• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở An Giang

Nguồn tin:  Nhân Dân, 24/11/2014
Ngày cập nhật: 26/11/2014

Mô hình ươm cây giống rau màu trong nhà lưới của nông dân Nguyễn Văn Thức tại Khánh An (An Phú, An Giang).

Hai năm xây dựng mô hình, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã giúp bà con nông dân tỉnh An Giang nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm và hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

Kết quả đáng mừng

Năm 2012, Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy An Giang về phát triển nông nghiệp công nghệ cao được chính thức triển khai thực hiện, đã mở ra hướng đi bền vững hơn cho việc sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, giải phóng sức lao động và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Ðồng chí Trần Văn Ðông, Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết: "Nhiều đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật được đưa vào ứng dụng, đạt hiệu quả cao như: Lai tạo và tuyển chọn giống lúa thơm Bảy Núi chất lượng cao, Mô hình luân canh lúa - màu - lúa; Cánh đồng mẫu lớn công nghệ cao tại Thoại Sơn; Vườn ươm cây rau giống theo hướng công nghệ cao của huyện An Phú; dự án Tôm toàn đực của I-xra-en, trồng cây dược liệu vùng Bảy núi...

Thăm mô hình vườn ươm cây giống rau công nghệ cao của nông dân Nguyễn Văn Thức, xã Khánh An, An Phú (An Giang), ông cho biết: "Hơn 38 năm theo nghề trồng rau màu, nhưng hai năm qua, từ khi chính thức triển khai mô hình vườn ươm cây giống công nghệ cao trong nhà lưới, tưới nước công nghệ na-no đã cho hiệu quả kinh tế rất lớn. Tỷ lệ cây giống lên mầm đạt đến 100%, bán cho bà con trồng, tỷ lệ sống đạt đến 90% so với kỹ thuật truyền thống là 50%. Nhiều nông dân đã đến tham quan và triển khai cách làm vườn ươm ở đây, đem lại hiệu quả cao". Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An Nguyễn Văn Lợi chia sẻ: "Khánh An là xã chuyên trồng rau màu xuất khẩu sang Cam-pu-chia, cho nên việc ứng dụng mô hình trồng cây trong nhà lưới, vừa tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, vừa cho rau sạch, vừa an toàn, sẽ là hướng đi tốt nhất mà xã quyết tâm triển khai đại trà trong những năm tiếp theo".

Tại huyện miền núi Tri Tôn, Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Sương cho biết: Tri Tôn có thế mạnh là vùng đồng cỏ lớn, bà con theo nghề chăn nuôi bò nhiều thế hệ, cho nên việc phát triển đàn bò theo quy mô trang trại với những vùng chuyên canh trồng cỏ nuôi bò. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, huyện đã thu hút được các doanh nghiệp tham gia thành lập năm trang trại bò quy mô lớn, gồm: Trại bò Nông Trại Xanh (xã Lương An Trà), SD (Vĩnh Gia), Hai Ðức (Tân Tuyến), Khiết Thành (Lương An Trà), trại bò xã Tà Ðảnh. Mỗi trang trại có khả năng phát triển từ 500 đến 1.000 con. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Ðỗ Minh Trí cho hay, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương, Tri Tôn đã triển khai bảy quy hoạch cụ thể. Theo đó, cùng với cây lúa là nền tảng, huyện đã liên kết với Công ty cổ phần Dược Hậu Giang xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu ở ấp Tà Dung (xã Lương Phi) và phát triển cây dược liệu với diện tích 20 ha/năm, chủ yếu là rau tần dày lá. Ðối với sản xuất rau màu an toàn theo hướng công nghệ cao, huyện đã trồng được gần 114,7 ha mè đen giống mới trong vụ đông xuân và hè thu năm nay, thay thế những vùng trồng lúa kém hiệu quả.

Nuôi tôm toàn đực sử dụng công nghệ cao tại xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú, An Giang).

Tại vùng chuyên canh lúa nếp Phú Tân, Chủ nhiệm HTX Phú Thượng (xã Phú Thành) Lê Văn Tài chia sẻ: Canh tác công nghệ cao nghe tưởng xa vời nhưng thực tế là thay đổi cách suy nghĩ, giảm phân thuốc, canh tác giống chất lượng, sử dụng các máy móc hiện đại vào sản xuất, như san phẳng mặt ruộng bằng tia la-de, sạ hàng, gặt đập liên hơp... và thành quả cuối cùng là nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp làm ra. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Trụ (Trường đại học Cần Thơ) cho biết: "Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là hướng đi quan trọng nhất trong định hướng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Do vậy, khi bà con trồng lúa nếp ứng dụng canh tác lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính thành công đã mở hướng nhân rộng mô hình thành biện pháp canh tác đại trà bên cạnh những ứng dụng khoa học khác vào đồng ruộng". Tất cả những cách làm, mô hình nêu trên đã từng bước tạo nền tảng cho việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đại trà ở An Giang.

Hướng đi bền vững

Ðịnh hướng về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở An Giang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Phan Văn Sáu nhấn mạnh, các cấp, các ngành và địa phương quán triệt sâu sắc Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy để cơ cấu lại nền nông nghiệp của tỉnh gắn với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xem đây là con đường tất yếu đưa nông nghiệp An Giang phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân. Minh chứng cho quyết tâm đó, UBND tỉnh quyết định đầu tư 300 tỷ đồng đến năm 2015, với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành và phát triển các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp kết hợp xây dựng, hình thành chuỗi giá trị sản xuất tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm. Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang Ðinh Thị Việt Huỳnh, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2015, tỉnh An Giang hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 3.000 ha. Trong đó, tập trung sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, truy nguyên nguồn gốc và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường tiêu thụ. Các vùng sản xuất cụ thể gồm: Sản xuất lúa giống định hướng xã hội hóa giống lúa cộng đồng; sản xuất lúa chất lượng cao gắn kết phát triển cánh đồng lớn; sản xuất các loại nấm bào ngư, linh chi, các loại nấm ăn khác và nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao; sản xuất rau an toàn; sản xuất cá tra chất lượng cao...

Bên cạnh những định hướng chung của tỉnh, từng địa phương có cách thực hiện riêng nhằm tận dụng và phát huy lợi thế của mình. Ðồng chí Phan Văn Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết thêm: Những thế mạnh mà huyện Tri Tôn có trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được địa phương xây dựng bằng những bước đi cụ thể. Tuy nhiên, đó là kết quả ban đầu và cần đánh giá, nhân rộng. Song song đó, huyện cũng khẩn trương xây dựng mô hình khu khảo nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 15,5 ha liên kết các doanh nghiệp cùng tham gia vào khu khảo nghiệm, từng bước mở rộng mô hình theo hướng hiệu quả, thiết thực, mang lại lợi ích cho nông dân.

Bên cạnh đó, An Giang cũng hết sức chú trọng vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, ưu tiên hợp tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyển giao công nghệ về các kỹ thuật, công nghệ cao, về quản lý sản xuất hiệu quả trong các lĩnh vực có liên quan, phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Tháng 8 vừa qua, lần đầu có 20 sinh viên của Trường đại học An Giang, tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp được tham gia Chương trình tu nghiệp sinh tại I-xra-en. Số tu nghiệp sinh này sẽ được hỗ trợ về lý thuyết và thực hành tại Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao của I-xra-en và các trang trại, giúp nâng cao kiến thức đã học về nông nghiệp và hướng đến áp dụng vào thực tiễn sản xuất ở địa phương khi về nước, góp sức hoàn thành nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh An Giang.

BẢO TRỊ

Các tin mới:

26/11/2014
26/11/2014
26/11/2014
26/11/2014
26/11/2014
26/11/2014
26/11/2014
26/11/2014
26/11/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang