• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nghệ An: "Cú hích" trong sản xuất nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Nghệ An, 15/12/2014
Ngày cập nhật: 16/12/2014

Từ tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện những mô hình cho năng suất cao như: Chè 130 - 135 tấn/ha, mía 120 - 150 tấn/ha, lạc 4,5 - 5 tấn/ha... đã tạo bước chuyển quan trọng, là “cú hích” nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp.

Những ngày cuối năm, trang trại cam Thiên Sơn (Đồng Thành - Yên Thành) luôn trong không khí hối hả, bận rộn. Mỗi ngày, có hàng chục tấn cam được phân loại, vận chuyển đi các nơi tiêu thụ. Đây là năm thứ 3, gần 15 ha cam của trang trại cho thu hoạch và trở thành một trong những mô hình sản xuất hiệu quả nhất ở Yên Thành. Thế nhưng, ít người biết rằng đây là vùng đất bạc màu, vốn chỉ trồng bạch đàn. Để có được vườn cam năng suất, chất lượng cao, ông Trịnh Xuân Giáo - chủ trang trại đã bỏ nhiều công sức cải tạo đất. Thành công đến với ông khi những giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ vào vườn cam từng bước phát huy hiệu quả.

Nhớ lại những ngày đầu “vỡ đất”, ông Giáo chia sẻ: “Chúng tôi đã chở 620 xe bã mía, hàng nghìn xe rác hữu cơ về đây để tạo chất mùn, cải tạo đất để trồng cam. Trong quá trình sản xuất, mọi tiến bộ KHKT mới nhất về cây cam được cán bộ kỹ thuật nghiên cứu, áp dụng một cách phù hợp. Cùng với đó, việc chọn giống cam phù hợp cũng là một khâu quan trọng. Mới đầu, giống cam Vân Du được đưa vào trồng, cây phát triển tốt, phù hợp với chất đất. Sau đó, chúng tôi mạnh dạn đưa vào trồng diện rộng 15 ha giống cam Xã Đoài. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp thâm canh tổng hợp, cây cam sinh trưởng, phát triển tốt, từ 150 tấn cam mùa đầu tiên, hiện sản lượng cam tăng lên khoảng 500 tấn. Cam của trang trại được ưa chuộng, giá bán tại vườn lên tới 40 - 50 nghìn đồng/kg. Ngoài tiêu thụ ở Vinh, Hà Nội, sản phẩm còn xuất khẩu sang cả Thái Lan”.

Thu hoạch cam ở trang trại Thiên Sơn, xã Đồng Thành (Yên Thành - Nghệ An).

Còn tại huyện Quỳ Hợp, địa phương được biết đến là một trong những vùng nguyên liệu mía trọng điểm của tỉnh. Vài năm trở lại nay, công nghệ tưới nhỏ giọt được đưa vào đã tạo ra bước nhảy vọt về năng suất cây trồng. Anh Dương Đình Tấn ở Trại Lá - xã Nghĩa Xuân, là một trong những hộ đầu tiên áp dụng công nghệ này. Trong khi những diện tích mía không được tưới nước phát triển rất kém bởi điều kiện thời tiết nắng nóng, thì diện tích mía của gia đình anh vẫn phát triển tốt, thân cây to, hiệu quả sản xuất cao hơn hẳn. Nếu trước đây, năng suất mía chỉ đạt bình quân 55 - 60 tấn/ha, thậm chí nhiều năm gần như mất trắng do nắng hạn, thì từ khi đầu tư áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel 9 do Công ty cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh chuyển giao, mía của gia đình anh Tấn đạt trên 120 tấn/ha. Theo ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho mía đã đem lại hiệu quả rất cao, vừa giúp giảm lượng nước tưới so với dùng máy bơm, tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mà năng suất mía lại tăng gấp đôi.

Với những kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Nghệ An đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ khá sớm, trên tất cả các đối tượng cây trồng chủ yếu như mía, chè, cao su, lạc... Đặc biệt, tỉnh đã trình Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đại diện cho vùng Bắc Trung bộ tại Nghĩa Đàn, hiện tại đề án đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này có thể sớm được triển khai, bởi trên địa bàn đã có các mô hình đi vào hoạt động, như: Dự án chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH, Dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk.

Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, một số loại cây trồng khác cũng đã từng bước ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất giống chanh leo ở Quế Phong theo công nghệ của Đài Loan, nhiều mô hình sản xuất mía, chè, hay các giống lúa tiến bộ như lúa thảo dược của Công ty TNHH Vĩnh Hòa, VTNA2 của Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Hoặc như mô hình sản xuất lạc chất lượng cao tại Diễn Châu, Nghi Lộc... được ứng dụng biện pháp thâm canh tổng hợp với giống mới, phủ ni-lon, cho năng suất lên tới 5 tấn/ha, trong khi năng suất lạc bình thường chỉ đạt bình quân 2,4 tấn/ha... Đó là những tiền đề, cơ sở quan trọng để nông dân, các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành nên những vùng sản xuất nông nghiệp năng suất, chất lượng cao trong thời gian tới.

Trồng cây cao su ở huyện Thanh Chương. Ảnh: P.H

Một trong những thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất công nghiệp là trên địa bàn các huyện đã có những nhà máy, xí nghiệp chế biến chè, mía và sắp tới đây sẽ xây dựng nhà máy chế biến cao su... Cùng đó, có sự vào cuộc của các doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, tổng hợp để có những gói kỹ thuật công nghệ cao cụ thể cho từng loại cây trồng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Nghệ An. Ngành cũng đặt ra khả năng tăng cường phối hợp giải quyết đầu ra cho sản phẩm, bởi khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất ở diện rộng, sẽ có rất nhiều sản phẩm xuất ra thị trường.

Quá trình đó, các doanh nghiệp phải thực sự tham gia vào tất cả các khâu quan trọng như cung ứng đầu vào, đầu ra, tìm kiếm thị trường và các vấn đề khác để cùng nông dân sản xuất, tạo sản phẩm đạt giá trị cao. Để có thể thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, ngành Nông nghiệp đề xuất với tỉnh vận dụng và triển khai tốt các chính sách của Chính phủ, đặc biệt là Nghị định 20 về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về liên kết tạo cánh đồng mẫu lớn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có các chính sách đặc thù để hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến. Giải quyết tốt những giải pháp đó sẽ là “cú hích” để thu hút các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Phú Hương

Các tin mới:

16/12/2014
16/12/2014
16/12/2014
16/12/2014
16/12/2014
16/12/2014
16/12/2014
16/12/2014
16/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang