• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xuất khẩu thủy sản năm 2016 - nỗ lực về đích 7 tỷ USD

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 26/04/2016
Ngày cập nhật: 27/4/2016

Hạn hán và xâm nhập mặn đang hoành hành trên diện rộng ở nhiều nơi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi thủy sản. Hiện tại giá tôm và cá tra đều tăng cao nhưng người dân không có hàng để bán, trong khi các nhà máy lo sốt vó thiếu nguyên liệu hoạt động sẽ gây khó khăn cho việc gia tăng xuất khẩu…

Tăng trưởng trong khó khăn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau thời gian dài gặp khó thì xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2016 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ. Đây là tín hiệu lạc quan cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp thủy sản đã mang lại kết quả khích lệ. Điều đáng mừng là thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng trở lại, như: thị trường Mỹ tăng 21%, Trung Quốc tăng 33%, ASEAN tăng 22%... Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP cho biết, 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đều tăng, đóng góp lớn vào kim ngạch chung của ngành thủy sản; trong đó tôm xuất khẩu 3 tháng đầu năm hơn 600 triệu USD (tăng 12%), còn cá tra xuất đạt 358 triệu USD (tăng 4,2%).

Mặt được là vậy, song phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương băn khoăn: “Giá cá tra hiện nay tăng lên mức đảm bảo người nuôi có lãi, thế nhưng nguồn nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng. Qua khảo sát mới đây cho thấy, số lượng cá tra còn lại trong dân rất ít và thực tế là người nuôi phân vân chưa dám đầu tư nuôi mới. Nguyên nhân là do thời gian qua giá cả phập phù, lợi nhuận thấp, cộng với các ngân hàng ngại cho vay bởi xem cá tra là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro. Do đó, không chỉ năm 2016, mà qua năm 2017 cũng có thể xảy ra thiếu nguyên liệu”. Trong khi đó, Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL trăn trở khi giá tôm sú và tôm thẻ tăng cao nhưng hàng loạt hộ nuôi ngậm ngùi vì không có tôm để bán. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, hạn hán và xâm nhập mặn làm tôm chết la liệt, dẫn đến sản lượng giảm và giá tăng cao, các nhà máy không đủ tôm chế biến.

Ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Công ty Thủy sản Nam Hải, kêu lên: “Ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt để tìm giải pháp ngăn chặn nạn tôm chết. Có thể chúng ta sang Thái Lan và các nước khác học hỏi kinh nghiệm, bởi vấn đề tôm chết càng lúc càng phức tạp, chẳng những thiệt hại nặng cho người nuôi mà việc xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng”.

Thách thức phía trước

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhìn nhận, để xuất khẩu thủy sản mang về 7 tỷ USD trong năm 2016 (tăng 6,3% so năm 2015) cần nỗ lực vượt qua nhiều thách thức. Hiện tại mặt hàng tôm đang chịu áp lực cạnh tranh và giảm giá bán của nhiều nước; tuy nhiên cái được là sự tác động tích cực từ hiệp định FTA đối với việc xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN… Thế nhưng cái khó là chi phí sản xuất tôm của Việt Nam quá cao, bởi đầu vào phụ thuộc các nguồn cung cấp từ nước ngoài (như con giống, thức ăn, thuốc thú y).

Xuất khẩu tôm đang tăng trưởng khá

Theo tính toán, giá thành sản xuất tôm giống của Việt Nam cao gấp 2 lần so với Ấn Độ, còn chi phí thức ăn trong nuôi tôm của Việt Nam cũng cao hơn các nước bình quân 40%. Thêm một bất lợi nữa là tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ đạt 33% - 35%, do môi trường ô nhiễm, nhiều dịch bệnh; trong khi ở Indonesia, Ấn Độ… tỷ lệ nuôi thành công tới 70%. Từ những yếu tố trên khiến giá thành tôm của nước ta luôn cao hơn các nước từ 1 - 3 USD/kg, nên việc cạnh tranh gặp nhiều khó khăn. Bức xúc về việc này, ông Võ Hồng Ngoãn, “vua tôm” ở xã Vĩnh Trạch Đông (Bạc Liêu), cho rằng: “Nghề nuôi tôm phải thay đổi từ việc sản xuất giống, thả nuôi, chăm sóc, thu hoạch… Cần tạo ra môi trường nuôi sạch để có nguồn nguyên liệu sạch, với chi phí thấp hơn hiện nay. Vấn đề này một mình hộ nuôi không thể làm được, mà cần có sự liên kết với doanh nghiệp chế biến, nhà sản xuất thức ăn, con giống, thuốc thú y, ngân hàng… Trong đó, cần có giải pháp để “lôi kéo” doanh nghiệp sản xuất con giống và thức ăn vào cuộc. Họ phải có cam kết, có đầu tư và liên kết thì người dân mới an tâm để nuôi tôm”.

Đối với cá tra, tình hình xuất khẩu thời gian tới sẽ cạnh tranh gay gắt. Trong đó cá rô phi sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp; đồng thời các loài cá thịt trắng sẽ quyết chiến không cân sức với cá tra của Việt Nam ở thị trường EU, Mỹ, Nga… Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ vừa ra phán quyết cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ, với mức thuế bình quân là 0,69 USD/kg, gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo VASEP, cùng với vấn đề thuế cao thì tới đây còn phải đấu tranh về “chương trình truy suất nguồn gốc của Mỹ” đưa ra những bất hợp lý và gây tốn kém cho doanh nghiệp xuất khẩu nước ta. Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex (Hậu Giang) nói: “Nhiều thị trường trên thế giới luôn dựng lên rào cản gây khó cho cá tra, trong đó Mỹ là đáng ngại nhất. Những quy định của Mỹ đưa ra dù chúng ta không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận cuộc chơi. Vấn đề là chúng ta tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp và người nuôi… Cần có hướng đi mới, hợp lý, cần một sự điều hành thống nhất về sản lượng cá, chỉ tiêu xuất khẩu, giá cả…”

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho rằng: “Lâu nay chúng ta cứ sản xuất và xuất khẩu cá tra, nhưng lại thiếu chiến lược dài hơi, vì vậy luôn gặp khó. Trên thực tế, nhiều nhà nhập khẩu lớn thế giới đánh giá cao tiềm năng cá tra Việt Nam và họ luôn ủng hộ. Vấn đề hiện nay là không nên chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, tăng chế biến sản phẩm giá trị gia tăng; bởi người tiêu dùng thế giới họ muốn mua sản phẩm cá tra với giá cao - kèm theo chất lượng cao. Đây là điều mà doanh nghiệp của ta phải suy nghĩ để thay đổi chiến lược xuất khẩu…”.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Các tin chế biến, xuất nhập khẩu thủy hải sản:

30/12/2016

29/12/2016

28/12/2016

27/12/2016

27/12/2016

26/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

25/12/2016

24/12/2016

Xem tiếp

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46

Các tin năm 2015 | 2014| 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang