• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Minh "lừng" - người đi biển lừng danh

Nguồn tin: Báo Nghệ An, 02/01/2015
Ngày cập nhật: 2/1/2015

Người dân khắp vùng ven biển Nghệ An đã quen gọi anh với cái tên Minh “Lừng”. Anh “lừng lẫy” thiên hạ vì giỏi nghề đánh vây. Đem chuyện hỏi, Nguyễn Văn Minh cười sảng khoái: “Không phải mô, cha tui tên Lừng nên dân đi biển vẫn quen gọi Minh “Lừng”. Nhưng trong thực tế, mọi người gọi anh như vậy vì xuất phát từ tài nghệ đánh cá của anh.

Đưa nghề vây về với biển Quỳnh

Người ta bảo, làm nghề biển “ăn sóng, nói gió” quả không sai, tôi đã mấy phen phải thon thót giật mình khi Thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh lúc hét người này, lúc chỉ huy người kia. Nào đánh đèn, buông lưới, nới cáp, dòng chì, nâng cần thu phen... Giữa đêm tối và bao la biển cả, đôi màng nhĩ của các thuyền viên luôn bị đập dội bởi muôn tiếng gào thét của sóng, của gió và trộn lẫn với tiếng gầm động cơ của chiếc tàu cá 650 mã lực; đó là chưa kể âm thanh ò è suốt ngày đêm của máy Icom liên lạc. Nổi lên trên tất cả những âm thanh đó là khẩu lệnh của Thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh thật giống người chỉ huy cả một “hạm đội” giữa lớp lớp bủa vây của giông gió. Trong tay anh, bánh lái của con tàu mang số hiệu NA 90802 TS không ngừng xoay bên trái, rồi bên phải. Con tàu cứ từng đợt, từng đợt đè những ngọn sóng, kéo căng những vàng lưới vây tròn luồng cá giữa trùng dương.

Anh Nguyễn Văn Minh (giữa) cùng các thuyền viên sửa lưới chuẩn bị vươn khơi.

Nhiều câu chuyện đánh vây của Minh “Lừng” được hầu hết người đi biển ở Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) kể cho nhau nghe. Trong đó, sự kiện Nguyễn Văn Minh chỉ huy tàu vây bắt thành công hơn 6 tấn cá ngừ làm mọi người không ngớt ngợi ca, nể phục. Đêm hôm ấy, cách đây 3 năm, tàu cá mang số hiệu NA 90248 TS do anh Bùi Đức Tuấn làm thuyền trưởng, trong hành trình tìm ngư trường, máy dò phát hiện 1 luồng cá ngừ cực lớn. Lần đầu tiên phát hiện một luồng cá ngừ nhiều đến vậy, khiến vị thuyền trưởng mới tiếp cận với nghề đi vây không khỏi hoảng hốt, bối rối. Thông qua hệ thống bộ đàm liên lạc, Tuấn yêu cầu Minh “Lừng” tăng cường, trợ giúp.

Sau khi hướng dẫn tàu 90248 bủa lưới vây giữ đàn cá, Nguyễn Văn Minh quyết định làm điều “điên rồ” hiếm thấy đối với dân đi biển chuyên nghiệp. Đó là chỉ huy tàu tăng hết tốc lực vượt 40 hải lý (gần 80 km) đến hỗ trợ tàu của anh Bùi Đức Tuấn. Và khi tiếp cận tàu bạn trong đêm tối, Nguyễn Văn Minh tự tin nhảy phốc sang cầm lái, trực tiếp chỉ đạo cả 2 tàu vòng ngoài, vòng trong vây trọn đàn cá ngừ hơn 6 tấn. Sau chuyến đó, anh Bùi Đức Tuấn nể phục mãi người bạn đi biển của mình. Tuấn nói thực bụng: “Nếu chuyến đó, không có sự hỗ trợ của anh Minh thì có 2 kịch bản có thể xảy ra, thứ nhất, mình sẽ mất đàn cá, thứ hai, nếu vây được thì cũng tan lưới, vì giống cá ngừ rất khỏe. Trong khi đó, 1 vàng lưới vây cũng có giá trị cả mấy trăm triệu đồng...”.

Ở xã biển Quỳnh Long, người ta nói về anh Minh “Lừng” như một vị thủ lĩnh nghề đi vây tài ba. Bởi anh là người đầu tiên của vùng biển Quỳnh Lưu nói riêng và Nghệ An nói chung đưa nghề đánh vây về và tạo ra cách khai thác, đánh bắt mới hiệu quả trên toàn bộ khu vực Vịnh Bắc bộ... Nguyễn Văn Minh lớn lên trong giai đoạn nhiều mô hình kinh tế HTX nghề cá tan rã. Trong khi đó, dân biển đời nối đời chỉ mỗi một cái nghề sóng nước. Cha mẹ mất sớm, anh em lại đông, không như nhiều người trong làng, trong xã ly hương để tìm kiếm vận may, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Minh chưa một lần có suy nghĩ rời mảnh đất này để kiếm kế sinh nhai khác. “Cuộc sống cho mỗi người một cái nghề cầm tay, huống chi mình lại chỉ rành mỗi nghề đi biển. Lúc bấy giờ thanh niên trong làng ùn ùn kéo nhau lên Châu Bình, Quỳ Châu kiếm tìm vận may với đá đỏ. Nhiều người còn cho rằng tôi không thức thời. Thậm chí còn có nhiều “ông chủ” ở trong vùng rủ tui vượt biển buôn hàng lậu từ Trung Quốc. Tui không chịu”.

Minh “Lừng” vẫn kiên định với chí hướng của mình. Từ năm 1988 mới hơn 17 tuổi, anh đã là một thuyền trưởng. Người trẻ nhất vùng giữ vị trí này. Nhưng theo anh, thời đó con thuyền đánh cá 30 thước chẳng có nổi cái la bàn, la kinh nên phải “chần sao mà đi”. Từ năm 1990, Nguyễn Văn Minh chuyển sang nghề câu mực. Cũng kỳ hồ khắp mọi ngư trường Vịnh Bắc bộ như: Cô Tô, Cát Bà, Hải Phòng, Quảng Ninh rồi vào tận Quảng Trị, Quảng Ngãi. “Lạ nhất là mình câu mực mà cá nhào vô nhiều vô kể. Tiếc không chịu được”.

Nhìn thấy sự ưu đãi của ngư trường, Minh lại chuyển sang đánh mành dắt. Quá trình này kéo dài từ năm 1994 cho đến năm 2000. Cái sự thức thời với nghề đi biển của Minh “Lừng” trong giai đoạn này chính là việc, anh là người đầu tiên ở Nghệ An mua sắm, phát triển thiết bị bộ đàm liên lạc và máy định vị cho tàu cá. Quyết định đầu tư cho nghề đánh vây có thể coi là dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời đi biển của Minh “Lừng”. Đầu năm 2000, Nguyễn Văn Minh khăn gói đánh đường vào Quảng Trị, Quảng Ngãi học nghề vây. Minh tâm sự: “Mình không có điều kiện để đi ra biển thực tế với họ, nhưng có cái gì mới lạ của nghề vây mình ghi chép hết. Họ cũng nhiệt tình chỉ bảo...”.

Nhưng ông tổ nghề chẳng đối đãi dễ dãi với ai bao giờ. Trong nhật ký hải trình của Nguyễn Văn Minh vẫn còn lưu: Ngày tối trời 22/6/2000 (âm lịch) thời tiết gió đông nam cấp 4, 5, biển động nhẹ. Thời tiết không ảnh hưởng nhiều đến việc đi khơi. Đêm đến, đèn trên tàu sáng rực. Khi những vàng lưới dài hơn 500m cao 150m vừa được buông xuống, cũng là lúc biển bắt đầu se, giông lên pha cả gió, sóng nhóc tợn. Cảm hứng lần đầu tiên thực hành đánh vây nhanh chóng bị đánh bật khỏi suy nghĩ của các thuyền viên, khi vàng lưới bị sóng đánh quấn vào chân vịt của tàu. Con tàu tròng trành giữa muôn âm thanh gào rít của những đợt sóng. Không còn cách nào khác, Minh và các thuyền viên phải lao mình xuống biển, ngụp lặn giữa dòng hải lưu chảy xiết và buộc phải thắt ruột cắt đứt vàng lưới mà trước đó anh vay mượn hàng trăm triệu đồng mới mua được.

Sau chuyến đó, tư tưởng chán nản bắt đầu xâm chiếm suy nghĩ của nhiều thuyền viên. Thậm chí có người đã bỏ cuộc chơi. Riêng Thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh lại rút ra được rất nhiều điều từ sự thất bại này. Tất cả đều xuất phát từ sự non kém kinh nghiệm; thuyền viên nắm bắt quy trình kỹ thuật đánh vây còn rất hạn chế. Và theo Minh, nguyên nhân còn bắt nguồn từ sự chủ quan, tự phụ, ảo tưởng về khả năng đi biển của mình. Từ bài học xương máu ấy, Minh “Lừng” không cho phép mình dừng lại, quyết tâm theo nghề vây đến cùng. Nợ cũ chưa trả xong, anh lại chạy vạy, vay mượn tiền mua sắm lưới, ngư cụ và tìm mọi cách điều chỉnh từng múi dây, sợi cáp, vòng khuyên đáy. Nhưng điều quan trọng là động viên, làm công tác tư tưởng cho anh em lao động, thuyền viên trên tàu.

Đến tháng thứ 2 sau lần đầu thất bại, tàu của Nguyễn Văn Minh bắt đầu thắng. Chuyến sau luôn cao hơn chuyến trước. Một tháng đi 3 ban vào những thời điểm tối trời, tàu của anh luôn mang về từ 70 - 100 tấn cá. Dân biển Quỳnh Lưu ngỡ ngàng. Nhưng cuộc mưu sinh chẳng bao giờ đơn giản. Nguyễn Văn Minh nhớ lại: “Cá đánh về nhiều mà bán rất khó. Tàu chỉ đi vài ngày đã có hàng chục tấn cá. Về đến Lạch Quèn là cả gia đình các thuyền viên và thuyền trưởng phải tá hỏa chạy đi bán mất cả tuần. Không có thị trường, hồi đó, có nhiều đợt phải nhập giá thấp cho công ty thủy sản”. Vậy nhưng, với tính toán của vị thuyền trưởng trẻ tuổi thì: “Không thể khác được. Đánh vây vẫn là phương án chủ lực lâu dài”. Dự đoán của Minh “Lừng” vô cùng chính xác, khi chỉ vài năm sau, thị trường bắt đầu phát triển, tư thương ồ ạt vào cuộc. Cá đánh được bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Minh “Lừng” từ sở hữu một con tàu đã góp cổ phần cùng với bạn đóng mới thêm 4 con tàu khác. Tàu nào cũng có công suất 500 CV trở lên. Từ đó, Minh “Lừng” đạt doanh thu không dưới 300 triệu/tháng.

Nhưng kỳ tích của Minh “Lừng” không chỉ có vậy. Anh còn đưa ra nhiều sáng kiến hết sức táo bạo để củng cố vững chắc nghề khai thác thủy sản bằng lưới vây như: cải tiến thêm máy tời đáy, trục nâng lưới, cáp thu phao, cáp néo, cặp chì đáy lưới... cho tàu vây. Điều này đã giảm sự vất vả cho thuyền viên, đồng thời nâng hiệu quả khai thác, đánh bắt đạt mức tối đa. Nhiều người đi biển khu vực miền Trung đã được Minh “Lừng” chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm này.

Vĩ thanh

Chỉ những người “đặc biệt” mới được tham gia lao động trên tàu của Minh “Lừng”. Là vì thu nhập bình quân của lao động và thuyền viên trên tàu do Nguyễn Văn Minh làm chủ chưa bao giờ thấp hơn 20 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ bảo hiểm rủi ro đều được chủ tàu đóng đầy đủ. Lại đem chuyện hỏi, Nguyễn Văn Minh sang sảng cười: “Không phải đặc biệt chi mô. Họ tin mình nên mới tìm đến mình. Ngặt nỗi mình không đủ điều kiện để nhận hết tất cả mọi người. Vì vậy, mình chỉ nhận những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, nhưng chăm chỉ với nghề”.

Có một sự thật là đến gần 60% thuyền viên và 50% chủ tàu đánh vây hiện nay ở Quỳnh Long đều từng học hỏi kinh nghiệm của Minh “Lừng”. Anh Trần Văn Thía, ở xóm Đại Hải, xã Quỳnh Long - một thuyền viên tàu NA 90802 TS cho biết: Năm 2005, gia đình chạy vạy, vay mượn để Thía sang Đài Loan lao động. Những tưởng sẽ có cuộc sống tốt hơn ở nhà, nhưng rồi cũng phải lênh đênh đánh cá trên biển hết năm này, tháng khác với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng. 7 năm ở xứ người, Thía trở về quê gần như tay trắng. Tìm đến chú Minh, chú chỉ nói mỗi câu: “Bay cứ lo tìm chi ở xứ người. Biển ta đó, cứ chịu khó thì có cái ăn, cái mặc, chớ còn phải đi mô” - Thía cười hiền kể lại. Và rồi sau 2 năm trở thành thuyền viên trên tàu của anh Nguyễn Văn Minh, Thía đã xây được nhà, thu nhập bình quân từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.

Khác với Trần Văn Thía, anh Nguyễn Viết Xuân trước đây làm nghề kinh doanh buôn bán ở Cầu Giát. Gặp vận đen, công việc buôn bán đổ bể; vốn cụt đằng vốn, tưởng không đứng nổi. Thấu hiểu hoàn cảnh, anh Nguyễn Văn Minh nhận vào làm trên tàu cá...

Các thuyền viên còn kể, mọi người trên tàu của anh Minh luôn coi nhau như anh em ruột thịt. Tiếng là chủ tàu, thuyền trưởng, nhưng khi ra ngoài khơi, anh Minh cũng là một lao động bình thường như những người khác. Nhờ sự gần gũi, tạo được tinh thần đoàn kết, đồng lòng và có trách nhiệm của mỗi thành viên, nên hiệu quả đánh bắt của tàu luôn cao nhất huyện, nhất tỉnh. Thu nhập bình quân hàng năm của mỗi thuyền viên đạt hơn 200 triệu đồng. Minh “Lừng” cho biết, các anh em sau một thời gian gắn bó, ai “nhiễm nghề” là mình thay. Lý giải cho điều này, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Minh nói rằng, khi các thuyền viên vững nghề mình phải động viên để anh em tự chủ, làm nòng cốt cho các tàu khác để mở mang nghề nghiệp. Vì vậy, cứ 2 năm một lần, một nửa thuyền viên và lao động trên tàu của Minh “Lừng” lại tiếp tục hành trình với nghề vây trên các tàu khác, còn anh lại tiếp nhận những thành viên mới, rồi bồi dưỡng, đào tạo họ.

Từ nghề đánh vây, tiếng tăm của Minh “Lừng” “dậy sóng” khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhưng trước mắt tôi, anh vẫn vậy - một Nguyễn Văn Minh tầm thước, rắn rỏi và chất phác. Minh “Lừng” còn khẳng định như đinh đóng cột rằng, sắp tới anh sẽ đóng mới tàu to hơn nữa để vươn khơi xa hơn, bắt được nhiều tôm cá hơn. Anh tuyên bố chắc nịch: “Anh còn lạ gì cái “máu” của người Việt Nam mình, khi bình thường thì lo lỏm làm ăn, khi xảy ra vấn đề biển cả, người ta chặn đường sống của mình thì lòng yêu nước, giữ biển của dân ta tăng lên gấp bội. Mình phải bảo ban nhau vừa nâng cao hiệu quả làm nghề, vừa bảo vệ biển đảo. Rứa thôi!”

Hai chữ “Rứa thôi”, làm tôi ứa cả nước mắt. Người thuyền trưởng nức tiếng gần xa thật gần gũi với bao điều đam mê với biển. Minh “Lừng” được mọi người yêu quý, nể phục bởi những điều chất phác như thế.

Đào Tuấn - Tháng 11/2014

Các tin khác

30/12/2015
28/12/2015
26/12/2015
24/12/2015
18/12/2015
16/12/2015
15/12/2015
12/12/2015
11/12/2015

 

Các tin năm 2015: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang