• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bước ngoặt trên đồng ruộng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 17/02/2015
Ngày cập nhật: 22/2/2015

Càng đến thời điểm giáp Tết, tiết xuân tràn ngập các cánh đồng lúa nguyên liệu trải dài bên đôi bờ kênh xáng Xà No - con đường lúa gạo miền Hậu Giang thuở nào. Trong làn gió mát, phảng phất bên tai tiếng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) chạy gù gù không ngớt.

Một ngày gần cuối tháng Chạp, khi mặt trời vừa qua khỏi đỉnh đầu, từ phía bờ bao khép kín thuộc đội sản xuất số 6, nông dân Võ Minh Điền, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A phóng xa tầm mắt về hướng trà lúa Đông xuân sớm tại địa phương đang tất bật vô mùa mới mà lòng thêm rạo rực. Bởi vì ông Điền hoàn toàn chủ động được công đoạn cắt lúa lấy tiền tươi ngay tại ruộng bằng máy GĐLH vào thời điểm cuối vụ.

Chuyện nông dân mê máy cắt lúa

Ông Điền bồi hồi nhớ về những ký ức thú vị khi lần đầu đưa máy GĐLH xuống một số cánh đồng lúa nguyên liệu của tỉnh. Khi ấy, nhiều người hiếu kỳ đứng dọc theo bờ ruộng xem cả tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy chán. Chuyện đó cách nay độ chừng 4 vụ Đông xuân thôi, giờ nhắc lại nghe như cổ tích. Mới thấy giá trị đích thực của chiếc máy GĐLH mang lại cho nông dân tỉnh nhà thật không nhỏ chút nào.

Từ con số không thì đến nay cả tỉnh có trên 290 máy GĐLH.

Chẳng những công sức lao động cơ bắp của bà con gần như được giải phóng mà thời gian thu hoạch trong mỗi vụ còn rút ngắn rất nhiều lần so với cái thời mà cả nhóm vài chục người ướt đẫm mồ hôi, hì hục suốt ngày ngoài nắng mới cắt xong mẫu đất. Với giọng phấn khích, nông dân Võ Minh Điền thừa nhận: “Từ ngày thu hoạch lúa bằng máy GĐLH, nhà nông chúng tôi sướng lắm. Vì đâu còn cảnh tất bật lo thuê mướn người cắt, kẻ suốt trước khi vào vụ cả tháng trời. Bây giờ, lúa vừa chín vàng đã có người đến gạ hỏi, thỏa thuận giá thu hoạch trọn gói với chủ ruộng. Cho nên, nông dân chỉ cần ra đồng quan sát quá trình cân lúa tươi rồi tính tiền bỏ túi về nhà”.Đương nhiên là chấm dứt được tình cảnh thiếu hụt lao động gay gắt vào thời điểm lúa chín rộ. Càng ý nghĩa hơn với giải pháp xuống giống đồng loạt né rầy do ngành nông nghiệp khuyến cáo, khi mà sức ép thu hoạch tập trung lúc cuối vụ không còn nữa. “Trước kia, thời điểm đông ken thì ai nấy đều hối hả tìm gặp nhân công, chủ máy suốt để nài nỉ họ nhanh chóng đến thu hoạch cho ruộng nhà mình, tránh để lúa chín rục ngoài đồng, nhất là với những nông dân có trong tay vài mẫu đất. Giờ đây, mọi công đoạn cắt, suốt, thu gom lúa nhanh gọn ra tận bờ bao cân cho thương lái đều thông qua một đầu mối là chủ máy GĐLH”, nông dân Hồ Văn Tuấn, canh tác hơn 2ha lúa ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn kể.

Nông dân chăm sóc lúa.

Chỉ tay về phía chiếc máy GĐLH đang chạy vùn vụt trên cánh đồng lúa Đông xuân sớm mênh mông như tấm thảm vàng khổng lồ, ông Nguyễn Văn Hảo, cán bộ khuyến nông Tổ kỹ thuật thị trấn Bảy Ngàn, tâm đắc: Gặp lúa đứng, mặt ruộng khô ráo, bằng phẳng thì chưa đầy 20 phút là máy GĐLH cắt xong một công tầm lớn rộng 1.300m2. Quan trọng là chi phí giảm đi hơn một nửa so với công đoạn cắt thủ công, máy suốt và trâu kéo trước kia. Trong khi chất lượng hạt lúa làm ra khô ráo, sạch đẹp nên thương lái ưa chuộng và thu mua ngay tại ruộng. Chưa kể là hạn chế tối đa lượng lúa thất thoát do quá trình thu hoạch gây ra.

Tiền đề hiện đại hóa nông nghiệp

Những ngày giáp Tết, đâu chỉ có nông dân tay lấm chân bùn mới tất bật với công việc đồng áng mà các cán bộ quản lý trong ngành nông nghiệp cũng bận rộn không kém. Chủ yếu là dành nhiều thời gian cho công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con vui xuân nhưng không quên chăm sóc đồng ruộng, đảm bảo vụ lúa Đông xuân chính vụ 2014-2015 ăn chắc. Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vị Thủy, chia sẻ: Chỉ lo năng suất hoặc giá cả thị trường biến động thôi, chứ khâu thu hoạch bằng cơ giới thì yên tâm rồi. Toàn huyện có 110 máy GĐLH, cùng với số lượng huy động từ địa bàn khác đến nên thừa sức đảm đương hết diện tích lúa của bà con Vị Thủy.

Mọi công đoạn cắt, suốt, thu gom lúa nhanh gọn ra tận bờ bao cân cho thương lái đều thông qua một đầu mối là máy GĐLH.

Nói về hiệu ứng đối với tiến trình cơ giới hóa nền sản xuất lúa ở tỉnh thuần nông Hậu Giang trong những năm qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Văn Đời cho rằng: “Một trong những đổi thay dễ nhận thấy nhất mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa chính là máy GĐLH hầu như đã “phủ kín” trên khắp cánh đồng của tỉnh”. Không phải ngẫu nhiên mà ông Đời đưa ra nhận định như thế mà xuất phát từ kết quả mang tính bước ngoặt bởi đề án cơ giới hóa, giai đoạn 2012-2015, trọng tâm là máy GĐLH mang lại cho người dân. Trước năm 2010, từ con số không thì đến nay cả tỉnh có trên 290 chiếc máy GĐLH, bao gồm 99 chiếc giải ngân theo đề án cơ giới hóa. Qua đó, kịp thời giải quyết tình trạng thiếu máy vào thời điểm thu hoạch rộ.

Đứng trên con lộ bê tông, đồng thời là bờ bao của Đội sản xuất số 6, khép kín 37ha lúa đang trĩu hạt nằm trên địa bàn ấp 2A, nông dân Hồ Văn Tuấn khoe: “Để làm nên khu vực canh tác lúa “ngon lành” như ngày hôm nay, bên cạnh việc tận dụng điều kiện hạ tầng thủy lợi sẵn có thì trước khi vụ Đông xuân này bắt đầu, cả đội cùng hợp sức với thị trấn xây dựng cống hở, kết cấu bê tông cốt thép. Tuy tiêu tốn hơn 50 triệu đồng từ khoản tiền tích cóp của việc bán đồng cho vịt ăn vào cuối các mùa lúa Hè thu và Thu đông nhưng ai nấy đều cảm thấy thỏa mãn. Vì ước nguyện hoàn chỉnh hệ thống đê bao đáp ứng yêu cầu chủ động gieo sạ đồng loạt, thu hoạch tập trung bằng máy GĐLH được hết 3 vụ lúa trong năm trở thành hiện thực”.

Tái hiện thu hoạch lúa bằng phương pháp thủ công trước đây tại Lễ hội ngày mùa tổ chức tại huyện Vị Thủy.

Rõ ràng, kể từ ngày chiếc máy GĐLH về đồng, người trồng lúa thụ hưởng nhiều lợi ích. Đặc biệt là hiện thực hóa mục tiêu hạ giá thành, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Ông Lê Văn Đời phân tích: Nếu như áp dụng bài bản các biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” góp phần tiết kiệm chi phí lần đầu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì máy GĐLH sẽ giúp cho nhà nông hạ tiếp giá thành sản xuất lần thứ hai. Như vậy, từ khâu làm đất, bơm tát tập trung được thực hiện hoàn toàn ở giai đoạn đầu vụ cho đến phương thức thu hoạch bằng cơ giới lúc cuối vụ đã và đang thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

Khói lam chiều bay bổng dưới ánh hoàng hôn dần tắt lịm phía trời xa, từng ngọn đèn màu lung linh bắt đầu chiếu sáng hòa nhịp cùng tiếng nhạc xuân rộn rã vang lên như góp phần điểm tô cho những mái nhà quê thêm sung túc trước thềm năm mới.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh, với số lượng trên 290 máy GĐLH hiện có, cùng với việc huy động từ các địa phương khác về đồng thì khả năng đảm bảo cho 100% diện tích lúa Đông xuân của tỉnh được thu hoạch bằng cơ giới. Đặc biệt là bình quân mỗi năm, nhà nông thu hoạch bằng máy GĐLH sẽ tăng lợi nhuận thêm trên 4,3 triệu đồng/ha nhờ giảm tiền công, lượng lúa thất thoát và bán được giá. Riêng hiệu ứng xã hội và sản xuất hết sức tích cực. Trong đó, giảm 3%, tương đương 35.540 tấn lúa thất thoát trong một năm so với cắt thủ công trên toàn tỉnh, xấp xỉ 177 tỉ đồng; chủ động lịch thời vụ, chuẩn bị đất, cách ly dịch hại lúa…

GIA NGUYỄN

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang