• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cam kết về môi trường trong TPP và các tác động tới khai thác thủy sản

Nguồn tin: Vasep, 26/04/2016
Ngày cập nhật: 27/4/2016

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại tự do đa phương đầu tiên đưa các nội dung về môi trường thành một chương trong các cam kết. Điều này một lần nữa khẳng định, vị trí quan trọng của môi trường trong các hoạt động thương mại, cũng như những đóng góp của thương mại đối với phát triển bền vững.

Trong chương Môi trường của Hiệp định TPP, nhiều lĩnh vực và vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại đã được đưa vào thành những nghĩa vụ cam kết mang tính chất ràng buộc và bắt buộc các nước thành viên phải thực thi thông qua việc sử dụng công cụ về kinh tế, cụ thể là việc áp dụng cơ chế tham vấn và cơ chế giải quyết tranh chấp (có áp dụng chế tài thương mại) đối với những vấn đề phát sinh hoặc các tranh chấp về môi trường có liên quan đến thương mại và đầu tư giữa hai hay nhiều bên.

Cụ thể các cam kết thương mại đa phương như: các cam kết về hàng hóa và dịch vụ môi trường; các cam kết về chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp; các vấn đề liên quan đến ô nhiễm đại dương và suy giảm nguồn tài nguyên thủy sản trên biển do hoạt động đánh bắt cá; thành lập Ủy ban môi trường (điểm liên lạc quốc gia và cơ chế giải quyêt các vấn đề thương mại – môi trường giữa các quốc gia).

Bên cạnh những điểm mới nêu trên, chương Môi trường cũng có những điều khoản nhằm tăng tính minh bạch và tính nghiêm túc trong việc thực thi các nghĩa vụ của chương, cụ thể là nghĩa vụ phải tạo điều kiện cho công chúng được tham gia trong quá trình thực hiện; nghĩa vụ về chia sẻ và công khai thông tin liên quan đến việc thực hiện và nghĩa vụ khuyến khích, cho phép công chúng được tham gia giám sát quá trình thực thi các cam kết về môi trường.

Đáng chú ý, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, với sự tham gia của 12 nước thành viên của cả 3 Châu Lục (Châu Á, Châu Mỹ và Châu Đại dương), bao quát hầu hết khu vực vành đai Thái Bình Dương, chiếm khoảng hơn 40% sản lượng khai thác tự nhiên trên toàn thế giới, được cho là tập hợp gồm các quốc gia tiêu thụ, sản xuất chủ yếu và chiếm vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế đối với hải sản. Do đó, các nội dung về trợ cấp đánh bắt tự nhiên, chống thương mại trái phép hải sản bị đánh bắt tự nhiên là một trong những nội dung gây nhiều bất đồng trong quá trình đàm phán và là một trong những nội dung quan trọng của Chương Môi trường – Hiệp định TPP. Với mục đích hướng tới xây dựng một Hiệp định Thương mại tự do có trách nhiệm với các mối quan tâm chung và đảm bảo sự phát triển bền vững, đồng thời dỡ bỏ các yếu tố phi công bằng, bóp méo thương mại hải sản trong khu vực và trên thế giới, các nước TPP đã đưa ra các cam kết quan trọng như sau:

1. Tìm cách vận hành hệ thống quản lý nghề cá được thiết kế để ngăn ngừa lạm thác và quá năng lực; giảm thiểu việc khai thác các loài không chủ đích; thúc đẩy sự phục hồi của các loài đã bị lạm thác. Việc này phải được thực hiện dựa trên các bằng chứng khoa học tốt nhất, sẵn có và các thông lệ tốt nhất được quốc tế công nhận.

2. Thúc đẩy bảo tồn dài hạn các loài cá mập, rùa biển, chim biển và các loài động vật biển có vú thông qua việc triển khai và thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo tồn và quản lý thích hợp, ví dụ như: sử dụng các biện pháp giảm việc khai thác phải các loài không chủ đích; đánh bắt lấy vây cá…

3. Loại bỏ các khoản trợ cấp dành cho hoạt động khai thác có tác động tiêu cực đến đàn cá đang được đánh giá là bị lạm thác. Chấm dứt mọi khoản trợ cấp dành cho bất kỳ tàu khai thác nào bị quốc gia mà tàu mang quốc tích hoặc tổ chức quản lý khai thác khu vực liệt vào danh mục khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Thực hiện các biện pháp của các quốc gia có cảng biển.

Ngoài ra, các bên cũng nhất trí thực thi các nghĩa vụ theo Công ước về Thương mại quốc tế đối với các loài động thực vật nguy cấp (CITES) và thực hiện các biện pháp nhằm đấu tranh và tăng cường hợp tác để ngăn chặn thương mại về động thực vật hoang dã được tiến hành một cách bất hợp pháp. Cam kết triển khai các chương trình bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên.

Các nước cũng tiến xa hơn nữa trong cam kết ngăn chặn hành vi khai thác trái phép hoặc thương mại động thực vật bị khai thác trái phép chứ không chỉ dừng trong phạm vi của các loài có nguy cơ. Mở rộng phạm vi trách nhiệm với cộng đồng quốc tế bằng việc cho phép sử dụng luật môi trường của các vùng lãnh thổ khác ngoài khu vực TPP, nơi diễn ra hoạt động khai thác làm cơ sở tham chiếu, xác định tính bất hợp pháp của hành vi buôn bán động thực vật hoang dã.

Các nước TPP cũng thỏa thuận bảo vệ môi trường biển từ ô nhiễm tàu thủy và bảo vệ tầng ô zôn khỏi các chất phá hủy ozone. Các nước xác nhận lại cam kết của mình trong việc thực hiện các Hiệp định đa phương về môi trường (MEAs) mà mình gia nhập.

Cam kết cũng công nhận các quốc gia Thành viên có toàn quyền trong việc xác định mức độ đáng tin cậy của các bằng chứng, toàn quyền trong việc xác định biện pháp phù hợp để ngăn chặn các các hành vi khai thác trái phép và hành vi buôn bán động thực vật hoang dã trái phép đó, trên cơ sở pháp luật trong nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tham gia TPP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tiếp cận nguồn lực, thực hiện việc xử lý ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường bằng công nghệ tiên tiến, với chi phí thấp hơn; thúc đẩy các hoạt động quản lý, phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật và giống cây hoang dã nguy cấp; đấu tranh chống đánh bắt cá và các loài sinh vật biển trái phép, cũng như nghiêm cấm một số hình thức trợ cấp nghề cá có tác động tiêu cực, dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cá.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các cam kết về môi trường trong hiệp định TPP sẽ khiến Việt Nam gặp không ít thách thức. Đó là việc khai thác thủy sản xa bờ và các hoạt động xuất khẩu thủy sản từ đánh bắt của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, do các yêu cầu về loại bỏ trợ cấp đối với hoạt động đánh bắt và các quy định về chứng chỉ sản phẩm đánh bắt phải đạt tiêu chuẩn bền vững. Các hoạt động vận tải biển cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, khi buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn xả thải và các yêu cầu môi trường cao hơn...

Nguyễn Hà

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

30/12/2016

29/12/2016

28/12/2016

27/12/2016

27/12/2016

26/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

24/12/2016

Xem tiếp

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2015 | 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang