• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hồ tiêu Việt - Cần chuyển từ lượng sang chất

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 03/11/2014
Ngày cập nhật: 5/11/2014

Với tư cách là đất nước chiếm 30% sản lượng hồ tiêu toàn cầu và hơn 50% lượng hồ tiêu giao dịch thị trường thế giới, hội nghị toàn thể của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) tổ chức ở Việt Nam (TPHCM) đã tạo được sự thu hút lớn khi có đến 25 nước, gần 300 đoàn với khoảng 400 đại biểu tham gia hội nghị này.

Các đại biểu quốc tế đến tham quan vườn tiêu tại huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vượt cột mốc 1 tỷ USD

Hội nghị toàn thể IPC lần thứ 42 tổ chức tại TPHCM trong bối cảnh giá hồ tiêu thế giới vững ở mức cao. Ông Gunaratne, Giám đốc điều hành IPC cho biết, 10 năm qua ngành hồ tiêu thế giới liên tục phát triển, giá từ 1,6 USD/kg lên 9 USD/kg, đời sống người trồng hồ tiêu được cải thiện nên sản lượng hồ tiêu thế giới đã tăng từ 128.000 tấn lên 301.000 tấn. Các đoàn đến hội nghị với nhiều lý do khác nhau. Các nước thành viên, sau 3 ngày hội nghị có thêm 1 ngày đi tham quan địa phương trọng điểm hồ tiêu của Việt Nam là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tìm hiểu cách nông dân trồng thế nào để có năng suất cao. Năng suất bình quân hồ tiêu Việt Nam 2,3 - 2,5 tấn/ha, có khá nhiều vùng năng suất lên đến 5 - 6 tấn/ha, thậm chí 8 - 10 tấn/ha. Ngay tại hội nghị, nhiều thành viên các nước đã tìm đến gian hàng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) hỏi cặn kẽ cách trồng tiêu, bao nhiêu giống mỗi trụ...

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, hồ tiêu là cây trồng hiệu quả nhất trong 5 loại cây công nghiệp dài ngày. Mặc dù diện tích hồ tiêu chỉ chiếm 2,5% trong 2 triệu ha đất cây công nghiệp lâu năm nhưng giá trị xuất khẩu lại cao nhất, khoảng 7.000 USD/tấn (như vậy giá trị mang lại mỗi ha hồ tiêu là 17.500 USD/năm, trên 350 triệu đồng), gấp 2,6 lần cà phê, gấp 3,8 lần nhân điều và 6 lần cây trà. 14 năm qua, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu dẫn đầu thế giới. Từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng trưởng 15% - 20%/năm, vượt xa những nước xuất khẩu lâu đời như Indonesia, Brazil… Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu 10 tháng đầu năm 2014 hơn 1 tỷ USD, hết năm nay khoảng 1,2 tỷ USD so với gần 900 triệu USD năm 2013. Có thể nói, nhiều năm trước ít ai nghĩ đến con số này.

Phải chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm

Cũng ngay tại hội nghị, bên cạnh những đoàn đến tìm kiếm cơ hội, đối tác mới trong kinh doanh, có đoàn “truy” vị chủ tịch VPA về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nhất là các đoàn đến từ châu Âu, thị trường vốn nổi tiếng và nghiêm ngặt về chất lượng nông sản. Đến ngày làm việc cuối cùng, vẫn có câu hỏi của đại biểu liên hệ dư lượng hóa chất bị phát hiện ở châu Âu vừa qua với chất độc màu da cam của thời chiến tranh hơn 40 năm về trước (?!). Người trong cuộc đều hiểu, vấn đề ở đây là muốn tạo ra scandal để “đè“ hồ tiêu Việt Nam xuống khi mà vai trò và vị trí của hồ tiêu Việt Nam đang dần được khẳng định vị thế của nước xuất khẩu số 1 và thị phần quá lớn. Bởi như ông Đỗ Hà Nam cho biết, nông dân trồng hồ tiêu ngày càng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm tốt về cung cầu thị trường, nên sử dụng hồ tiêu như một loại tiền tệ, lưu trữ để đưa ra thị trường khi có giá tốt nhất. Từ năm 2006 đến nay, nông dân trồng hồ tiêu từng bước cho thấy là người chủ động quyết định giá hồ tiêu, nên thị trường bớt bị lũng đoạn, cùng với doanh nghiệp góp phần điều tiết phần nào giá hồ tiêu thế giới. Điều mà từ lâu những nhà nhập khẩu đầy kinh nghiệm của những tập đoàn hùng mạnh thế giới luôn chi phối.

Công bằng mà nói, một số lô hàng hồ tiêu khi xuất vào châu Âu, thị trường lớn nhất hồ tiêu Việt Nam bị phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất bảo quản. Lượng hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu năm nay giảm xuống so với năm 2013 là điều cảnh báo khi ATVSTP là mối quan tâm chung của người tiêu dùng toàn thế giới và châu Âu là thị trường đi đầu. Trong khi việc trồng hồ tiêu đang từng bước được tổ chức lại theo xu hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt), để có thể kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, nhưng kẽ hở mà VPA phát hiện chính là khâu thu mua, thương lái đã sử dụng hóa chất để bảo quản và không loại trừ một số trong các hóa chất sử dụng bị cấm. Theo nhận định của VPA, tên hóa chất bị cấm sẽ còn mở rộng thêm và sẽ không dừng lại ở châu Âu. Vì vậy, tự thân ngành hồ tiêu phải biết kiểm soát, điều chỉnh. Cũng như các ngành nông sản khác, tái cơ cấu lại ngành hồ tiêu là hết sức cần thiết; với trang trại bình quân 1ha/hộ cần liên kết lại thành các nhóm, tổ, hợp tác xã và chính các doanh nghiệp là đầu tàu cho việc liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng hồ tiêu để có thể giúp nông dân sản xuất ra lượng hàng hóa theo những chuẩn tùy theo thị trường như ASTA của Mỹ, JSSA của Nhật hay ESA của châu Âu - những thị trường chủ yếu và quan trọng nhất của hồ tiêu Việt Nam.

Yếu tố con người

Không thể nói mãi về “điểm sáng’’ của hồ tiêu như sản lượng và kim ngạch xuất khẩu “năm sau cao hơn năm trước’’, liên tục xuất khẩu đứng đầu thế giới 14 năm liền... khi mà lượng hồ tiêu xuất khẩu phần lớn vẫn là hàng thô. Dù tỷ lệ hồ tiêu trắng tăng lên từng năm, nhưng xét cho cùng cũng chỉ là sản phẩm sơ chế, chưa thể trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Năm nay, hồ tiêu Việt Nam chiếm hơn 50% lượng hàng giao dịch trên thị trường thế giới, nhưng nếu xét giá xuất khẩu bình quân cả năm vẫn thấp hơn các nước khác khoảng 20%, giá xuất chỉ 7.000 USD/tấn so với bình quân 9.000 USD/tấn. Các chuyên gia nhận định, ngành hồ tiêu đang phát triển tốt so với nhiều mặt hàng nông sản khác, nhưng nguồn tài nguyên nước, đất đai, lao động... đều tới hạn, phải chuyển qua giai đoạn mới, đi vào khai thác giá trị gia tăng mà nhiều nước đã làm như Malaysia, Indonesia... với giá bán cao hơn hồ tiêu Việt Nam, hoặc chế biến thành hồ tiêu bột, nhất là tinh dầu hồ tiêu có giá trị gấp nhiều lần so với hồ tiêu đen. Điều này đòi hỏi vai trò hạt nhân của doanh nghiệp. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đã có một số công ty đi theo hướng này, khai thác giá trị cao như hình thành vùng nguyên liệu, hướng dẫn nông dân trồng theo quy trình chặt chẽ để cung cứng vào thị trường Nhật Bản như Công ty TNHH KSS Việt Nam (100% nước ngoài) khi xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Bình Phước.

Tổng Giám đốc Masahiko của KSS Việt Nam cho biết, nhiều công ty chế biến ra các sản phẩm giá trị gia tăng bằng cách sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Điều này là đúng nhưng chưa đủ, cần có cách tiếp cận khác để nâng cao danh tiếng cho hồ tiêu Việt. Vì chất lượng không chỉ được sản xuất tại nhà máy mà còn được thực hiện trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ nông trại, đại lý, kho bảo quản... Theo ông Masahiko, nông trại là chìa khóa quan trọng khi sản xuất hồ tiêu chất lượng cao. Vấn đề an toàn thực phẩm là xu hướng chung để tạo ra giá trị cộng thêm. Đó là sản phẩm sạch, an toàn, không hóa chất độc hại như mycotoxin, vi khuẩn gây bệnh, không chứa thuốc trừ sâu vượt giới hạn, không chứa tạp chất kim loại và thủy tinh... Vì chất lượng cao đồng nghĩa với giá cao, yếu tố quan trọng không kém bởi sẽ thu hút những khách hàng có nhu cầu hàng giá trị tốt. Cũng theo ông Masahiko, để giữ vị trí là nhà cung cấp lớn nhất và đáng tin cậy của hồ tiêu, mọi khâu trong công nghiệp hồ tiêu Việt Nam cần hướng tới tạo ra sản phẩm an toàn nhất. Khi đó danh tiếng hồ tiêu Việt Nam sẽ được quảng bá một cách hiệu quả nhất, chứ không dừng lại là nước cung cấp hồ tiêu nhiều nhất.

Các nước trong IPC thán phục nông dân trồng hồ tiêu Việt Nam. Điều này đã rõ khi năng suất hồ tiêu Việt Nam vượt trội các nước. Tất nhiên ở đây còn có yếu tố thổ nhưỡng, thời tiết... nhưng yếu tố con người vẫn là hàng đầu. Doanh nhân cũng cần thể hiện điều này khi kinh doanh hồ tiêu. Việc doanh nhân chủ yếu dừng lại ở việc bán hồ tiêu thô thay vì cần chuyển hướng dần chế biến sâu như hồ tiêu bột, tinh dầu hồ tiêu mà những nước có diện tích và sản lượng nhỏ như Sri Lanka đã làm cho thấy công nghệ và thiết bị không phải là điều bất khả thi. Thay vì chọn cách làm dễ, doanh nghiệp nên hướng đến chế biến sâu. Thật ra, để có khách hàng “chất lượng cao” không phải đơn giản, nhưng nếu không đặt ra mục tiêu và động lực để hướng đến sẽ không có sự khởi đầu.

CÔNG PHIÊN - ĐĂNG LÃM

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang