• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cận Tết, đi chợ… cá chua

Nguồn tin: Báo Bình Định, 15/02/2015
Ngày cập nhật: 21/2/2015

Những ngày cuối năm, cái tĩnh mịch của một góc làng quê An Xuyên (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị phá vỡ bởi những thanh âm của “chợ cá chua”. Chợ họp tầm 3 giờ sáng, quanh năm suốt tháng ngày nắng cũng như mưa, chỉ trừ mùng một Tết.

Chị Đinh Thị Thiết bán cá chua đã mấy chục năm. Nhà tít Đề Gi (Cát Khánh, Phù Cát) lận nên một hai giờ sáng đã lục đục dậy xếp đồ đoàng, gọi điện thoại cho chủ đìa để bắt cá đưa lên chợ vừa kịp 3 giờ bán.

Họp riết rồi thành chợ

Ấy là câu nói đầu tiên của bà Nguyễn Thị Thừa (64 tuổi, thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh) khi nói về chợ cá chua duy nhất ở Phù Mỹ. Mấy mươi năm bươn chải với nghề mua bán cá ở chợ thị trấn Phù Mỹ, bà Thừa bảo Mỹ Chánh là điểm tập kết mua bán đầu mối cá chua hàng buôn đưa từ Đề Gi lên, còn bán lẻ thì đủ khắp trong huyện Phù Cát và Phù Mỹ. “An Xuyên 3 gần biển và ao đìa, lại thuận đường cho người mua bán khắp nơi nên gần chục năm nay cứ nhóm riết, họp riết rồi thành chợ! Bây giờ cứ nói đến chợ cá chua chỉ còn mỗi điểm này” - bà Thừa nói.

Những người mấy mươi năm gắn với nghề chợ như bà Thừa đều bảo, điểm đặc biệt thứ nhất của chợ cá chua là chợ họp tầm chưa nhọ mặt người và tan khi trời vừa hửng sáng. Điểm đặc biệt thứ hai là trước đây, chợ chỉ bán một món hàng duy nhất là cá chua; sau này “ké” thêm các loại tôm, cua, cá, sò; rồi giờ “phình” đến cả hàng la ghim…

Bán cá ở chợ không chỉ có cánh phụ nữ.

Các hoạt động bán mua diễn ra dưới ánh đèn nhí được người bán đeo trên đầu, chỉ đủ để người mua kẻ bán xem chất lượng cá và nhìn thấy đồng tiền đưa qua thối lại. Trời mưa rét cũng không làm chợ bớt nhộn nhịp đi. Hàng chục xe máy chở cá vào chợ, nhanh chóng được bốc dỡ, cân đong.

Trong chốc lát, những thùng xốp nằm dọc lối đi đầy ắp cá, tôm các loại. Còn người mua tay giữ chặt những chiếc rổ lớn để đợi mua được mớ cá ngon đưa về các chợ bán lẻ. Mỗi khi khui một thùng cá mới, hàng chục người mua xúm lại. Ai cũng muốn nhanh tay để kịp lấy cá về cho buổi chợ sớm.

Cá chua trở thành “đặc sản” của chợ. Dù bây giờ chợ vẫn chỉ ba hàng cá chua nhưng phần lớn là bỏ mối sỉ nên số lượng cá tiêu thụ mỗi phiên đến vài trăm ký. “Tui bán cá chua chục năm nay rồi. Nhà tít Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) lận nên một - hai giờ sáng đã lục đục dậy xếp đồ đoàng, gọi điện thoại cho chủ đìa để bắt cá đưa lên chợ vừa kịp 3 giờ bán tới tảng sáng là hết” - chị Đinh Thị Thiết cho biết.

Những con cá chua tươi ngon ở chợ cá. Những ngày giáp Tết này, cá chua cuối mùa được tiêu thụ, nên giá bán tăng từng ngày, nhiều hôm vọt lên đến hơn 140 ngàn đồng/kg.

Đời chợ - đời người

Đường xa, lại cùi cụi đi nửa đêm nên chị Thiết thường đi chung với thím của mình - chị Lê Thị Chín (46 tuổi, cũng ở xã Cát Khánh). Chị Chín đặt mua từ hồi còn cá bột, người ta bắt ở đầm bằng ngón tay đem về hồ nuôi; chờ đến khi lớn lên mới bắt đi bán lại. “Bán cá ở đây bạn hàng biết giá rồi nên cũng không trả treo nữa. Mỗi dịp Tết, tui bán cả mấy tạ cá chớ ít đâu” - vừa cho cá vào bì nilon cho sạch sẽ, chị Chín vừa tâm sự.

Chị Chín bảo, bán lẻ thì nghỉ còn được chứ bỏ mối sỉ đã hứa có hàng rồi thì kiểu gì cũng phải giao đúng hẹn. Ngày nào cũng đưa cá chua lên đây bán, chỉ trừ mùng một Tết, chứ bão bùng cũng đi tuốt. Thế nên, trong hơn chục năm bán cá chua, giờ mỗi lần nhắc lại đận bị bão quật cách đây vài năm, chị Chín hãy còn rùng mình.

“Khuya, xếp cá vào thùng thấy gió ầm ầm. Nhưng ngặt cái tối hôm trước đã nhận mối của bạn hàng nên tui vẫn đi. Chất đầy cá lên xe máy rồi đi, đến đoạn đường trống thì gió mạnh lắc cả người lẫn cá ngã chỏng gọng. May mà có thành cầu chắn lại, không thì… Một người qua đường thấy thế mắng: “Sao liều dữ!”. Giờ nghĩ lại tui còn sợ” - trong cái gió thông thốc của những ngày cuối năm se lạnh, chị Chín rù rì kể.

Ông Nguyễn Xuân Hạnh (51 tuổi, ở thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) là nông dân đa năng, làm đủ thứ, chia sẻ “20 năm nuôi cá chua, cũng là từng ấy năm tui đi chợ này”.

Còn chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết gắn bó với cá chua suốt 23 năm nay, chỉ nghỉ khi nào ốm nặng và mùng một Tết. Ngày nào không ra chợ bán cá là không yên. Có khi nghe điện thoại khách quen đặt mua cá mà đi không được, vừa áy náy, vừa sợ mất đi mối hàng. “Tiền bốn đứa con ăn học phần lớn nhờ từ việc mua đi bán lại con tôm, con cá chua. Bởi thế, mất bữa chợ thử hỏi sao không tiếc, không lo” - chị Tuyết chia sẻ.

Hồi chị Tuyết mới vào nghề, cá chua giá chỉ 10.000-12.000 đồng/kg, giờ bình quân đã trên dưới 100 ngàn đồng, đến mấy ngày giáp Tết vọt hơn 140 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, nhờ biết tính toán mức tiêu thụ mỗi ngày nên cá chua chị mua bán không khi nào bị ế. “Một hai giờ sáng, tui đã kéo ông xã dậy chở đi chợ, từ Chánh Thiện đi chợ cá An Xuyên mất 4 cây số chứ ít đâu, để mua kịp hàng tươi; rồi ổng lại chở tiếp lên chợ thị trấn Phù Mỹ hàng chục cây số mới đúng giờ bán sáng. Thiệt tệ, tui không biết đi xe máy” - chị vừa nói vừa cười giòn tan.

Chợ cá chua chỉ họp vài tiếng và tan khi trời vừa hưng hửng sáng.

Chị bảo, khổ thì khổ lắm, nắng mưa gió bão gì cũng đi mua, đi bán. Nhưng bốn đứa con đều ăn học đến nơi đến chốn, ba đứa đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định ở thành phố, đứa út đã học đại học năm thứ hai. Chỉ nghĩ tới bấy nhiêu đó, chị thấy mình như khỏe ra. Và cứ vậy, mỗi ngày, chị vẫn đôi giỏ cá chua đi - về, dù Tết này đã 52 mùa xuân…

Bán cá ở chợ không chỉ có cánh phụ nữ. Ông Nguyễn Xuân Hạnh (51 tuổi, ở thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ) là nông dân đa năng, làm đủ thứ: làm nông, làm muối, làm đìa. Riêng nguồn thu nhập từ cá tôm mỗi năm cũng được vài chục triệu đồng, nhờ đó nuôi được đứa con học đại học. “20 năm nuôi cá chua, cũng là từng ấy năm tui đi chợ này. Càng ngày càng thấy thuận tiện cho việc mua bán hơn” - ông Hạnh cho hay.

Chị Tuyết tranh thủ chuyến chợ cá chua ở chợ thị trấn Phù Mỹ. Tiền 4 đứa con ăn học phần lớn nhờ từ mua đi bán lại con tôm, con cá chua của chị.

Chợ mới tương lai

Từ lâu, vấn đề an toàn giao thông và vệ sinh môi trường quanh khu vực chợ cá nhóm trên đường đi qua thôn An Xuyên đã là bức xúc của người dân qua lại. Tuy nhiên, do chưa cân đối được ngân sách nên chợ cá tự phát này hoạt động kéo dài, chưa giải quyết được một cách căn cơ. Vừa qua, UBND tỉnh và UBND huyện Phù Mỹ đã cho chủ trương chuyển chợ cá này đến khu vực mới dưới cầu An Mỹ diện tích 3.500m2, cách đường tỉnh lộ 100m, với tổng kinh phí dự toán khoảng 1 tỉ đồng, nguồn vốn do ngân sách địa phương tự lực.

Theo ông Trần Văn Sang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, hiện nay công trình đã và đang được thiết kế, sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2015, do UBND làm xã làm chủ đầu tư. Và như thế, người mua bán cá tôm sẽ có chợ bán mua trong tương lai gần.

THU HIỀN - XUÂN LỘC

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang