• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng phó với bệnh lây truyền từ động vật

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị, 26/08/2015
Ngày cập nhật: 27/8/2015

Dịch bệnh mới nổi nguy hiểm có nguồn gốc lây truyền từ động vật sang người như cúm A/H5N1, SARS, Ebola, MERS-CoV, dại… liên tục xuất hiện trong những năm gần đây với tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời là biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tác động của dịch đối với kinh tế và sức khỏe của người dân. Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị quốc tế phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2015 diễn ra sáng 25/8 tại Hà Nội.

Việt Nam là một trong những “điểm nóng”

Đại diện Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết, hiện trên thế giới đã ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người với nhiều tác nhân như do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm… Tỷ lệ các đại dịch nguy hiểm do động vật lây sang người chiếm tới 70%. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, con đường lây truyền này đã khiến 2,4 tỷ người mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người. Tiêu biểu, từ tháng 4/2015, sự bùng nổ của đại dịch MERS-CoV có nguồn gốc từ lạc đà và dơi đã trở thành nỗi ám ảnh lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, MERS-CoV đã lây lan ở 26 quốc gia với gần 1.500 người mắc và 490 người tử vong. Hay những năm qua, các bệnh lây lan từ động vật sang người như Ebola, cúm gia cầm, SARS đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhanh và sâu rộng đến sức khỏe con người cũng như kinh tế.

Hành khách ghi tờ khai y tế tại cửa khẩu Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hải Lý

Việt Nam là một trong những nước được coi là “điểm nóng” về các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật, trong đó có những bệnh có thể gây thành đại dịch. Như năm 2003, sự gắn kết mạnh mẽ giữa Đông Nam Á với các quốc gia châu Á và trên thế giới đã tạo thuận lợi cho sự lây lan nhanh của SARS. Trong đại dịch ấy, Việt Nam cũng ghi nhận 63 ca mắc và 5 trường hợp tử vong. Đồng thời, mặc dù năm 2015, Việt Nam chưa có trường hợp mắc cúm A/H5N1, nhưng trước đó đã có thời điểm là nước có tỷ lệ tử vong do nhiễm cúm gia cầm cao nhất Đông Nam Á. Thời gian gần đây, sự gia tăng các ca mắc liên cầu lợn, sán lá gan… cũng là hồi chuông cảnh báo về sự lây lan dịch bệnh từ động vật sang người.

Do thói quen, tập quán

TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sự lây lan dịch bệnh từ động vật sang người một phần lớn do thói quen và tập quán của người Việt. Sở thích ăn tiết canh, ăn món gỏi là “cơ hội” để gia tăng số ca mắc liên cầu lợn, sán lá gan. Hay như việc nuôi chó thả rông, không tiêm vaccine phòng dại cũng là nguyên nhân gây bùng phát dịch dại tại Hà Giang năm 2014. Cũng theo ông Phu, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ trong khi việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại kém là nguyên nhân gia tăng sự lây lan dịch bệnh từ động vật sang người. Thậm chí, tại các vùng đồng bào dân tộc, người ở tầng sàn trên, trâu, lợn, gà sống ngay dưới càng khó kiểm soát được sự lây lan này. Mặt khác, việc đảm bảo ATTP những chế phẩm từ động vật, đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, giết mổ còn rất kém. Hàng rào quản lý nhập khẩu gia cầm còn nhiều “lỗ hổng” tạo điều kiện cho các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật xâm nhập vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn dịch bệnh cần có sự phối hợp đa ngành và quan hệ đối tác thường xuyên, chặt chẽ giữa hệ thống giám sát và ứng phó bệnh, giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp - thú y. Đại diện Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết, đây cũng là vấn đề giải quyết mang tính quốc tế cần có sự phối hợp, hỗ trợ, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trên tinh thần đó, 44 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cùng nhau xây dựng và cam kết tham gia chương trình An ninh y tế toàn cầu, trong đó có gói hành động Phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người nhằm tiến tới một thế giới an toàn hơn với nguy cơ do bệnh truyền nhiễm gây ra.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn, qua hội nghị lần này, các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm thực hành và những thách thức trong phòng chống dịch bệnh ở cả 2 ngành y tế và thú y, để từ đó Việt Nam sẽ có nhận thức và hành động tốt nhất trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, ông Long cũng khẳng định, cách tối ưu để giảm thiểu tác động của các bệnh lây nhiễm từ động vật là tăng cường phối hợp giữa Bộ NN&PTNT trong việc kiểm tra, giám sát dịch ở động vật và kiểm tra, giám sát dịch ở người của Bộ Y tế. Để từ đó sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu và kịp thời để ứng phó khi dịch xảy ra.

Trần Nga

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang