• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thương lái lùng mua lâm sản lạ

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 07/07/2015
Ngày cập nhật: 8/7/2015

Những ngày qua, người dân các xã thuộc huyện Kon Plông (Kon Tum) đổ xô vào rừng để săn lùng lá kim cương, nấm cổ cò, nấm tai khỉ và quả mây rừng về bán cho các thương lái với giá từ vài chục ngàn đồng đến hàng triệu đồng/kg. Điều bất thường là có những loại lâm sản, người dân chẳng biết có công dụng gì, cũng chẳng ăn bao giờ nhưng vì được thương lái đặt hàng giá cao nên đua nhau đi lấy về bán.

Gom “hàng lạ” giá cao

Tại ngã ba xã Măng Cành (huyện Kon Plông), một tốp 3 người dân ở làng Kon Năng, xã Măng Cành chuẩn bị bao, túi cùng một ít cơm nắm, nước uống để vào rừng hái lá kim cương và nấm tai khỉ. Hỏi mua lá kim cương, chị Y Krứa (19 tuổi, làng Kon Năng) chốt giá: “Thương lái mua 1 triệu đồng/kg, nếu anh trả giá cao hơn thì tôi mới bán”. Theo Y Krứa, cây kim cương cao chưa đầy 1 gang tay, mọc trên những thảm lá mục ở rừng sâu hay giữa các khe đá. Mới đầu mùa nên cây kim cương chưa nhiều, lá nhỏ, chưa nở hoa nên khó tìm. Ngày giỏi lắm cũng kiếm được 1 lạng. Chừng 2 - 3 tháng nữa, khi cây kim cương nở hoa màu trắng thì việc tìm lá cũng dễ dàng hơn.

Trong lúc người dân nườm nượp vào rừng hái lá kim cương thì việc thu mua mặt hàng này cũng diễn ra tấp nập không kém. Nhiều thương lái đón đầu tại các bìa rừng để chờ người dân đi hái về sẽ thu mua trực tiếp hoặc đến tận nhà dân lùng mua. Điểm thu mua của bà Hoa (xã Đắk Tăng) là quán tạp hóa nằm ngay trung tâm xã. Cứ mỗi buổi chiều, 7 người trong gia đình bà này gồm chồng, con, anh em lùng sục khắp hàng chục ngôi làng ở các xã Đắk Tăng, Măng Bút, Măng Cành... để thu mua lá kim cương. “Mới đầu mùa nên mua được rất ít, chỉ vài ba lạng, có bữa non 1ký/ngày. Sắp tới khi cây kim cương nở bông, người đi hái sẽ nhiều, lúc đó có thể mua cả chục ký/ngày. Mỗi khi gom được hàng, tôi gọi điện cho các thương lái đến lấy hàng, sau đó họ xuất bán sang Trung Quốc. Có bao nhiêu thương lái lấy bấy nhiêu, thậm chí giành giật nhau từng lạng”, bà Hoa nói. Cùng với lá kim cương, nấm cổ cò cũng được bà Hoa thu mua. “Trước đó, nhiều thương lái đến đặt mua nấm cổ cò với giá 1,7 triệu đồng/kg. Tôi thấy giá cao nên thu mua của người dân rồi bán lại cho họ. Nấm cổ cò và lá kim cương đều ăn được, còn có công dụng gì đặc biệt tôi không rỏ”, bà Hoa tiếp lời.

Bà Hoa cùng mớ lá kim cương vừa mua được.

Không biết mua làm gì

Ngoài các mặt hàng nói trên, thương lái còn thu mua nhiều loại lâm sản phụ mà người dân không hề dùng tới bao giờ. Dẫn khách vào nhà kho đang chứa mấy túi đựng quả mây rừng, bà Hoa nói: “Quả đó thương lái đặt mua 300.000 đồng/kg. Tôi không biết quả này dùng để làm gì, lạ lắm”. Đến nhà ông Từ (thôn Kon Năng, xã Măng Cành), chúng tôi thấy ông đang hì hục vác từng bao nấm tai khỉ đổ ra sân rồi dàn mỏng ra phơi. Ông Từ cho biết, mấy tháng trước, có người lạ mang mẫu nấm tai khỉ đến nhà ông đặt vấn đề muốn mua với giá 30.000 đồng/kg. “Nấm đó có nhiều trên rừng, nhưng chẳng người dân nào dám ăn. Thấy họ đặt mua thì tôi thu gom rồi bán lại, chỉ nghe nói họ mua rồi bán sang Trung Quốc”, ông Từ kể.

Ông Phan Đình Hải, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Kon Plông xác nhận có nghe chuyện thương lái lùng mua lá kim cương, nấm tai khỉ, nấm cổ cò, còn chuyện mua làm gì thì ông cũng chịu. Theo ông Hải, nghe dân kể, xưa ông bà đi rừng lấy lá kim cương về nấu canh ăn thì thấy mát người ngủ ngon. Còn thực tế không biết cây kim cương chữa được bệnh gì, cũng chưa có ai nghiên cứu thành phần bên trong có tác dụng gì đặc biệt, hiện chỉ biết do được mua giá cao nên người dân đi hái. Trường hợp nấm tai khỉ người dân không dám ăn nhưng được thương lái thu mua với giá 30.000 đồng/kg, đó là điều bất thường. Cũng theo ông Hải, lá kim cương, nấm cổ cò, tai khỉ, quả mây rừng đều là lâm sản không có giá trị cao. Việc người dân vào rừng hái, nhặt những loại này cũng không gây ảnh hưởng đến cây rừng. Trường hợp nếu thương lái ngừng thu mua các mặt hàng này (kiểu ồ ạt thu mua lá điều khô, rễ tiêu rồi “lặn mất tăm” như đã từng xảy ra ở các địa phương khác) thì chỉ có những hộ dân làm đại lý trực tiếp thu gom bị ảnh hưởng, còn nông dân không thiệt gì vì nếu thương lái không thu mua thì dân không đi lấy nữa.

VÕ PHÚC

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang