• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

GS-TS Võ Tòng Xuân: Phải tạo được chuỗi giá trị

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng, 04/11/2014
Ngày cập nhật: 5/11/2014

Sau loạt bài “Giúp nông dân làm giàu” trên Báo SGGP (từ ngày 22 đến 24-10), GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, cách làm của TPHCM là rất hay, đã huy động nguồn vốn trong dân đầu tư để chuyển đất lúa sang cây con có giá trị cao hơn, qua đó giúp tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân tại chỗ. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi này hoàn thiện hơn, cần có thêm giải pháp đồng bộ.

Khu nuôi tôm công nghiệp và chế biến ở vùng Kalimantan, Indonesia.

Đi vào chiều sâu

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, đúng là dòng nước kênh Đông đã thay đổi hẳn bộ mặt huyện Củ Chi, nhưng nguồn tài nguyên này còn có thể khai thác hiệu quả và bền vững hơn nữa. Việc nuôi cá trê, cá sặt rằn hay cá thát lát chỉ mới số ít, nhưng đầu ra sẽ ra sao, có bị sụt giá khi nhiều người nuôi tự phát, tự bán cho thương lái. Nhà nước chủ động tổ chức lại, bên cạnh phổ biến quy trình, tiến bộ kỹ thuật, có thể hình thành cụm công nghiệp thủy sản. Nơi đây là đầu ra cho con cá và có doanh nghiệp (DN) chế biến thành chả cá… bán trong nước hoặc siêu thị người Việt Nam ở Canada, Mỹ, châu Âu… Tôi có người quen làm chủ chuỗi siêu thị ở Pháp, Anh (Luân Đôn), họ về Việt Nam kiếm nhiều món hàng đặc trưng để bán nhưng không có nhiều. Nếu chúng ta làm được như vậy, người nông dân tại khu vực này sẽ có đầu ra ổn định, nhiều người cùng khá giả hơn.

Trồng lan cắt cành cung cấp ngay tại chỗ thay cho nhập khẩu là đúng và phù hợp với nông nghiệp đô thị. Nên chăng, ngoài hỗ trợ lãi vay cá thể, còn có thêm biện pháp khuyến khích các hộ này liên kết lại như nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã… Bởi khi lượng hàng hóa nhiều lên, chắc chắn giá hoa sẽ giảm nếu trông chờ vào thương lái. Việc liên kết sẽ giải quyết tình trạng này một khi trồng với quy mô lớn. Nhà nước nên có sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng cho việc này, qua đó tạo được công ăn việc làm cho hàng ngàn người, cuộc sống mỗi gia đình nông dân sẽ ổn định và khấm khá hơn nữa.

Với con bò sữa, nhờ ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Vinamilk, FrieslandCampina… người dân khá giả thấy rõ. Cùng với việc chuyển đất lúa để nuôi bò, còn nên mở rộng diện tích trồng cỏ, nhờ đó giá trị trên cùng một diện tích đất tăng lên gấp nhiều lần so với cây lúa. Nhưng như xã Tân Thạnh Đông huyện Củ Chi, khi nhà nhà cùng nuôi bò dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, do đó cần tạo điều kiện để người dân xây hầm biogas, sử dụng năng lượng này cho gia đình, giảm bớt chi phí đầu vào chăn nuôi. Các tổ, HTX có thể lập cơ sở thu gom để sản xuất phân trùn. Lấy phân bò mỗi ngày cho trùn ăn, giúp giảm dần ô nhiễm một cách căn cơ, trong lúc phân trùn rất tốt cho cây trồng. Tôi biết một công ty của Mỹ xuất khẩu phân trùn sang Việt Nam, bón cây gì cũng tốt.

Một nguồn thu khác, các gia đình nuôi bò sữa, nếu sinh ra bê cái là “trúng số” thì việc sinh ra bê đực, thay vì bán làm bê thui có thể nuôi làm bò thịt. Muốn làm việc này, ngành khuyến nông và DN cùng vào cuộc, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua bê đực về nuôi cung cấp ra thị trường thay vì nhập khẩu ngày càng nhiều bò thịt. Xung quanh câu chuyện bò sữa có thể mở rộng nhiều hướng, tạo thêm công ăn việc làm, mang lại giá trị lợi nhuận cao hơn cho nông dân.

Đối với nuôi tôm ở Cần Giờ. Hiện mạnh ai nấy làm nên trước sau gì tôm cũng lây nhiễm bệnh. Vuông tôm chưa được tổ chức khoa học, vuông này thải nước ra thì vuông kia lấy nước vào, nếu có dịch, mầm bệnh lây lan rất nhanh. Tôi quan sát ở Thái Lan, việc làm cấu trúc hạ tầng cho những người nuôi tôm là chủ trương lớn của nhà vua Thái Lan. Nhà nước cấp tiền, các địa phương thiết kế hay nâng cấp kênh tưới, kênh tiêu cho nông dân. Ở Indonesia, họ vay tiền ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng từng khu nuôi tôm với hệ thống kênh mương thẳng tấp, theo từng khu vực, nguồn nước vào, ra. Riêng tại vùng Kalimantan, trong 5 năm trả hết nợ. Nhà nước làm hệ thống kênh mương, với quy chuẩn rõ ràng, không để nông dân tự đào đắp. Vùng Cần Giờ hoàn toàn có thể làm được như thế để việc chuyển đổi không chỉ hiệu quả mà quan trọng là ổn định hơn, giảm bớt nguy cơ.

Vai trò của doanh nghiệp

Nhìn rộng ra, đầu tư nông nghiệp bắt đầu từ vấn đề xóa nghèo, nhưng cũng phải qua nhiều giai đoạn. Để phát triển nông nghiệp phải gắn với thị trường, muốn vậy phải hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng, qua đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Muốn xóa nghèo bền vững phải đưa người nghèo nói riêng và nông dân nói chung vào chuỗi cung ứng để nâng cao giá trị nông sản và phải đào tạo, kể cả đào tạo lại để trở thành những nông dân chuyên nghiệp. Khi vào chuỗi, các DN cung cấp cho nông dân đầu vào như giống tốt, phân bón chất lượng, thuốc đạt tiêu chuẩn, có người hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, bảo đảm sản xuất theo đúng VietGAP. Nhờ đó, giá thành sản phẩm thấp, chất lượng cao giúp DN có được sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, thị trường chấp nhận. Lúc đó đồng ruộng là “vùng nguyên liệu” ổn định cho DN, và nông dân chú tâm vào sản xuất sao cho tốt nhất. Vấn đề là làm sao nhân rộng để có thêm nhiều nông dân cùng tham gia.

Thực tế cho thấy, giai đoạn hiện nay, vai trò của DN rất lớn. Nông dân ở “đáy giếng”, DN trên “miệng giếng”, nhất là những doanh nhân có đầu óc kinh doanh giỏi. DN giúp nông dân cũng chính là tự cứu mình. Nhờ đó sản xuất nông nghiệp phát triển, người dân thoát nghèo căn cơ hơn. Muốn vậy nhà nước hỗ trợ DN bằng các giải pháp. Nhà nước coi nông dân là “gà nòi”, thì cũng coi DN là “gà nòi”, chăm sóc sao cho hai con “gà nòi” đi chung với nhau để cùng chiến thắng. DN quy tụ nông dân làm ra sản phẩm giá thành hạ, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; hàng hóa phải bảo đảm, cung cấp đúng thời điểm, giá cạnh tranh. Lúc đó sản phẩm không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn cạnh tranh ra quốc tế, xuất ngược sang nước bạn khi thời điểm cộng đồng ASEAN, TPP hiệu lực. Nhưng để DN phát huy tính đầu tàu không thể thiếu vai trò nhà nước trong việc tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển, thông qua việc nhân rộng các mô hình liên kết nông dân với DN. Khi thế giới ngày càng hội nhập, phải biết khai thác thế mạnh.

Tự thân DN, nông dân, lãnh đạo cùng phải suy nghĩ, không thể mạnh ai nấy làm. Nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà.

CÔNG PHIÊN - LƯƠNG THIỆN ghi

Các tin mới:

5/11/2014
5/11/2014
5/11/2014
5/11/2014
5/11/2014
5/11/2014
5/11/2014
5/11/2014
5/11/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang