• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tái cơ cấu để có bước tăng trưởng ngoạn mục

Nguồn tin:  Nhân Dân, 25/12/2014
Ngày cập nhật: 26/12/2014

Công nhân Công ty thủy sản Minh Phú (Cà Mau) sản xuất tôm xuất khẩu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm nay đạt 3,31%, tăng 0,67% so với năm 2013. Ðây là mức tăng trưởng khá ấn tượng của ngành nông nghiệp với hầu hết các mặt hàng nông sản "được mùa, được giá", góp phần nâng cao thu nhập cho đại đa số bà con nông dân.

Bốn "trụ cột" tạo đà tăng trưởng

Năm 2014, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã đạt được kết quả khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá cao cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, nông nghiệp đạt 618,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,63%; lâm nghiệp đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6%; thủy sản đạt 187,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,43%. Chất lượng tăng trưởng của ngành đã được cải thiện đáng kể, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8% năm 2014. Cùng với phát triển sản xuất, việc tiêu thụ đã có sự phát triển đồng bộ cho nên giá cả các loại nông sản ở trong nước được giữ ở mức khá cao, có lợi cho bà con nông dân.

Ðánh giá về mức tăng trưởng nông nghiệp trong năm nay, Vụ trưởng Kế hoạch (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Thị Hồng cho rằng: "Năm nay ngành nông nghiệp vừa được mùa, vừa được giá ở nhiều mặt hàng nông sản và các lĩnh vực khác đều được triển khai, thực hiện rất tốt. Ðơn cử, mặc dù diện tích trồng lúa giảm 54 nghìn ha, nhưng năng suất đạt 57,7 tạ/ha (tăng 1,7 tạ/ha), cho nên sản lượng lúa cả nước đạt 45 triệu tấn, tăng một triệu tấn so với năm 2013. Không chỉ tăng về sản lượng, giá bán lúa cũng cao hơn, bình quân khoảng 1.000 đồng/kg, tức là giá trị thương phẩm của hạt gạo đạt cao hơn". Theo lý giải của bà Nguyễn Thị Hồng, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2014 là do bốn yếu tố sau:

Một là, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Ðảng, Chính phủ ban hành, Bộ NN và PTNT tiến hành triển khai và thực hiện khá quyết liệt. Hai là, nguồn lực đầu tư cho ngành tiếp tục được ưu tiên. Ba là, nỗ lực vượt khó của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt trong lĩnh vực tái cơ cấu, đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất. Bốn là, việc tập trung khai thông thị trường xuất khẩu, tiêu thụ trong nước cũng được coi trọng và có nhiều giải pháp lấy lại lòng tin của người tiêu dùng. "Ngay từ đầu năm 2014, toàn ngành NN và PTNT đã xác định thị trường đang là điểm nghẽn tăng trưởng của ngành. Trong năm 2014, phải tập trung tháo gỡ, khai thông đầu ra cho nông sản xuất khẩu; thị trường tiêu thụ trong nước cũng được coi trọng và có nhiều giải pháp nhằm lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, tăng cầu trong nước" - bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Xuất khẩu cán mốc 30,8 tỷ USD

Mặc dù năm 2014 tiếp tục là năm không thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, cả xuất khẩu và trong nước. Nhu cầu nông sản trên thị trường thế giới luôn trong xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012 do các quốc gia nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Phi-li-pin... phục hồi tăng trưởng chậm, sức mua thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành. Vì thế, việc khai thông thị trường xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước vô cùng quan trọng. Bộ NN và PTNT đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại đến các thị trường xuất khẩu trọng điểm: Mỹ, EU, Nga... để đàm phán giải quyết những rào cản, khai thông thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2014 đã đạt được mức tăng kỷ lục, cả năm ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Ðây là con số rất ấn tượng và là dấu ấn mới của ngành nông nghiệp. Tính ra, riêng năm 2014 nước ta đã tăng được hơn ba tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Ðáng lưu ý, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng giá trị so với năm 2013 như: Thủy sản đạt 7,92 tỷ USD (tăng 18%); đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ 6,54 tỷ USD (tăng 12,7%); cà-phê đạt 3,6 tỷ USD (tăng 32,6%), rau quả đạt 1,47 tỷ USD (tăng 34,9%), hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD (tăng 34,1%); hạt điều đạt hai tỷ USD (tăng 21,1%), tôm ước đạt 3,5 tỷ USD (tăng 25%)...

Tuy nhiên, thách thức về thị trường trong nước và xuất khẩu trong năm tới là vô cùng lớn. Ðầu năm 2015, nước ta gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản trong khu vực ASEAN. Cụ thể, có tới 90% số mặt hàng từ các nước ASEAN có thể luân chuyển trong ASEAN với thuế suất bằng 0%, trừ một số trong danh mục nông sản nhạy cảm như đường mía, thịt và trứng gia cầm thương phẩm, bưởi, chanh, thịt chế biến là 5%.

Xuất hiện những "hình mẫu" nông nghiệp

Trong năm đầu tiên triển khai đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", những mẫu hình nông nghiệp mới đã xuất hiện và đang được định hình để thành "hình mẫu" trong tương lai của ngành nông nghiệp. Những năm gần đây, rất nhiều tập đoàn đã chuyển từ bất động sản sang nông nghiệp, đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp. Có thể kể ra nhiều công ty lớn đang đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai là một thí dụ. Không chỉ các doanh nghiệp, công ty mà các quỹ đầu tư như Vinacapital cũng đầu tư hàng trăm triệu USD vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ NN và PTNT cũng chủ động phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi khoảng 179.040 ha gieo trồng lúa sang cây trồng khác, chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản. Phát triển sản xuất lúa theo hình thức liên kết, hợp tác, cánh đồng mẫu lớn ở 43 địa phương với 121 nghìn ha. Trong năm 2015, dự kiến sẽ giảm khoảng 104 nghìn ha diện tích gieo trồng lúa để chuyển sang trồng một số loại cây trồng hằng năm khác, chủ yếu là ngô.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thế giới đã thay đổi cách nhìn về nông nghiệp, cách sống trong nông nghiệp và hiện nay khu vực Ðông - Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, được coi là một nền tảng rất quan trọng cho phát triển nông nghiệp của khu vực. "Chúng ta có lợi thế như vậy, đòi hỏi của thế giới cũng như vậy, cách nhìn thế giới thay đổi, không có lý gì mà nông nghiệp không trở thành một lĩnh vực Việt Nam phát triển, tạo giá trị gia tăng cao hơn và như chúng tôi đã nói không phải đi theo, tiến kịp thế giới, mà có thể đi cùng thế giới và thậm chí nông nghiệp Việt Nam còn là hình mẫu" - TS Võ Trí Thành chia sẻ.

NGUYỄN VĂN GIANG

Các tin mới:

26/12/2014
26/12/2014
26/12/2014
26/12/2014
26/12/2014
26/12/2014
26/12/2014
26/12/2014
26/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang