• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gia Lai: Xã Ia Phìn (huyện Chư Prông): Dân trắng tay vì… "Cao su điếc"

Nguồn tin: Báo Gia Lai, 09/07/2014
Ngày cập nhật: 10/7/2014

Ròng rã hơn 8 năm đầu tư biết bao công sức, tiền của vào 5 ha cao su tiểu điền nhưng kết quả mang lại cho anh Phạm Văn Mạnh-thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông (Gia Lai) chỉ là sự thất vọng não nề. Không chỉ mỗi hộ của anh Mạnh “dở khóc dở cười” vì cây cao su mà còn có khoảng gần 30 hộ dân khác-với diện tích hàng trăm ha cao su đã và đang tiến hành chặt bỏ để chuyển sang trồng cà phê, tiêu bởi cùng một lý do là cây đến kỳ thu hoạch nhưng lại không có mủ hoặc có nhưng rất ít.

Đây chính là hệ quả tất yếu của việc trồng cao su theo kiểu phong trào, trồng ồ ạt vào thời điểm giá cao su tăng cao, đến khi phát hiện chất lượng cây giống không đảm bảo, năng suất mủ thấp, thổ nhưỡng không phù hợp... rồi lại ồ ạt chặt bỏ.

Dưới những hố cây cao su sẽ được thay thế bằng cây trồng mới. Ảnh: Nguyễn Giác

Vườn cao su biến thành “đất trắng”

Theo lời chỉ dẫn của ông Trần Văn Duân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, chúng tôi tìm đến vườn cao su của anh Phạm Văn Mạnh ở thôn Hoàng Hưng. Dưới cái nắng chói chang, một nhóm người đang hì hục đào, lôi nốt những gốc cao su cuối cùng lên khỏi mặt đất. Những hàng cao su tít tắp từng là hy vọng, là cứu cánh của người nông dân thì nay bỗng chốc trở thành nỗi cay đắng.

Đứng bên những gốc cao su nằm ngổn ngang ngay cạnh vô số miệng hố vừa được san gạt và bỏ chút phân chuẩn bị xuống giống cà phê, anh Mạnh thất vọng chia sẻ: Trước mắt, anh đã tiến hành phá bỏ 3 ha cao su, còn để lại 2 ha sang năm phá tiếp vì chưa có tiền thuê nhân công. Ngoài việc thuê người chặt bỏ, đốt đi, anh còn phải thuê người đào gốc với giá 11.000 đồng/gốc. Tính ra với 3 ha cao su này anh phải tiêu tốn hơn 40 triệu đồng tiền công để thuê đào nhổ gốc. Đây là vườn cây cao su được anh Mạnh đầu tư trồng từ năm 2005, đến nay đã hơn 8 năm tuổi. Nhưng thật trớ trêu là đến kỳ thu hoạch không hiểu nguyên nhân vì sao vườn cao su của anh lại không cho mủ, hoặc có mủ nhưng rất ít, hơn nữa cây hay bị nấm và rụng lá vào mùa mưa. Vì thế mà anh Mạnh đành phải “cắn răng” phá bỏ để trồng loại cây khác.

Người đàn ông tuổi trung niên than thở: Vườn cao su này đã tiêu tốn của anh rất nhiều chi phí: Từ chi phí san ủi chuẩn bị đất, mua cây giống, thuê người trồng cho đến chi phí xăng dầu, nước tưới, công chăm sóc,... chỉ tính riêng chi phí phân bón cũng đã “ngốn” của anh mỗi năm khoảng 125 triệu đồng. “Mấy năm đầu khi cây cao su còn nhỏ thì chi phí đầu tư cho phân bón thấp nhưng khi cây bắt đầu chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch phải dồn sức bón thúc cho cây để cạo mủ, thời gian này thường kéo dài khoảng 3 năm. Tùy theo giá phân cao hay thấp mà mỗi ha cao su có mức đầu tư từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng/ha, chưa nói đến công chăm sóc, giờ lại phải mất thêm chi phí để phá bỏ”-anh Mạnh buồn rầu nói.

Nhiều hộ nông dân chặt cao su về làm củi. Ảnh: Minh Triều

Tuy vậy, anh Mạnh cũng thừa nhận: Việc trồng cao su không có mủ như hôm nay cũng một phần thuộc vào lỗi của anh, không có kỹ thuật, không được tư vấn, giống mua trôi nổi từ các nhà vườn ở tỉnh Bình Phước. “Thấy người dân ở Bình Phước lên mua đất trồng cao su, họ nói giống bên đó tốt thế là tôi gửi mua rồi về trồng và học theo họ mà trồng thôi. Nói thật là giá mủ cao su rẻ thì chúng tôi không sợ lắm, giá rẻ mà có mủ thì chúng tôi vẫn cố giữ cây cao su.

Nhưng giờ thì cao su vừa bệnh, vừa không có mủ nên phải phá bỏ thôi”. Chỉ tay về các phía xung quanh, anh cho biết: Phía xa kia là vườn cao su của bà Mỵ (4 ha); bên phải đất của anh là vườn ông Hậu (3 ha) cũng vừa chặt bỏ; hay giáp bên trái là diện tích cao su của bà Nhuần (3 ha) đang khai thác theo kiểu “chống đói” nhưng cũng chỉ được chút mủ tạp tráng quanh đáy chén, một dấu hiệu cho biết sẽ không đủ tiền trả công cho người cạo mủ... Toàn khu vực này có khoảng 40 ha cao su của nhiều hộ khác cũng đều rơi vào tình trạng giống như anh-cao su không có mủ.

Cách đó một quãng không xa là vườn cao su rộng mênh mông, hàng theo hàng thẳng tắp nhưng đó chỉ là những thân cây trơ trọi vì vừa được tỉa cành, chặt ngọn, biến loài cây được mệnh danh “vàng trắng” một thời trở thành trụ trồng tiêu. Trong tiếng máy đào giếng nổ xình xịch, chị Nguyễn Thị Huệ-thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn-cho biết: Chị và người anh trai vừa mới mua lại hơn 3 ha cao su khoảng 7 năm tuổi (chỉ tính theo giá đất, không tính giá trị của vườn cây) của một hộ nông dân khác vừa “bỏ của chạy lấy người”. Chị phải mất thêm một khoản chi phí để thuê người chặt cành, chặt ngọn cao su chỉ chừa lại thân cây khoảng chừng 3 m, một bên chị vừa mới đào hố trồng cà phê, một bên chị dự kiến sẽ trồng tiêu và cho leo lên thân những cây cao su này. “Đành phải chọn cách tận dụng thân cây cao su, bởi trồng kiểu này giúp tôi tiết kiệm được một khoản tiền mua trụ tiêu. Tuy chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng thấy có một số người dân đã trồng theo cách này và cây tiêu phát triển tốt, nên tôi cũng đánh cược với vận may lần này, nếu thấy không hiệu quả thì phá dần đi”-giọng chị Huệ khá lo lắng.

Vườn cao su này sẽ bị phá bỏ vì thu hoạch mủ không đủ tiền trả cho công nhân. Ảnh: Minh Triều

“Không thể định hướng người dân trồng cây gì !”

Xác nhận tình trạng chặt bỏ cây cao su ồ ạt trên địa bàn, ông Trần Văn Duân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Phìn-cho biết: Việc chặt bỏ cây cao su bắt đầu diễn ra từ năm 2013, nhưng đến thời điểm này thì rầm rộ hơn. Diện tích cao su chặt bỏ nằm rải rác ở thôn Bản Tân, Hoàng Tiến, Hoàng Tân, nhưng nhiều nhất là ở thôn Hoàng Yên... Theo số liệu thống kê, trên địa bàn xã Ia Phìn có đến 29 hộ trồng cao su tiểu điền với tổng diện tích hơn 110,7 ha. Tất cả các hộ này đều trồng từ năm 2006, hộ nhiều nhất 9,4 ha, hộ thấp nhất là 1 ha, số hộ còn lại trồng từ 3 đến 5 ha chiếm đa số. Theo ông Duân, diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn xã không nhiều bằng các xã khác, tuy nhiên đến thời kỳ thu hoạch một phần do giá cao su đang xuống thấp, quan trọng hơn là phần lớn diện tích cao su trên địa bàn không cho mủ, chất lượng sản phẩm không có, không đủ ngày công thuê cạo mủ nên đa số các hộ nông dân trồng cao su tiểu điền đã chặt đi để chuyển sang trồng tiêu, trồng cà phê, chỉ một số hộ còn giữ lại trồng xen với cây cà phê... nhưng diện tích này rất ít.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện-cho biết: Tổng số diện tích cao su trên địa bàn huyện là 34.084 ha, trong đó các doanh nghiệp cao su chiếm hơn 31.097 ha, còn lại là diện tích cao su tiểu điền. Đến thời điểm này chưa thể có được số liệu thống kê chính xác diện tích cao su bị chặt bỏ, vì việc điều tra đến tận từng hộ dân phải tốn nhiều thời gian, ít nhất là 1 tháng mới xong. Không chỉ riêng ở xã Ia Phìn mà hầu hết các xã có cao su tiểu điền đều có xảy ra hiện tượng này như Ia Pia, Ia Băng... cũng đang trong tình trạng báo động. “Với góc độ của Phòng Nông nghiệp huyện thì ở thời điểm này không thể định hướng cho người dân trồng cây gì cho “chắc ăn”, vì còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố như: giá cả, đầu ra sản phẩm, liên quan đến xuất khẩu, giai đoạn này thì mang lại hiệu quả kinh tế, giai đoạn khác thì không… do vậy chỉ nói là trồng cây gì cho phù hợp như tiêu, cà phê…”- ông Gặp chia sẻ.

Ông Gặp phân tích: Cây cao su trồng không cho mủ có nhiều nguyên nhân. Có thể là do giống mua từ nguồn trôi nổi, chất đất không phù hợp, chăm sóc không đúng kỹ thuật, ít đầu tư. Tuy nhiên, mới đây UBND huyện Chư Prông đã có văn bản yêu cầu UBND các xã, thị trấn có hộ dân trồng cao su tiểu điền khuyến cáo nhân dân không nên phá bỏ cây cao su để trồng các loại cây trồng khác, đồng thời kiểm tra, theo dõi tình hình chặt phá cao su để báo cáo UBND huyện có ý kiến chỉ đạo.

Minh Triều-Nguyễn Giác

Các tin mới:

31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
31/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
30/12/2014
29/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154 155 156 157 158 159 160 161 162 163 164 165 166 167 168 169 170 171 172 173 174 175 176 177 178 179 180 181 182 183 184 185 186 187 188 189 190 191 192 193 194 195 196 197 198 199 200 201 202 203 204 205 206 207 208 209 210 211 212 213 214 215 216 217 218 219 220 221 222 223 224

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007

 

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang