• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn tin: Nhân Dân, 29/09/2016
Ngày cập nhật: 30/9/2016

Dây chuyền sản xuất tôm tẩm bột xuất khẩu của Công ty chế biến thủy sản Quốc Việt Cà Mau.

Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 300 cơ sở chế biến thủy sản, chiếm gần 50% số cơ sở của cả nước. Tổng công suất chế biến khoảng 1,4 triệu tấn sản phẩm/năm và giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD/năm, chiếm hơn 50% công suất và khoảng 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, liên tục ba năm nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang hoạt động cầm chừng, nhiều nhà máy giảm 50% công suất. Giải pháp nào để vực dậy một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực ĐBSCL?

Bài 1: Luẩn quẩn trong khó khăn

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL gặp khó khăn, nhất là khó khăn về vốn. Không ít doanh nghiệp chế biến thủy sản sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đã bị ngân hàng khoanh vào nợ xấu, một số doanh nghiệp sai phạm bị pháp luật xử lý. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp bị vạ lây không vay được vốn để phát triển sản xuất.

Khó khăn chồng chất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết, năm 2015 xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn nhất trong các năm qua, kéo dài đến sáu tháng đầu năm 2016. Trong đó có một số khó khăn chủ yếu như lượng hàng tồn kho của khách hàng năm 2015 còn khá lớn, giá có xu hướng tiếp tục giảm. Nhu cầu khách hàng giảm đáng kể (do cạnh tranh giá với các nước trong khu vực như: Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ê-cu-a-đo,... Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh ở tôm nuôi diễn ra trên diện rộng, gây chết hàng loạt, từ đó sản lượng nguyên liệu sụt giảm, không đáp ứng đủ cho nhu cầu chế biến (ước công suất chế biến chỉ đạt khoảng 39%)… Các doanh nghiệp vừa phải chịu áp lực từ việc thiếu hụt nguyên liệu trong nước vừa cạnh tranh với thủy sản các nước có giá thấp.

Trong khi các rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe, chất lượng nguyên liệu lại không ổn định, nhất là vùng nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Thiếu hụt tài chính do khó khăn kéo dài từ những năm truớc; khó tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn ưu đãi cũng như chưa có sự hỗ trợ tạo điều kiện khoanh nợ, nâng hạn mức tín dụng từ các ngân hàng thương mại cho nên doanh nghiệp càng khó khăn. Bên cạnh đó, dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến của một số nhà máy còn nhiều hạn chế, dẫn đến một lượng hàng hóa xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn, bị nước ngoài trả về. Thêm vào đó là trình độ quản lý của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tại ĐBSCL còn yếu, nhiều trường hợp bị khách hàng nước ngoài chiếm dụng vốn, kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến nợ nần. Các đơn hàng xuất sang Trung Quốc không thu được lợi nhuận, thậm chí bị lỗ về giá, chủ yếu là xuất bán hàng tồn kho nhằm thanh toán các khoản chi phí hoạt động, khấu hao máy móc, trả lương công nhân, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, chủ yếu là gia công hàng thủy sản theo đơn đặt hàng.

Nợ nần đầm đìa

"Sức khỏe" của các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại ĐBSCL đang giảm sút trầm trọng. Tất cả phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở vốn vay. Vốn vay lại theo thị trường tín dụng, mỗi khi lãi suất tăng cao là doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong năm 2015, có thời điểm dư nợ các tổ chức tín dụng cho vay lĩnh vực thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng đạt hơn năm nghìn tỷ đồng, trong đó riêng dư nợ của các doanh nghiệp chế biến thủy sản là 3.500 tỷ đồng. Cơ chế tổ chức tín dụng cho vay theo phương án kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc cán bộ thẩm định trước, trong và sau giải ngân vẫn đứng trước nhiều mối lo, đó là: Làm sao đánh giá được kết quả cuối cùng? Nếu bị rủi ro mà lại không có tài sản thế chấp, có chăng là hàng tồn kho, và hàng này không thể định giá được, thì xử lý thế nào? Qua nhiều tư liệu chúng tôi có được, giữa số liệu báo cáo của doanh nghiệp về hàng tồn kho hàng thủy sản làm tài sản bảo đảm thế chấp có giá trị cao hơn so với giá trị hàng tồn kho thực tế có chất lượng chênh lệch từ bốn đến năm lần. Phần lớn tài sản bảo đảm của doanh nghiệp hiện nay là bất động sản, tuy nhiên tính thanh khoản thấp, khó xử lý. Đó cũng là lý do để các tổ chức tín dụng chần chừ trong việc cho các doanh nghiệp thủy sản vay vốn. Sau đợt đổ bể hàng loạt doanh nghiệp thủy sản thì hạn mức tín dụng cho vay càng bị hạ thấp.

Qua thống kê sơ bộ, số nợ của các công ty thủy sản phải trả cho các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp nguyên liệu hiện đều từ 800 tỷ đồng trở lên. Nhiều công ty hoạt động cầm chừng, lượng công nhân, từ vài nghìn người rút xuống chỉ còn 200 đến 300 người, không có tiền để mua nguyên liệu. Hình thức hoạt động chủ yếu là khi ký được hợp đồng xuất khẩu thì kiểm đếm lượng hàng tồn kho có thể sử dụng rồi chuyển cho ngân hàng tài trợ mới có nguồn tiền để mua nguyên liệu.

Vì sao các doanh nghiệp thủy sản lại có số nợ phải trả quá cao, quá thời hạn thanh toán, trở thành nợ xấu? Từ cơn sốt đất đai thời điểm năm 2005 đến 2010, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản “bung ra” đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, chủ yếu là sử dụng vốn vay sản xuất, kinh doanh thủy sản. Từ năm 2013 trở lại đây, thị trường bất động sản đóng băng, vốn sản xuất, kinh doanh thủy sản bị kẹt lại theo các dự án bất động sản chưa có lối ra. Lãi suất ngân hàng tăng cao càng gây khốn đốn cho doanh nghiệp thủy sản. Để né “nợ xấu”, không ít doanh nghiệp đã thiếu trung thực trong báo cáo tài chính, giả mạo, lập khống chứng từ, để vay được vốn ngân hàng, trong đó có sự thông đồng, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng của một số lãnh đạo, cán bộ thẩm định ở các tổ chức tín dụng.

Cái giá phải trả

Công ty Phương Nam (Sóc Trăng), trong quá trình kinh doanh liên tục thua lỗ. Để được các ngân hàng cho vay vốn, công ty đã gian dối trong việc lập hồ sơ vay vốn, trong thế chấp hàng tồn kho, dùng một tài sản là hàng tồn kho để thế chấp nhiều ngân hàng, Công ty Phương Nam đã nâng khống giá trị tài sản bảo đảm là hàng tồn kho lên khoảng 1.900 tỷ đồng (trong lúc tài sản bảo đảm là hàng tồn kho chỉ còn 40,6 tỷ đồng). Bên cạnh đó cán bộ thẩm định của ngân hàng, chỉ kiểm tra qua loa hình thức, không kiểm đếm thực tế, chỉ dựa vào số liệu báo cáo hàng tồn kho của doanh nghiệp đã kê khống giá trị hàng tồn kho vào biên bản kiểm tra để hợp thức hồ sơ vay vốn cho doanh nghiệp. Thua lỗ liên tục từ năm 2008 đến 2012, Công ty Phương Nam mất khả năng thanh toán, Chủ tịch HĐQT và giám đốc công ty bỏ trốn sang Mỹ.

Tháng 3-2016, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã (khu công nghiệp Trà Nóc 2, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) bị bắt, để lại số nợ 891 tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng hơn 500 tỷ đồng. Công ty nợ lương khoảng 400 công nhân với số tiền 1,6 tỷ đồng. UBND thành phố Cần Thơ thành lập tổ công tác ưu tiên giải quyết lương công nhân và đến nay công ty đã trả được 350 triệu đồng. Số tiền 27.000 USD còn lại của công ty, tổ công tác cùng công ty đang làm thủ tục giải ngân để tiếp tục trả nợ lương công nhân. Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ yêu cầu công ty trả lương công nhân hằng tuần hoặc hằng ngày, chuyển hoạt động của công ty từ gia công thủy sản sang cho thuê nhà xưởng, tránh nợ phát sinh.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ cho biết: Các doanh nghiệp chế biến thủy sản rơi vào tình trạng nợ xấu và khả năng phá sản không phải hoàn toàn do hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành hàng thủy sản. Đây là hậu quả của việc các chủ doanh nghiệp lấy vốn ngắn hạn đi đầu tư trung hạn, sử dụng vốn vay sai mục đích, từ đồng vốn vay ngắn hạn thu mua nguyên liệu tôm và chi phí đầu vào lại đem đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, tính toán đơn giản, không lường trước biến động của thị trường, cho nên lỗ là khó tránh khỏi. Điều này có thể thấy rõ qua vụ việc của các Công ty Bình An, An Khang, Thiên Mã...

Lưu Quốc Thắng, Hữu Tùng

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

30/12/2016

29/12/2016

28/12/2016

27/12/2016

27/12/2016

26/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

24/12/2016

Xem tiếp

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2015 | 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang