• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những nông dân tỷ phú ở Lục Ngạn

Nguồn tin:  Báo Bắc Giang, 04/10/2014
Ngày cập nhật: 6/10/2014

“Hộ nông dân có mức thu nhập tiền tỷ mỗi năm à? Xã tôi có tới vài chục người”- Thông tin của ông Trần Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) kéo tôi về ngay vùng đất ấy.

Mô hình nuôi vịt trời kết hợp thả cá của gia đình anh Sáng, thôn Đoàn Kết.

Chủ trang trại vịt trời

Đang chuẩn bị cho chuyến hàng vào miền Nam, anh Nguyễn Văn Sáng, thôn Đoàn Kết ngừng tay khi chúng tôi đến. Khác với hình dung của tôi về ông chủ trại vịt, anh Sáng trông giống một trí thức hơn là nông dân, điện thoại cầm tay, mà tới hai điện thoại cảm ứng mới oách chứ. Trên đường ra dãy chuồng nuôi nhốt vịt, điện thoại của anh reo liên tục. Sau mỗi cuộc điện, anh lại quay sang bảo người giúp việc ghi chép lại. "Khách điện đặt hàng" - Anh Sáng cười vui nói với chúng tôi.

"Túc, túc, túc... Túc, túc, túc..." anh cất lên những nhịp như vậy khi đến gần đàn vịt. Những con vịt trời thấy người chỉ tản ra chứ không bay rào rào. "Lúc đầu chúng cũng nhát, nhưng bây giờ lại rất dạn. Anh Sáng thuần hóa tài lắm"- Trần Văn Dũng, cán bộ thú y xã nói.

Nhìn một dải bạt ngàn vịt, tôi hỏi anh Sáng: Có đến 7 nghìn con không? "Gấp đôi thế chú ạ"- Anh Sáng cho biết. Nghĩa là 1,4 vạn con, tôi kinh ngạc. "Dịp này còn ít đấy, có thời kỳ tôi nuôi tới 1,6 vạn con, kín một góc hồ"- Anh Sáng cho biết thêm. "Thế mà không đủ cung cấp cho thị trường đâu. Khách hàng không chỉ ở Bắc Giang mà còn ở các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... đặt mua"- Anh Sáng nói khi tôi hỏi về việc tiêu thụ.

Theo lời anh Dũng, vịt trời của gia đình anh Sáng nuôi bảo đảm độ sạch, thịt thơm, hàm lượng dinh dưỡng cao. Dù khách đặt hàng nhiều, song vịt phải được hơn 4 tháng tuổi anh mới xuất bán. Giá bình quân 170-180 nghìn đồng/con, thấp hơn một số nơi từ 50-70 nghìn đồng, nên khách hàng ngày một đông. “Tôi đang có ý định vươn vào thị trường miền Nam. Nếu phát triển được thì thuận lợi vô cùng vì miền Nam đầm hồ nhiều hơn ngoài Bắc"- Anh Sáng hồ hởi với dự định mới của mình.

Đáng chú ý, gia đình anh thực hiện quy trình chăn nuôi vịt trời khép kín: Nuôi vịt bố mẹ để lấy trứng, đầu tư hệ thống ấp nở vịt con, nuôi đến khi xuất bán. Tất cả công việc anh đều tự học và làm. Tỷ lệ trứng nở đạt tới hơn 70%.

Cùng với nuôi vịt trời, hơn 20 ha mặt nước được anh nuôi cá, chủ yếu là trắm và chép, mỗi năm thu tới 250 tấn. Không chỉ chọn giống tốt, bao giờ anh cũng nuôi cá đạt từ 2,5-4 kg mới xuất bán nên tiêu thụ thuận lợi, được giá. Chỉ tính hai nguồn thu từ vịt trời và cá, mỗi năm lãi dòng hơn 2 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi, điều anh băn khoăn nhất hiện nay là gì? Anh Sáng cho biết, đó là thời gian thuê hồ. Nếu chỉ cho thuê 5 - 10 năm thì người nhận thầu sẽ rất khó để đầu tư lớn.

Giàu lên từ cây ăn quả

Khác với gia đình anh Sáng khai thác mặt hồ nuôi thủy cầm, vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Chính - Phạm Thị Quý, thôn Nhất Thành khai thác đất đồi để trồng cây ăn quả.

Chị Quý mở đầu câu chuyện: "Năm 1995, khi gia đình tôi quyết định đổi đất lúa để lấy đất đồi, mọi người khuyên can, bỏ đất ruộng lấy đồi thì thóc gạo đâu mà ăn. Nhưng chúng tôi nghĩ khác, trồng hay thâm canh cây gì cũng cần phải tập trung vào một mối, còn rải mành mành thì hiệu quả sẽ không cao. Tôi đổi đất vườn và đầu tư trồng vải thiều, thế mà được ăn lắm. Tiền thu từ vải thiều mỗi năm đủ mua hơn chục tấn thóc. Dân làng khi ấy mới trầm trồ: Mấy đứa này trẻ người mà giỏi giang quá. Vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau cười.

Còn lần hai vào năm 2007, khi vợ chồng tôi chặt vải thiều để trồng cam Đường Canh, một số người chân tình bảo: "Vải thiều đang độ ra quả, mỗi năm thu 20-30 tấn mà lại chặt đi. Cây cam thì chưa biết thế nào, nếu bị bệnh còn mất cả chì lẫn chài". Nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm làm. Chúng tôi chia vườn làm đôi, năm đầu trồng nửa diện tích, năm sau chuyển số còn lại. Do trồng bằng cây to (đã gieo ươm) nên sau hai năm đã cho quả.

Từ làm vườn, gia đình anh Chính, chị Quý, thôn Nhất Thành xây được nhà khang trang.

Năm đầu thu hoạch, cây nhỏ, sản lượng thấp, thu nhập ít chỉ đủ mức chi phí đầu tư. Năm thứ hai sản lượng tăng hơn, năm ba lại tăng hơn nữa. Cứ thế cây cam càng lớn, thu nhập càng tăng. "Năm 2011, bán xong vụ cam, gia đình tôi thu được 2,3 tỷ đồng, vợ chồng mừng đến ứa nước mắt". Hai năm tiếp theo 2012, 2013, gia đình chị đều trúng đậm với mức thu khoảng 2 tỷ đồng. Năm nay, tuy chưa thu hoạch, nhưng cả 4 mẫu cam đều trĩu quả, hứa hẹn một mùa bội thu nữa.

Có tiền, gia đình anh Chính đầu tư chuyển đổi thêm 20 mẫu đất tại khu Trại Bắc 2 (cùng xã) tiếp tục trồng cam và nhãn. Hiện cam và nhãn đã được 3 năm, nhưng gia đình anh chưa lấy quả. "Sang năm tôi mới thu hoạch để cây đủ "sức" cho quả những năm tiếp theo. Bây giờ có lực rồi, không "ăn xổi" như ngày trước nữa" - Trên đường dẫn chúng tôi thăm vườn cam, chị Quý chia sẻ như vậy.

Giữ chữ tín trong kinh doanh

Không vườn trồng cây, không hồ thả cá, nhưng vợ chồng anh chị Bùi Đức Định - Đỗ Thị Xuân, thôn Phúc Thành cũng có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. "Ai trồng cây mà chẳng cần phân bón; ai chăn nuôi lại không cần đến thức ăn; ai xây nhà lại không cần sắt thép, xi măng, ... thế là gia đình tôi làm đại lý phục vụ" - Vừa rót nước, chị Xuân vừa nói với khách như vậy.

Đại lý kinh doanh tổng hợp của gia đình chị Đỗ Thị Xuân được nhiều khách hàng tìm đến.

Lúc đầu kinh doanh cũng khó khăn nên anh chị xác định phải kiên trì và lấy chữ tín làm trọng. Gia đình chị đã chọn nơi cung cấp có uy tín, để lấy hàng, vì thế sản phẩm bán ra bao giờ cũng bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý. "Có lẽ chính điều đó mà khách hàng tìm đến cửa hàng đông, sản phẩm tiêu thụ ngày càng nhiều"- Sau khi giao hàng cho khách, chị Xuân phấn khởi cho biết.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND xã Quý Sơn Trần Văn Sáng, gia đình chị Đỗ Thị Xuân là một trong những hộ nông dân tiêu biểu trong hoạt động kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, gia đình chị Xuân đã bán hơn 100 tấn phân bón, gần 100 tấn thức ăn chăn nuôi và gần 200 tấn vật liệu xây dựng.

Ba gia đình nông dân tỷ phú tuy hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có điểm chung là dám nghĩ, dám làm, biết khai thác lợi thế của địa phương, thế mạnh của gia đình làm giàu chính đáng. Họ đã chứng minh được rằng nếu biết cách làm, nông dân sẽ trở thành tỷ phú.

Thanh Hải - Quang Huấn

Các tin mới:

6/10/2014
6/10/2014
6/10/2014
6/10/2014
6/10/2014
6/10/2014
6/10/2014
6/10/2014
6/10/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang