• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ăn món lạ, coi chừng mang “họa”

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long, 17/07/2015
Ngày cập nhật: 18/7/2015

Ốc ma, ốc sên thường gặp rất nhiều ở miệt vườn và mang ký sinh trùng có thể gây bệnh viêm màng não.

Món ăn “độc, lạ” muôn màu muôn vẻ trong đời sống như: tiết canh lòng heo, ốc sên, ve sầu, đuông dừa, ong vò vẽ, cóc... Ngành y tế khuyến cáo nên cẩn trọng khi ăn những món “độc, lạ” như thế nhưng người dân vì hiếu kỳ hoặc vì “khoái khẩu” vẫn sử dụng. Nên nhớ các món “độc, lạ” tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, mắc bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong.

Vẫn có những suy nghĩ sai lầm về ăn ốc sên!

Báo chí thông tin mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh tiếp nhận một bé gái bị viêm màng não do ăn ốc sên chuyển từ ĐBSCL vào viện. Đó không phải là trường hợp hiếm hoi gần đây. Năm ngoái, bệnh viện này cho biết đã tiếp nhận hơn 30 trường hợp viêm màng não do ăn ốc sên.

Nhờ điều trị kịp thời, rất may không trường hợp nào tử vong nhưng sau khi khỏi bệnh có bệnh nhân phải mang di chứng.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh- cảnh báo người dân tuyệt đối không nên ăn ốc sên, bởi loài ốc này chứa ký sinh trùng rất nguy hiểm. Ông cho rằng trẻ con ăn ốc sên thường do người lớn, mà loại ốc này lại rất nhiều, dễ bắt.

Theo dân gian (chưa được kiểm chứng khoa học), nhiều người dân nghĩ ăn ốc sên để chữa bệnh suyễn, viêm khớp, hoặc lấy nhớt ốc sên làm đẹp da. Đó là quan niệm cực kỳ sai lầm.

Phóng viên nghe kể có trường hợp người dân ở huyện Long Hồ bị viêm khớp, sau khi nghe kháo về “bài thuốc dân gian” nên đã bắt ốc sên ăn. Tuy nhiên, cũng có thể chấp nhận được khi làm sạch nhớt ốc sên để nướng ăn, đằng này phải là ăn ốc sên còn nhớt mới có tác dụng hơn, nên trường hợp đó nói là ăn một lần “ngán quá”, tự dừng “bài thuốc dân gian” này (!)

Tháng 7 năm ngoái, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ra khuyến cáo người dân không ăn sống, ăn tái ốc sên với bất kỳ lý do gì để tránh bị viêm màng não. Hàng năm, ngành y tế vẫn ghi nhận các trường hợp mắc bệnh viêm màng não do ăn ốc sên.

Biểu hiện của bệnh lý này có: đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, kích thích màng não và có thể bị viêm các dây thần kinh gây liệt mặt, mắt nhìn đôi, rối loạn cảm giác; những trường hợp nặng có thể biểu hiện co giật, liệt, nói lảm nhảm, mất thăng bằng, mất trí nhớ... Bệnh kéo dài vài ngày đến vài tháng có thể dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh viêm màng não do bị nhiễm giun A.Cantonensis (có trong ốc sên), Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống chín; tuyệt đối không ăn ốc sên tái, sống với bất kỳ lý do gì.

Tránh 2 nhóm nguy cơ mắc liên cầu lợn

PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh liên cầu lợn (heo) ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn, liên quan đến các sản phẩm tiết canh, thịt và phủ tạng chưa được nấu chín.

Người bị bệnh có biểu hiện đa dạng nhưng hay gặp nhất là 2 thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Một nghiên cứu cho thấy bệnh nhiễm liên cầu lợn có khuynh hướng xảy ra vào mùa hè. Phần lớn bệnh nhân là nông dân, và đa số có tiền sử tiếp xúc với lợn hay thịt lợn.

Các biểu hiện bệnh lý của lợn bao gồm viêm màng não, viêm khớp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc, các ổ áp xe. Vi khuẩn có thể gây bệnh cho người với các biểu hiện viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc...

Chính vì vậy, bệnh được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật. Đối tượng dễ bị nhiễm liên cầu lợn có thể chia 2 nhóm: những người tiếp xúc với lợn bệnh (chăn nuôi, giết mổ, bán thịt lợn), liên cầu lợn sẽ từ lợn bệnh thâm nhập qua vết xước trên da rồi lây bệnh cho người; nhóm còn lại chủ yếu là dân nhậu (tiết canh, lòng, nội tạng lợn chưa nấu kỹ).

Theo ngành y tế, đây là bệnh có thể phòng ngừa: người làm nghề chăn nuôi, giết mổ lợn phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, bảo hộ lao động khi tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; người dân không ăn tiết canh, các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn, lòng lợn chưa nấu chín kỹ...

Phóng viên trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long và được biết, các năm qua, không có tiếp nhận trường hợp “ngộ độc” hay các bệnh liên quan do ăn tiết canh, ốc sên.

Có thể do đặc thù vùng miền, yếu tố văn hóa mà người địa phương vùng sông nước ĐBSCL ít (hoặc không) ăn ốc sên, tiết canh.

Cũng có thể vùng miền Tây đây có ốc đắng, ốc lát, ốc bươu, nên người dân ít hoặc không ăn ốc sên. Tiết canh (vịt, heo) cũng vậy, có thể tâm lý người dân lo ngại dịch cúm gia cầm hoặc heo tai xanh và các yếu tố liên quan mà cũng không hoặc rất hạn chế ăn các món này...

Theo bác sĩ Bạch Yến, trường hợp có ngộ độc hay bệnh do ăn các thực phẩm trên, nơi tiếp nhận bệnh thường là cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc, nội tổng hợp.

Ở góc độ kiểm soát phòng chống dịch bệnh với bệnh viêm màng não, liên cầu lợn do ăn ốc sên, tiết canh gây ra, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long- cũng nói hầu như không nghe, không ghi nhận có ca bệnh tại địa phương. Các báo cáo bệnh truyền nhiễm của ngành đều thể hiện ở tỉnh cũng không có các bệnh này.

MINH THÁI

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang