• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân thời @

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 30/01/2014
Ngày cập nhật: 2/2/2014

Bảy năm trước, khi biết chuyện anh Nguyễn Văn Chính (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) học chưa hết lớp 5 lại mày mò chế tạo máy gặt đập liên hợp, một số người không mấy tin anh có thể thành công. Sau lần đem máy chạy thử nghiệm, máy cứ hư lên, hư xuống, phải mất đến 3 ngày mới cắt xong 3 công ruộng, thì mọi người càng nghi ngờ. Nhưng chỉ hơn một năm sau, anh Chính đã trình làng chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động hoàn hảo trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Bây giờ, anh Chính là ông chủ Xưởng cơ khí Tâm Phúc, với thu nhập hàng tỉ đồng/năm.

Trên địa bàn thành phố Cần Thơ có không ít nông dân bứt phá, vươn lên làm giàu với những sáng chế, cải tiến thành công như anh Chính.

Cạnh tranh với hàng ngoại

Đến xưởng cơ khí Tâm Phúc khi vụ lúa đông xuân bắt đầu trổ đòng đòng, từ xa, chúng tôi đã nghe vang tiếng búa, tiếng máy cắt sắt xoèn xoẹt. Trong xưởng, nhiều công nhân tất bật làm việc để hoàn thành các đơn đặt hàng vào cuối năm.

Xuất thân trong một gia đình có 3 đời làm nghề cơ khí, anh Nguyễn Văn Chính theo cha học nghề từ nhỏ. Sau hơn 8 năm học hỏi, dưới sự hướng dẫn, truyền đạt tận tình của cha, cộng với tính cần cù, ham học hỏi, anh Chính đã trở thành thợ chính khi mới 17 tuổi. Năm 1985, anh Chính đã chế tạo thành công thùng máy suốt lúa được nông dân ưa chuộng. Với sự đam mê và sáng tạo, anh Chính sản xuất thành công thùng máy suốt “2 trong 1” với hai chức năng suốt lúa và đậu phộng. Những ưu điểm vượt trội của máy suốt Tâm Phúc được nông dân các tỉnh ĐBSCL và một số nước láng giềng biết tiếng. Năm 2004, anh Chính đã ký hợp đồng bán 87 máy suốt sang Campuchia với giá 100 – 145 triệu đồng/máy”.

Anh Nguyễn Văn Chính bên chiếc máy gặt đập liên hợp Tâm Phúc. Ảnh: TT

Năm 2006, trong một lần gia đình anh thuê nhân công đến cắt lúa, nhân cao điểm lúa chín rộ, nhiều nơi cần thuê nên họ “bẻ chĩa” không cắt. Trước tình hình khó khăn về nhân công, anh Chính nảy ra ý tưởng sản xuất máy cắt lúa xếp dãy, chỉ tốn tiền thuê nhân công gom lúa. Anh tức tốc cùng với các thợ cơ khí trong xưởng tiến hành cải tiến chiếc máy xới tay thành máy cắt lúa xếp dãy. Chỉ trong 2 ngày, chiếc máy hoàn thành và đem ra ruộng cắt lúa… ngon lành.

Với kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm từ nghề cơ khí, cộng với sự sáng dạ, ham học hỏi và tình cảm dành cho bao nông dân tay lấm chân bùn, anh Chính lại mày mò nghiên cứu để cải tiến máy cắt lúa xếp dãy kết hợp với máy suốt lúa thành máy gặt đập liên hợp. Phải gần 2 năm mất ăn, mất ngủ, trầy trật làm đi, làm lại, đến đầu năm 2007, chiếc máy gặt đập liên hợp hoàn thành với những tính năng vượt trội. Máy chạy đến đâu, lúa được cắt sạch đến đó và lúa được suốt tuôn thẳng vào bao. Ông chủ xưởng cơ khí 45 tuổi, đầy đam mê sáng tạo này cho biết: “Từ năm 2007 đến nay, tôi đã bán trên 380 máy gặt đập liên hợp với giá từ 100-240 triệu đồng/máy”. Năm 2008, anh Nguyễn Văn Chính được UBND thành phố tặng bằng khen đã có thành tích tham gia cho công nghệ và thiết bị vùng ĐBSCL năm 2008, tại TP Cần Thơ.

Hiện nay, mỗi tháng, xưởng cơ khí Tâm Phúc sản xuất cung ứng ra thị trường từ 2 đến 4 máy gặt đập liên hợp. Ngoài quy trình cắt, đập, vô bao hoàn chỉnh, máy còn có những ưu điểm nổi bật, như: khi vận hành ít hao hụt, tiết kiệm nhiên liệu, độ bền cao, ít bị hư hỏng lặt vặt khi chạy trên đồng. Đặc biệt là lúa ngã đổ cỡ nào máy vẫn cắt được, nhờ bộ phận bốc lúa và cắt. Tuy có nhiều tính năng vượt trội, nhưng máy gặt đập liên hợp Tâm Phúc bán trên thị trường rẻ hơn một nửa so với giá các máy ngoại nhập nên bà con nhiều nơi tìm đến đặt hàng.

“Hai lúa” mê chế tạo máy

Sau hai năm mày mò, ông Cao Văn Tám đã cải tiến thành công máy vét bùn rãnh giữa ruộng lúa. Ảnh: TT

Đến ấp Đông Hiển, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, chúng tôi càng bất ngờ hơn khi biết ông Cao Văn Tám - người chế tạo ra chiếc máy vét bùn rãnh nước giữa ruộng lúa đoạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ VI năm 2010-2011, là một nông dân chưa học qua trường lớp nào, cũng không rành nghề cơ khí như anh Chính. Sau nhiều ngày mày mò, nghiên cứu, ông có sáng kiến tận dụng giàn máy xới tay, bằng cách loại bỏ toàn bộ hệ thống giàn xới phía sau hộp số, thay vào hệ thống ghế ngồi và ghép cố định hệ thống giàn khoan ở phía trước đầu động cơ. Máy được thiết kế nhằm phục vụ cho công việc vét bùn, giúp rãnh nước thông thoáng và thoát nước tốt.

Ý tưởng chế tạo máy vét bùn đã nhen nhóm trong đầu ông nhiều năm trước, khi ông gặp khó khăn trong việc tìm thuê nhân công nạo vét bùn. Từ năm 2008, ông Tám bắt tay nghiên cứu, chế tạo máy, nhưng với trình độ lớp 2 trường làng, không rành về cơ khí nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Ông Tám cho biết: “Nhiều đêm tôi thức trắng để suy nghĩ, thiết kế lại giàn máy xới tay. Cứ trời vừa sáng là tôi lấy giấy viết vẽ ra những ý tưởng thiết kế từng bộ phận sao cho phù hợp với động cơ. Sau đó, tháo từng con ốc, các bộ phận máy để thiết kế, làm giàn khoan…”. Hơn một năm ròng rã, người nông dân 52 tuổi này đã chế tạo thành công chiếc máy vét bùn rãnh nước giữa ruộng lúa, được cải tiến từ giàn máy xới tay chạy bằng đầu máy Honda. Tuy nhiên, trong thực tiễn, đầu máy Honda chạy yếu nên chỉ chạy 100m tới/ giờ. Không bằng lòng với kết quả đó, ông Tám lại tiếp tục những đêm mất ngủ và hàng trăm lần tháo ra, ráp vào, chỉnh sửa và thay đổi động cơ. Cuối cùng, bao công sức ông bỏ ra cũng được đền đáp xứng đáng: Chiếc máy vét bùn rãnh nước giữa ruộng lúa chuyên dùng, chạy bằng đầu máy dầu ra đời.

Chiếc máy vét bùn của ông Tám vét rãnh đường nước rộng 2,5 tấc, sâu 3 tấc. Tùy theo từng loại đất mà máy có thể hoạt động với công suất từ 400m đến 600m tới/1 giờ/1 lít dầu, hiệu quả cao gấp 10 lần so với lao động thủ công. Ông Tám phấn khởi cho biết: “Hơn 3 năm nay, tôi sử dụng máy này để chạy gia công cho bà con với giá 1.000 đồng/1m tới, thu nhập trung bình từ 50 - 70 triệu đồng/năm”. Ưu điểm của máy này là tiết kiệm nhiên liệu, chi phí rẻ, đồng thời đường nước sau khi nạo vét đều, sâu và đẹp hơn so với vét bằng tay nên được nhiều nông dân chấp nhận.

Để có điều kiện sáng chế, ông Tám tự trang bị cho mình máy hàn, máy cưa, máy mài để tự làm giàn khoan đất tại nhà. Tính đến cuối năm 2013, ông Tám đã bán được 24 máy vét bùn cho bà con ở các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long… với giá từ 25 đến 30 triệu đồng/ máy.

“Kỹ sư” không bằng cấp

Chúng tôi đến ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai tìm ông Lê Văn Út- người có sáng kiến cải tiến đầu bơm nước lên đồng ruộng thành đầu bơm hút bùn với hai cánh quạt hình bán nguyệt giúp nạo vét bùn dưới kênh rạch, ao mương, đồng ruộng… Sáng kiến này đã đạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ VI năm 2010-2011.

Bây giờ, cơ sở sản xuất nông cụ Lê Trung do ông Lê Văn Út làm chủ được nhiều người biết tiếng. Vào vụ lúa đông xuân, cơ sở này càng đông khách. Chủ cơ sở trạc 50 tuổi, dáng người chắc khỏe, gương mặt sạm nắng, đang hì hục hàn đầu máy bơm nước cho khách. Căn nhà của ông Út rộng rãi, nội thất tiện nghi khiến nhiều nông dân vùng quê phải ao ước. Đó là kết quả mấy mươi năm cần cù lao động, chắt chiu của cả gia đình. Mồ côi mẹ từ nhỏ, ông Út phải sống nương nhờ vào hai người cô nên không có điều kiện học hành. Năm 11 tuổi, ông Út phải đi học nghề thợ hàn, làm thuê, làm mướn để sinh sống. Đến khi lập gia đình, trở thành cha của 4 đứa con, ông càng thấu hiểu nỗi khổ tâm của cha mẹ trong cảnh túng thiếu để nuôi con ăn học. Gia đình nghèo, không có ruộng đất, hai vợ chồng phải làm nhiều nghề, như: giăng câu, thả lưới, cắt lúa mướn… Đến năm 1980, vợ chồng ông dành dụm tiền mua được chiếc ghe và đưa cả gia đình lên ghe sống bằng nghề hàn thùng, mài dao, mài kéo… Sau 2 năm ngược xuôi trên sông nước, ông Út đến chợ Bà Đầm (xã Trường Xuân) xin ở nhờ trên đất người thân. Ông mở tiệm hàn thùng, sửa chữa máy nổ và sản xuất nông cụ... tạm kiếm sống qua ngày. Năm 2011, cơ duyên đưa ông Út đến với Hội thi sáng tạo kỹ thuật tại TP Cần Thơ là nhờ sự giới thiệu của người bạn. Ông Út bộc bạch: “Mình làm nghề hàn thùng, sửa chữa máy nổ trên 20 năm nhưng nào giờ có biết Hội thi sáng tạo kỹ thuật là thế nào. Sau hai đêm suy nghĩ, tôi quyết định tham gia để mở rộng tầm nhìn...”.

Ông Lê Văn Út đã mày mò, cải tiến thành công đầu bơm hút bùn. Ảnh: TT

Thật bất ngờ, khi xem xét chiếc máy của ông, nhiều giám khảo tỏ ra thích thú với đầu bơm hút bùn độc đáo này. Theo ông Út, đầu bơm hút bùn được lắp đặt ở phần đuôi tôm của máy Honda hay máy dầu là vận hành. Công suất hoạt động có thể đạt 20 m3/giờ nhưng chỉ tốn khoảng một lít dầu, hiệu quả gấp 5 lần so với lao động thủ công. Công dụng của đầu bơm này là dùng để hút bùn đường nước giữa ruộng lúa; sửa đất gò trên ruộng lúa và hút bùn non cải tạo mặt vườn… “Nghe tôi giải thích, có giám khảo nhận xét: Đúng là chiếc đầu bơm hút bùn này nhỏ nhưng hiệu quả không nhỏ tí nào…” - Ông Út cho biết. Đến nay, sản phẩm đầu bơm hút bùn của ông Út đã có mặt ở các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp… với giá dao động từ 300-700 ngàn đồng/sản phẩm. Hàng tháng, cơ sở ông Út sản xuất trên 100 đầu bơm hút bùn và các nông cụ khác.

Theo ông Nguyễn Sơn Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, những năm gần đây, không ít nông dân đã có những sáng chế, sáng kiến không thua kém các nhà khoa học. Nhiều sáng kiến của nông dân được các nhà nông ứng dụng và mang lại hiệu quả cao.

Thanh Thư

Các tin mới:

2/2/2014
2/2/2014
2/2/2014
2/2/2014
2/2/2014
2/2/2014
2/2/2014
2/2/2014
2/2/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang