• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Để “tam nông” phát triển bền vững

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp, 24/09/2014
Ngày cập nhật: 25/9/2014

Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nông sản đạt được những thành tựu nổi bật, được thế giới biết đến. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn đang đứng trước những thách thức. Do đó, đến lúc cần xác định những vấn đề trọng tâm để phát triển bền vững “tam nông” theo hướng đầu tư đúng mức và dài hạn.

Nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp

Hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp

Giáo sư Tiến sĩ (GS-TS) Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nhận định, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang sản xuất tự phát như thời kỳ lạc hậu, tình trạng thiếu tổ chức, mạnh ai nấy lo, mù tịt về thị trường đã đẩy nông dân sản xuất theo phong trào, muốn trồng cây gì là trồng, chặt là chặt. Nông dân sản xuất mà không biết chắc chắn ai sẽ mua, thương lái thì hay ép giá nông dân trong khi doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu, phụ thuộc vào thương lái, Nhà nước thì không tổ chức được chuỗi giá trị... Vì vậy mà nông dân Việt Nam vẫn đang luẩn quẩn với cái nghèo, với điệp khúc sản xuất không đủ xài, lợi tức thấp nên không thể tiết kiệm để có thể tái đầu tư, thoát nghèo...

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, để nông nghiệp phát triển bền vững cần những doanh nhân có tài kinh doanh để tổ chức sản xuất được các mặt hàng nông lâm thủy hải sản theo hướng chuỗi giá trị và công nghiệp hóa. Cần có nhiều doanh nhân giỏi ngoại ngữ, có kinh nghiệm thị trường quốc tế, chuyên đi các nơi trên thế giới để tìm thị trường hoặc mở thị trường.

Về mặt tổ chức sản xuất, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có chính sách khuyến khích bà con nông dân liên kết, hình thành những hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất, đáp ứng đơn đặt hàng của doanh nghiệp theo quy trình GAP. “Nhưng muốn tạo được sản phẩm đạt chất lượng tốt cần phải có những thiết bị công nghệ sau thu hoạch hiện đại hỗ trợ, do đó ngoài tìm kiếm thị trường, hợp tác liên kết với nông dân, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ sau thu hoạch...” - ông Nguyễn Thể Hà, chuyên viên tư vấn và đầu tư Công ty TNHH cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ nói.

Tuy nhiên, theo GS-TS Võ Tòng Xuân, để hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng, hướng đến tận dụng triệt để sản phẩm từ cây lúa, nhất thiết phải hình thành khu công nghiệp lúa gạo. Theo ông Xuân, qua mô hình khu công nghiệp lúa gạo sẽ tận dụng triệt để các sản phẩm từ cây lúa như: lúa, rơm rạ, trấu, cám... Từ đó giá trị gia tăng được tạo ra từ cây lúa rất lớn, chẳng những giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp, nông dân mà còn tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Tương tự như trên, có thể áp dụng đối với ngành sản xuất cây ăn trái, chế biến thủy sản...

Tạo thương hiệu gạo Việt Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, ngoài việc thiếu tổ chức sản xuất, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp yếu kém, thiếu quản trị chất lượng trong chuỗi giá trị... thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông dân có thu nhập thấp còn do thiếu thương hiệu. Do đó phải xem vấn đề tạo mối liên hệ chặt chẽ với nông dân, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu là những vấn đề cốt lõi, mang tính vĩ mô của nền kinh tế khi vẫn còn dựa vào thế mạnh nông nghiệp.

Theo TS Đào Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, do thời gian qua giá nông sản giảm thấp, nông dân không tăng thu nhập từ cây lúa nên mất động lực sản xuất. Do đó, khâu nhãn hiệu và thương hiệu gạo Việt Nam khá quan trọng, phải tạo thương hiệu như phần hồn, nhãn hiệu là phần xác và được bảo hộ chính thức ở các thị trường chính. Ngoài ra, cũng cần tái cơ cấu chuỗi giá trị lúa gạo, xác định mục tiêu khoảng 25% gạo chất lượng cao, giảm gạo chất lượng thấp, nghiên cứu thị trường tiềm năng cho gạo đặc sản Việt Nam, quy hoạch vùng trồng phù hợp cho các giống chất lượng, giảm sử dụng hóa chất và phân hóa học...

Đồng tình với ý kiến này, bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc dự án Nosavina, Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, yếu tố quan trọng trước nhất là phải ổn định chất lượng gạo, sau đó là xây dựng các kênh phân phối, kênh tạo thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đi đến thành công cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong dỡ bỏ các rào cản về thương mại, kỹ thuật, giới thiệu doanh nghiệp với đối tác nước ngoài để rút ngắn các khó khăn ban đầu khi vươn mình ra biển lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đoàn kết lại và xây dựng một hệ thống phân phối chung để tạo lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả chi phí và ngày càng tạo giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt.

Thảo Vy

Các tin mới:

25/9/2014
25/9/2014
25/9/2014
25/9/2014
25/9/2014
25/9/2014
25/9/2014
25/9/2014
25/9/2014

 

Các tin năm 2014: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56

Các tin cũ: năm 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang