• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bà Rịa Vũng Tàu: Sinh vật ngoại lai xâm hại ruộng vườn

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 09/12/2014
Ngày cập nhật: 11/12/2014

Sự xuất hiện của những sinh vật ngoại lai xâm hại (SVNLXH) như ốc bươu vàng, cây mai dương… gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Mới đây, một số hộ dân còn ghép cây tiêu dại vào vườn tiêu bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng và các nhà khoa học.

Ốc bươu vàng - một loại sinh vật ngoại lai có sức gây hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Bùng phát nhanh

Theo phản ảnh của bà con nông dân tại xã An Nhứt (huyện Long Điền), khoảng 2 năm trở lại đây ốc bươu vàng xuất hiện nhiều trên ruộng lúa. Nhằm tránh thiệt hại nặng cho cây lúa nước, người dân dùng các biện pháp như rải thuốc, thu gom nhưng ốc bưu vàng vẫn sinh sản rất nhanh; thuốc hóa học không có tác dụng với trứng của ốc bươu vàng. Vào vụ lúa, nông dân phải bỏ thêm khoảng 2 triệu đồng/ha để mua thuốc trừ ốc và chi phí dặm lại lúa bị ốc phá. Theo lãnh đạo UBND xã An Nhứt, đến thời điểm này chưa có thuốc đặc trị ốc bươu vàng, nên đến vụ xuống giống bà con nông dân lại bị thiệt hại. Ở xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), cứ vào tháng 8 âm lịch hàng năm bà con nông dân lại phải đối mặt với sự phá hoại của ốc bươu vàng. Theo khảo sát của xã Phước Thuận, xã này có hơn 527ha trồng lúa, trong đó hàng năm có gần 50ha diện tích lúa bị thiệt hại do ốc bươu vàng.

Cùng với nạn ốc bươu vàng, khoảng 3 năm trở lại đây, cây mai dương đã xuất hiện và lan nhanh trên địa bàn tỉnh. Theo khảo sát của Sở NN-PTNT, loài cây này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng, phát triển của nhiều loài thực vật và động vật tự nhiên cũng như cây trồng của nông dân. Anh Trần Văn Cung, nông dân xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) cho hay, cây mai dương khi phát triển sẽ tạo thành một thảm bụi cây cao làm cho loài cây khác không phát triển được. Tình trạng phải bỏ ruộng, bỏ đất canh tác do cây mai dương ở những khu vực ven suối, hồ chứa nước đã xảy ra. Hiện tại, nhiều hồ cạn, mương nước, bờ suối ở gần khu vực hồ Đá Đen thuộc địa bàn các xã Nghĩa Thành, Suối Nghệ (huyện Châu Đức)đã bị cây mai dương phủ kín. Theo những hộ dân canh tác gần khu vực hồ Đá Đen, loài cây này phát triển rất nhanh và khó loại bỏ được. Nếu chặt gốc cây sẽ mọc lại, giải pháp duy nhất là phải đào tận gốc, phơi khô rồi đốt. Mặt khác, nơi loài cây mai dương phát triển thì các loại chim, bò sát và một số loại cây mọc tự nhiên giảm hắn…. “Cây mai dương không chỉ có ở khu vực nông thôn mà đã “tấn công” sang khu vực đô thị. Ở TP.Bà Rịa và TP.Vũng Tàu đều đã xuất hiện loại cây này tại khu vực mương thoát nước, bãi đất trống”, anh Chu Văn Thắng, chủ hộ nuôi tôm ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) cho biết.

Cây mai dương xuất hiện nhiều ở khu vực gần hồ Đá Đen, xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức).

Thời gian gần đây, nhiều bà con nông dân còn ghép cây tiêu dại vào vườn tiêu nhằm mục đích tăng sức đề kháng cho cây tiêu. Tại một số địa phương, việc sản xuất, kinh doanh và trồng cây tiêu ghép với gốc tiêu dại có nguồn gốc từ rừng Amazon ở Nam Mỹ đang có chiều hướng phát triển. Những người bán gốc tiêu dại đều thổi phồng “giá trị tiềm năng” của loại cây này để tiêu thụ. Tuy nhiên, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay các cơ quan khoa học chưa kiểm chứng được tác dụng của việc ghép cây tiêu dại và cây tiêu trồng. Vì vậy, Chi cục đã đề nghị Phòng NN-PTNT các huyện, chính quyền các xã thông tin rộng rãi để người dân biết, hạn chế tối đa việc mở rộng diện tích trồng tiêu ghép để tránh rủi ro về sau.

Xử lý SVNLXH trên diện rộng

Trước sự lây lan nhanh của SVNLXH, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế tác tại của SVNL. Cụ thể như, tổ chức phát dọn, diệt trừ cây mai dương, khuyến cáo bà con nông dân dùng biện pháp tháo cạn nước khi làm đất, trộn thuốc diệt ốc bưu vàng khi gieo lúa, tập trung rải thuốc ở những vùng trũng...

Khi xuống giống lúa, nông dân phải rải kèm hóa chất diệt ốc bươu vàng, khiến chi phí sản xuất tăng thêm.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, để phòng trừ cây mai dương đạt hiệu quả cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp: Nhổ tiêu hủy thường xuyên, với cây còn nhỏ có thể dùng cuốc để diệt hoặc nhổ tiêu hủy bằng tay. Với những cây đã lớn, dùng biện pháp cưa đốn và gom lại đốt tiêu hủy. Khi cây mọc tái sinh có chiều cao từ 20 - 25cm dùng thuốc cỏ phun diệt tận gốc. Với những bãi đất trống chưa có kế hoạch sản xuất nên trồng các loại cỏ hòa thảo có sinh khối lớn như cỏ voi, cỏ mía… để tạo thảm thực vật cạnh tranh và làm thức ăn cho gia súc. Về lâu dài, việc phòng trừ ốc bươu vàng, cây mai dương phải tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi nơi mà những sinh vật này xuất hiện, không để lây lan. Khu vực lòng hồ, mương thủy lợi, nơi có nguy cơ phát tán hạt mai dương lớn, hay ốc bươu vàng nảy nở thì Trung tâm Khai thác và quản lý các công trình thủy lợi phải phối hợp với địa phương làm sạch lòng hồ, mương thủy lợi.

Tại các khu vực ven bìa rừng, ngành kiểm lâm, Ban quản lý rừng và các chủ rừng phải phối hợp phòng trừ cây mai dương trong khu vực mình quản lý. Chủ các dự án chưa xây dựng công trình chủ động phòng trừ cây mai dương. Chính quyền địa phương các xã, phường chủ động huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên ra quân diệt trừ cây mai dương và ốc bươu vàng khi các khu vực công cộng, bờ đường… bị nhiễm.

Tại hội thảo “Giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững” do Sở KH-CN vừa tổ chức, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Trung tâm nghiên cứu đất - phân bón và môi trường phía Nam đã đưa ra khuyến cáo: Đến thời điểm này, các cơ quan khoa học chưa có bất cứ kết luận kiểm chứng khả năng kháng bệnh, năng suất của cây tiêu dại, nên chưa có thông tin đầy đủ và chính xác về vấn đề này. Vì vậy, người nông dân phải cẩn thận nếu không sẽ phải gánh hậu quả lớn.

QUANG ĐẠT

Các tin mới:

11/12/2014
11/12/2014
11/12/2014
11/12/2014
11/12/2014
11/12/2014
11/12/2014
11/12/2014
11/12/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang