• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ô nhiễm nguồn nước từ thuốc bảo vệ thực vật

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 03/08/2015
Ngày cập nhật: 4/8/2015

Việc dễ dàng mua những loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không trong danh mục cho phép sử dụng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe nhân dân.

Pha thuốc diệt cỏ ngay đầu nguồn nước.

Thuốc diệt cỏ… hòa vào nguồn nước

Là một trong những địa phương có diện tích lúa, ngô, đậu tương, chè, dứa… lớn của tỉnh Lào Cai, nên lượng thuốc bảo vệ thực vật mà người dân huyện Mường Khương sử dụng mỗi năm không nhỏ. Việc người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó vứt rác thải bừa bãi đang là thực trạng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước. Dọc theo các mương, khe nước ở các vùng trồng dứa, ngô… trên địa bàn huyện Mường Khương, dễ dàng bắt gặp nhiều rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật. Điều này cho thấy ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phục vụ trong sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế. Ông Vương Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai (Mường Khương) cho biết: “Mặc dù đã được các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, nhưng nhiều người dân vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, vứt vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật ra mương, khe nước, việc làm này gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu tới sức khỏe của người dân”.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, lượng thuốc còn sót lại không hề nhỏ, gần 2%. Không những vậy, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật phần lớn là nhựa, ni lông, nên rất khó phân hủy, nếu vứt bừa sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng. Nếu tiếp xúc và sử dụng nguồn nước có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật sẽ dẫn đến các bệnh: Rối loạn tim mạch, phổi, thần kinh, các bệnh về máu, da liễu, thậm chí ung thư…

Mỗi năm, người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai sử dụng hàng chục tấn thuốc bảo vệ thực vật, trong đó phần lớn thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục cho phép sử dụng. Hộ anh Thèn Văn Long, xã Bản Mế (Si Ma Cai) mỗi năm trồng gần 1 ha ngô. Để tiết kiệm công làm đất, nhặt cỏ, sau khi thu hoạch ngô xong, anh Long mua thuốc diệt cỏ vể phun rồi chọc lỗ tiếp tục gieo hạt. Chia sẻ với chúng tôi, anh Long cho biết: “Mỗi năm gia đình tốn gần 1 triệu đồng mua thuốc diệt cỏ. Vẫn biết việc phun thuốc diệt cỏ không có trong danh mục cho phép sử dụng, tác động xấu tới đất, nguồn nước và sức khỏe người sử dụng, nhưng nhà chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính, các con còn nhỏ, không sử dụng thuốc diệt cỏ thì vất vả lắm”. Chứng kiến tận mắt cách pha và phun thuốc của anh Long mới thấy hết được những nguy hiểm tiềm tàng. Không sử dụng khẩu trang, găng tay, áo khoác nilon… anh Long vô tư pha thuốc diệt cỏ ngay đầu nguồn nước. Thậm chí, sau khi dùng xong, anh Long mang bình phun dính đầy thuốc bảo vệ thực vật rửa ngay đầu nguồn nước, một màu xanh đục loang rộng trôi xuống phía hạ nguồn.

Hậu quả khó lường

Có thể khẳng định, trong những năm gần đây, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, không trong danh mục được phép sử dụng bày bán công khai ngày càng nhiều. Tại những phiên chợ vùng cao, không khó để bắt gặp những sạp hàng tạp hóa vô tư bày bán các loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc. Anh Thèn Văn Long cho biết thêm: “Thuốc diệt cỏ mua dễ lắm, loại nào cũng có, nhưng tôi thường chọn thuốc của Trung Quốc, bởi nó có tác dụng mạnh, giá lại rẻ”.

Mặc dù biết việc người dân bày bán tràn lan thuốc bảo vệ thực vật, nhưng việc kiểm soát, xử lý gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hoa, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mường Khương cho biết: “Trạm thường xuyên cử cán bộ đến các chợ để xử lý những trường hợp bán thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, nên việc kiểm soát tất cả các buổi chợ phiên là không thể. Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý những trường hợp kinh doanh sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, theo phương châm “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng liều lượng, đúng thời điểm; rác thải thuốc bảo vệ thực vật phải được thu gom, xử lý đúng quy trình”.

Tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật vào môi trường mỗi năm một nhiều, hậu quả có thể chưa hiện hữu, nhưng ban đầu đã có những dấu hiệu đáng báo động. Anh Nguyễn Thanh Trường, cán bộ thuộc Chương trình 30a, xã Bản Mế (Si Ma Cai) lấy ví dụ đơn giản: “Khi người dân ở các xã đầu nguồn sử dụng thuốc diệt cỏ, một lượng thuốc nhất định tồn dư sẽ theo nước mưa trôi xuống phía hạ nguồn. Việc người dân sử dụng nguồn nước có nhiễm độc từ thuốc diệt cỏ dù ít hay nhiều đều ảnh hướng tới sức khỏe”. Trên thực tế, tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không trong danh mục cho phép gần đây đã được một số người dân thừa nhận. Mặc dù chưa ảnh hưởng tới tính mạng, nhưng những dấu hiệu như bị ngứa, nổi mụn ở chân tay mỗi khi đi làm ruộng về là hồi chuông cảnh báo. Anh Lèng Hai Chi, thôn Sín Chải 1, xã Bản Mế (Si Ma Cai) cho biết: “Trước đây ra ruộng làm cả ngày tôi chẳng thấy chân tay bị làm sao, nhưng thời gian gần đây, chỉ làm một lúc đã thấy chân tay ngứa và nổi mụn.” Hiện nay, để đối phó với việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngày một nhiều, một số hộ dân có điều kiện ở vùng cao đã mua máy lọc nước, để phần nào yên tâm hơn mỗi khi sử dụng nguồn nước từ các khe, suối.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Phát, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Các loại thuốc bảo vệ thực vật đều có mức độ gây độc rất cao, đặc biệt là thuốc không có trong danh mục cho phép. Việc người dân sử dụng ngày càng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp sẽ để lại một lượng lớn chất độc trong môi trường”.

Dù việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để người dân sử dụng đúng thuốc; đúng nồng độ, đúng liều lượng; đúng thời điểm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, để kịp thời phát hiện, xử lý nguồn nước bị nhiễm độc, tránh những hậu quả đáng tiếc.

TẤT ĐẠT

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang