• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cần thiết tái cấu trúc ngành cá tra - Tìm hướng đi bền vững

Nguồn tin: Báo An Giang, 28/04/2016
Ngày cập nhật: 30/4/2016

Hướng đi bền vững của ngành cá tra trong thời gian tới là củng cố chất lượng sản phẩm thông qua việc cương quyết xử lý những doanh nghiệp (DN) làm ăn gian dối. Đồng thời, tuân thủ quy hoạch đã đề ra, nâng cao vai trò của hiệp hội ngành hàng, tạo ra con giống khỏe, sạch bệnh, kiểm soát hóa chất tăng trọng lẫn thức ăn để hạ thấp chi phí sản xuất…

Củng cố chất lượng

20 năm phát triển với tốc độ “cực nhanh”, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đã góp phần quan trọng cho nền kinh tế nước nhà, giải quyết cho trên 40.000 lao động có việc làm ổn định. Sản phẩm xuất khẩu mang về cho quốc gia mỗi năm 1,7 – 1,8 tỷ USD cùng nhiều thành tựu quan trọng khác.

Kiểm soát chặt tỷ lệ mạ băng và hàm lượng ẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm miếng fillet

Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi và xuất khẩu cá tra gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nút thắt cần tháo gỡ để ngành phát triển chính là đi vào củng cố chất lượng. Từ chất lượng con giống đến miếng fillet xuất khẩu, chất lượng của viên thức ăn, thuốc trị bệnh lẫn môi trường nước. Con giống suy thoái dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình nuôi thương phẩm, nguyên liệu xuất khẩu chưa thực sự đảm bảo. “Cần thay đổi nhận thức trong nuôi cá giống, cá thương phẩm. Nghĩa là phải chuyển từ nuôi mật độ dày, cho ăn nhiều, sử dụng kháng sinh liều cao (hoặc kháng sinh thế hệ mới) sang nuôi thưa, cho ăn đủ chất, hạn chế sử dụng kháng sinh. Đặc tính của cá tra là mẫn cảm với môi trường nước, việc thay nước liên tục dễ làm cho cá bệnh. Khắc phục tình trạng này, cần áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, cho nước tuần hoàn qua hệ thống lọc tự động. Môi trường nước không thay đổi, cá sẽ ít bệnh” – ThS. Vương Học Vinh, nguyên Trưởng bộ môn Thủy sản - Trường đại học An Giang, phân tích

Trên lĩnh vực chế biến, cần thực thi nghiêm túc Nghị định 36/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định hàm lượng ẩm không vượt 86%, tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10%. Việc này giúp cho sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ (từ đầu vào đến đầu ra) các loại hóa chất dùng cho tăng trọng, kháng sinh trong quá trình nuôi - như đã từng quản lý chất tạo nạc (Salbutanol), cương quyết xử lý những doanh nghiệp làm ăn gian dối. DN cần mạnh dạn tẩy chay những khách hàng có yêu cầu mạ băng cao, nhập hàng gian dối.

Nâng cao vai trò hiệp hội

“Mỗi container cá tra fillet trước khi xuất đi phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý chất lượng vùng. Hàng không bị nhiễm thì mới xuất đi được. Vậy mà cơ quan chức năng của nước nhập khẩu thường xuyên phát hiện, buộc hàng phải quay về Việt Nam hoặc tiêu hủy tại nước nhập khẩu do bị nhiễm các chất cấm. Thử hỏi vai trò, trách nhiệm của cơ quan vùng trong quản lý chất lượng ở đâu?” – ông Cao Lương Tri, nông dân nuôi cá TP. Long Xuyên, bức xúc.

Bài học từ sản phẩm cá hồi của Na Uy, rượu nho của Pháp hay nông sản ở Nhật Bản cho thấy, vai trò của hiệp hội ngành hàng rất quan trọng, quyết định đến giá trị của sản phẩm (từ đầu vào đến đầu ra). Cần có cơ chế để hiệp hội ngành hàng có tiếng nói mạnh hơn, mang tính quyết định. Hiện nay, vai trò này là rất yếu và mờ nhạt. Chính sự quản lý “chặt khúc”, chồng chéo lên nhau giữa các bộ, ngành chức năng đã làm cho tình trạng mất kiểm soát đã xảy ra. Việc quản lý hóa chất tăng trọng, kháng sinh, quản lý môi trường nước trong nuôi trồng và chế biến là một điển hình. Ở An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung, việc cho các đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật thoải mái nhập hàng từ nước ngoài về bán tự do cho nông dân đã làm cho môi trường, chất lượng nước trên 2 lưu vực sông Tiền và sông Hậu không còn trong sạch như trước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ nuôi thủy sản. Thuốc trừ sâu, hóa chất phun xịt trên lúa, hoa màu sẽ theo nước chảy xuống hệ thống kênh rạch, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nuôi cá. Từ đó đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt hoặc trong quá trình nuôi phát sinh nhiều dịch bệnh.

Nâng cao vai trò quản lý của hiệp hội ngành hàng sẽ chống lại được tình trạng bán phá giá lẫn nhau giữa các DN. Kiểm soát được thị trường hóa chất dùng để tăng trọng cùng những vấn đề gian lận thương mại (cân thiếu trọng lượng tịnh của miếng fillet) sẽ góp phần làm cho ngành hàng chủ lực của ĐBSCL phát triển mang tính ổn định và bền vững. Việc tái cấu trúc ngành cá tra nhằm khắc phục tình trạng tham gia càng lâu càng… lỗ nhiều; tránh được các rủi ro luôn rình rập những người tham gia. Đồng thời, phân chia lại lợi nhuận một cách hợp lý cho những người tham gia chuỗi giá trị ngành hàng, vốn được xem là thế mạnh của ĐBSCL.

“Nhà nước cần có cơ chế để các DN làm ăn thua lỗ cơ cấu lại nợ như bán nợ cho VAMC, đưa xuất khẩu cá tra vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (như xuất khẩu gạo) để loại trừ những DN không đủ điều kiện. Đây là lực lượng làm ăn gian dối, phá giá thị trường, gây ra tình trạng mất kiểm soát từ đầu vào lẫn đầu ra. Đồng thời, xây dựng lại chiến lược xuất khẩu cá tra với nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, trong đó cá nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP phải bán được với giá cao hơn nuôi bình thường” - ông Đỗ Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thủy sản AFA, kiến nghị.

MINH HIỂN

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

30/12/2016

29/12/2016

28/12/2016

27/12/2016

27/12/2016

26/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

24/12/2016

Xem tiếp

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2015 | 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang