• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thái Bình: Loay hoay tìm đầu ra cho nông sản

Nguồn tin:  Báo Thái Bình, 13/11/2014
Ngày cập nhật: 15/11/2014

Những năm gần đây, nhờ đổi mới cơ chế quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên sản lượng nông sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt khá lớn và phong phú về chủng loại. Song, đi liền với niềm vui ấy là nỗi lo về đầu ra. Trong khi một số địa phương đã làm rất tốt việc liên kết tiêu thụ nông sản thì cũng còn không ít địa phương hiện vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho thành quả lao động của bà con nông dân.

Một điểm thu mua nông sản tại xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ - Thái Bình). Ảnh: BẢO MINH

Xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) là địa phương có truyền thống canh tác rau màu từ nhiều năm nay với chủng loại đa dạng như: cần tây, tỏi tây, ớt, bí xanh… Để bảo đảm ổn định sản xuất, nhiều hộ dân ở thôn An Phú đã tự đứng ra thành lập các cơ sở thu mua, vận chuyển nông sản. Đến nay, các cơ sở thu mua của thôn An Phú đã trở thành một mắt xích quan trọng trong khâu tiêu thụ và cung ứng nông sản từ xã Quỳnh Hải cho các chợ đầu mối của các địa phương lân cận, thậm chí còn vươn ra các thị trường lớn hơn như: chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định… Ông Vũ Văn Chiến, chủ đại lý thu mua nông sản Chiến Tươi cho biết: Các đại lý thu mua rau quả tại thôn An Phú đã có từ lâu, mỗi đại lý chuyên tiêu thụ và cung ứng những sản phẩm khác nhau giúp nông sản của bà con nông dân làm ra được tiêu thụ hết, người dân không phải lo lắng về đầu ra. Thông qua đó còn giảm được chi phí bảo quản và vận chuyển nông sản sau mỗi vụ thu hoạch. Chị Bùi Thị Ngãi, chủ đại lý thu mua nông sản Đấu Ngãi chia sẻ: Nhờ có các đại lý thu mua ngay tại địa phương nên phong trào trồng rau màu, đặc biệt là cây vụ đông phát triển rất mạnh, qua đó đời sống của nhiều hộ nông dân được nâng lên. Để hoạt động hiệu quả, nhiều đại lý thu mua nông sản đầu tư trang bị cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển. Hiện nay, thôn An Phú có gần 80 ô tô vận tải của các đại lý phục vụ cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản.

Cũng như Quỳnh Hải, xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) từ lâu được biết đến là vùng chuyên canh rau màu cung cấp cho địa bàn Thành phố và các vùng lân cận. Song theo ông Lê Thanh Nghị, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) xã Vũ Phúc, khâu khó nhất trong phát triển nông nghiệp ở địa phương hiện nay vẫn là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của bà con nông dân. Nhiều năm trở lại đây, rau Vũ Phúc được nhiều người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ mạnh nhưng chủ yếu theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, thiếu chủ động. Phần lớn các hộ trồng rau ở đây tự liên kết với tư thương tìm đầu ra cho sản phẩm, do đó không tránh khỏi bị tư thương ép giá, giảm lợi nhuận.

Thời gian qua, huyện Vũ Thư đã quy hoạch, đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất đem lại năng suất, chất lượng cao cho người nuôi, trồng. Nhờ vậy, năng suất và sản phẩm nông sản của địa phương ngày càng cao, đa dạng, phong phú. Thế nhưng, thực tế cho thấy nhiều địa phương trong huyện và nông dân tại đây vẫn e ngại, chưa yên tâm mở rộng sản xuất bởi họ vẫn là những người bị động với thị trường và chịu nhiều thiệt thòi trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Còn tại xã Điệp Nông (Hưng Hà), mặc dù đã được Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm song đến khi thu hoạch nông dân địa phương lại phá vỡ hợp đồng, tự ý bán cho tư thương vì được trả giá cao hơn so với hợp đồng. Theo ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Điệp Nông, việc làm đó đã làm mất uy tín và khiến doanh nghiệp e ngại tiếp tục đầu tư. Điều này cho thấy nhận thức và trách nhiệm của người nông dân trong việc tìm đầu ra cho nông sản là hết sức quan trọng.

Tập trung đầu tư sản xuất rồi lại lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm đã trở thành một vòng luẩn quẩn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Bài toán tiêu thụ nông sản bấy lâu chưa giải được có những nguyên nhân chủ yếu như: quy hoạch vùng sản xuất còn thiếu tính ổn định; nông dân thường làm theo phong trào, sản xuất mang tính tự phát, chạy theo nhu cầu tức thời của thị trường; nhiều địa phương chưa tìm được sản phẩm nông nghiệp phù hợp để quy hoạch, bên cạnh đó cơ chế, chính sách và hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất còn hạn chế. Một nguyên nhân nữa, đó là việc liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp chưa được đồng bộ. Câu chuyện phá vỡ hợp đồng của nông dân Điệp Nông là một ví dụ cho thấy vì sao các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế. Câu chuyện cũng đưa ra thêm một vấn đề, đó là chính người nông dân cần phải tạo được niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư. Mà nền tảng của việc xây dựng niềm tin lại phụ thuộc rất nhiều vào công tác định hướng, tuyên truyền của chính quyền địa phương để thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của người nông dân như lời chia sẻ của ông Đặng Văn Đằng, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ).

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân trong tiêu thụ sản phẩm, vấn đề hàng đầu là cần phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Do vậy, việc tăng cường xúc tiến thương mại, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cần được quan tâm, chú trọng. Cần xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đồng thời phát triển các sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, có lợi thế cạnh tranh. Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp cụ thể, cam kết và tìm đầu ra giúp nông dân. Đối với bà con nông dân, muốn sản xuất hàng hóa thì phải kết hợp lại để có thể sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đúng thời điểm và giá phải cạnh tranh. Việc xác định mặt hàng nào cần sản xuất phải được điều tra, nghiên cứu thị trường một cách khoa học, không thể thấy láng giềng bán được rồi mình cũng ồ ạt sản xuất theo. Chính quyền các địa phương và người nông dân cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao mức sống cho nông dân và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng bền vững.

Mai Thư - Trịnh Cường

Các tin mới:

15/11/2014
15/11/2014
15/11/2014
15/11/2014
15/11/2014
15/11/2014
15/11/2014
15/11/2014
15/11/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang