• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

ĐBSCL: Gấp rút đối phó hạn, mặn

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 06/11/2015
Ngày cập nhật: 7/11/2015

Theo dự báo của các nhà khoa học, thời điểm cuối năm 2015, đầu 2016, tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn có nhiều bất lợi cho sản xuất. Khô hạn xuất hiện sớm và diễn ra gay gắt trên diện rộng, mùa mưa đến chậm và lượng mưa ít hơn trung bình nhiều năm, lũ nhỏ... Do đó, các địa phương vùng ĐBSCL đang chủ động triển khai các biện pháp phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn và thiếu hụt nguồn nước, giảm thiểu thiệt hại do bất lợi của thời tiết gây ra...

* Hạn mặn xuất hiện sớm

Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ dự báo, lượng mưa ở khu vực Nam bộ từ tháng 10-2015 đến tháng 4-2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 - 40%. Mùa mưa ở khu vực Nam bộ có khả năng kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm và trong khoảng gần cuối tháng 10, đầu tháng 11-2015. Hiện mực nước từ thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh, đầu nguồn sông Cửu Long, khu vực Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và xuống dần trong thời gian tới. Dự báo đến cuối tháng 12-2015, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc sẽ xuống mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,3 - 0,4m. Do lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về nhỏ nên mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu. Trên hệ thống sông Cửu Long, độ mặn cao nhất năm khả năng xuất hiện trong tháng 3-2016, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn độ mặn cao nhất mùa khô năm 2005, cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn độ mặn năm 2015.

Mùa khô năm 2015 - 2016, dự báo tình trạng hạn mặn sẽ diễn ra gay gắt ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa đông xuân ở ĐBSCL. Trong ảnh: Một cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: VĂN XÂY

Theo Tổng Cục Thủy lợi, năm 2015, tổng diện tích thiếu nước và hạn lúc cao nhất tại khu vực Nam bộ lên đến 30.368ha. Trong đó, tình trạng thiếu nước và khô hạn ở ĐBSCL chủ yếu tập trung vào cuối tháng 2, đầu tháng 3-2015 là thời điểm xâm nhập mặn dâng cao. Một số địa phương bị ảnh hưởng hạn, mặn như Tiền Giang 1.049ha, Bến Tre hơn 4.000ha, Trà Vinh 10.000ha, Sóc Trăng 7.159ha, Bạc Liêu 1.700ha. Bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết: Tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng hạn, mặn của tỉnh trong vụ đông xuân 2014 - 2015 hơn 4.000ha, trong đó thiệt hại nhiều nhất là huyện Ba Tri với 632ha bị mất trắng, 3.193ha bị ảnh hưởng 50%. Một số huyện khác cũng bị ảnh hưởng như Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm. Bước sang vụ đông xuân 2015 - 2016, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo thực hiện giảm diện tích lúa thiệt hại do hạn, mặn bằng cách điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp, tránh thiếu nước vào cuối vụ và kiên quyết không cho sản xuất ở những vùng không chủ động được nước.

Dự báo trong các tháng đầu mùa khô 2015 - 2016, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ mùa khô năm 2014 - 2015. Các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có khả năng bị xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa đông xuân 2015 - 2016 với diện tích khoảng 620 ngàn héc-ta, chiếm 40% diện tích sản xuất lúa của toàn vùng ĐBSCL. Trong đó, có khoảng 100 ngàn héc-ta, chiếm 16% diện tích lúa của các tỉnh này sẽ có nguy cơ bị xâm nhập mặn cao nhất. Do đó, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương phải tính toán lại cơ cấu mùa vụ hợp lý, nên gieo sạ sớm, sử dụng các giống ngắn ngày, giống chống chịu hạn, mặn ở những vùng khó khăn. Dự kiến vụ đông xuân 2015 - 2016, toàn vùng ĐBSCL sẽ xuống giống với diện tích hơn 1,5 triệu héc-ta.

* Tăng cường công tác dự báo

Do đỉnh lũ trên sông Cửu Long ở mức rất thấp, lượng nước từ thượng nguồn về thiếu hụt so với trung bình nhiều năm nên các địa phương cần có kế hoạch chủ động phòng chống xâm nhập mặn sớm và mạnh cũng như khô hạn, thiếu nước trong mùa khô 2015 - 2016. Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Hiện Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ đã đề xuất về Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh lịch đo mặn lên tháng 12-2015 để theo dõi sát tình trạng mặn ngay từ cuối năm. Do mạng lưới đo mặn cấp quốc gia ở ĐBSCL hiện nay chưa đạt yêu cầu nên cần có sự phối hợp hỗ trợ của các địa phương để tiến hành đo mặn liên tục các ngày trong tháng. Một số địa phương cũng chủ động đo mặn và đưa bản tin dự báo hạn mặn định kỳ 3 - 5 hoặc 7 ngày để tăng cường công tác dự báo mặn phục vụ cho các khu vực thường bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương ven biển.

Bên cạnh việc theo dõi diễn tiến hạn, mặn, chủ động các giải pháp phòng chống, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang gấp rút xuống giống dứt điểm lúa đông xuân trong tháng 12-2015 và bố trí lại cơ cấu mùa vụ đảm bảo phù hợp tình hình thời tiết và điều kiện sản xuất của địa phương. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Tỉnh chủ trương giảm dần diện tích lúa 3 vụ ở các vùng thiếu nước, ảnh hưởng lũ. Phần diện tích lúa còn lại duy trì xuống giống tập trung, né rầy. Riêng vùng ngọt hóa Gò Công có hơn 10.000ha lúa thu đông sẽ thu hoạch ngày 15-12. Do đó, tỉnh chỉ đạo cắt không sản xuất lúa đông xuân để chuyển sang trồng màu. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng vận động nông dân chuyển sang cấy bằng máy thay vì sạ lúa để rút ngắn thời gian canh tác và đang đề xuất tỉnh xem xét kinh phí hỗ trợ phát triển các tổ dịch vụ cấy để phục vụ sản xuất".

Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác lúa ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước mặn sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, suy giảm năng suất, làm ảnh hưởng đến canh tác lúa trong hệ thống lúa-tôm. Về lâu dài làm cho đất trồng lúa bị nhiễm mặn khó cải tạo. Do đó, ngoài chú ý xuống giống theo lịch vụ đã được khuyến cáo, các địa phương cần vận động nông dân chuẩn bị máy bơm tưới để đề phòng khi xảy ra hạn hán, vận hành cống ngăn mặn trữ ngọt kịp thời; theo dõi giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình vừa đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn và đưa nước ngọt về.

Trước tình hình, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, sản xuất lúa đối mặt với hạn mặn gay gắt đặt ra yêu cầu phải có những giống lúa chống chịu bất lợi của thời tiết. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, từ năm 2005 Viện Lúa ĐBSCL đã thực hiện các chương trình lai tạo các giống lúa chống chịu mặn, khô hạn, ngập… cùng với việc nghiên cứu tìm ra những biện pháp canh tác mới thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra. Các giống lúa OM của viện, trong đó có các giống lúa chống chịu được các điều kiện mặn, ngập, hạn đã được phóng thích đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Tuy nhiên, các giống lúa chống chịu điều kiện bất lợi của môi trường như mặn, hạn, ngập… vẫn ở mức trung bình. Viện đang trong quá trình nghiên cứu để phóng thích các giống lúa chống chịu ở cấp độ cao hơn, ví dụ như các giống lúa chống chịu mặn trên 4‰, giống lúa chống chịu ngập trong thời gian dài hơn (trên 14 ngày), đồng thời mang các đặc tính tốt như năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh đáp ứng yêu cầu sản xuất và thị trường để chuyển giao, đưa vào sản xuất ở các địa phương có nhu cầu.

MINH HUYỀN

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang