• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện làm chè VietGAP ở Bá Xuyên (Thái Nguyên)

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 14/10/2015
Ngày cập nhật: 15/10/2015

Các chị Lê Thị Bình (bên trái) và Chu Thị Lan, hội viên Tổ sản xuất chè VietGAP Ao Cang - Chũng Na, luôn thực hiện nghiêm túc việc ghi chép cũng như các quy trình chăm sóc, chế biến chè an toàn.

Chúng tôi thư thả tản bộ trên con đường bê tông uốn lượn như dải lụa giữa cánh đồng Soi Lai bát ngát chè xanh ở xã Bá Xuyên (T.P Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Diện tích chè cành này được trồng từ năm 2000 theo dự án của Sở Khoa học - Công nghệ, từ 10ha ban đầu nay đã phát triển lên 20ha. Mùa này, búp chè đang căng, từng nhóm nông dân mải miết thu hái dưới nắng thu vàng nhẹ. Trong câu chuyện với họ, tôi được nghe giới thiệu khá tỉ mỉ về mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngược dòng thời gian, cây chè đã có mặt tại Bá Xuyên từ những năm 1950. Ở vùng chè cổ, người dân làm chè theo truyền thống từ lâu đời nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới không phải chuyện đơn giản. Vậy nhưng khoảng 2 năm nay, nhất là từ tháng 3-2015, khi bắt đầu ứng dụng cách làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP, cách nghĩ, cách làm của người dân đã có nhiều thay đổi.

Tôi gặp chị Đồng Thị Bến và 3 chị trong tổ đổi công xóm Ao Cang đang thu hái chè. Tiếng nói chuyện xôn xao: Chè đợt này khá hơn lứa trước, nhưng phải cái giá lại thấp hơn. Đi cùng chúng tôi, ông Dương Thanh Ái, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bá Xuyên cho biết, 35 người trong Tổ sản xuất chè VietGAP của xã chủ yếu ở 2 xóm Ao Cang và Chũng Na. Chị em thường sinh hoạt định kỳ hàng tháng ở nhà văn hóa xóm hay trao đổi ngay trên bãi chè.

Câu chuyện về việc chị em thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc và chế biến chè an toàn cho nhau, cùng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cứ thế cuốn hút tôi. Có chị thắc mắc sao cánh chè nhà mình sau khi sao xong không đẹp, bị nát, được các hội viên góp ý ngay, là do lúc sao chè để lửa to hoặc nhỏ quá, hoặc để máy xao chè quay quá. Hay, việc bón phân cho chè phải đúng thời điểm chè “nứt mắt” - đó là khoảng thời gian 20 ngày khi hái, ở nốt hái nứt một kẽ nhỏ thì bón phân tổng hợp sẽ cho hiệu quả tốt nhất. Quan trọng nhất trong làm chè VietGAP là tuân thủ nghiêm ngặt cách phun thuốc bảo vệ thực vật, thường sau 5 - 7 ngày vừa hái để kích mầm, giúp chè chống dịch bệnh tốt nhất và đảm bảo sản phẩm an toàn.

Mô hình chè VietGAP vốn không còn xa lạ với những người làm chè trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây, song với nhiều nông dân ở Bá Xuyên vẫn còn bỡ ngỡ. “Mấy năm qua, chúng tôi có được tham gia một số lớp tập huấn do Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng T.P Sông Công tổ chức, nhưng áp dụng theo mô hình VietGAP thì chúng tôi mới chỉ thực hiện từ tháng 3-2015 đến nay”. Chị Trần Thị Hồng, Trưởng xóm Chũng Na, đồng thời là Tổ trưởng tổ sản xuất chè VietGAP Ao Cang- Chũng Na cho biết. Theo chị Hồng, xã có 12/12 xóm sản xuất chè (với tổng diện tích gần 100ha) nhưng phần đa người dân vẫn quen với việc làm tự do, nên khi chuyển sang mô hình sản xuất chè VietGAP đòi hỏi nhiều quy trình hơn thì ngại. Ví dụ đơn giản nhất là người làm phải tuân thủ nghiêm túc việc ghi chép vào cuốn sổ cá nhân lịch chăm sóc, bón phân, phun thuốc cho cây chè đến thu hái, chế biến và giao bán. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đến nay có 80% số hộ đã thực hiện ghi chép này.

Gặp gỡ, trò chuyện với các hội viên trong tổ sản xuất chè VietGAP Bá Xuyên, chúng tôi thấy họ đã bước đầu nhận thức được, nông dân làm nông nghiệp ngày nay ngoài sự chăm chỉ cũng rất cần sự nhanh nhạy trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chị Dương Thị Bắc, xóm Chũng Na tâm sự: Ban đầu chúng tôi cũng lúng túng khi phải ghi nhật ký sản xuất theo ngày, tháng. Tuy nhiên, được các cán bộ chuyên môn tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu, việc ghi chép chính là cơ sở minh chứng quá trình làm chè an toàn, đảm bảo chất lượng. Nhìn vào sổ, từng hộ sẽ so sánh về chất lượng, năng suất chè qua việc bón phân, phun thuốc khác nhau. Như gia đình tôi, kiểm nghiệm lứa trước bón phân tổng hợp NPK, lứa sau điều chỉnh sang phân sông Gianh, Quế Lâm… qua theo dõi, tôi thấy nếu bón phân tổng hợp NPK búp chè sẽ xanh, căng và cho năng suất hơn các loại phân bón kia.

Cái chị Bắc thấy “được” nhất là sinh hoạt trong tổ sản xuất VietGAP là các hội viên cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, thu hái, chế biến cho nhau, thay vì mạnh ai nấy làm như trước. Ở trong tổ sản xuất chè VietGAP, gia đình chị Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Hồng, ở xóm Chũng Na; anh Đào Đức Ngọc ở xóm Ao Cang là những hộ làm chè giỏi, có giá bán thường cao hơn các hộ từ 20 - 50 nghìn đồng/kg. Không giấu kinh nghiệm, họ sẵn sàng truyền đạt cho các hội viên để có thể nâng cao giá bán chè búp khô, đầu tiên bắt nguồn từ việc chăm sóc, thu hái và phát hiện dịch bệnh. Như hồi đầu tháng 4, tháng 5, tiết trời nóng ẩm nên xuất hiện bệnh nhện đỏ. Khi đi thăm chè, chị Dung đã phát hiện lá chè nhà chị Bắc và một số nhà cạnh đó bị già đỏ, vuốt một lượt thấy đỏ tay liền thông tin ngay, nhờ vậy, các hộ đã kịp thời phun thuốc đặc trị, cứu sống cả bãi chè.

Anh Đào Đức Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Ao Cang, Tổ phó tổ sản xuất chè VietGAP bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ được các cấp, ngành quan tâm đầu tư nhiều hơn đối với mô hình sản xuất này, ví dụ mở cơ sở sản xuất, chế biến, tìm thị trường tiêu thụ cho người dân yên tâm làm chè. Thêm một vấn đề nữa là người dân làm mô hình sản xuất chè VietGAP rất mong các cấp, ngành chức năng định hướng tiêu thụ để sản phẩm có “chỗ đứng” trên thị trường. Ông Đồng Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết: Đến nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 3 câu lạc bộ chè an toàn, thu hút hơn 100 hộ ở các xóm Ao Cang, Chũng Na, Bãi Hát tham gia. Xã cũng đã họp, chỉ đạo các xóm làm hồ sơ đề nghị công nhận làng chề nghè năm 2015 đối với xóm Chũng Na, Ao Cang, Bãi Hát và Chúc.

Việc phát triển các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP là chủ trương đúng đắn, đã, đang và sẽ đem lại những lợi ích thiết thực về nhiều mặt. Đây cũng là một trong những yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay đối với các hộ dân và làng nghề chè không riêng ở xã Bá Xuyên. Hy vọng rằng, những nông dân ở xã nông thôn mới này sẽ xây dựng được thương hiệu và mô hình làm chè VietGAP đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập từ cây chè.

Linh Lan

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang