• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

AGPPS và Standard Chartered: Vì cánh đồng lớn Việt Nam

Nguồn tin: Kinh Tế Sài Gòn, 25/01/2014
Ngày cập nhật: 27/1/2014

Hầu hết những người có hoạt động trong ngành nông nghiệp đều biết rằng vấn đề lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là cảnh “được mùa mất giá”, và người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là nông dân. Xuất thân từ nông dân và luôn trăn trở với những vấn đề của nông dân, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), đã tìm mọi cách để giải quyết mâu thuẫn nói trên.

Lễ ký hợp đồng tín dụng giữa Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Standard Chartered Việt Nam. Ảnh: KINH LUÂN.

Tìm đúng đối tác

Bỏ qua tất cả những lễ nghi trang trọng, trong bài phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn đã có những lời phát biểu chân tình gửi đến đối tác mới này.

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận tài trợ thương mại trị giá 70 triệu đô la Mỹ dành cho AGPPS. Khoản tín dụng này sẽ giúp AGPPS đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn để phát triển mô hình cánh đồng lớn (CĐL) tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Thòn cho biết số tiền ký kết không lớn, nhưng điều làm ông phấn khởi hơn đó là AGPPS đã tìm ra được một tổ chức hiểu và ủng hộ hoạt động của mình. Điều này giống như AGPPS đã tìm được một người đồng chí, ông Thòn nói.

Để đi đến việc ký kết ngày 17-1 vừa qua, ngân hàng đã có một quá trình tìm hiểu kỹ các hoạt động của AGPPS trong lĩnh vực nông nghiệp. “Hợp đồng tín dụng này cho thấy Standard Chartered ủng hộ chiến lược và mục tiêu phát triển của chúng tôi. Một tổ chức nước ngoài uy tín, có am hiểu về thị trường ủng hộ AGPPS đã cho chúng tôi niềm tin rằng chúng tôi đang đi đúng hướng. Sự khác biệt này không có ở những ngân hàng khác và chúng tôi rất trân trọng điều đó”, ông Thòn nói.

Chia sẻ với TBKTSG, ông Thòn cho biết: “Phần lớn công ty tổ chức được phân đoạn sản xuất và mua lúa của người nông dân, nhưng để có hiệu quả thì tùy thuộc vào việc mình bán hàng ra sao, bán ở đâu, giá thế nào. Với hệ thống toàn cầu, thông tin đa dạng và sự kiểm chứng chặt chẽ, ngân hàng sẽ giúp AGPPS trong việc định hướng thị trường tiêu thụ, giới thiệu bạn hàng, đề xuất giá hợp lý nhằm tránh rủi ro thanh toán cho công ty”.

Standard Chartered là một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới, ngoài tài trợ cho các ngành công nghiệp, ngân hàng cũng hỗ trợ mạnh cho giao dịch nông sản trên thế giới. Standard Chartered đang hỗ trợ mạnh mẽ ngành nông nghiệp của nhiều nước trên thế giới ở cả châu Phi, châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, Campuchia và Lào, chia sẻ: “Chúng tôi tự hào là ngân hàng nước ngoài đi tiên phong trong việc hỗ trợ phát triển mô hình CĐL tại Việt Nam thông qua sự hợp tác với AGPPS. AGPPS với chiến lược phát triển ngành lúa gạo nhằm đem lại lợi ích cho hàng triệu người nông dân Việt Nam đã thôi thúc chúng tôi đi đến thỏa thuận lần này. Ngân hàng sẽ tận dụng tối đa kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tài trợ cấu trúc và năng lực của mình để đáp ứng nhu cầu của AGPPS”, ông Sapru nói.

Hành trình vì người nông dân

Từ năm 2006, AGPPS đã triển khai chương trình “Cùng nông dân ra đồng” với 12 kỹ sư, đến năm 2013 đã có 1.017 kỹ sư của công ty có mặt trực tiếp tại 12.000 điểm, mô hình trên cả nước để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân. Thông qua lực lượng kỹ sư “3 cùng”, nông dân được tiếp cận với những kỹ thuật mới, nâng cao được năng suất, chất lượng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập.

Từ tiền đề này, năm 2010, AGPPS đã bắt đầu thực hiện “Chuỗi sản xuất lúa gạo theo quy trình bền vững” thông qua mô hình CĐL. AGPPS đã xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ lúa tươi với bà con nông dân. Nông dân được cung ứng giống, thuốc, phân bón với lãi suất 0% suốt vụ, được hỗ trợ miễn phí các khoản bao bì, vận chuyển, sấy và lúa được mua theo giá thị trường. Nếu giá lúa chưa ưng ý, bà con có thể gửi trong kho 30 ngày không tính phí lưu kho và chờ đến khi giá lúa hợp lý để bán.

Lần đầu tiên, người nông dân được hướng dẫn ghi chép sổ “Nhật ký đồng ruộng” để hạch toán chi phí sản xuất, đồng thời giúp truy xuất được nguồn gốc, yếu tố then chốt để nâng cao giá trị thương hiệu gạo khi ra thị trường.

Để tiêu thụ lúa cho nông dân, AGPPS đã xây dựng năm nhà máy gạo tại Vĩnh Bình, Thoại Sơn (An Giang), Vĩnh Hưng (Long An), Tân Hồng (Đồng Tháp), Hồng Dân (Bạc Liêu). Dự kiến đến năm 2018, công ty sẽ hoàn thành 12 nhà máy, mỗi nhà máy có công suất 200.000 tấn/năm với tổng diện tích vùng nguyên liệu 360.000 héc ta.

Mô hình chuỗi giá trị đầy đủ này đã giúp nông dân nâng lợi nhuận nhờ phương thức sản xuất nông sản chất lượng cao, đồng đều, truy xuất được nguồn gốc, cũng như loại bỏ rò rỉ giá trị thông qua trung gian.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết tham gia chương trình CĐL người nông dân không còn lo ngại mua phải vật tư nông nghiệp kém chất lượng, vốn vay, lẫn đầu ra cho sản phẩm, mà chỉ cần tập trung vào việc chăm sóc đồng ruộng của mình. Ông cũng cho biết lợi nhuận của người nông dân có tham gia chương trình CĐL cao hơn người không tham gia từ 3-5 triệu đồng/héc ta.

“Mới đây, tỉnh Long An đã quyết định giao khu đất 1.000 héc ta ở vùng Đồng Tháp Mười để AGPPS xây dựng trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn cùng với cụm nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao tại đây, một bước nối dài để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo của mô hình CĐL”, ông Đức nói.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang, cho biết mô hình CĐL đã tạo nên những thay đổi đáng kể cho bộ mặt nông thôn An Giang cùng đời sống của bà con nông dân khi AGPPS tiến hành đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ở những vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh.

Với quy trình sản xuất khép kín và có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gạo do AGPPS sản xuất đã có thể xuất vào thị trường Nhật nhờ thỏa mãn được các điều kiện khắt khe của thị trường này. Tại Việt Nam, AGPPS đã đưa ra thị trường thương hiệu gạo sạch, chất lượng cao Hạt Ngọc Trời và gạo Vibigaba (dành riêng cho người bệnh cao huyết áp, tiểu đường). Bên cạnh đó, AGPPS đang bắt tay nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm sau gạo để gia tăng giá trị của hạt gạo Việt Nam.

Cùng gặp nhau ở các giá trị trong kinh doanh, Standard Chartered với khẩu hiệu “Here for Good” và mục tiêu “Cùng nông dân phát triển bền vững” của AGPPS, cả hai tin tưởng sẽ cùng nhau kiến tạo những giá trị mới cho hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế, từ đó giúp đem lại thay đổi cho cuộc sống của nhiều người nông dân, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững. Điều này cũng giúp AGPPS thực hiện mục tiêu chiến lược đạt doanh số 1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2018.

AGPPS được thành lập năm 1993, hiện đang sở hữu mạng lưới phân phối thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống lớn nhất Việt Nam với 25 chi nhánh, 510 nhà phân phối cấp I và 5.000 nhà phân phối lẻ.

Để khẳng định việc cùng chia sẻ với nông dân, cuối tháng 10-2013, công ty đã chính thức phát hành 2,48 triệu cổ phiếu ưu đãi cho 6.000 nông dân đang tham gia chương trình “Cùng nông dân ra đồng” của công ty với giá cổ phiếu chào bán chỉ bằng nửa giá thị trường. Chương trình này dự kiến sẽ được tiếp tục trong những năm tới.

Thủy Triều

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang