• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Du cư cùng... đàn ong

Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 17/03/2015
Ngày cập nhật: 18/3/2015

Lang thang theo những mùa hoa trên khắp mọi miền đất nước cho đàn ong làm mật. Khi mùa hoa cạn là lúc những người nuôi ong tìm một khu vườn yên tĩnh có vài loài hoa nở muộn để làm điểm dừng chân dưỡng quân.

Năm nay Hai Hà đưa đàn ong của mình về nghỉ dưỡng trong khu vườn keo tràm của anh Trần Hiền tại khu phố 8, phường Tân An thị xã La Gi. Hai Hà 52 tuổi, quê ở Quy Nhơn, Bình Định. Anh và người con trai cả tuổi 30 đã theo nghề nuôi ong trên 10 năm. Tài sản hai cha con mang theo rong ruổi đó đây là 200 thùng ong với hàng triệu con ong chuyên làm mật có gốc gác tận nước Ý, có tổng trị giá trên 200 triệu đồng, cùng lỉnh kỉnh lều bạt, xoong nồi…

Sáng chủ nhật, đến vườn ong nghe Hai Hà tâm sự chuyện ong, chuyện người thật thú vị. Hai Hà nói: Đời người nuôi ong cũng giống như con ong, quanh năm suốt tháng bay khắp nơi tìm mật ngọt cho đời. Người ta nói: “Làm ruộng ăn cơm nằm/Chăn tằm ăn cơm đứng”. Với người nuôi ong, không đứng, không nằm mà “chạy”. Nay chạy nơi này mai chạy nơi kia. Xong hoa cà phê Buôn Mê, liền bay ra vải thiều Lục Ngạn. Đi mà không hẹn được ngày về. Bởi thế làm nghề nuôi ong là phải đủ sức chịu đựng. Tôi hỏi Hai Hà - Là chịu đựng những gì? Hai Hà nhả khói thuốc trầm tư: Thì cuộc đời cứ du cư theo đàn ong suốt, nhà cửa, vợ con đó mà mấy khi được gần gũi. Có nhớ nhung cũng dằn lòng chịu, chứ không thể bỏ ong đi. Riết như thế này rồi vợ con cũng bỏ mình thôi! Tôi nói vui: Làm gì mà có chuyện ấy, có khi vợ con không bỏ mình mà mình lại lợi dụng lúc xa nhà lập thêm “căn cứ” để giải khuây đó chứ! Hai Hà nghe tôi nói cười tít mắt rồi chậm rãi đốt thêm điếu thuốc, nhấp ngụm nước trà kể tiếp về phận người nuôi ong: Nghĩ cũng buồn, vì mưu sinh phải theo nghề chứ có sướng chi, đêm nào cũng nằm sương ngủ gió. Gặp mùa bão tố, đời người, đời ong coi như tan tác hết. Cứ tưởng tượng trời mưa xối xả, gió thổi cấp 10, 11, hai cha con phải ôm nhau trụ trong căn lều xơ xác nằm trơ trọi dưới tán cây vườn. Nếu không chấp nhận, không chịu đựng làm sao theo được nghề ong! Rồi còn di chuyển, một năm không biết bao nhiêu lần, 200 thùng ong, cộng với đồ đạc… chẳng khác chi người đi tị nạn chiến tranh!

Chuyện người xong đến chuyện ong. Hai Hà bảo, những năm trước đây nghề nuôi ong chưa phát triển mạnh, làm nghề ong có ăn lắm. Nay số người theo nghề mỗi ngày một đông, phải cạnh tranh nhau mới có đất sống. Ngày trước mình đến các nhà vườn xin đặt đàn ong, chủ vườn vui vẻ chấp nhận ngay không thu đồng nào. Bây giờ khó lắm, muốn đặt ong phải trả tiền vườn, mà trả cao chứ trả thấp người khác chen vào ngay. Một lứa ong trả cho chủ vườn khi vài ba triệu đồng, khi năm bảy triệu đồng tùy theo. Đã vậy nhưng rủi ro cũng không tránh được, gặp những vườn cây vừa xịt thuốc sâu, thuốc kích thích xong, ong mà sà vào, ngã chết như rạ, gặp tình cảnh này chỉ còn biết ôm mặt khóc.

Theo Hai Hà, nuôi ong trúng nhất vào mùa hoa vải. Đặt ong trong vườn vải mùa hoa rộ, 200 thùng, chỉ cần vài ba ngày là quay được 2 tấn mật. Đặt mươi, mươi lăm ngày thu năm bảy tấn là chuyện thường. Một tấn tùy thời điểm bán cho công ty có giá từ 30 - 50 triệu đồng. Trừ chi phí ăn ở, đi lại… vẫn còn bộn bạc gởi về vợ con.

Đó là nói mùa mật trúng còn bình bình, một lứa ong phải đến trên 10 ngày mới thu được mật. Cứ một thùng ong đặt 10 cầu (tổ ong), mỗi cầu thu chừng 3 lạng, một thùng thu 3 kg, 200 thùng ong được 600 - 700 kg là cùng. Ở mức này thì thu nhập không được bao nhiêu. Tốn kém nhất là khi ong bị chết phải lập lại đàn ong mới. Muốn có đàn ong mới, phải tìm mua ong chúa hoặc chọn những con ong thật tốt nuôi theo chế độ đặc biệt. Khi đã có ong chúa, mới tách đàn, lập đàn ong mới. Thời gian dưỡng ong để bổ sung thêm quân số là thời gian tốn kém nhất. Cứ một đêm 200 thùng ong cần lượng đường chừng 1 tạ hòa nước cho ong uống. Một tạ đường hiện nay giá 1,4 triệu đồng, dưỡng ong chừng 1 tháng tốn kém lên đến vài chục triệu đồng.

Làm nghề nuôi ong lấy mật giống như đánh bạc với trời, được mùa ong, vài ba trăm triệu dễ như không. Mất mùa, ong chết, nợ chồng lên nợ. Phận người, phận ong nghĩ cũng lắm truân chuyên!

NGÔ VĂN TUẤN

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang