• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Xa rồi những chiếc xe trâu

Nguồn tin:  Báo An Giang, 21/11/2014
Ngày cập nhật: 23/11/2014

Ngày nay, khi các cánh đồng vào mùa, hầu hết các công đoạn thu hoạch đều được cơ giới hóa: Những chiếc máy gặt đập liên hợp dần thay những chiếc máy suốt lúa, những chiếc xe kéo lúa băng băng rẽ lối trên đồng thế chỗ cho những chiếc xe trâu thong thả ngày nào.

Xe trâu ngày ấy

Những ngày này, về lại vùng quê, nơi có những mảnh ruộng bao la, bát ngát rất dễ bắt gặp hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt, báo hiệu mùa thu hoạch bắt đầu. Nhớ ngày trước, mỗi khi bước vào vụ lúa, âm thanh lộc cộc của những chiếc xe trâu mộc mạc cứ đều đều vang lên trên những nẻo đường quê nhưng nay đã dần lùi vào quá khứ.

Nhớ về cái thời hoàng kim của những chiếc xe trâu, ông Lê Văn Tâm (xã Phú Bình, Phú Tân, An Giang) kể: “Hồi đó, đời sống người dân còn khó khăn, máy móc đâu có thịnh hành và nhiều như bây giờ. Mọi hoạt động sản xuất đa phần dùng sức người và sức trâu, bò. Đường xá hồi xưa cũng chưa được rải đá, láng nhựa, bê tông. Mọi nẻo đường đều gồ ghề, đầy những “ổ gà”, “ổ voi”, có những đoạn khá hơn thì cũng toàn đá cục lởm chởm. Cứ đến mùa vụ là những con trâu hoạt động suốt từ ruộng nọ sang ruộng kia. Ngày đó, ai có nuôi khoảng hai, ba con trâu để kéo lúa thuê thì có cuộc sống khá khỏe”.

Xe trâu ngày trước được xem là phương tiện quan trọng trong nông nghiệp và vô cùng cần thiết đối với nông dân. Những buổi chiều, khi mặt trời sắp khuất sau rặng tre, những chiếc xe trâu nối đuôi nhau đi dọc trên bờ đê để trở về nhà sau một ngày miệt mài trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Phía trước, người cầm lái xe trâu thong thả. Còn phía sau xe là những người nông dân quá giang về nhà với nón lá, lưỡi liềm, lưỡi hái ngồi đủng đỉnh.

Cơ giới hóa

Ngày nay, thay cho những tiếng lanh canh, lách cách của những chiếc xe trâu và những vết chân trâu in dấu trên những thửa ruộng là những chiếc xe máy kéo xình xịch lăn bánh trên các cánh đồng. Những chiếc máy suốt lúa phun ra những gốc rạ thành những vồng cung nhìn vui mắt giờ cũng không còn phổ biến. Thay vào đó là những chiếc máy gặt đập băng băng thẳng lối trên từng thước ruộng.

“Bây giờ, chỉ những vùng đất thấp trũng, xe kéo, máy móc đi lại khó khăn thì người ta mới cần đến xe trâu kéo lúa. Nhưng những vùng này giờ cũng không nhiều. Vì thế, những người nông dân làm nghề vận chuyển lúa bằng xe trâu cũng dần chuyển sang công việc khác. Nếu ngày trước, mỗi con trâu kéo trung bình mỗi vụ từ 10 đến 20 héc - ta lúa, giá kéo từ 100 đến 150 ngàn/công, thì giờ đây, chủ lúa tìm đến xe trâu chỉ đếm trên đầu ngón tay, kẹt cảnh lắm người ta mới cần đến” - ông Nguyễn Văn Út (xã Hòa Lạc, Phú Tân) chia sẻ.

Một số hộ nông dân thuộc xã Tân An (Tân Châu) thì cho biết, những hộ dân nuôi trâu để lấy sức kéo ngày trước, nay cũng đã chuyển sang nuôi trâu cho đẻ con để bán. Chỉ một số ít hộ tận dụng thời gian rảnh, nếu ai thuê thì mang trâu đi kéo kiếm thêm chút ít, chứ cũng chẳng thể sống nhờ vào nghề này nữa.

Xã hội ngày càng phát triển, cơ giới hóa nông nghiệp giúp giải phóng sức lao động của con người, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, hiện đại hóa khiến cuộc sống lao động thôn quê cũng ngày càng tất bật hối hả hơn. Những nét rộn rã của ngày mùa cũng không còn thanh bình và đầm ấm như xưa.

Đi trên những cánh đồng quê hôm nay, có những con đường mới, những tuyến giao thông nội đồng phẳng phiu lại gợi nhớ về tiếng lạch cạch của những chuyến xe trâu thuở nào. Đó là một hình ảnh chân quê mộc mạc đã từng gắn với người dân nông thôn qua bao đời, dù nay đã lùi vào quá khứ nhưng vẫn không thể nào quên.

MỸ LINH

Các tin mới:

23/11/2014
23/11/2014
23/11/2014
23/11/2014
23/11/2014
23/11/2014
23/11/2014
23/11/2014
23/11/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang