• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hải Phòng: Thanh niên nông thôn "khát" vốn làm trang trại

Nguồn tin:  Báo Hải Phòng, 26/11/2014
Ngày cập nhật: 28/11/2014

Phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế, nhiều thanh niên nông thôn mạnh dạn đầu tư xây dựng trạng trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song khó khăn hiện nay của họ trong quá trình lập nghiệp chính là chưa tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.

Tự lực là chính

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh Vũ Văn Tăng, 36 tuổi, ở thôn Lang Thượng, xã Mỹ Đức (An Lão, Hải Phòng) chọn mô hình phát triển kinh tế trang trại để khởi nghiệp. Ban đầu để lập trang trại, anh Tăng phải đầu tư xây dựng nhiều hạng mục như: đào đất đắp bờ vùng, hút bùn, làm đường, làm ngõ, lắp đường điện…khiến anh luôn trăn trở làm cách nào để thực hiện được chỉ với hai bàn tay trắng.

Anh Vũ Văn Tăng cho biết: “Lúc đầu, hai vợ chồng tôi mất nhiều thời gian, công sức để “biến” vùng đất trũng cấy lúa năng suất thấp thành trang trại tổng hợp. Trên diện tích hơn 2,1 ha đấu thầu của xã, tôi xây dựng chuồng trại nuôi lợn, nuôi gà, đào ao thả cả thịt, cá giống. Do vốn hạn hẹp nên tôi đầu tư ít, tránh dàn trải. Lợn, gà, cá nuôi đến đâu được bán hết, thu được lợi nhuận, tôi lại tiếp tục đầu tư. Cứ như vậy, trong vài năm, gia đình tôi vừa phát triển vừa mở rộng mô hình trang trại”. Theo anh Tăng, thời gian tới, anh cần khoảng 200 triệu đồng để mở rộng đầu tư nuôi cá cảnh tuy nhiên anh đang khó tìm nguồn vốn vay.

Anh Nguyễn Đức Chuyển, 26 tuổi, ở thôn 7, xã Cao Minh là một trong những thanh niên mạnh dạn đi đầu trong phát triển trang trại sản xuất cá giống trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo. Theo Chuyển, vốn đầu tư sản xuất cá giống cần vốn lớn. Trong khi đó, nhiều lần anh tới ngân hàng vay vốn nhưng không được chấp thuận. Vì vậy, để phát triển trang trại, anh Chuyển vay vốn người thân, bạn bè, thuê 1,2 ha đất của xã Cao Minh để xây dựng trang trại tổng hợp. Trên diện tích đất thuê, anh Chuyển đào 5 ao lớn nuôi thả cá, mỗi ao diện tích 1.440 m2, trong đó có 4 ao nuôi thả cá mẹ và 1 ao thả cá mồi. Diện tích còn lại anh xây dựng chuồng trại nuôi lợn và nuôi vịt đẻ. Sau hơn thời gian ngắn hoạt động, mô hình trang trại của anh Chuyển đem lại lợi nhuận cao, mỗi năm, trừ các khoản chi phí, anh thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ anh Tăng, anh Chuyển, nhiều thanh niên nông thôn trên địa bàn thành phố cũng gặp tình trạng “khát” vốn khi bắt tay vào phát triển kinh tế trang trại. Hoặc nhiều thanh niên tạo dựng được cơ ngơi khá nhưng thiếu vốn để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất. Trước khó khăn về vốn, hầu hết thanh niên thực hiện phương án khả năng có tới đâu làm tới đó, song hiệu quả thu được chưa được như mong muốn.

Ưu tiên vốn cho thanh niên làm trang trại

Theo nguyện vọng anh Vũ Văn Tăng, Nguyễn Đức Chuyển đều cần từ 200 - 500 triệu đồng vốn lưu động để mở rộng sản xuất. Trong khi đó, với một gia đình làm nông nghiệp thuần túy như gia đình các anh việc vay vốn luôn gặp khó. Đi vay ngân hàng theo phương thức thế chấp sổ đỏ cao nhất cũng chỉ được 50 triệu đồng. Anh Tăng cho biết: “Với 50 triệu đồng đầu tư vào trang trại lúc này chỉ như muối bỏ bể. Hơn nữa, để vay được 50 triệu đồng từ phía ngân hàng không phải dễ dàng bởi thủ tục vay vốn rườm rà, mất nhiều thời gian”. Như vậy, để thanh niên tiếp cận được nguồn vốn vay, thủ tục vay vốn cần đơn giản hơn và có hướng dẫn cụ thể về quy trình vay vốn; nếu không đáp ứng hoàn toàn nhu cầu về vốn của thanh niên, cũng nên đáp ứng từ 50 - 70% nhu cầu vốn để thanh niên không thấy “nản” khi làm thủ tục vay vốn tại các ngân hàng.

Hiện, vùng ngoại thành Hải Phòng có hàng trăm thanh niên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, nhất là kinh tế trang trại, song nguồn vốn không đáp ứng được yêu cầu. Khó khăn là do nguồn vốn vay có hạn, việc xác định tiêu chí chủ hộ là đoàn viên, thanh niên chưa rõ ràng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ước mơ phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn chưa thành hiện thực.

Được biết, con đường tiếp cận đến các nguồn vốn của các thanh niên nông thôn chủ yếu vẫn là thông qua các tổ chức đoàn thể, điển hình như: Vay tín chấp từ cơ sở đoàn, nhờ người khác đứng tên vay từ các Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… hoặc thông qua hình thức vay tín chấp từ ngân hàng. Tuy nhiên, thông qua các kênh vay vốn này, mỗi người cũng chỉ được vay vài triệu đồng, hoặc nhiều nhất cũng chỉ được vay vài ba chục triệu đồng. Còn nếu muốn vay vốn từ bên ngoài thì lại chưa đủ uy tín và sức thuyết phục. Để động viên những thanh niên nông thôn dám nghĩ dám làm phát triển kinh tế trang trại, thành phố cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay.

Lã Tiến

Các tin mới:

28/11/2014
28/11/2014
28/11/2014
28/11/2014
28/11/2014
28/11/2014
28/11/2014
28/11/2014
28/11/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang