• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thị trường tôm Việt Nam đang bị đe dọa từ việc thu mua không cần chất lượng!

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 22/07/2016
Ngày cập nhật: 24/7/2016

Ở vùng nuôi tôm ven biển khu vực bán đảo Cà Mau đang rộ chuyện mua bán tôm nguyên liệu quá dễ dãi của một số thương lái chạy cung ứng hàng cho thương lái Trung Quốc. Họ không cần kiểm tra kháng sinh, tôm bơm tạp chất hay vệ sinh kém…, đều được thu mua tất!

Cần giữ hình ảnh, thương hiệu tôm sạch VN. (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

* Cảnh giác gian thương phá thị trường

Qua cách mua bán này vô hình biến thương lái trong nước trở thành gian thương phá thị trường, làm mất hình ảnh tôm Việt Nam.

Núp bóng “làm ăn”

Từ đầu năm đến nay, ngoại trừ mất một vài tháng các nhà máy chế biến thủy sản trong vùng ĐBSCL thiếu nguyên liệu do ảnh hưởng đợt hạn, mặn vừa qua, nhìn chung giá tôm nguyên liệu và giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm tiến triển khá tốt.

Tuy nhiên, gần đây khi tin thương lái TQ gián tiếp tham gia mua tôm nguyên liệu thông qua thương lái, đại lý và gia công tại một số nhà máy, bối cảnh mua bán tôm nguyên liệu khá lộn xộn.

Cán bộ Chi cục Thủy sản các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu… cho biết, có nghe tin từ người dân báo lại, một vài địa phương có khách là người TQ đến tận ao nuôi xem tôm. Họ chỉ xem, còn người mua trực tiếp là các thương lái hay đại lý thu mua tôm tại địa phương.

Một nguồn tin trong giới DN chế biến xuất khẩu thủy sản cho biết, tại Sóc Trăng, một vài nhà máy như P., U… có thu mua tôm và hợp đồng gia công hàng tôm tươi xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Tôm được chế biến đơn giản, sau khi phân loại theo kích cỡ, tôm nguyên con (còn đầu, vỏ) hoặc cắt bỏ đầu nhưng còn phần vỏ của thân và đuôi để nguyên, sau đó đông thành block rồi xuất xưởng.

Thoạt nhìn qua chuyện mua bán, có cạnh tranh giá cả sẽ có lợi cho người nuôi tôm. Tuy nhiên thương lái TQ thu mua tôm chỉ cần đúng cỡ, còn lại không yêu cầu kiểm kháng sinh, thậm chí thương lái bơm chích tạp chất vào tôm (chủ yếu như rau câu từ bột agar) kể cả sơ chế trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh (nguồn nước)… cũng dễ dàng cho qua. Cách mua dễ dãi này giống như tiếp tay làm ăn gian dối.

Trong khi đó nạn “tôm bẩn” đang làm đau đầu các nhà máy xuất khẩu thủy sản trong vùng chuyên chế biến hàng cao cấp sang thị trường Nhật, Mỹ, các nước EU… Vì thị trường những nước này luôn có yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt; đòi hỏi tôm nguyên liệu sạch, không nhiễm kháng sinh, không nhiễm vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm, không tạp chất.

Nguy cơ mất thị trường

Từ tháng 5/2016, ông Võ Văn Phục, Giám đốc Cty CP Thủy sản sạch VN đã than phiền và bức xúc vấn nạn “tôm bẩn” có nguy cơ làm mất thị trường Nhật.

Ông nói: Tôm mua qua từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang hiện có trên 90% bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh và bị bơm chích agar. Do đó tôi phải cho chuyển các điểm thu mua sang các tỉnh khác an toàn hơn như Bến Tre, Trà Vinh, Long An để có nguồn cung tốt hơn. Tuy nhiên vẫn không đủ tôm nguyên liệu sạch, Cty đành phải từ chối những hợp đồng lớn.

Ông Phục cho biết thêm: Nguyên nhân tôm nhiễm vi khuẩn gây bệnh chủ yếu xuất phát từ nước đá, công cụ, nguồn nước và cả trên người công nhân tại các cơ sở sơ chế tôm trước khi cung ứng về nhà máy chế biến xuất khẩu. Việc bơm chích tạp chất cũng chủ yếu xuất phát từ các cơ sở này. Cơ quan chức năng cần kiên quyết hơn với nạn “tôm bẩn”.

Cần nghiêm cấm dùng kháng sinh cấm, bơm tạp chất vào tôm (Ảnh: HP)

Theo các DN thủy sản xuất khẩu, nếu thương lái TQ đến ĐBSCL thu mua tôm tươi cũng có nghĩa là có thêm đối tác cùng tham gia mua tôm. Có thể xem đây là cơ hội để người nuôi có thêm lựa chọn nơi mua cao giá hơn để bán. Vấn đề là phải cạnh tranh sòng phẳng, đúng chuẩn chất lượng.

Thương lái TQ thường khai thác trang thiết bị các nhà máy làm ăn thua lỗ, đang bỏ không, gia công với giá rất thấp. Các nhà máy này có việc làm còn hơn ngồi không nên chấp nhận làm công giá rẻ theo ý muốn của họ.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Cty CP Thực phẩm Sao Ta, nhận xét: Thương lái TQ chỉ mua tôm mang tính chất giai đoạn, thời điểm, với số lượng bù vào thiếu hụt tại chính quốc. Mà sự thiếu hụt này không thường xuyên. Cho nên thương lái TQ mua tôm cũng bấp bênh.

Khi thương lái TQ mua giá cao, các nhà máy VN thấy không kham nổi, không thể ký hợp đồng (vì ký giá quốc tế mà mua theo giá mua của thương lái TQ sẽ bị lỗ), khi thương lái TQ ngưng mua, giá tôm tươi sẽ bị giảm đột ngột gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng người nuôi tôm và xã hội. Mặt khác, khi các nhà máy VN hạn chế ký hợp đồng vì bị thương lái TQ cạnh tranh mua thì mất cơ hội khuếch trương hình ảnh con tôm VN trên thị trường thế giới.

“Thương lái TQ mua tôm chấp nhận tôm có tạp chất sẽ làm ảnh hưởng chung chất lượng tôm VN. Nếu thương lái TQ mua tôm tươi thường xuyên, giá tốt thì hoan nghênh. Nhưng mua theo kiểu mưa nắng hiện nay chỉ có hại chung cho cộng đồng ngành tôm VN. Do đó cơ quan chức năng cần kiểm tra tư cách pháp nhân, trách nhiệm thuế đối với hoạt động thương lái TQ và cấm mua bán tôm có tạp chất”, ông Lực kiến nghị.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đề xuất 11 giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản.

Trong đó, VASEP kiến nghị Chính phủ và Bộ NN-PTNT có kế hoạch tiếp cận và áp dụng thực nghiệm các mô hình nuôi tiên tiến, hướng đến SX nguyên liệu thủy sản bền vững, giá thành hạ và không kháng sinh, đồng thời rà soát về tình hình lạm dụng kháng sinh, bơm chích tạp chất…

HƯNG PHÚ-TX

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

30/12/2016

29/12/2016

28/12/2016

27/12/2016

27/12/2016

26/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

24/12/2016

Xem tiếp

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2015 | 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang