• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Lo ngại sâu bệnh hại tấn công vườn tiêu

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 09/10/2014
Ngày cập nhật: 10/10/2014

Vườn tiêu ở xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa - Phú Yên) - Ảnh: L.TRÂM

Những năm gần đây, giá tiêu tăng cao nên người dân đầu tư mở rộng diện tích. Tuy nhiên do chưa nắm vững kỹ thuật nên tình trạng sâu bệnh xuất hiện nhiều, khó phòng trừ. Đáng lo ngại là hiện nay nhiều người trồng tiêu vì lợi nhuận trước mắt khai thác cạn kiệt làm cho cây tiêu mau xuống sức, thoái hóa.

PHUN THUỐC TIÊU VẪN CHẾT

Các xã Sơn Thành Tây, Sơn Thành Đông (Tây Hòa - Phú Yên) hiện có 573 ha tiêu được trồng trên vùng đất đỏ bazan. Giống tiêu chủ yếu là tiêu sẻ Vĩnh Linh. Ngoài ra, nông dân còn du nhập một số giống tiêu lá lớn, còn gọi là tiêu trâu gồm các giống Sẻ Mỡ (Đồng Nai), Trâu Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Mới đây, qua điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên thì bệnh hại chính trên cây tiêu ở huyện Tây Hòa là bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư, gỉ sắt, đốm tảo, tuyến trùng. Trong đó bệnh nguy hiểm cho tiêu là chết nhanh, chết chậm và tuyến trùng. Hiện nay, 2 xã Sơn Thành Tây và Sơn Thành Đông có 150 ha tiêu đang ở giai đoạn kinh doanh (thu hoạch) bị bệnh chết chậm với tỉ lệ bệnh 22,5% trụ. Cây tiêu bị bệnh này thường có triệu chứng lá vàng, kém phát triển, năng suất thấp. Riêng bệnh chết nhanh gây hại 45 ha với tỉ lệ bệnh 10% trụ. Bệnh tuyến trùng gây hại 185 ha, tỉ lệ hại 60% trụ ở giai đoạn kinh doanh. Ngoài ra rệp sáp gây hại trên diện tích 85 ha, tỉ lệ hại 16% trụ.

Khi phát hiện sâu bệnh gây hại trên vườn tiêu, nông dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ nhưng nông dân chỉ dựa vào các đại lý thuốc là chính nên không mang lại hiệu quả. Bà Bùi Thị Hải Hồng ở xã Sơn Thành Tây cho biết: Tôi trồng 700 trụ tiêu từ năm 2011, sau một thời gian, tiêu chết 30 trụ. Ban đầu tiêu bị vàng lá, tôi đi hỏi mấy người xung quanh rồi ra đại lý “tả” chứng bệnh, được đại lý “kê đơn” thuốc bán về phun nhưng không khỏi. Sau khi trồng dặm bây giờ vẫn có rải rác một số trụ tiếp tục bị vàng lá”.

Còn bà Thái Thị Hồng Thư, cũng ở xã Sơn Thành Tây, trồng 5 sào tiêu, sau đó tiêu mắc bệnh chết, bà trồng dặm đến 3 lần. Vì vậy tiêu đến kỳ thu hoạch nhưng chỉ có 1 sào ra trái, 4 sào còn lại do trồng dặm sau nên chưa thu hoạch được. “Khi tiêu bị sâu bệnh, tôi phải chạy đôn chạy đáo hỏi thăm nhiều người, đại lý cũng “góp ý” nên dùng thuốc như họ bày nhưng không khỏi” - bà Thư nói.

Qua đợt điều tra, khảo sát tình hình dịch bệnh tiêu, Chi cục Bảo vệ thực tỉnh vật nhận định, thời gian qua nông dân sử dụng không đúng loại thuốc đặc trị nên hiệu quả phòng trừ không cao. Nhiều người trồng tiêu dùng thuốc Viben trừ tuyến trùng, Anvil trừ bệnh thán thư, Nevo trừ bệnh gỉ sắt... Trong khi đó, trừ tuyến trùng phải dùng thuốc Vimoca, Regal… bệnh thán thư thì dùng Vicarben, Kocide, Mirage… còn bệnh gỉ sắt ở tiêu không cần dùng thuốc.

Thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý sẽ làm sâu bệnh ngày càng kháng thuốc, gây độc với môi trường và con người, đồng thời hiệu quả phòng trừ thấp. Điều này còn làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất tiêu và chất lượng nông sản. Người trồng tiêu thiếu thông tin về các loại sâu bệnh hại tiêu, các loại thuốc đặc trị trừ sâu bệnh hại, trong khi sâu bệnh ngày càng phát triển, gây hại nặng hơn.

BÓN PHÂN KHÔNG ĐÚNG CÁCH

Hai năm gần đây, do tiêu được giá nên nhiều hộ nông dân mở rộng diện tích. Tại các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Tuy An, diện tích tiêu là 687 ha, tăng 208 ha so với năm 2007; trong đó, diện tích trồng mới trên 200ha, diện tích thu hoạch 455 ha. Do mở rộng tự phát, thiếu hiểu biết về kỹ thuật, giống, sử dụng không đúng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến tình trạng xuất hiện sâu bệnh trên nhiều vườn tiêu. Đáng lo nhất hiện nay là nhiều người trồng tiêu vì lợi nhuận đã đầu tư bón nhiều phân hóa học để kích thích cho cây tăng trưởng, tăng năng suất, khai thác cạn kiệt vườn cây, làm cây tiêu mau xuống sức, thoái hóa. Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT), cho hay: Những năm gần đây, vòng đời cây tiêu đã giảm xuống còn 10 đến 12 năm so với trước kia là từ 20 đến 25 năm. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần quy hoạch ổn định vùng sản xuất, không nên tăng diện tích trồng tiêu quá nhanh. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tuyên truyền phổ biến trồng tiêu theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sử dụng phân hữu cơ, không lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Không chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách mà người trồng tiêu còn lạm dụng phân bón. Theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên thì phân bón được người trồng tiêu sử dụng chưa đúng với quy trình khuyến cáo. Đối với phân chuồng (phân hữu cơ) và lân, hầu hết nông dân bón với lượng thấp hơn so với khuyến cáo. Điều này ảnh hưởng đến dinh dưỡng và độ tơi xốp của đất. Trong khi đó, đối với u rê và vôi, nông dân bón với lượng khá cao so với khuyến cáo. Khi bón nhiều vôi sẽ giúp cải tạo, giảm độ chua của đất và khử trùng đất nhằm tiêu diệt các mầm mống sâu bệnh. Nhưng khi bón nhiều phân u rê sẽ làm thừa phân đạm trong cây, làm sức chống chịu của cây đối với sâu bệnh hại yếu nên dễ nhiễm các đối tượng này.

Phân kali có tác dụng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây tiêu, vừa làm tăng khả năng đậu trái, cải thiện chất lượng trái, đồng thời tăng sức đề kháng đối với sâu bệnh nhưng hầu như nông dân ở xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây không sử dụng. Còn ở Sông Hinh, lượng phân kali được nông dân sử dụng khá cao, điều này giúp tiêu chống chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết, sâu bệnh và làm tăng khả năng đậu trái, cải thiện chất lượng trái nhưng nông dân cũng không nên bón với lượng quá cao so với khuyến cáo vì sẽ làm tăng giá thành sản xuất.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Phú Yên: Trong thời gian đến, ngành Nông nghiệp quy hoạch chi tiết vùng trồng tiêu, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học trong sản xuất và phong trừ dịch hại tiêu; đồng thời hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo quy trình sử dụng phân hữu cơ, không lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch bệnh. Hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chính sách tín dụng cho nông dân vay vốn để phát triển cây hồ tiêu.

MẠNH HOÀI NAM

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang