• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Rạng danh nông dân miền Tây: Người nhóm lửa

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 09/02/2014
Ngày cập nhật: 13/2/2014

Người nhóm lửa!

Khởi nghiệp từ vốn liếng ít ỏi, hoặc thậm chí chỉ từ 2 bàn tay trắng, nhưng những "Hai Lúa" đã vượt qua khó khăn và trở thành tỉ phú… Quãng thời gian khó khăn để có quả ngọt như hiện tại lại chính là động lực, bài học quý báu để họ tiếp tục phấn đấu. Những nông dân này đã trở thành những hạt nhân, điển hình tiên tiến trong cuộc chinh phục đồng đất…

Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có điểm chung: không ngừng sáng tạo, đưa khoa học kỹ thuật, những ý tưởng mới vào sản xuất để làm giàu chính đáng bằng chính nghị lực, sự cần cù lao động... Ðó là những là nông dân ở ÐBSCL được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc" vào tháng 10-2013… Họ là những hình mẫu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

* Phương Củ Cải làm giàu từ tay trắng

Phương Củ Cải là biệt danh người dân ở ấp Tân Lập, xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, đặt cho anh Lê Hồng Phương. Bởi anh là người tiên phong trồng củ cải trắng và trở thành tỉ phú nhờ củ cải trắng ở vùng quê vốn nghèo khó này. Anh kể: Trước năm 1989, anh sống và làm ruộng cùng gia đình ở xã Hòa Long, huyện Lai Vung, đời sống vất vả lắm. Khi lập gia đình anh về quê vợ ở ấp An Hòa, xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp sinh sống. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm, anh dồn hết cùng gia đình bên vợ làm bột, nuôi heo. Chưa kịp mừng vì việc làm ăn của hai vợ chồng ngày càng khấm khá thì năm 2001, việc nuôi heo liên tục gặp trở ngại. "Số heo bịnh chết thì không nói, nhưng heo còn sống đành phải bán với giá rẻ mạt… Bao nhiêu tiền của để dành nhờ cật lực làm lụng liên tục 2-3 năm của vợ chồng chỉ một năm làm ăn thua lỗ nặng chẳng còn gì cả!… Thậm chí, vàng cưới của vợ chồng cũng bán để trang trải nợ nần" - anh Phương bồi hồi nhớ lại.

Anh Lê Hồng Phương trở thành nông dân xuất sắc nhờ tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tân Quy Tây. Ảnh: T. LONG

Trắng tay, không đất đai, không vốn liếng đầu tư sản xuất, vợ chồng anh chỉ còn cách đi làm thuê, làm mướn để sinh nhai. Cũng từ đó, anh học được cách trồng củ cải trắng. Thạo nghề, anh bàn với vợ về nhà cha mẹ anh, mượn 2.000m2 trồng thử nghiệm. "Vụ đầu tiên lời trên 20 triệu đồng, tôi liền trồng tiếp vụ 2, lời khoảng 17-18 triệu đồng. Thấy có hiệu quả, tôi động viên gia đình chuyển toàn bộ 1ha đất trồng lúa sang trồng củ cải trắng", anh Phương nói. Và, những năm tiếp theo, chuyện làm ăn của gia đình anh Phương ngày càng "nở nồi". Để có tư liệu sản xuất, bao nhiêu tiền dành dụm anh mua đất. Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, đến năm 2010, vợ chồng anh sở hữu khoảng 3,8ha đất sản xuất nông nghiệp… Từ năm 2009, hướng chuyện làm ăn của gia đình đã ở "thế vững", anh chuyển 1,7ha trồng cam xoàn và chính thức đăng ký thương hiệu Cam xoàn Hồng Phương… Để việc trồng trọt ngày càng hiệu quả, anh Phương luôn tìm tòi, học hỏi, đa dạng hóa cây trồng và ứng dụng những tiến bộ mới vào sản xuất. Anh lý giải: "Đất đai canh tác chuyên một loại cây trồng, bón phân hóa học riết rồi độ màu mỡ sẽ bị giảm sút. Khi đó, việc canh tác sẽ không còn hiệu quả nữa. Điều này đồng nghĩa là phải ứng dụng công nghệ sinh học, như: sử dụng màng phủ, bón phân vi sinh, dùng các chế phẩm sinh học… vào quá trình trồng màu. Song song đó, phải luân canh cây trồng để trả lại độ phì nhiêu của đất cũng như diệt mầm bệnh cho những vụ tiếp theo…". Vậy là, nhiều mô hình sản xuất mới được anh áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số này, đáng quan tâm là mô hình trồng xen canh củ cải trắng với ớt sừng vàng châu Phi trái vụ đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm; mô hình khoai lang trái vụ luân canh với mô hình xem canh củ cải trắng với ớt sừng vàng châu Phi đem về lợi nhuận cho gia đình anh trên 400 triệu đồng/năm… Không chỉ vậy, anh còn là chủ nhân của chiếc "Máy tưới cải tiến" được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tôn vinh vào năm 2008. Chiếc máy này giúp giảm chi phí sản xuất từ 160.000 – 200.000 đồng/ha/lần tưới…

Biết lo cho đất và quý trọng cây trồng nên anh đã nhận lại, thành quả tương xứng. Anh Phương tính toán, từ năm 2011 đến nay, đồng đất đã đem về cho gia đình anh lợi nhuận từ 1,53 – 2,615 tỉ đồng/năm. Chuyện làm ăn của gia đình anh cũng góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động nông thôn với thu nhập từ 100.000 -150.000 đồng/người/ngày. Không chỉ vậy, bao nhiêu kinh nghiệm, cách làm hay, anh sẵn lòng, nhiệt tình chia sẻ với bà con nông dân. Như anh nói: "Nghề nông rất cực nên phải giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ… Bây giờ cái gì cũng phải làm ăn với số lượng lớn, chất lượng ổn định thì mới mong thắng lớn". Nhờ đó, nhiều người dân ở xã Tân Quy Tây học và biết cách đa dạng hóa cây trồng, nhất là trồng cây củ cải trắng nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác… Thành công, nhưng Phương Củ Cải chưa hài lòng. Anh đang ấp ủ thực hiện mô hình "Sản xuất gắn liền tiêu thụ rau an toàn" ở TP Sa Đéc nhằm nâng cao hiệu quả trồng rau màu cho người dân.

* Tư Khánh và cuộc hành trình làm giàu ở vùng đất khó

Những năm đầu 2000 trở về trước, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng gần như "người người nuôi tôm, nhà nhà nuôi tôm". Bởi đây là vùng đất mới, nuôi tôm sú trúng "bể tay". Nhiều người trở thành tỉ phú. Nhưng, không bao lâu, dịch bệnh trên con tôm sú bùng phát đến mức ngành chức năng không thể kiểm soát khiến nhiều hộ dân ở Hòa Tú 1 trắng tay. Vậy mà, trong bối cảnh này, chuyện làm ăn của ông Tư Khánh, tên thật là Lê Phát Minh, ở ấp Hòa Trực vẫn phất đều đều…

Nhờ kiên định với mô hình tôm - lúa và bố trí sản xuất hợp lý, ông Tư Khánh trở thành tỉ phú ở vùng đất phèn mặn Hòa Tú. Ảnh: T. LONG

Ông Tư Khánh kể: Khi ông 5 tuổi, ba ông mất. Chưa đầy 13 năm sau đó, mẹ ông qua đời nên ông phải sống nhờ vào sự đùm bọc của các anh, chị ruột. Những năm đầu của thập niên 1970, ông lập gia đình và về sống chung với cha mẹ vợ. Nhờ cần cù làm ăn, 3 năm sau vợ chồng ông được ba mẹ cho 3 công đất (khoảng 1.200 m2/công). "Lúc bấy giờ ở đây người dân toàn trồng lúa mùa, 1 vụ/năm thôi. Thấy vậy, tôi tìm hiểu và đưa mô hình 2 lúa/năm vào đồng đất này. Nhưng, vụ đầu thì ăn chắc nhưng vụ sau do chim, chuột phá dữ quá nên thất bại. Thế là tôi tìm hiểu, nghiên cứu đào mương, mua cao su về tấn quanh ruộng lúa để ngăn chuột và phân công thành viên trong gia đình chia ca giữ chim… Vậy mà hiệu quả, mô hình trồng lúa 2 vụ/năm tôi luôn đạt hiệu quả cao sau 11 năm liên tiếp canh tác", ông nhớ lại. Đây cũng là thời gian làm ăn thịnh vượng nhất của ông. Bởi chỉ từ 3 công đất ban đầu, vợ chồng ông tích lũy được 7,3ha đất trồng lúa và trở thành người có của ăn, của để ở vùng quê nghèo khó. "Thời đó, do một năm chỉ là làm 1 vụ lúa, năng suất lúa lại không cao nên nhiều gia đình thường thiếu gạo ăn vào lúc giáp hạt. Những lúc bà con túng thiếu, tôi bàn với vợ cho bà con mượn lúa để ăn, khi nào có sẽ trả dần. Vì quá hiểu cảnh nghèo đói là như thế nào nên vợ tôi đồng ý ngay… nhiều bà con đem bao, đem thúng… ra tận ruộng để mượn về nhà. Đến kỳ thu hoạch, ruộng lúa nhà tôi đông ken người. Trong đó có cả những người đến thu hoạch hộ để trả ơn cho lòng tốt của vợ chồng tôi…" – ông Tư Khánh xúc động nói.

Khi con tôm dần dần lấn át cây lúa, ông Tư Khánh chuyển đổi sang sản xuất 1 vụ tôm - 1 vụ lúa/năm và kiên định theo mô hình này. Bởi như ông lý giải, theo những gì ông nghiên cứu và được các nhà khoa học khuyến cáo, mô hình tôm - lúa hạn chế sử dụng hóa chất, dịch bệnh trên tôm, giảm chi phí sản xuất lúa (do sử dụng chất hữu cơ từ vụ nuôi tôm trước), ổn định môi trường sinh thái. Năm 2008, ông mạnh dạn đầu tư, quy hoạch, xây dựng và cải tạo lại toàn bộ diện tích để thực hiện các mô hình kinh tế. Ông cải tạo, nâng cấp 1,8 ha trong tổng số diện tích là 4ha và chia làm 3 ao để nuôi tôm theo qui trình khép kín. Với 2,2 ha đất còn lại, ông chuyển sang trồng giống lúa ST5 - loại lúa có năng suất, chất lượng cao và có giá trị xuất khẩu. Tận dụng bờ bao nuôi tôm, ông trồng bí hồ lô, đậu xanh… và tận dụng các khoảng đất trống xung quanh nhà để nuôi gà, vịt quay vòng… Những năm sau đó, ông dần dần chuyển sang mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng công nghiệp; đồng thời, tiếp tục trồng các loại màu, nuôi các loại gia cầm… để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, với 2,2 ha trồng lúa, đúc kết những kinh nghiệm qua các năm sản xuất, ông mạnh dạn áp dụng qui trình sản xuất lúa theo hướng "3 tăng, 3 giảm", sử dụng các loại vi sinh… nên thu nhập từ trồng lúa ngày càng tăng… Quyết định đúng đắn, cộng với việc bố trí sản xuất một cách khoa học, trong 5 năm (2008-2012), gia đình ông đạt tổng lợi nhuận trên 2,55 tỉ đồng… Về bí quyết thành công, ông Tư Khánh chia sẻ: "Tôi là người đầu tiên ở địa phương nghiên cứu, thử nghiệm thành công các mô hình sản xuất mới rồi cùng chính quyền địa phương nhân rộng. Tôi tìm hiểu kỹ càng cách làm từ những địa phương khác, tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, xem sách báo… để có kiến thức vững về vấn đề mình quan tâm. Nhờ vậy, chưa năm nào chuyện làm ăn của tôi thất bại".

Ông Ngô Quốc Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tú 1, cho biết: Không chỉ tiên phong trong nhiều phong trào sản xuất, ông Tư Khánh còn là người đầu tiên thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Ngoài ra, ông còn hiến hơn 1ha đất để chính quyền địa phương làm lộ, xây trường học… Ông Tư Khánh luôn là nhân tố tích cực vận động nhiều nông dân tham gia các phong trào phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và đặc biệt là công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Hòa Tú 1.

Thanh Tuyết

Các tin mới:

13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014
13/2/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang