• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Miền Trung vào vụ mía mới - Nông dân nhấp nhổm

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 13/11/2014
Ngày cập nhật: 15/11/2014

Từ đầu tháng 11-2014, khi các nhà máy đường chuẩn bị bước vào vụ ép mía mới thì cũng là lúc người trồng mía nhấp nhổm hơn bao giờ hết. Trong khi tại Quảng Ngãi, người trồng mía thấp thỏm với giá mua mía từ nhà máy thì tại Bình Định, nhà máy đường BISUCO vẫn chưa vay được tiền để mua mía của nông dân.

Tin buồn từ phương Nam

Cả tháng nay, ông Chế Thanh ở thôn Long Bàng Nam, xã Hành Minh (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) hết đọc báo lại xem tivi, xong rồi lại hỏi han thăm dò hàng xóm về tình hình nhà máy đường ở Cà Mau phải đóng cửa vì gây ô nhiễm môi trường và làm ăn thua lỗ, nợ nần cả mấy năm nay khiến nông dân đem chặt bỏ mía, đốt. Hết hỏi tình hình nhà máy này, ông Thanh lại qua cửa hàng tạp hóa bên cạnh nhà để hỏi giá đường, ông lại nhấp nhổm không yên khi nghe chị chủ quán thông báo đường hạ chỉ còn 11.000 - 12.000 đồng/kg, mất đến mấy ngàn đồng.

Vậy nên khi gặp, chúng tôi chưa kịp hỏi đã bị ông hỏi ngược: “Các chú biết các nhà máy đường của Quảng Ngãi định mua mía của nông dân bao nhiêu một tấn chưa?”. Ông Thanh không phải là nông dân hiếm của Quảng Ngãi quan tâm tới vấn đề thời sự nóng hổi của ngành mía đường. Bởi gần như, khi gặp các nông dân trồng mía, điều quan tâm nhất sau vụ chăm sóc, vun trồng là giá cả để tính toán lời lỗ. “Trước đây, trồng mía với diện tích gần 2.000m² nhưng do giá mía bấp bênh nên đã chuyển hơn 1.000m² trồng các loại cây khác. Năm nay mà lỗ thì không trồng mía nữa” - ông Thanh khẳng định.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hiền (47 tuổi) ở xã Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành) cũng thấp thỏm không kém khi trồng hơn 6 sào mía, từ khoảng 5 năm lại đây, giá mía từ 1.050.000 đồng/tấn xuống còn 850.000 đồng/tấn. Không trồng mía thì không biết trồng cây gì cho phù hợp vì diện tích bà sở hữu là đất cằn, chỉ trồng mía và trồng sắn. Mấy năm nay cũng rơi vào cảnh chợ chiều nên lại phải quay về với cây mía. “Tiền mua giống, phân bón, thuê người phát dọn lá mía tạp… năm nào cũng tăng trong khi giá mía không tăng nên nông dân bỏ mía trồng các loại cây ngắn ngày như đậu phộng, đậu nành, ngô… là điều dĩ nhiên” - ông Đỗ Chung ở xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) lý giải.

Không chỉ người dân bất an mà ngay cả các hợp tác xã (HTX) chuyên canh mía cũng không tha thiết với cây mía. Tại HTX Phổ Nhơn, niên vụ này đã chuyển hơn 34ha/306ha mía để trồng lúa. Bên cạnh đó, mùa vụ năm 2013 - 2014, lúa tại Quảng Ngãi được mùa nên đang có xu hướng phá gốc mía để sạ lúa.

Những cánh đồng mía tại Quảng Ngãi đang chờ được thu hoạch. Ảnh: Hà Minh

Giải tỏa những trăn trở của nông dân khi còn khoảng 2 tháng nữa là vào vụ ép mía, ông Tạ Công Tường, Giám đốc Nhà máy đường Phổ Phong, khẳng định sẽ cố gắng mua mía của nông dân với giá bằng năm ngoái (850.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường).

Ông Tường khẳng định, phải giữ giá để khuyến khích nông dân giữ diện tích chứ nhà máy không có nông dân thì coi như “chết”. “Giá mía phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ đường. Dẫu vậy, nhà máy cũng sẽ tính toán bù lỗ cho nông dân. Theo giá sàn hiện nay, khoảng 684.000 đồng/tấn, nếu nhà máy nâng lên 850.000 đồng/tấn sẽ phải bù hơn 32 tỷ đồng. Vụ trước, chúng tôi cũng làm như vậy và bù hơn 30 tỷ đồng để nâng giá thu mua mía từ 712.500 - 780.900 đồng/tấn lên 850.000 đồng/tấn” - ông Tường cho biết.

Chạy vạy tiền mua mía

Vụ ép mía năm 2013 - 2014, hơn 200 hộ trồng mía tại hai xã Tây Giang, Tây Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) liên tục kéo đến Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO) chặn cổng nhà máy, phong tỏa kho đường đòi nợ tiền nguyên liệu vụ ép mía 2014. 45 tỷ đồng là số nợ BISUCO thiếu của nông dân các vùng nguyên liệu lúc đó… Phải đến khi UBND tỉnh Bình Định can thiệp, hỗ trợ các thủ tục vay vốn và kêu gọi doanh nghiệp mua đường giùm BISUCO để có kinh phí trả nợ cho dân, nhà máy này mới được “giải phóng”.

Bước vào niên vụ năm nay, người trồng mía địa phương này lại đang ngó nghiêng về tài chính của nhà máy, và liệu có xảy ra như tình trạng họ bị nợ như năm ngoái? Qua tìm hiểu, tình hình không có mấy khả quan. Bởi lẽ, ngày 10-9-2014, BISUCO đã gửi thư riêng cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, với đề nghị: “Vui lòng giúp chúng tôi đạt được việc hoàn thuế nhà nước vì tất cả các ngân hàng đều lo lắng về ngành đường và không hỗ trợ gì nhiều. Trong khi, chúng tôi có nhiều chi phí phải trả. Các ngân hàng địa phương không sẵn lòng hỗ trợ công ty trong vụ ép. Sẽ không thể chạy nhà máy nếu ngân hàng không giúp đỡ để thanh toán tiền cho nông dân. Chúng tôi không muốn vay tín chấp, chúng tôi cần vay qua sản phẩm đường”.

Theo lý giải của lãnh đạo tỉnh Bình Định, sỡ dĩ BISUCO có văn bản đề nghị giúp đỡ là vì những niên vụ vừa qua, công ty đã vay ở hầu hết các ngân hàng trong tỉnh nên không có ngân hàng nào đồng ý cho vay. Về đề nghị hỗ trợ bảo lãnh để vay vốn, tỉnh Bình Định cho biết sẽ không hỗ trợ. “Nếu không có khả năng sản xuất và kinh doanh nên trả nhà máy về cho Bình Định tiếp quản” - vị lãnh đạo này khẳng định.

Thông thường, cuối tháng 10 hàng năm, BISUCO sẽ vào vụ ép mía mới. Trước đó khoảng 1 tháng, doanh nghiệp này đã công bố kế hoạch mua, giá mua mía cho ngành chức năng, chính quyền và nông dân các địa phương biết để chủ động phối hợp thực hiện. Tuy nhiên đến nay, công tác nói trên vẫn chưa được BISUCO triển khai. Trong khi đó, theo phản ảnh của người trồng mía, từ đầu năm đến nay, BISUCO không thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư trồng mía cho nông dân, khiến họ không còn mặn mà với cây mía.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, năm 2013 diện tích vùng nguyên liệu mía của BISUCO là 2.819ha, nhưng đến nay chỉ còn 1.650ha. Cũng do không tìm được nguồn vốn đầu tư nên đến nay dự án nâng cấp công suất nhà máy đường từ 3.000 tấn mía/ngày lên 5.500 tấn mía/ngày của BISUCO vẫn chưa xong. Tiền nợ thủy lợi phí năm 2013 và 2014 trên 2 tỷ đồng cũng chưa được BISUCO hoàn trả cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định.

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Định, nhu cầu vốn cho vụ ép mới 2014 - 2015 (tiền mua mía, tiền mua bao bì, vật tư, hóa chất, lương công nhân) khoảng 90 tỷ đồng, nhưng đến nay BISUCO vẫn chưa tìm được nguồn vốn vay. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh từ chối không cho BISUCO vay vốn. Với tình hình trên, niên vụ ép mía 2014 - 2015, hoạt động sản xuất kinh doanh của BISUCO chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Công tác mua mía, thanh toán tiền mua mía cho nông dân trong niên vụ 2014 - 2015 cũng là bài toán khó đối với doanh nghiệp này.

Hà Minh

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang