• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Rạng danh nông dân miền Tây: Thành công từ niềm đam mê sáng tạo

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 10/02/2014
Ngày cập nhật: 13/2/2014

Từ thực tiễn sản xuất, ông Lê Phước Lộc (Tiền Giang) đã phát minh, sáng chế ra nhiều dụng cụ phục vụ đắc lực cho sản xuất của nhà vườn ở ĐBSCL… Ở Vĩnh Long, sau nhiều năm nghiên cứu, chú Nguyễn Văn Phúc đã ghép thành công giống nhãn cho chất lượng cao… Sự thành công của hai nông dân này từ niềm đam mê, cần cù sáng tạo mà thành.

Kỹ sư chân đất

Nhiều năm nay, nhà vườn ở ĐBSCL không còn lạ với cây kéo cắt tỉa đa năng (cắt cành, thu hoạch trái…) của kỹ sư chân đất Lê Phước Lộc ở tổ 2, ấp 5, xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Không chỉ vậy, ông còn là cha đẻ của nhiều phát minh hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, như: dụng cụ bao trái, vòi phun nước và mới nhất là máy dập lỗ màn phủ nông nghiệp. Tất cả các phát minh, sáng chế của ông đều xuất phát từ yêu cầu và nhu cầu thực tiễn sản xuất của chính bản thân nên được nhiều nông dân đón nhận.

Ông kể: Nhà có vườn cam sành trên 7.500 m2, nhưng mỗi lần thu hoạch hay cắt tỉa bỏ những cành hay trái kém phát triển, tạo tán cho cây…, ông gặp rất nhiều khó khăn. Những trái vươn xa ra ngoài mương, hay trên cao… phải bắc thang, rất khó di dời, đôi khi không đảm bảo an toàn lao động. Vậy là ông nảy sinh ý tưởng chế tạo ra cây kéo dài từ 1,5-3,5m để cắt trái, tỉa cành trên cao, hoặc cành ở xa ngoài tầm tay với. Về sản phẩm kéo cắt cành đa năng của ông, nhiều nông dân vùng ĐBSCL nhận định: Kéo cắt rất tốt, đường cắt sắc, bén không để lại dị tật cho cành; thao tác đơn giản, di chuyển gọn nhẹ, năng suất cắt tỉa nhanh… Để gia tăng hiệu suất của kéo, ông mày mò nghiên cứu và gắn thêm vợt hứng trái. Nếu không sử dụng vợt, kéo được lắp kiềm kẹp bên dưới lưỡi kéo. Lưỡi kéo cắt cuống đồng thời kẹp trái đưa xuống mà không bị trầy xước. Dụng cụ này thích hợp thu hoạch cam, quýt, bưởi, nhãn, vú sữa…; thậm chí sử dụng cắt cành cao su. Nhờ tiện lợi, dễ sử dụng, phù hợp với nghề làm vườn nên dụng cụ kéo cắt tỉa đa năng của ông Lộc được nhiều nông dân đón nhận. Từ năm 2005 đến nay, trung bình hằng năm, ông sản xuất khoảng 15.000 cây kéo các loại để cung cấp cho thị trường trong cả nước.

Kỹ sư chân đất Lê Phước Lộc trình diễn công dụng của kéo cắt tỉa đa năng. Ảnh: T. LONG

Sáng kiến vòi phun nước của ông cũng xuất phát từ chuyện trồng cam. Ông Lộc trồng cam với kỹ thuật kéo cành xòe 4 bên để tạo tán rộng nên rất khó di chuyển máy tưới. Vì vậy, ông đặt ngầm đường ống dưới đất làm béc phun tưới tự động. Đầu tiên, ông mua béc ngoài thị trường nhưng thời gian phun tưới lâu, nước ướt không đều vườn và béc mau hư. Thế là, ông nghĩ và chế tạo loại béc 3 cánh để cải thiện tình hình này. “Ban đầu dù làm đủ mọi cách nhưng béc phun nước ướt không đều vườn… Cuối cùng, tôi nhớ đến cảnh dê lúa của ông bà xưa: tay phải bưng thúng lúa, tay trái chịu dưới thúng và mấy ngón tay lừa lúa cho rớt đều. Từ hình tượng này, tôi chế tạo thành công vòi phun nước theo ý muốn” – ông kể. Ưu điểm của sản phẩm là khi vận hành, áp lực nước phun từ trong ra, đẩy béc tự quay và rải nước đều từ trong ra ngoài với đường kính 12-15m. Đặc biệt, do toàn bộ hệ thống được chế tạo bằng đồng thau nên béc có độ bền, tuổi thọ cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường và hiệu suất sử dụng rất cao. Sáng chế này của ông cũng được nhiều nhà vườn chấp nhận với số lượng sản xuất và tiêu thụ khoảng 5.000 cái/năm.

Vào năm 2005, ông Lộc có người bạn làm việc tại Trung tâm Khuyến nông huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) khuyến khích ông chế tạo dụng cụ bao trái để chống sâu rầy, côn trùng, nấm bệnh tấn công trái; hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, nếu trái cây được bao khi đến kỳ thu hoạch sẽ cho màu sắc tươi, hấp dẫn, bán được giá cao. Ông Lộc cho biết: Trên thị trường lúc bấy giờ nhà vườn cũng biết cách bao trái để đảm bảo năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, đối với những trái trên cao, hoặc ở ngoài xa, ngoài tầm với thì không thể bao được bằng tay… nhiều nhà vườn đành bỏ hoặc để trái phát triển tự nhiên, không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một lần nữa, ông mày mò chế tạo và đạt kết quả như mong muốn. Đặc biệt, khi dịch bệnh sâu đục trái hoành hành vườn bưởi ở Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), nhiều nhà vườn sử dụng dụng cụ bao trái của ông có hiệu quả. Tiếng lành đồn xa, dụng cụ bao trái của ông lại được nhà vườn trồng bưởi, trồng xoài ở ĐBSCL đón nhận và tiêu thụ trên 3.500 cây/năm.

Sau gần 12 năm nghiên cứu, đến nay chú Nguyễn Văn Phúc rất hài lòng với vườn nhãn Chánh An của mình. Ảnh: T. TRINH

Các sáng kiến kéo cắt tỉa đa năng, vòi phun nước, dụng cụ bao trái ông Lộc đều đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Đây cũng là cách mà theo ông để người làm vườn vùng ĐBSCL tiếp cận được với những sản phẩm đạt chất lượng và cũng là cách bảo vệ quyền lợi, thương hiệu… trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Không chỉ vậy, Cơ sở cơ khí Phước Lộc do ông làm chủ còn đào tạo nghề và giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Người chinh phục cây nhãn

Không từ bỏ cây nhãn dù gặp khó, quyết tâm nghiên cứu gần 12 năm, cuối cùng chú Nguyễn Văn Phúc (Tám Liếp) ở ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã ghép thành công giống nhãn cho chất lượng cao. Khoảng 4 năm nay, vườn nhãn Ido với gần 1.500 cây cho trái đạt từ 90-100%, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Khởi đầu với 2,5 công vườn tạp, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bên dưới chú đào ao nuôi tôm càng xanh, trên liếp trồng khoai mì, ca cao, nhãn long… Qua một thời gian, chú cải tạo cây trồng kém hiệu quả bằng nhãn long. Nhận thấy nhãn xuồng cơm vàng cho hiệu quả cao, chú Tám lấy tiền dành dụm mua thêm hơn một công vườn trồng loại cây này. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, chú xử lý cho trái trái vụ. Chú Tám Liếp cho biết: Thời đó, nhãn xuồng của chú là duy nhất tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Người dân rất thích ăn loại này nên bán được giá, đến 60.000 đồng/ký. Thời gian cây nhãn nổi lên, chú có thêm thu nhập từ bán cây giống… Nhưng không lâu sau, do có quá nhiều người trồng, nhất là nhãn cùng loại nhập ngoại chất lượng khá cao xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nên nhãn xuồng hết thời hoàng kim, liên tục rớt giá. Đoán trước tình hình này, chú Tám tìm tòi, quyết tâm nghiên cứu giống cây mới thay thế. Chú Tám Liếp nhớ lại: “Lúc đó, tôi nghĩ các loại giống trái cây trong nước không có thương hiệu, cạnh tranh thường yếu thế hơn những trái cây của nước ngoài. Vì vậy, tôi “thuần” các giống cây nước ngoài để tìm hướng phát triển”. Chuyện là, chú có nhiều bạn đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Để có nguồn cây giống nghiên cứu, chú thỏa thuận chịu phân nửa tiền vé máy bay, thậm chí chịu luôn tiền phạt để bạn cắt nhánh mang về Việt Nam để chú nghiên cứu. Chú dành riêng một khoảng đất trong vườn trồng và nghiên cứu 11 cây nhãn Ido của Thái Lan, 10 cây nhãn Thạch Kiệt của Trung Quốc và 7 cây nhãn của Mỹ. Nhận thấy giống nhãn Ido phát triển tốt, chú quyết định ghép trên 700 gốc nhãn long. Năm đầu tiên cây ra hoa cho trái, năm thứ 2 cây không cho trái... Chú Tám Liếp nhớ lại: “Suốt mấy năm liền, tôi cứ chặt – trồng, trồng – chặt nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân thất bại. Mỗi lần như vậy, thiệt hại 600-700 cây nhãn. Khoảng thời gian ấy, không ai ủng hộ, có lúc tôi khá chán nản...”. Tuy nhiên, niềm đam mê thôi thúc nên chú tiếp tục hành trình chinh phục cây nhãn ghép Ido. Mỗi lần nghiên cứu, chú ghi chép tỉ mỉ quá trình phát triển của cây, số lượng phân thuốc sử dụng… từ đó rút kinh nghiệm. Cuối cùng cây nhãn Ido đã cho trái.

Nhưng chưa kịp mừng về thành công, chú lại phải đối mặt với việc tiêu thụ nhãn. Lúc bấy giờ, nhãn Ido là loại trái cây mới nên chẳng ai thu mua. Chú phải đem gửi cho lò sấy với giá 4.000 đồng/ký, ngang giá nhãn da bò lúc bấy giờ. Mãi đến khi nhãn Ido từ Thái Lan tràn vào Việt Nam, người dân mới biết đến loại nhãn này. Nhưng khi 17 cây nhãn Ido đến kỳ thu hoạch cũng là lúc nhãn Ido Thái Lan tràn về nên chú chỉ bán với giá 16.000 đồng/kg. Nhờ lợi thế trái to hơn nhãn cùng loại của Thái Lan nên nhãn Ido của chú Tám bán khá chạy. Để nhãn Chánh An (tên gọi giống nhãn Ido sau khi ghép nhãn long) mang lại hiệu quả kinh tế cao, chú tiếp tục nghiên cứu xử lý cho trái nghịch mùa với nhãn Ido Thái Lan, chôm chôm Long Khánh, vải thiều... Nếu như nhãn Ido Thái Lan chín rộ từ cuối tháng 7 đến tháng 9 (Âm lịch), nhãn Chánh An cho trái từ rằm tháng Giêng cho đến tháng 3. Vì vậy, nhãn Chánh An của chú rất được thị trường ưa chuộng. Đến kỳ thu hoạch, thương lái tìm đến tận vườn để thu mua. Năm 2006, khi vườn nhãn đang cận kề ngày thu hoạch thì bị mưa bão làm đổ ngã gần 700 trăm gốc, thiệt hại gần như hoàn toàn. Không bỏ cuộc trước thách thức của cuộc sống, chú dồn sức chăm sóc, khắc phục những cây nhãn còn sót lại. Nhờ cần cù, chịu khó, dần dần chú khôi phục lại vườn nhãn Chánh An. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chú Phúc còn giúp người dân trồng nhãn phát triển kinh tế. Từ việc chiết cành cho bà con về trồng thử, chú đã dần giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Khi có người cần giúp đỡ, tư vấn chú nhiệt tình hướng dẫn. Ngoài ra, mỗi vụ thu hoạch, vườn nhãn của chú giải quyết gần 20 lao động địa phương với thu nhập 90.000-150.000 đồng/người/ngày.

Theo chú Tám Liếp, nhãn Ido rất hợp với vùng ĐBSCL. Khi ghép với nhãn long cây sẽ cho trái to, năng suất gấp 3 lần nhãn da bò. Ngoài ưu điểm sinh trưởng và phát triển mạnh, ít bị sâu bệnh thì loại nhãn này có thể xử lý ra hoa cho trái theo ý muốn. Thành công với nghề nhưng hiện chú còn nhiều trăn trở đầu ra cho cây nhãn. Bởi như chú nói: Với kiểu sản xuất cá thể, nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật, định hướng, cây giống trôi nổi và “mù” thông tin thị trường như hiện nay khiến người nông dân phải “tự bơi”, mạnh ai nấy làm, lời ăn lỗ chịu... Để cây ăn trái phát huy hết tiềm lực vốn có thì nông dân cần phải liên kết, hợp tác. Vấn đề này, chú chia sẻ: “Không cần nhiều, mỗi hộ chỉ cần trồng 20 gốc nhãn thôi nhưng trồng gần nhau. Từ đó mở rộng thành ấp, xã chuyên trồng nhãn, như vậy sẽ dễ dàng tiêu thụ!”.

Thanh Tuyết

Các tin mới:

13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang