• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện “lạ” ở rừng

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 03/05/2015
Ngày cập nhật: 4/5/2015

Đã bao lượt đến rồi trở về từ các phân trường, tiểu khu vùng U Minh Hạ (Cà Mau), nhưng chuyến đến thăm lần này vô tình ghi nhận chuyện vô cùng “lạ”. “Lạ” đến cả những người chủ rừng thời điểm hiện tại cũng không ngờ tới - chuyện “trồng rừng trên đất ruộng”.

Ông Trần Văn Hiếu, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, người đã hơn 20 năm gắn bó với Liên Tiểu khu U Minh 1, cho biết: “Mới cách nay chưa đầy 2 năm, người dân còn kiến nghị nóng hổi chuyện mở rộng diện tích trồng lúa trên đất lâm phần. Hoặc lâu hơn nữa, họ sẵn sàng phá rừng làm ruộng mặc cho chính quyền xử lý. Còn bây giờ, họ lại tự nguyện trồng, chủ động xin trồng rừng và thậm chí trồng rừng trên diện tích 30% sản xuất nông nghiệp”.

Tuy mới ghi nhận phát sinh việc nhiều hộ dân của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ mạnh dạn phủ xanh cây rừng trên phần đất canh tác nông nghiệp (tỷ lệ quy định 70% rừng, 30% nông nghiệp), nên chưa có con số thống kê cụ thể về diện tích này. “Song, diện tích này không hề nhỏ”, ông Nguyễn Văn Thét, Tiểu khu trưởng Liên Tiểu khu U Minh 1, xác nhận.

Anh Nhẫn (bên trái) cùng cán bộ công ty thăm diện tích rừng tràm mới trồng trên đất ruộng.

Hầu hết những nông dân đã lựa chọn trồng rừng trên 100% diện tích canh tác đều chung nguyên nhân “ăn chắc”. “Diện tích giao khoán mỗi hộ 7 ha, trong đó đảm bảo 70% rừng, 30% sản xuất nông nghiệp. Với đất rừng (70%), sau khi khai thác, nông dân sẽ có tỷ lệ ăn chia với công ty sau khi khấu trừ các khoản chi phí trong suốt thời gian canh tác. Ðất sản xuất nông nghiệp (30%), nông dân thụ hưởng 100% lợi nhuận và tự do sử dụng với mục đích phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện quy định của công ty, địa phương”, ông Hiếu thông tin thêm.

Anh Phạm Chí Nhẫn, ấp 14, xã Nguyễn Phích, có hơn 20 năm gắn bó với rừng, chia sẻ: “Hồi mới nhận rừng, tôi cũng như nhiều hộ xung quanh chăm bẳm vào diện tích 30% canh tác nông nghiệp (làm lúa). Còn 70% rừng như cam kết thì “mặc kệ”, cán bộ lâm trường (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ - PV) phải thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra tiến độ trồng rừng, thậm chí còn bị phạt hành chính nhưng rừng vẫn không đảm bảo… đủ cây”.

Có hộ nhận cây rừng về rồi không triển khai trồng mà vứt bỏ, rồi một vài tháng sau báo với công ty là cây mới trồng chết hết. Hoặc mùa khô thì bỏ mặc không chăm sóc, không chủ động canh lửa. “Nếu rừng cháy, tỷ lệ rừng thưa không đảm bảo họ sẽ có cớ và lấn dần diện tích để sản xuất lúa. Vài năm, anh em phải tiến hành đo đạc lại!”, ông Hiếu nhớ lại.

Thời sản xuất rừng truyền thống kém hiệu quả, hơn ai hết những người chủ rừng không ai dám nghĩ tới chuyện làm giàu từ cây rừng. “Có lúc sau khai thác, công ty phải giữ lại phần chi phí cây giống. Vì sợ nếu giao hết tiền cho bà con thì đến mùa trồng rừng không tiền mua giống”, anh Nhẫn vừa cười vừa kể.

Làm lúa ở rừng không hề đơn giản. Người nông dân phải cám cảnh: phèn vào mùa khô, ngập úng vào mùa mưa, mùa trữ nước chữa cháy... Bao năm rồi, câu chuyện đấu tranh sinh tồn của cây lúa và cây tràm vẫn còn dai dẳng. Lúa mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ, sản lượng chỉ vài giạ/công. Anh Phạm Chí Nhẫn nhẩm tính: 30% sản xuất lúa tương đương 20 công, mỗi vụ cấy trúng lắm chỉ đạt 100 giạ lúa (10 triệu đồng giá hiện tại chưa trừ chi phí). Trong khi phải kéo dài 4, 5 tháng chăm sóc. Nhiều chi phí: mạ, phân, thuốc trừ sâu, nhân công cấy, gặt... so ra chỉ phá huề. Lúc đó, nông dân chỉ nghĩ đến chuyện làm sao đủ lúa ăn. Có lúa, kèm với một số huê lợi từ sản vật rừng: ong, cá, hoa màu... coi như cuộc sống tạm ổn.

Rừng thì trên 10 năm mới khai thác 1 lần. Giá cây rẻ, chi phí cao. Nhiều hộ sau khi khai thác, khấu trừ chi phí phải móc tiền túi bù lỗ. Khai thác thì có mùa, có lượt, còn công việc mưu sinh cứ phải quần quật hằng ngày. Nghề “bén” nhất vùng rừng thời gian trước đây vẫn là làm thuê, bán củi, hầm than. Bây giờ thì khác, lâu lắm rồi mới thấy dân xứ rừng vui vầy mùa khai thác. Cây vừa đốn hạ, vận chuyển xong là công việc trồng rừng phía công ty không kịp nhắc nhở, hầu như ai cũng hối hả.

Ông Trần Quang Thắng, ấp 14, xã Nguyễn Phích, không giấu được niềm vui: “Vụ khai thác mấy năm nay trúng giá là vì mùa khai thác không còn rập khuôn mỗi năm 1 lần mà khai thác quanh năm. Do vậy không bị tư thương ép giá, không bị động nguồn nguyên liệu, nhân công lao động”.

Trồng rừng đã có sự thay đổi lớn. Không còn trồng ngập như ngày nào, giờ cây tràm cũng được xem trọng như giá trị của nó. Cây tràm được trân trọng trồng trên những liếp kê bằng cơ giới. Chu kỳ của cây rừng trồng bằng phương pháp này chỉ còn khoảng 7 năm. Sản lượng gỗ cao hơn trước, giá thành tăng gấp 2 - 3 lần.

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, hồ hởi: “Bây giờ phải khẳng định rừng là cứu cánh cho nông dân xứ rừng. 8 năm trở lại đây, rừng đã được quan tâm đầu tư đúng với tiềm năng của nó. Chúng tôi đang từng bước cơ giới hoá nghề rừng. Trong tương lai không xa, rừng U Minh Hạ sẽ được đầu tư kỹ thuật khai thác hiện đại, giảm chi phí nhân công, thời gian thu hoạch. Giá trị sản vật rừng và cả tầm vóc của những người chủ rừng cũng nâng lên tầm cao mới”.

Cây tràm nâng cao giá trị trong xây dựng, người trồng tràm càng yêu quý sản vật mình làm ra. Như anh Nhẫn, với hơn 5 ha tràm thâm canh, mùa này đã 2 năm nhưng dưới mặt đất chân rừng không còn cây cỏ khô có nguy cơ cháy. “Bây giờ nó là tài sản tích luỹ của mình, mình phải bảo vệ nghiêm túc”, anh Nhẫn nói như khoe. Vụ khai thác năm rồi, sau khi trừ chi phí, anh lãi ròng trên 150 triệu đồng.

Ông Trần Văn Hiếu, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho hay: chi phí kê liếp, cây giống cho 1 ha rừng thâm canh dao động khoảng dưới 15 triệu đồng. Sau 5 - 6 năm thu hoạch, mỗi héc-ta giá 60 - 70 triệu đồng (hiện tại). Trong khoảng thời gian này, bà con còn có thêm thu nhập từ gác kèo ong, cá và trồng cây ăn trái trên bờ bao khuôn hộ. Nếu trồng keo lai thì huê lợi cao hơn 2 - 3 lần tràm, nhưng do hiệu quả từ keo lai chưa khẳng định ở mức độ “an toàn” nên phần lớn bà con trồng tràm.

“Trước đây, phải ăn chia sau khai thác với công ty, bây giờ phần diện tích sản xuất lúa mình trồng rừng thì mình hưởng trọn 100%. Ðể đảm bảo lúa ăn trong năm, chỉ cần siêng năng trồng cây ăn trái, hoa màu, gác kèo ong, nuôi cá... Như gia đình tôi mỗi năm chỉ cần trữ 60 giạ lúa, tính ra giá, chỉ cần ngót nghét 7 triệu đồng. Tôi chỉ cần mỗi ngày bán vài ký mãng cầu gai, mớ bắp chuối, mớ cá... thì trang trải được. Rừng thì làm của tích luỹ. 4 năm nữa, rừng của tôi sẽ đến chu kỳ khai thác, trong 7 ha, có 30% tôi hưởng trọn. Nghĩ đến mà thấy khắn khít với rừng hơn”, anh Nhẫn hồ hởi./.

“Chúng tôi đã và đang đầu tư kỹ thuật, cơ giới hoá nghề rừng trong lâm phần U Minh Hạ. Về kỹ thuật, cán bộ công ty sẽ hướng dẫn, phía công ty sẽ đảm bảo cơ giới kê liếp. Nếu bà con không đủ chi phí thì công ty cho ghi nợ đến vụ khai thác. Riêng việc cơ giới hoá trong khai thác, đến cuối năm nay, rừng U Minh sẽ có thay đổi lớn khi cầu trục năm tấn đi vào hoạt động. Vừa nâng cao hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí, sức lao động. Còn khai thác, chúng tôi sẽ đầu tư cơ giới vào vài năm nữa, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, thông tin.

Phong Phú

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang