, 80% sản phẩm xuất khẩu của Baseafood là sản phẩm hàng giá trị gia tăng”, ông Huỳnh Minh Tường cho biết thêm.

Ước 9 tháng năm 2016, giá trị sản xuất của ngành thủy sản giảm 7,89 % do DN gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, thiếu nguyên liệu sản xuất.

Ngư dân vẫn coi trọng số lượng mà chưa chú ý đầu tư nhiều đến việc bảo quản thủy sản khai thác được để có sản phẩm đưa vào bờ đạt chất lượng, giá bán cao. Đánh bắt, bảo quản, chế biến hải sản là một chuỗi liên kết, do đó để làm được điều này cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước như: xây dựng chợ cá đầu mối, trung tâm nghề cá để đấu giá các sản phẩm cá đạt chất lượng của ngư dân sau đánh bắt. Việc đấu giá bán sản phẩm sau đánh bắt đã được các nước như Nhật Bản, Australia… làm từ lâu. Nếu nước ta làm được điều này sẽ khuyến khích ngư dân đầu tư công nghệ bảo quản để có sản phẩm đưa vào bờ đạt chất lượng và cho giá bán cao, giảm phế phẩm sau đánh bắt, đồng nghĩa với nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến sẽ tăng. - (Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Baseafood)

Ngư dân cần ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực khai thác và bảo quản sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch. Bên cạnh đó, bà con cần tiếp tục cải tiến ngư cụ và phương pháp khai thác để chuyển hướng khai thác theo chất lượng và giá trị sản phẩm; sử dụng các ngư cụ có tính chọn lọc, khai thác một số đối tượng có giá trị kinh tế cao bằng các nghề như lồng, bẫy, câu; đồng thời ứng dụng phương pháp điều khiển đối tượng đánh bắt như sử dụng ánh sáng, chà rạo, âm thanh... để nâng cao năng suất đánh bắt của ngư cụ, đặc biệt đối với một số nghề hoạt động khai thác xa bờ. - (Thạc sĩ Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản)

SA HUỲNH

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

30/12/2016

29/12/2016

28/12/2016

27/12/2016

27/12/2016

26/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

24/12/2016

Xem tiếp

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2015 | 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang