• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiêu thụ hàng hóa nông sản ở ĐBSCL: Giảm phụ thuộc, tránh rủi ro

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 14/10/2014
Ngày cập nhật: 17/10/2014

Thị trường “dễ tính” rủi ro càng cao

Đã có nhiều nông dân, DN ở ĐBSCL và cả nước chọn thương lái và DN Trung Quốc để giao thương. Nguyên nhân do đối tác không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Nhưng còn có nguyên nhân khác: sự hám lợi, cả tin của một bộ phận nông dân; sự “nhắm mắt làm liều” của một bộ phận DN... Dù là thị trường chủ yếu của nhiều loại nông sản hàng hóa ở ĐBSCL và cả nước, nhưng làm ăn với Trung Quốc đang phải trả giá cho kiểu làm ăn lợi bất cập hại này...

Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn

Theo Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công thương), trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn là thị trường dẫn đầu trong nhóm thị trường nhập khẩu của Việt Nam và có xu hướng tăng rõ rệt kể từ năm 2010. Trong vòng 3 năm, 2010 - 2013, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc luôn chiếm khoảng 25% - 28% tổng kim ngạch nhập khẩu, cao nhất và cao hơn hẳn các nước và thị trường nhập khẩu lớn khác của Việt Nam (gấp 2,5 lần Nhật Bản, gấp gần 2 lần của Hàn Quốc, cao hơn 20% so với thị trường ASEAN). Số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương, 8 tháng năm 2014, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng trên 15%. Cả năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này có thể đạt được mục tiêu đề ra là 15 tỉ USD... Cơ cấu hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc, chiếm tỷ lệ cao nhất 31% là hàng nông lâm thủy sản.

Thời gian qua, giá cả đầu ra nhãn tiêu da bò rất bấp bênh do xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Đóng gói nhãn tiêu da bò xuất khẩu tại một cơ sở kinh doanh nhãn ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Ngoài vai trò vựa lúa, với diện tích trồng cây ăn trái khoảng 300.000ha, chiếm khoảng 35% diện tích trồng cây ăn trái của cả nước, ĐBSCL cũng được xem là vựa trái cây của cả nước. Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, ngoài thị trường Trung Quốc là chủ yếu (chiếm trên dưới 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cây ăn trái), trái cây Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường khác, như: Hà Lan, Nga, Mỹ, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, ... Những trái cây chủ lực có lượng xuất khẩu lớn, thu về nhiều ngoại tệ có sự góp mặt của nhiều loại trái cây đặc sản vùng ĐBSCL, như: thanh long (chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu), dừa (chiếm 27,2% tổng kim ngạch), khóm (16% tổng kim ngạch), mít (3,5%), bưởi (1,6%), xoài (chiếm 1,5%), sơ ri (chiếm 1,1%)... Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả Miền Nam, cho rằng: “Trung Quốc là thị trường lớn, có nhu cầu rất cao, nhất là trái cây nhiệt đới. ĐBSCL hay cả nước xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc thường xuất khẩu tươi. Chất lượng, trình độ sản xuất trái cây, tạo ra sản phẩm trái cây của chúng ta chưa tốt; mẫu mã chưa đẹp nên ngoài thị trường Trung Quốc, DN khó xuất khẩu trái cây sang các nước tiên tiến, vốn có yêu cầu rất cao về chất lượng, mẫu mã hàng hóa nhập khẩu”.

Từ tháng 6 đến trung tuần tháng 8 năm 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh tại TP Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tiến hành khảo sát, đánh giá doanh thu và lợi nhuận 6 tháng của nhiều DN ở ĐBSCL thuộc các lĩnh vực nông sản, thủy sản, xây dựng và bất động sản, sản xuất, thương mại, dịch vụ… Cuộc khảo sát cũng đền cập đến vấn đề kinh tế ĐBSCL trong bối cảnh phụ thuộc, những vấn đề DN cần quan tâm. Kết quả có 23,2% DN khảo sát có quan hệ thương mại với Trung Quốc; trong đó gần 77% DN bắt đầu có mối quan hệ với quốc gia này từ năm 2010. Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Tổng thư ký Hội đồng Hiệp hội DN ĐBSCL, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Theo ý kiến của nhiều DN, giao thương với Trung Quốc có nhiều thuận lợi. Đó là: Đa số mua đứt bán đoạn, thanh toán nhanh chóng bằng tiền mặt tại chỗ. Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc rất cao, vì đây là thị trường đông dân nhất thế giới. Điều kiện và tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa xuất khẩu quan Trung Quốc không quá khắt khe nếu muốn nói là rất dễ… Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, hàng hóa xuất qua Trung Quốc, DN vận chuyển bằng đường bộ, tương đối thuận tiện. Còn các thị trường còn lại thì chúng ta rất khó khăn. Thí dụ, chúng ta đã có thể bảo quản hàng hóa được từ 4-6 tuần, có làm lạnh bảo quản sản phẩm nhưng trong quá trình vận chuyển bằng tàu đi biển qua nhiều khâu trung gian làm cho thời gian có thể bảo quản được bị rút ngắn, đối với việc vận chuyển qua máy bay tốn rất nhiều chi phí, khó cạnh tranh. Đây là một trong những nguyên nhân hàng hóa nông sản, đặc biệt rau quả của Việt Nam phần lớn chỉ tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhiều rủi ro, thiệt hại do đâu?

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam. Nhưng, theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, đa phần các mặt hàng đều xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là: giá cả hàng hóa không ổn định; khi gặp vấn đề thông quan ở biên giới, ngay lập tức hàng hóa nông sản sẽ bị kẹt lại, không bán được, thậm chí phải bỏ. Đặc biệt, tình trạng “gian thương” từ các thương lái, DN Trung Quốc từng lúc, từng nơi diễn biến khá phức tạp, gây nhiều phương hại cho DN, nông dân vùng ĐBSCL và cả nước.

Đến xã Hiệp Hưng, huyện Phụng hiệp, tỉnh Hậu Giang những ngày trung tuần tháng 9-2014, hỏi bất cứ người dân nào ở đây về cây sương sáo, chúng tôi đều nghe được câu cửa miệng: “Sắp bán đất đi Bình Dương rồi!” hoặc “Cả nhà sắp đi thành phố!”… Nguyên nhân là trồng cây sương sáo quá lỗ nên nông dân lâm cảnh nợ nần, phải lên Bình Dương hoặc TP Hồ Chí Minh tìm việc làm, kiếm tiền trả nợ. Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang từ lâu nổi danh về cây mía đường. Nhưng vài năm trở lại đây, cây mía đã không còn “ngọt” vì cứ vào đầu vụ, nông dân luôn thấp thỏm lo gặp phải mùa “mía đắng” vì thất giá. Nhiều người dân chọn cây sương sáo (bán cho thương lái để xuất qua Trung Quốc) để thay thế cây mía từ năm 2010. Nhưng từ đó đến nay, khi nhiều thương lái “ăn hàng”, diện tích trồng cây sương sáo “sốt” phát triển mạnh lấn át cây mía. Khi giá cây sương sáo “rẻ như bèo”, hàng loạt người lại chuyển sang trồng mía. Đặc biệt, đầu năm 2014 đến nay, tình hình tiêu thụ cây sương sáo chẳng mấy khả quan. Chị Đỗ Thị Liễu, ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Nhà tui trồng 3 công sương sáo, khoảng 800kg/công. Ở đầu vụ, thương lái thu mua 13.000 đồng/kg thì còn dễ thở. Nhưng, cuối vụ chỉ còn 8.000 – 9.000 đồng/kg. Với giá này dù cầm chắc lỗ nhưng không dễ bán. Nếu như trước đây, thương lái dập dìu tranh nhau “ăn” hàng thì nay người dân phải chạy đi tìm họ để bán”. Nhiều năm nay, tình trạng thương lái, hay DN nước ngoài, nhất là Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”, thậm chí là “lặn mất tăm” đã không còn là chuyện lạ. Đơn cử như đầu năm 2013, trong khi cá cơm bán cho các nhà thùng nước mắm ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang khoảng 6.000 – 7.000 đồng/kg thì nhiều thương lái Trung Quốc đi gom với giá 13.000 – 14.000 đồng/kg và đặt thu mua cá cơm sấy với giá cao. Hám lợi, nhiều người đã đầu tư tiền tỉ xây dựng các lò sấy nhưng sau đó các thương lái này “lặn mất tăm”. Nhiều chủ lò lâm vào cảnh vỡ nợ. Khoảng tháng 5, tháng 6-2014, thương lái Trung Quốc thu mua con banh lông với giá cao ngất ngưởng, trên 200.000 đồng/kg. Nhưng, giờ đây, thương lái hết mua con banh lông, không ít các ngư dân giờ lâm vào cảnh nợ nần khi chưa thu hồi được vốn do đầu tư ngư cụ. Tác hại lớn nhất là môi trường sinh thái tại đây đã bị ảnh hưởng do hậu quả đánh bắt con banh lông vì con banh lông sống sâu dưới bùn ở đáy biển, muốn bắt phải dùng cào bới, xới lòng biển.

Trước đó người đồng bằng lại ùn ùn đi bắt đỉa khô, ong bầu, đào rễ sim, hái lá điều, nuôi ốc bươu vàng… để bán cho thương lái, DN Trung Quốc. Nghe ra có vẻ “kỳ quặc” nhưng nhiều nông dân, kể cả DN ĐBSCL mắc lừa và phải chịu nhiều thiệt hại. Vấn đề này, Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội, TP Cần Thơ, cho rằng: Râu mèo, đuôi chuột, lá vải, nụ hoa thanh long… tham gia thị trường với số lượng lớn, theo “đặt hàng” của số ít người mua, chắc chắn là bất thường và ẩn chứa đằng sau là những toan tính “độc” (hại) khôn lường. Vì vậy, tất cả chúng ta, những người tiêu dùng và những người sản xuất bình thường không nên tham gia vào thị trường với những món hàng như vậy để không “vì hám lợi riêng trước mắt” mà vô tình – trực tiếp hay gián tiếp – làm lây lan những tác động nguy hại đến sản xuất lâu dài, đến thu nhập của bản thân, của nông dân và nền kinh tế địa phương hay cả vùng, cả nước. “Khi phát hiện những hiện tượng lạ và “độc” như vậy, người dân, kể cả DN nên báo ngay với chính quyền cơ sở để có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Để xảy ra tình trạng mua bán những món hàng “độc” gây hại như vậy ở địa phương là trách nhiệm của cả cộng đồng, nhưng trước hết là trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương” – Tiến sĩ Trần Thanh Bé nói. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: Tâm lý sản xuất của người dân chủ yếu là tự phát. Cây gì hay con gì đang hút hàng, được giá là ùn ùn sản xuất nên rất dễ rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Hệ lụy những câu chuyện đã qua nhắc nhở ngành chức năng tích cực hơn trong định hướng người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang tính bền vững.

Cuộc khảo sát mới đây của VCCI Cần Thơ cho kết quả có đến trên 90% trong tổng số DN khảo sát có giao thương với Trung Quốc không có thông tin chính thức về đối tác mình làm ăn. “Khi được hỏi: DN làm gì trước những thương vụ Trung Quốc “bẻ kèo”? Đa số DN không đưa ra được phương án hay giải pháp nào. Điều này cho thấy, phần lớn DN vẫn còn kinh doanh theo kiểu nhắm mắt làm…liều, bà Nguyễn Thị Thương Linh lo ngại. Chính làm ăn như vậy, khi thị trường biến động, nhiều DN nghiệp đã rơi vào cảnh “sống dở, chết dở”. Không chỉ vậy, việc một bộ phận DN làm ăn theo kiểu…liều còn ảnh hưởng đến những người sản xuất – mà trực tiếp là người nông dân.

Lệ thuộc vào một thị trường nhất định, cụ thể là thị trường Trung Quốc đã là bài học kinh nghiệm “đắt giá”. Chính vì thế, nhiều DN, địa phương vùng ĐBSCL đang nỗ lực tìm hướng đi mới cho hàng hóa nông sản.

Những câu chuyện quá lệ thuộc vào một thị trường nhất định để lại nhiều bài học “đắt giá” cho người dân, doanh nghiệp (DN) vùng ĐBSCL trong thời gian qua không phải là hiếm. DN Trung Quốc thu mua nông sản phi lý, hay chuyện rớt giá thê thảm của một loại nông sản khi thị trường xuất khẩu không “ăn hàng”… Hơn lúc nào hết, nông dân, DN và cả chính quyền địa phương vùng ĐBSCL phải chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình đa dạng hóa thị trường - xác định là khó nhưng cần để vùng ĐBSCL cũng như cả nước phải có những bước đi thật chắc, thật vững khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Nhóm PV Kinh tế

Các tin mới:

17/10/2014
17/10/2014
17/10/2014
17/10/2014
17/10/2014
17/10/2014
17/10/2014
17/10/2014
17/10/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang