• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

"Vua" chè đất trũng Thượng Lan (Bắc Giang)

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 17/07/2015
Ngày cập nhật: 20/7/2015

“Sau nhiều lần thất bại, tôi đã tìm được hướng đi riêng cho kinh tế gia đình, đó là trồng chè trên đồng đất quê mình, nhờ vậy mà dần có của ăn của để”. Ông Nguyễn Ngọc Sỹ, thôn Thượng, xã Thượng Lan (Việt Yên, Bắc Giang) trải lòng với chúng tôi như thế.

Khu trồng chè của gia đình ông Sỹ.

Đưa con đi thi đại học... được nghề trồng chè

Một ngày đầu tháng Bảy, chúng tôi đến thăm khu trồng chè rộng gần 2 ha của gia đình ông Sỹ. Những hàng chè thẳng đều tăm tắp trải dài một màu xanh ngút ngát như đi cái nắng oi ả. Trên những chóp cây, búp non đâm tua tủa. Tại đây, một nhóm nông dân thoăn thoắt hái chè thả vào từng chiếc rổ nhựa dù mặt trời dần đứng bóng. Xung quanh vườn là dãy bờ bao đắp bằng đất sét ngăn lũ trong mùa mưa.

Dẫn khách dạo một vòng quanh khu sản xuất, ông Sỹ cho biết: “Không thể trì hoãn thời gian thu hoạch. Nếu để quá lứa mới hái sản phẩm sẽ không ngon, chỉ là chè loại 2, loại 3, giá bán thấp. Vì vậy gia đình tôi thuê bà con trong xóm hái cho nhanh”. Vác những bao chè tươi vừa hái về nhà, đổ xuống sân hong qua nắng, ông Sỹ nhóm bếp để sao. Chốc chốc ông lại đưa chiếc khăn lau mồ hôi trên gương mặt sạm đen. Đều đặn, chè sau khi vò được rũ tơi, rồi lại tiếp tục đưa vào sao đến khi lên màu mốc mới hoàn tất công đoạn.

Trước khi trồng chè, khu đất này từng được trồng nhiều loại cây như đậu, dâu tằm, kim tiền thảo, dưa bao tử, bạch đàn cao sản… song không mang lại hiệu quả do thường xuyên bị úng ngập. Ông Sỹ tâm sự: “Trồng cây gì cũng chẳng mang lại nguồn thu ổn định nên tôi luôn trăn trở tìm giống thay thế. Năm 2009, trong lần đưa con đi thi đại học, bố con tôi ở trọ cùng một người quê ở vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên). Qua những câu chuyện, nghe họ kể về làm kinh tế từ cây chè, tôi kết luôn và nảy ra ý định đưa về đồng đất quê mình”.

Sau ngày đó, ông giữ mối liên lạc và đến tận nơi thăm vùng sản xuất để tìm hiểu thực tế. Những đồi chè vùng Tân Cương trù phú bát ngát đã hút hồn ông. Đến nhà nào, ông cũng được nghe chuyện nghề. Nhờ cây trồng này họ có thu nhập khá cao. Mắt thấy tai nghe đã tiếp cho người nông dân này động lực quyết tâm. Ông mời người bạn về tận quê mình cùng xem chất đất, địa thế có phù hợp với cây chè hay không. Đi chân trần khoảng mươi bước, người bạn phán đất mát chân như đất mối (đất xốp nhưng giữ được nước-PV) rất thích hợp cho việc trồng chè song phải thực hiện tốt biện pháp chống úng.

Nghe vậy, ông như mở cờ trong bụng vì ý tưởng của mình có thể thực hiện được. Ngay năm đó, ông liên hệ đặt cây giống. Qua tìm hiểu, được một số người có kinh nghiệm chỉ bảo, ông chọn giống chè Kim Tuyên và Thanh Tâm ô long. Đây là những giống sinh trưởng khỏe, búp dày, ít sâu bệnh, năng suất khá, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên ông đã đi khắp các vùng chè tìm nhưng không có nguồn nên phải đợi gần một năm mới có giống. Trong thời gian chờ đợi, ông cắt bán một phần đất ở, vay mượn bạn bè, người thân để có vốn đầu tư cải tạo vùng đất trũng. Để thoát nước thuận lợi, đất được tôn cao tạo dáng hình mai rùa.

Mùa thu năm 2010, loạt chè 2,5 vạn cây được xuống giống. Các luống cách nhau 1,5m, cây cách cây 0,7 - 1m. Mặc dù biết chất đất khá phù hợp nhưng ông vẫn bồn chồn, lo lắng không yên bởi bao tiền của dành dụm được và vay mượn thêm đã dồn hết cho chè. Có người còn bảo ông dở hơi đổ tiền xuống bể, đất trũng mà lại đi trồng chè. Do vùng đất thường bị ngập úng trong mùa mưa nên việc đắp bờ ngăn lũ được ông xác định là yếu tố quyết định sự thành công.

Ông nói: “Việc tôn cao bờ bao tốn khá nhiều thời gian, công sức. Trước đó, tôi dùng cây gỗ đánh dấu mực nước lũ trong các năm bằng cách cứ nước đến đâu bập vào cây đến đó nên đã thiết kế chiều cao bờ thích hợp, chống úng hiệu quả. Nhờ vậy cây không bị ngâm trong nước dù mưa bão xảy ra”.

Chưa có kinh nghiệm nên ông đọc sách báo, đến nhiều nơi học tập kỹ thuật canh tác, ủ gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh... để vừa giữ ẩm, hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Vào những ngày nắng nóng, cứ cách vài ngày ông lại bơm nước tưới để cây không bị hạn, bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây sau mỗi đợt thu hái. Được chăm sóc đúng quy trình, chè sinh trưởng phát triển tốt. Năm 2014, ông thu gần một tấn chè khô. Sản phẩm chỉ đủ cung cấp cho bà con trong xã. Giá bán bình quân 200 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, lãi gần 100 triệu đồng.

Giữ uy tín, chất lượng sản phẩm

Không chỉ quan tâm đến năng suất, chất lượng sản phẩm được người chủ vườn coi trọng hàng đầu. Rót chén trà nóng mời khách, ông Sỹ nói, chè ngon nước phải có màu vàng xanh, không có cặn ở chén và khi uống có vị đậm đà. Ông không đầu tư máy hái chè dù chi phí rẻ hơn so với thuê lao động là do chỉ có hái thủ công mới bảo đảm một tôm hai lá như mình mong muốn.

Ông chia đất trồng chè theo từng khoảnh, thu hái xong chỗ này vài ngày sau lại đến khoảnh khác. Cứ như vậy đã tạo việc làm thời vụ cho khoảng 20 lao động trong và ngoài thôn với mức thu nhập từ 100 - 120 nghìn đồng/ngày. Ông Sỹ chia sẻ: “Trước đây có người đồn rằng phun thuốc kích thích để chè nhanh được thu, nhưng thực tế bắt tay vào công việc tôi mới thấy rằng chỉ cần hái đúng lứa thôi đã hết hơi rồi chứ chẳng nói đến phun chất gì nữa”.

Cải tiến máy làm cỏ

Đặc biệt, ông Sỹ không sử dụng thuốc trừ cỏ để sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn cũng như bảo vệ sức khỏe người làm vườn. Do những năm đầu chè chưa khép tán nên cỏ mọc xanh rì. Để vườn luôn sạch cỏ dại, gia đình ông phải thuê thêm người dọn vườn.

Qua tìm hiểu trên thị trường, ông đã mua máy làm đất, làm cỏ đa chức năng mi ni. Tuy nhiên, máy vận hành rung lắc mạnh khó điều khiển và tốn sức, xới không sạch cỏ mà còn làm bật gốc cây. Nghiên cứu kỹ, ông nhận thấy nhà sản xuất thiết kế bánh lồng gắn với lưỡi xới không phù hợp. Chịu khó tìm tòi, ông Sỹ đã cải tiến kích cỡ bánh máy, số lượng, góc độ lắp đặt lưỡi xới và tạo ra chiếc máy mới gồm 2 bánh lồng, 18 lưỡi xới răng hoạt động hiệu quả cao.

Ông Sỹ vận hành máy làm cỏ.

Ông Sỹ tính toán: “Trước đây, tôi thuê 10 lao động làm cỏ mỗi đợt trong 5 ngày, giá 100 nghìn đồng/ngày, 10 lần làm cỏ/năm. Như vậy, mỗi năm phải tiêu tốn 50 triệu đồng. Từ khi dùng máy làm cỏ cải tiến chỉ dùng dầu nhớt, thuê một nhân công vận hành máy, gia đình tôi tiết kiệm được 40 triệu đồng mỗi năm. Máy này có thể áp dụng cho các hộ dân trồng cây màu, cây ăn quả ở nhiều địa hình".

Bản tính cần cù cộng với nghị lực vượt khó, ông Sỹ đã thành công với cây chè. Năm nay gia đình ông ước tính thu hơn 2 tấn chè khô, gấp đôi so với năm ngoái. Nhận định, những năm tới chè sẽ cho sản lượng cao hơn nên để tiêu thụ thuận lợi, ông đã mang hàng chào bán tại một số đại lý kinh doanh ở thị trấn Bích Động, TP Bắc Giang và đang làm các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Ông Nguyễn Hồng Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lan đánh giá: “Ở vùng đất trũng, đa số các hộ chỉ đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng gia đình ông Sỹ là hộ duy nhất trong xã tôn cao đất để trồng chè. Đây là hướng đi mới, điển hình để người dân trong xã học tập, từ đó dần mở rộng diện tích trên chân đất phù hợp, tạo thành vùng sản xuất tập trung, góp phần đa dạng cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập”.

Muốn có chè ngon, sau mỗi đợt thu hoạch cần bón một lượng phân cân đối để cây hồi sức, ra búp mới; thu hái đúng thời điểm để được một tôm hai lá. Sau đó, sao đúng quy trình, chú ý điều chỉnh nhiệt độ, chè sẽ có mùi thơm tự nhiên, đặc trưng". (Ông Nguyễn Ngọc Sỹ)

Trịnh Lan

Các tin mới:

31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
31/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015
30/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224 225 226 227 228 229 230 231 232 233 234 235 236 237 238 239 240 241 242 243 244 245

Các tin năm 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang