• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiêm ngừa bệnh Dại cho động vật nuôi là việc làm bắt buộc

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng, 14/05/2015
Ngày cập nhật: 15/5/2015

Nuôi động vật thả rông, không tiêm phòng và vận chuyển buôn bán động vật là những yếu tố nguy cơ làm cho bệnh dại phát sinh. Trong những tháng nắng nóng chính là cao điểm phát sinh bệnh dại trên người và động vật, chính vì vậy Chi cục Thú Y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo người dân cần quan tâm đến các biện pháp phòng chống loại bệnh nguy hiểm này.

Tiêm ngừa bệnh Dại cho động vật nuôi là việc làm bắt buộc.

Theo số liệu của Chi cục Thú Y Sóc Trăng, tổng số chó nuôi trong tỉnh khoảng 29.000 con, tính đến cuối năm 2014 đã tiêm phòng dại được 27.000 con, đạt 89,66% kế hoạch, tăng 5,98% so cùng kỳ năm 2013. Thời gian qua Sóc Trăng chưa ghi nhận ca chó, mèo mắc dại hoặc nghi mắc dại. Nhưng không vì thế mà có thể lơ là vì chó mèo là động vật nuôi rất gần gũi với con người, khả năng lây truyền các bệnh nguy hiểm cho người rất cao.

Trong đó dại là bệnh nguy hiểm nhất, với hình thức lây truyền khá hẹp, chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên vùng da bị tổn thương của người, cũng có trường hợp vi rút dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng ,vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại, hiếm có trường hợp lây nhiễm bệnh trực tiếp từ người sang người. Trong các loài động vật có vú, tính cảm nhiễm đối với bệnh dại cao nhất ở chó, mèo, dơi tiếp đến là trâu, bò, heo, chuột... Tuy nhiên ở động vật sẽ có kháng thể chủ động chống lại virút dại nếu được tiêm vắc xin dại. Do đó tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay để phòng chống bệnh này.

Trong khuôn khổ chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2011 – 2015, thời gian qua, Chi cục Thú Y tỉnh đã tổ chức các đợt truyền thông phòng chống bệnh dại bằng các phương tiện tuyên truyền lưu động, cấp phát hơn 200 sổ tay và hơn 1.800 tờ bướm tuyên truyền cho người dân, từ đó ý thức bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng và động vật nuôi của bà con ngày càng được nâng lên. Ông Mai Hậu ở thành phố Sóc Trăng cho biết: “ Tôi nuôi chó để giữ nhà nên cũng thường xuyên tiếp xúc với nó và để phòng chống bệnh trên vật nuôi lây sang người, tôi đã tiêm phòng cho chó và không thả rông.”

Theo các nhà chuyên môn, trong thời gian ủ bệnh, các triệu chứng thường không rõ ràng, rất khó biết để cách ly phòng ngừa, khi đã phát dại thì tỉ lệ tử vong gần như 100%. Đối với động vật nuôi (chủ yếu là chó, mèo), có thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi có triệu chứng lâm sàng. Biểu hiện lâm sàng chia thành 2 thể là thể điên cuồng và dại câm . Ở thể điên cuồng các phản xạ vận động ở động vật bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, quá vồ vập khi chủ gọi, dữ tợn, điên cuồng, con vật bỏ nhà đi và thường không trở về, trên đường đi, gặp vật gì lạ cũng cắn gặm, ăn bừa bãi, tấn công con vật khác kể cả người. Ở thể dại câm con vật có thể bị bại một phần cơ thể, nửa người hoặc 2 chân sau, thường là liệt cơ hàm, chảy nước dãi, con vật không cắn, không sủa được, chỉ gầm gừ. Sau một thời gian con vật sẽ chết do liệt cơ hô hấp và kiệt sức vì không ăn uống được.

Đối với người, thời gian ủ bệnh thông thường từ 1 - 3 tháng sau khi bị nhiễm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Biểu hiện lâm sàng là sợ nước, sợ gió co giật, bại liệt. Bệnh rất khó chữa, tỉ lệ tử vong cao, nên người dân cần có ý thức phòng ngừa trước, tiêm ngừa đầy đủ cho vật nuôi trong nhà, ngoài ra nên tránh đến gần các con vật chạy rông hoặc các vật nuôi có biểu hiện của bệnh dại, đồng thời trang bị cho mình những kiến thức cơ bản trong xử lý trường hợp không may bị động vật cào cắn. Thạc sĩ Lê Văn Quang - Phó phòng dịch tễ, Chi cục thú y Sóc Trăng khuyến cáo: Các hộ nuôi chó, mèo nên tuân thủ tiêm ngừa định kỳ, tránh tiếp xúc, thả rông… khi bị vật nuôi cắn phải nhanh chóng đến cơ sở y tế tiêm ngừa ngay.

Công tác tuyên truyền các bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật nuôi sang người.

Các gia đình có tâm lý yêu mến vật nuôi, thường tiếp xúc với con vật nên khả năng bị cào cắn làm trầy xước rất cao, nhất là các gia đình có người già và trẻ nhỏ. Do đó bên cạnh việc giữ vệ sinh cho bản thân và vật nuôi, hạn chế vật nuôi tiếp xúc với các con vật thả rông khác, thì việc tiêm ngừa vắc xin phòng chống bệnh dại cho vật nuôi là việc làm bắt buộc, cũng chính là giải pháp để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Bệnh dại thường có xu hướng tăng lên vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8, do đó trong những tháng sắp tới chính là cao điểm để phòng chống bệnh dại. Các gia đình có nuôi chó ,mèo, nên đưa đi tiêm phòng bệnh dại, việc này cần được lặp lại mỗi năm một lần, ngoài ra cần xích nhốt vật nuôi an toàn, chi phí cho mỗi lần tiêm ngừa không cao, nhưng sẽ mang lại lợi ích rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cả cộng đồng.

Ngọc Khuê

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang