• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chuyện nước nôi ven biển

Nguồn tin: Kinh Tế Sài Gòn, 30/4/2015
Ngày cập nhật: 30/4/2015

Cát vùi lấp rễ thở khiến cây bị chết, kéo theo các loại thủy sản bị chết do nắng nóng. Ảnh chụp tại Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Nguyễn Hữu Thiện

Vùng ven biển ĐBSCL bây giờ gặp nhiều chuyện về nước: thiếu nước ngọt, tăng độ mặn, ô nhiễm nước; cá tôm khó sống, cuộc mưu sinh của người dân cũng khó khăn. Câu chuyện sau đây mượn vùng ven biển Bến Tre làm điển hình.

Không biết sao trong tiếng Việt có từ “nước nôi”. Không biết mô tê gì về nguồn gốc từ này, đành đoán bừa là chắc người Việt biết nước quan trọng từ hồi còn nằm nôi (?)

Chuyện tài sản nước

Nhờ nước luân chuyển trong trời đất mà tạo hóa ban cho con người nhiều “tài sản” tự nhiên để sinh sống. Ở Bến Tre, kể từ hướng biển vô thì có biển, bãi cát, bãi bùn, rừng ngập mặn, sông rạch, rồi đồng mặn, đều do công của nước góp phần tạo ra. Biển Bến Tre giàu có thứ 2 ĐBSCL, sau Kiên Giang. Tạo hóa hình như có nghĩ tới người nghèo khi tạo ra biển ở đây. Gần bờ là vùng nước cạn, lúc triều xuống tàu đánh cá không vô được, để dành cho người nghèo dùng dụng cụ đơn giản, lưới lọp, hay tay không mà bắt.

Khô hạn ở ĐBSCL.Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Bước lên là gặp bãi cát thủy triều, ở Bến Tre tổng cộng chừng chục ngàn mẫu. Bãi cát xứ này không hẳm, triều xuống có thể chạy xe hai bánh trên bãi cát nghe sóng rì rào, gió vi vu. Nghêu Bến Tre nổi tiếng là từ những bãi cát này. Mấy năm trước, hợp tác xã khai thác vài chục ngàn tấn mỗi năm nên người dân cũng có nguồn thu.

Gần cửa sông thì không có bãi cát mà là bãi bùn phù sa. Thủy sản thích sinh sản ở đây vì có nhiều chất bổ dưỡng trong phù sa. Sò với nghêu cũng có phân công, ít khi phải tranh chấp, sò sống bãi bùn, còn nghêu sống bãi cát.

Vô khỏi bãi, gặp rừng đước, mấm, gần chỗ cửa sông thì nhiều cây bần. Nghe hồi bão Lin Đa năm chín bảy rồi bão Sầu Riêng hai lẻ sáu, không có mấy dải rừng này thì chắc đã tan hoang. Bước tiếp lên sau dải rừng là đất giồng cát. Bến Tre có 20 giồng cát hình cánh cung, song song bờ biển, giồng trước, giồng sau. Mấy giồng cát này giữ nước mưa lại nên có nước ngọt để con người sinh sống, trồng hoa màu, chăn nuôi. Chỗ nào nhiều cát ít hữu cơ thì ít nước, chỗ nào hữu cơ dày thì nước ngọt đủ xài tới mùa khô.

Xứ ven biển này kênh rạch cũng nhiều, kênh rạch nhỏ mặn hơn mấy cửa sông lớn. Ven bờ kênh rạch có bãi bùn nuôi sò huyết. Nhờ mấy con rạch này tàu thuyền đánh cá vô được đất liền, người dân lấy nước mặn vô nuôi tôm quảng canh, tôm công nghiệp, lấy nước vô đồng sâu bên trong phơi muối. Kênh rạch là nơi người nghèo sống được, bắt tôm cá đủ ăn, khỏi phải ra biển nếu không có ghe tàu. Rảnh đi bắt kí lô ốc dừa cũng kiếm được tám chục ngàn đồng.

Đó là chuyện hồi còn “mưa thuận gió hòa”, chứ bây giờ “môi trường” có nhiều chuyện lắm. Hồi đời ông bà mình, đâu có ai nói chữ “môi trường” mà có nói chắc cũng ít ai hiểu là gì. Mấy chục năm nay, từ này nghe nói hoài, lại nghe thêm “biến đổi khí hậu”.

Chuyện biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu nghe nói bên Tây bên Tàu đều bị, mà đồng bằng mình là một trong ba nơi trên thế giới bị ảnh hưởng nhất nữa, nên đâm lo.

Mấy năm nay trời nóng lên, nước biển gần bờ bị nóng, cá dạt ra nước sâu cho mát, người nghèo khó ra tới. Gió chướng tháng Mười một tới ra Giêng thổi mạnh ngoài biển vô, gặp lúc triều cường thì sóng ào vô bãi cát, tràn lên bờ, bào mòn mặt bãi cát và giồng cát. Một tháng triều cường theo con nước lên hai lần cào mất cả chục thước giồng cát. Sóng ở đây quái ác, cào cát ở chỗ này đem qua đoạn khác cách vài cây số làm cho bờ biển khi thì thụt vô, khi bồi ra. Chỗ có rừng thì sóng không cào được, nó bèn nghĩ cách đem cát chỗ khác tới lấp cho rễ thở của cây mấm chết ngộp, cây chết rồi nó quay lại cào cát đi ngon ơ. Bãi nghêu cũng bị cát vùi lấp, xót của. Sóng không dùng cách đó thì khó mà làm cho sạt lở được vì ở đây có loài mấm quăn chịu đựng sóng giỏi vì cây lùn, thân mềm, uống cong khi gặp sóng. Bị vụ cát vùi lấp này rồi thêm bị người ta đào con chem chép trong rừng, cây mấm quăn giờ đâu mất.

Hồi mấy năm trước còn thịnh, nghêu được giá ba bốn chục ngàn, hợp tác xã chia đầu người được năm, bảy triệu một năm, đỡ khổ. Mấy năm nay, nghêu sụt giá, thêm nắng nóng kéo dài, cát bùn nóng quá sức, nghêu chết trắng bãi. Tháng Mười tới tháng Chạp, sóng đánh mạnh, nghêu văng lên bờ phơi nắng. Mùa khô, nước lên không tới bãi cát, nghêu chết khô.

Mùa khô thiếu nước nghe quen, mùa khô dư nước là chuyện mới. Mấy năm nay, mùa khô có mấy trận mưa lớn trái mùa, gây úng. Hoa màu có củ bị thúi củ, hoa màu thụ phấn thì trôi phấn hết trơn. Mưa dữ dội vài ngày rồi ngưng hẳn, vừa hết lo úng quay qua lo hạn. Mưa trái mùa làm nước trong ao tôm bị lạt bớt đột ngột, tôm bị sốc dữ.

Chuyện không phải biến đổi khí hậu

Ngoài chuyện biến đổi khí hậu từ đâu tới, còn những chuyện do tự mình gây ra. Giồng cát hồi đời ông bà mình, nước ngọt quanh năm. Bây giờ canh tác một năm ba vụ, dưa hấu xong tiếp theo củ sắn, đậu phộng, cây cỏ tự nhiên bị dọn trụi lũi, có chỗ có kinh đào ngang qua nữa, nước mưa không ở lại trong đất giồng được. Bên xã Bảo Thuận, Ba Tri, tưới dưa hấu mà kêu xe bồn chở nước ngọt tới, năm khối nước, tính giá sáu trăm ngàn, xót ruột. Một công đất ngàn mét vuông một mùa tưới cả chục khối nước, mần sao có ăn? Không mần ba vụ thì biết mần gì, mà mần thì đất không được nghỉ, người cũng mệt nhoài, người dân nói đất bây giờ bạc màu hơn xưa.

Ấy vậy mà ở xã Thừa Đức, Bình Đại lại khác. Dân ở ấp Thừa Tiên đủ nước ngọt quanh năm để tưới hoa màu, sinh hoạt, dù giồng cát ở đây sát biển, xung quanh toàn kênh nước mặn. Người ta nói ở đây đủ nước xài vì có một “nỗng cát” rộng năm sáu chục thước, dài mấy cây số chạy ở giữa như “xương sống”, giữ nước cho giồng cát. Ra xem thì thấy đỉnh của nỗng cao hơn đất giồng hai bên vài mét, còn um tùm cỏ, lau, sậy. Té ra chính cái nỗng cát có cây cỏ tự nhiên này giữ nước mưa lại, hèn chi mà xã này sung túc nhứt xứ. Thế mới biết cỏ hoang cũng có vai trò. Trồng hoa màu ven biển, sáng ra thấy héo queo vì một loại nước li ti trong không khí, bà con quen gọi là “sương muối”. Nước sương mặn như muối, do nước biển bị bắn lên lúc gió mạnh mang vô đất liền, đáp lên lá, nhứt là ban đêm gần sáng. Chỗ nào mất rừng thì sương muối bắn vô không có gì che, nhất là khoảng tháng Hai nhiều sương muối mà không có mưa, hoa màu chết nhiều.

Mấy năm nay lại có phong trào nuôi tôm công nghiệp. Tôm này nắng không ưa, mưa không chịu, đâu có khỏe mạnh bằng tôm, cá trong thiên nhiên. Tôm bệnh thì chủ ao tôm xả nước cạn bớt, kéo lưới bắt tôm cứu tiền. Nước thải ra lòng vòng trong rừng, ra biển. Bãi bùn, sò huyết, bãi cát con nghêu, rừng tôm quảng canh cũng bị ô nhiễm; người nói có, người nói không.

Đã vậy, người ta còn dùng lọp xếp, đáy mùng vét sạch tôm cua giống tự nhiên, rồi bang mé kênh rạch cho cạn để nuôi sò huyết, tôm giống hết đường vô. Nuôi tôm quảng canh bây giờ không có ăn như hồi xưa là vậy.

Ở trong xóm, người không có đất, đi mần mướn cho chủ ao hoặc nhà trồng rẫy, tưởng mần lấy tiền, đâu bị ảnh hưởng gì chuyện nước nôi ô nhiễm, rừng, biển. Lúc đầu thấy triều cường làm bể bờ bao có cơ hội làm thuê sửa bờ, được ngày công. Sau đó hoa màu của chủ giồng bị mặn vô thất bát rồi nắng nóng chết tôm, việc làm ít dần. Thất nghiệp vô rừng đào con chem chép, lật gốc cây lên thì cây chết, rồi sạt lở, nước triều tràn vô, vỡ bờ, lại có cơ hội đi làm sửa bờ bao, lại thất mùa, thất nghiệp, lại đi đào chem chép trong rừng, lại lật gốc lên…

Buôn bán tạp hóa trong xóm tưởng không liên quan gì chuyện nước nôi, rừng, biển. Ai dè khi tôm, nghêu chết, người ta không tiền mua, tạp hóa ế ẩm. Cần quá người ta phải mua, mà mua chịu, tiệm hết vốn.

Chuyện từ khúc trên của đồng bằng

Cả ngàn năm nay con sông Mêkông mang phù sa về đây bồi đắp, bây giờ nghe ở khúc trên họ sắp đắp đập làm thủy điện. Sông chắc không mang nhiều phù sa về nữa. Cửa Đại, Hàm Luông mà thiếu phù sa thì sạt lở, bãi bùn không còn chất bổ dưỡng, con sò, con cá khó sống.

Hồi nào giờ nước sông Mêkông đổ ra biển tạo thành một khoảng nước đục vài chục cây số. Lớp nước đục này lợi hại lắm, nó là “bức tường mềm” làm cho sóng ngoài khơi đánh vô bớt mạnh, chứ không thì sạt lở hết trơn. Không tin thì thử đặt một thau nước bùn và một thau nước trong trước quạt máy, thau nước bùn sẽ ít sóng hơn. Mai mốt thiếu phù sa, nước biển ven bờ trong hơn, chắc là sóng từ biển khơi đập vô sẽ dữ dội.

Nghe người ta nói cần đắp đập vì mấy chục năm tới nhu cầu điện tăng dữ lắm, phát triển thì phải đánh đổi. Lại nghe bên Xiêm, một khu mua sắm cỡ Siam Paragon xài điện bằng một tỉnh Mukdahan hay gần gấp đôi tỉnh Mae Hong Son. Ước gì người ta suy nghĩ lại, biết nâng niu tài sản nước hơn.

Nguyễn Hữu Thiện

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang